Cô gái livestream trên TikTok hút 10.000 người xem, chốt 800 triệu tiền hàng
Trào nước mắt khi biết mình là đại diện Việt Nam duy nhất được TikTok vinh danh tại Đông Nam Á, TikToker Trần Phương Dung nhớ thời gian đầu livestream nói khàn cả giọng chỉ có 5 người xem… cho đến phiên vạn người xem.
Trở về sau khi tham dự Diễn đàn tác động Đông Nam Á do TikTok tổ chức ở Jakarta (Indonesia) giữa tháng 6 vừa qua, CEO Ba Thức Food Trần Phương Dung lại cùng chồng di chuyển đến Đồng Tháp. Chuyến đi này kéo dài 2 ngày để tập huấn cho bà con nông dân livestream (phát trực tiếp) bán nông sản, đặc sản của mình trên nền tảng TikTok Shop.
“Ba mẹ muốn em làm văn phòng, em lại ghét những con số”
Sinh năm 1993, Trần Phương Dung đi làm được hơn 10 năm nay, cũng đổi qua rất nhiều công việc. Một năm trở lại đây, cô tham gia bán hàng trên TikTok. Đây không phải là công việc ba mẹ mong muốn Dung làm, song không còn la mắng cô như trước.
Dung tâm sự, mình sinh ra và lớn lên trên đại ngàn Tây Nguyên với những vườn đồi cà phê, cánh đồng cỏ xanh bát ngát, những đàn bò rong ruổi khắp nơi gặm cỏ… Nơi đây, mùa mưa thường nóng ẩm, có ngày mưa kéo dài liên miên, cả rừng núi phủ một bức màn nước trắng xóa. Mùa khô trời nắng gắt, đất đỏ bazan khô vụn bở, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Trước khi làm TikTok, Trần Phương Dung đã có nhiều lần khởi nghiệp nhưng thất bại. Ảnh: NVCC
Quen với hình ảnh người nông dân vất vả nắng mưa, ngay từ nhỏ, Dung đã được ba mẹ cho ăn học, mong sau này con có một công việc văn phòng ổn định, cuộc sống an yên.
Bản thân Dung rất thích marketing, nhưng thời đó thịnh hành học kế toán, ngân hàng. Cô chọn học tài chính theo định hướng của ba mẹ. Ra trường xin về làm tại một ngân hàng ở TP.HCM với mức lương ổn định song Dung thấy nhàm chán vì công việc suốt ngày ngồi một chỗ.
Cô cũng đặc biệt ghét công việc với quá nhiều con số.
Làm một thời gian, Dung quyết định nghỉ, xin đi bán vật liệu xây dựng cao cấp cho doanh nghiệp. Bởi, cô thích chinh phục những mục tiêu mới, muốn vượt qua chính mình.
“Em giấu nên ba mẹ không biết”, Dung kể. Những tháng đầu tiên không bán được hàng, Dung chỉ nhận được 4 triệu đồng tiền lương. Sau đó tốt dần lên, cô trở thành một trong những nhân viên có doanh số bán hàng top đầu ở công ty. Khi quen bạn trai (anh Phan Minh Thức – chồng Dung bây giờ), cô quyết định nghỉ việc, chuyển qua kinh doanh son môi.
Phương Dung cùng chồng với kênh TikTok Ba Thức Food vừa được vinh danh tại Indonesia. Ảnh: Hiền Anh
Dung hào hứng đến mức dốc hết số tiền tích cóp, vay thêm mẹ để đặt gia công 1.000 cây son. Cuối cùng cô chỉ bán được hơn 400 cây son, còn lại đem tặng bạn bè.
Không nản chí, cô cùng bạn trai quyết định kinh doanh các mặt hàng thảo mộc dùng để gội đầu, ngâm chân như các bà, các mẹ ở quê vẫn lấy bồ kết, sả… để nấu nước gội đầu. Công việc làm ăn khá tốt, thậm chí Dung còn xuất được hàng sang Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Năm 2020, Dung và anh Thức kết hôn. Vừa tổ chức xong lễ cưới thì dịch Covid-19 xuất hiện và lan nhanh ra toàn cầu. Nguồn khách bị đứt, hàng hoá của Dung lại ế.
