Cô gái khuyết tật vượt khó bằng tình yêu thương
Là một người khuyết tật vận động nhưng Nguyễn Thị Thanh Thiện đã vượt qua mọi mặc cảm về bản thân để vươn lên trong cuộc sống.
Cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thanh Thiện là khách mời của chương trình “ Trạm yêu thương” số 34. Ảnh: VTV
Thanh Thiện không chỉ giành được học bổng của Chính phủ Australia mà còn được bang South Australia trao giải thưởng Sinh viên Quốc tế trong hạng mục “Gắn kết cộng đồng”. Với cô gái khuyết tật, khiếm khuyết của bản thân chính là một món quà khiến mình mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
Mỗi khách mời đến với chương trình “Trạm yêu thương” đều từng mang trong mình một mặc cảm về bản thân, Nguyễn Thị Thanh Thiện sinh năm 1989 tại Quảng Bình cũng không phải là ngoại lệ. Sinh ra với một đôi tay không bình thường, càng lớn lên, cô gái 8X càng nhận thấy sự khác biệt giữa mình với các bạn cùng trang lứa. Nỗi mặc cảm ấy càng rõ rệt và nhân lên khi Thanh Thiện đủ tuổi đến trường.
Nguyễn Thị Thanh Thiện tự tin khi đứng trên sân khấu của “Trạm yêu thương”. Ảnh: VTV
Thầy cô khuyên Thanh Thiện nên vào học trường khuyết tật để có môi trường học tập tốt nhất, thế nhưng ngay từ nhỏ, cô bé đã mong muốn được học và phấn đấu như những người bạn bình thường của mình.
Năm lên 7 tuổi, Thanh Thiện được nhận vào tiểu học, với điều kiện trong 4 tuần học thử, nếu không đạt thì sẽ không được đi học nữa. “Khi đó mình dồn sức lực để tập viết cả ngày lẫn đêm, khi các bạn nghỉ thì mình tranh thủ ngồi học. Mình phải cố gắng nhiều hơn các bạn để chứng minh với mọi người rằng, mình có thể làm được” – Thanh Thiện nhớ lại. Và sự nỗ lực ấy đã được đền đáp, sau 4 tuần, Thanh Thiện được nhận vào học và bắt đầu những tháng ngày vươn lên không ngừng nghỉ.
Năm 2008, Thanh Thiện thi đỗ Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng chuyên ngành Sư phạm. Khi được hỏi vì sao lựa chọn ngành học này, cô gái trẻ thành thật cho biết: “Khi mình đi học, biết gia đình khó khăn nên nhiều thầy cô không nhận tiền học phí. Chính vì vậy, mình muốn trở thành cô giáo. Lúc ấy mình chỉ nghĩ sẽ học thật nhanh, có kiến thức để lên dạy học cho những em nhỏ vùng sâu vùng xa, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn như mình”.
Video đang HOT
Cô gái trẻ cũng đã có những chia sẻ xúc động về những khó khăn mà mình phải trải qua. Ảnh: VTV
Ước mơ thánh thiện như vậy, nhưng thử thách của cuộc sống chưa dừng lại với Thanh Thiện. Năm thứ nhất Đại học, vì lý do khách quan, Thanh Thiện phải đứng trước hai lựa chọn: chuyển trường hoặc lựa chọn ngành học khác.
Thông tin đó khiến Thanh Thiện một lần nữa rơi vào tuyệt vọng với những mặc cảm về bản thân, về cơ thể khuyết tật của mình. Thế nhưng, thay vì chìm đắm mãi trong sự tự ti, bằng nghị lực của bản thân và sự động viên của gia đình, Thanh Thiện đã lựa chọn chuyển qua học Khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng. Tại đây, vừa học, cô vừa mạnh dạn tham gia hoạt động tình nguyện với nhóm sinh viên của trường. Lựa chọn này không chỉ giúp Thanh Thiện mạnh mẽ, mà còn giúp bản thân có cơ hội vươn xa hơn.
Năm 2016, Thanh Thiện nhận được học bổng Chính phủ Australia. Trong thời gian học tập ở đất nước xinh đẹp này, cô gái luôn tham gia các hoạt động tình nguyện, đóng góp cho cộng đồng. Khi đã chinh phục tấm bằng thạc sĩ tại Australia, cô gái trẻ lại lựa chọn quay về quê hương để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn.