Một thời gian sau khi có con nhỏ, Dung một lần nữa khởi nghiệp bán quần áo trẻ em. Bấy giờ cô nghĩ, bán ế con sẵn mặc, không sao cả. Kết quả ế thật. Đến giờ vẫn còn tồn lượng quần áo để trong kho.
Video đang HOT
Một lần về Gia Lai, Dung nhận ra quê hương có rất nhiều món đặc sản, đặc biệt là khô bò. Cô nghĩ, các cô, dì trong gia đình cũng có cơ sở làm khô bò, vậy sao không kinh doanh mặt hàng này. Thế là, vợ chồng Dung lần nữa khởi nghiệp với món khô bò và Ba Thức Food ra đời.
Khô bò được bán trên nền tảng Facebook, Shopee. Đơn hàng ổn định.
Mê TikTok ngày livestream 6 tiếng, nói khàn cả giọng
Một ngày, Dung tình cờ đọc được bài báo viết về người đàn ông Trung Quốc livestream trên TikTok bán son môi, chốt mấy triệu USD tiền hàng. Tò mò, cô tìm tới TikTok, xem được buổi live bán máy giặt.
“Em rất ngạc nhiên, nghĩ mặt hàng giá trị cao như máy giặt còn bán được qua livestream, sao mình không làm vậy để bán khô bò”, Dung nhẩm tính.
CEO 9X Trần Phương Dung bắt đầu mò mẫm tập quay những video về khô bò đăng lên kênh TikTok của mình. Nhưng cô làm hoài không có ai xem, không có ai mua hàng.
Chán làm video, cô lại chuyển qua livestream bán hàng. Mỗi ngày Dung phát trực tiếp vài tiếng đồng hồ, nói khàn cả giọng mà chỉ có 5 người xem, vẫn không ai mua hàng. Miệt mài live đến ngày thứ 12, Dung chốt được 20 triệu đồng khách đặt mua khô bò.
Dung giới thiệu cho bạn bè quốc tế về các món đặc sản, nông sản của Việt Nam. Ảnh: Hiền Anh
“Một hôm, em cầm điện thoại livestream ở ngoài vườn thấy quá nhiều người xem, rồi họ mua hàng. Bữa livestream đó chốt được hơn 200 đơn, gấp 10 lần lượng đơn bán trên Facebook”, Dung bộc bạch. Song, từ ngày đầu tiên làm video TikTok đến phiên phát trực tiếp thành công ấy, cô mất 2 tháng ròng kiên trì.
Sau lần đó, Dung dần rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Cô live bán hàng một cách tự nhiên nhất, kể câu chuyện chân thực nhất về quê hương, về những đàn bò trên Tây Nguyên, về quá trình làm ra sản phẩm… để người xem hiểu được tấm chân tình của người sản xuất.
Cứ như vậy, cô chăm chỉ livestream. Trước một ngày chỉ live một lần, khi bán được hàng, Dung ham mê làm sáng, tối. Một ngày live tới 6 tiếng đồng hồ.
Hậu quả, Dung bị sưng họng, chảy máu, mất luôn tiếng nên phải đi bệnh viện. Bác sĩ khám xong khuyến cáo cô không được nói trong vòng 1 tháng. “Lúc đó mình tiếc lắm vì đang livestream chốt được nhiều đơn. Giờ không nói được cảm thấy rất vô dụng. Vì mình mà chuỗi khô bò đang vận hành trôi chảy phải tạm dừng”, Dung nhớ lại.
Một tháng sau, họng đã khỏi nhưng Dung chỉ dám live ngày 3 tiếng vào buổi chiều. Bây giờ cô lên sóng ít hơn vì bận đi hỗ trợ bà con nông dân.
Khi được hỏi lý do trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được TikTok vinh danh ở khu vực Đông Nam Á vừa qua, Dung chia sẻ, một phiên livestream của cô có lượng người xem nhiều nhất khoảng 1 vạn, chốt 800 triệu tiền hàng. So với những phiên live chốt cả 10 tỷ tiền hàng của những TikToker khác, kênh của cô “không là gì cả”. Đến thời điểm hiện tại, kênh Ba Thức Food cũng mới chạm mốc 400.000 lượt theo dõi trên TikTok.
Theo Dung, ở Việt Nam có rất nhiều đặc sản ngon nhưng chưa được quảng bá rộng. Ảnh: Hiền Anh
Thậm chí, khi nhận được thư mời sang Indonesia tham dự Diễn đàn tác động Đông Nam Á do TikTok tổ chức, vợ chồng Dung đều nghĩ “chắc mình nằm trong số nhiều người ở Việt Nam được mời sang vinh danh”. Cho đến khi CEO TikTok Chou Zi Chew gọi tên và giới thiệu về kênh Ba Thức Food, cô đứng giữa hội trường oà khóc vì bất ngờ. Lúc đó Dung mới biết mình là đại diện Việt Nam duy nhất được vinh danh tại đây.
“Không hẳn vì doanh số bán hàng. Có lẽ những điều tụi em đang làm mang ý nghĩa cộng đồng nên được ghi nhận”, Dung chia sẻ.
Đưa nông dân lên livestream
Dung cho biết, bản thân được đi đến rất nhiều vùng miền, ở nơi nào của Việt Nam cũng có các đặc sản, nông sản ngon. Rất nhiều loại được xuất khẩu ra nước ngoài, song người tiêu dùng ở trong nước không biết đến. Với cô, đây có lẽ là điều đáng tiếc, là thiệt thòi lớn với bà con nông dân.
Thế nên, sau một thời gian tham gia nền tảng TikTok, tháng 9 năm ngoái Dung cùng chồng về Gia Lai dự hội nghị xúc tiến thương mại, bắt đầu dạy bà con nông dân livestream bán hàng trên nền tảng này.
CEO 9X Trần Phương Dung đang chia sẻ kinh nghiệm livestream bán hàng tại Huế. Ảnh: NVCC
“Tụi em muốn đưa người nông dân lên livestream, để họ tự kể về hành trình tạo ra từng sản phẩm, để người xem hiểu về vùng đất đó, con người đó, văn hoá nơi đó”, Dung nói. Theo cô, đây là cách bán hàng bằng cảm xúc mà bản thân mình đã trải qua, nay chia sẻ lại cho người nông dân ở các vùng miền cùng làm.
Dung nhớ lại lần tới làng gốm Bát Tràng ở Hà Nội. Đi qua các tầng trưng bày, cô thấy sản phẩm đa dạng, đẹp mắt. Lên đến tầng trên cùng, Dung được cô Vinh – chủ lò gốm kể về hành trình lịch sử cả ngàn năm để có được những sản phẩm gốm sứ như hôm nay.
Cô Vinh còn nói: “Câu chuyện là linh hồn của sản phẩm. Nếu một sản phẩm nào không có câu chuyện thì rất khó định giá đúng được. Trong khi một sản phẩm gốm ở Việt Nam có thể mua 20.000-30.000 đồng, nhưng qua nước ngoài bán 100 USD. Bởi, người nước ngoài nghe được câu chuyện về gốm sứ của nước ta, họ mê và mua giá cao”.
Lúc trở xuống, Dung cầm chén gốm sứ trên tay, cảm thấy lòng tự hào dân tộc trào dâng vì hiểu được câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm này.
Đây cũng là lý do, khi dạy người nông dân livestream, cô luôn định hướng cho họ thay vì chỉ giới thiệu bán sản phẩm đơn thuần, giờ hãy bán cảm xúc thông qua các câu chuyện. Đến nay, Dung cùng chồng đã đi rất nhiều tỉnh, từ Gia Lai ra Huế, tới Hà Nội, lên Lai Châu, Bắc Kạn, rồi lại vòng về Nghệ An… và mới đây là Đồng Tháp.
Các bác nông dân rất ham học hỏi, có hôm miệt mài học đến 17h vẫn chưa muốn nghỉ. Nhiều nông dân chốt được đơn hàng ngay ở buổi học đầu tiên. Mặc dù không giỏi về máy tính hay điện thoại trên các nền tảng, nhưng bà con vẫn hăng hái học và hỏi cho tới khi “chìa khoá trao tay mới thôi”. Đây là những gì Dung cảm nhận được qua những buổi đứng lớp.
Dung mong muốn người nông dân cũng lên livestream để tự bán hàng, quảng bá sản phẩm mà mình làm ra. Ảnh: NVCC
Sau mỗi lớp tập huấn ở các tỉnh cho nông dân live, Dung lại lập một nhóm trò chuyện để mọi người thuận tiện trao đổi thông tin. Các buổi tập huấn này Dung đều chia sẻ miễn phí và các bác nông dân có thể vui vẻ đóng góp vào quỹ cộng đồng “cùng em tới trường” của cô bằng những bộ sách giáo khoa hay dụng cụ học tập cho những chuyến về bản của mình.
Thấy vợ chồng cô làm vậy, một số người còn nói “rảnh quá hay sao mà cứ đi dạy hoài, không mệt à”, rồi hỏi “có bán khoá học hay không? Đi như vậy có được tiền không?”.
Với nhiều người, dạy một khoá livestream bán hàng có thể lấy học phí từ 10-20 triệu đồng/học viên. Nhưng vợ chồng Dung không làm vậy. Cả cô và chồng đều muốn giúp người nông dân có thể bán được sản phẩm của mình làm ra, giúp bà con mở ra một kênh mới tiêu thụ và quảng bá hình ảnh mới thay vì chỉ trông chờ thương lái. Do đó, mỗi tháng vợ chồng cô đều dành ra vài ngày để hỗ trợ người nông dân live.
“Tụi em xác định làm từ trái tim đến trái tim. Bà con làm được, tụi em cũng vui. Đây cũng là nguồn năng lượng tích cực giúp ích rất lớn cho em trong quá trình bán sản phẩm của mình. Bởi, khi livestream cảm xúc phải vui vẻ thì người xem cũng vui vẻ mua hàng”, Dung tiết lộ.
Dung cùng chồng đang trong quá trình xây dựng học viện livestream. Ngoài việc dạy miễn phí cho bà con nông dân, ở đây sẽ tập hợp các bạn trẻ. Đây sẽ là đầu mối kết nối để người “biết nói” gặp được người nông dân có hàng tốt cần tiêu thụ. Từ đó tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam.
Teen kể chuyện "khởi nghiệp" với... móc len
Bạn Thanh Trúc (lớp 10 trường THPT Trần Phú) chia sẻ câu chuyện về hành trình "khởi nghiệp" của nhóm 4 bạn yêu thích móc len.
Một ngày, đi học thấy Ngọc Hân - bạn tui đang ngồi móc len. Tò mò nên tui và hai cô bạn chơi chung nhóm là Trịnh Trang, Gia Minh ngồi coi, thấy cũng hay hay. Máu tò mò trỗi dậy, tụi tui cũng muốn học móc len. Và người "cầm tay chỉ việc" là "mentor" Ngọc Hân.
Móc được một, hai ngày thì tụi tui bàn với nhau: "Ê bây, Tết móc cái mũ Cat Beanie hông. Tao thấy cũng dễ thương". Chốt kèo!
Từ trái sang: Thanh Trúc, Nguyên Trang, Ngọc Hân, Gia Minh. Ảnh: NVCC
Hì hục mấy bữa nghỉ, bốn cái mũ cũng móc xong. Mà cũng chưa được đẹp, nên tụi tui móc thêm nhiều món khác như thú bông, hoa tulip... móc riết cái ghiền luôn. Mỗi lần ra chơi là mỗi đứa cầm cây kim với cuộn len chụm lại một góc.
Dạo hồi cuối tháng hai, tui lướt Tiktok thấy toàn mấy clip người ta móc len cho khách, cái tự nhiên tui nghĩ: Hay mình cũng móc bán đi, mà móc dịp gì ta? À, 8/3 sắp tới, chắc lên rủ tụi nó làm chung.
Len - nguyên liệu không thể thiếu của tụi mình. Ảnh: NVCC
Hôm sau đi học, tui kêu ba đứa lại, hỏi: "Ê, hông ấy mình khởi nghiệp đi. Móc hoa bán ngày 8/3.""Tao thấy được đó, làm đi" - Nguyên Trang nói.
Thành quả của tụi mình nè.
Xong hai đứa kia cũng đồng loạt đồng ý. Tụi tui đặt tên shop là "Động Len". Bốn đứa ngồi bàn bạc móc hoa gì, mua len gì, mua ở đâu. Coi vậy chứ bàn lâu, mấy ngày mới chốt được.
Sau đó tui với Ngọc Hân phụ trách mua len, ở quận 3, tại vì thời gian cũng gấp, với cũng muốn tự tay lựa len, lựa màu. Mà nhà tui ở vùng ngoại thành nên vừa đi vừa tra Google map cỡ gần một tiếng mới tới nơi. Trời nắng như đổ lửa, mà hai đứa vẫn chạy bon bon đi kiếm để mua về.
Mua xong thì chia ra móc, đứa này móc hoa này, đứa kia hoa khác... Mà lần đầu mà, chỉ móc mấy bông sẵn để đăng bài, với sợ hổng ai mua nữa. Tui phụ trách đăng bài, ban đầu chưa ai mua hết, nên cũng sợ sợ. Lên lớp, tui bắt đầu công cuộc PR "Ê mua bông tặng má 8/3 hông" "Mua bông tặng bồ 8/3 hông, rẻ lắm. Một người mua nhiều người vui".
Sau đó, tụi tui cũng có những đơn hàng đầu tiên, từ bạn bè trong lớp, ngoài lớp, ngoài trường... Thấy đơn, ai cũng vui hết, nhưng mà tụi tui phải đối mặt với một vấn đề: Nhiều đơn quá móc không kịp và thiếu len.
Bốn đứa bù đầu bù cổ ngồi móc, mà đợt đó cũng nhiều bài kiểm tra, tụi tui phải đảm bảo bài vở nữa nên mắt đứa nào đứa đó thâm như con gấu trúc. Thiếu len màu thì tụi tui hỏi khách lấy đỡ màu khác được không, trộm vía là khách cũng dễ tính.
Khó nhất là lúc gói bông. Lần đầu mà, tụi tui mua giấy craft gói - cái giấy mà khó gói nhất. Thất bại trên dưới chục lần, cuối cùng cũng gói được một bó ra hồn. Rồi những bó khác cũng trên cái đà đó mà hoàn chỉnh hơn. Nhớ nhất là buổi cuối cùng, bốn đứa ra quán cà phê ngồi gói từ 1 giờ chiều tới 7 giờ tối, năng suất lắm luôn.
Hoa len.
Sau ngày 8/3 thì cũng hết bông mà bất ngờ hơn là có nhiều khách hỏi mua thêm. Tụi tui cũng có nhận, nhưng tầm một tuần sau thì đóng, ngưng làm việc để tập trung cho việc học.
Khổ cái là đứa nào cũng ghiền móc hết, cứ mong tới hè để hoạt động lại shop. Cuối cùng thì ngày này cũng đã tới, mấy bữa gần nghỉ hè, tụi tui đã lên kế hoạch mở lại Động Len. Đương nhiên là lần này sẽ chỉn chu hơn, hoàn thiện hơn.
Lần đầu khởi nghiệp, cũng có những khó khăn, thử thách đến làm bốn đứa nản ơi là nản. Tụi tui cũng dần hiểu được giá trị của đồng tiền, vì kiếm tiền không hề dễ, nên mình phải biết quý trọng mồ hôi công sức của ba mẹ và người lao động nữa.
Sau tất cả, cũng cảm ơn bốn đứa vì đã kiến trì đến cuối cùng, cùng bên nhau trong những lúc khó khăn nhất. Tui nghĩ là, mai này, cho dù tụi tui làm gì, thành công ra sao, nhưng cả bốn đứa đều luôn nhớ đến Động len - lần đầu tiên dám nghĩ, dám làm của thời thiếu niên.
Hé lộ tỷ phú đô la gốc Huế thuộc top giàu nhất Việt Nam, bất ngờ vì có điểm chung với Phạm Nhật Vượng Ông Hồ Hùng Anh nhiều năm liền góp mặt trong top những tỷ phú sở hữu khối tài sản khổng lồ tại Việt Nam. Ông từng có cách khởi nghiệp giống hệt tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Là một trong những tỷ phú nổi tiếng tại Việt Nam, danh tính ông Hồ Hùng Anh hẳn không còn xa lạ với nhiều người. Nhiều...