Món quà của chương trình sẽ phần nào giúp Thanh Thiện đạt được ước mơ. Ảnh: VTV
Thay vì mặc cảm, đến thời điểm hiện tại, Thanh Thiện lại cho rằng, khuyết điểm với cô là một món quà, vì chỉ khi là người khuyết tật, cô mới có cơ hội tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh giống mình, đồng cảm và hiểu hơn về câu chuyện của họ, tiếp thêm sức mạnh cho những người khuyết tật và cho bản thân để vượt qua khó khăn.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Thanh Thiện nói rằng, mình sẽ tiếp tục nỗ lực để có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Hiện cô đang xây dựng tủ sách tiếng Anh để cho các bạn khó khăn có thể mượn và học. Ngoài ra, Thanh Thiện còn mở câu lạc bộ cho các bạn khuyết tật có thêm tự tin và vươn lên trong cuộc sống. “Sống chỉ có một lần thôi nên phải đi và làm những điều có ích” – đó là phương châm của Thanh Thiện.
Câu chuyện về hành trình vươn lên đầy nghị lực của cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thanh Thiện sẽ mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc trong chương trình “Trạm yêu thương” số 34 với chủ đề “Đóa hoa thiện lành”, phát sóng vào 10h ngày 20.8 trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: 10X sở hữu giọng hát đặc biệt dù mắc bệnh phát ra tiếng kêu lạ
Câu chuyện về điều kỳ diệu từ âm nhạc và nghị lực sống của chàng trai mắc bệnh lạ Đinh Viết Tường đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc trong "Trạm yêu thương".
Mắc hội chứng "Tourette" - bệnh lý hệ thần kinh co giật, phát ra những âm thanh kỳ lạ ở cổ họng, thế nhưng Đinh Viết Tường (sinh năm 2002, quê huyện Vĩnh Lĩnh, tỉnh Quảng Trị) đã vượt qua tất cả để trở thành một chàng trai tự tin, yêu đời cùng niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng.
Câu chuyện về hành trình vượt qua bệnh tật và theo đuổi đam mê của Viết Tường đã được bật mí trong Trạm yêu thương, chủ đề "Đánh thức bình minh" lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy (ngày 13/08/2022) trên kênh VTV1.
Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương với trạng thái co giật và liên tục phát ra tiếng kêu lạ, thế nhưng Đinh Viết Tường ngay lập tức đưa khán giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi cất lên những giai điệu của ca khúc "Quê hương tôi". Khi hát, Tường hoàn toàn trở thành một con người khác, tự tin và lạc quan khác hẳn trạng thái rụt rè, lo lắng khi nói chuyện, vì Tường phải gồng mình lên để kiểm soát những âm thanh lạ do bản thân phát ra.
Chia sẻ về căn bệnh, Viết Tường cho biết, năm lớp 7 em phát hiện bản thân có những hành động kỳ quặc như: chớp mắt, nhăn mặt, giật đầu hoặc vai. Càng về sau, bệnh càng nặng hơn khiến em hoang mang và sợ hãi. "Khoảng thời gian học cấp 2, bệnh ngày càng nặng nhưng lúc đấy em chưa biết là bệnh gì, em cảm thấy tồi tệ lắm, tự ti về bản thân, ngại ngùng khi nghe thấy những tiếng cười chê và ánh mắt đầy sự miệt thị từ xung quanh. Điều bất lực nhất là em cảm nhận được khi nào sẽ phát bệnh nhưng em không thể kiểm soát được nó. Em cảm thấy ghét căn bệnh này, đêm về ôm nỗi buồn chỉ biết khóc và nghĩ ngợi rất nhiều. Em suy nghĩ về những trở ngại của mình với cuộc sống, suy nghĩ về mẹ, và điều em sợ nhất là không lo được cho mẹ sau này" .
Bệnh ngày càng nặng nhưng đến năm lớp 10, tình cờ xem được một bộ phim về một cậu bé có những biểu hiện giống mình, Tường biết mình mắc hội chứng "Tourette" - một hội chứng thần kinh co giật. Khi đã hiểu về căn bệnh và chấp nhận sống chung với nó, Tường tập sống lạc quan, tự tin và bỏ ngoài tai những lời miệt thị. Có một điều đặc biệt: căn bệnh khiến em luôn hành động và phát ra âm thanh lạ nhưng khi được hát, được nhảy, những thanh âm lạ kỳ từ cổ họng lại trở nên thánh thót, mượt mà và đầy cảm xúc. Chàng trai 10X đã dám thể hiện cá tính, nhất là niềm đam mê ca nhạc từ nhỏ, thường xuyên tham gia các cuộc thi ca hát, nhảy múa ở huyện, tỉnh tổ chức.
Gia đình khó khăn, nhà chỉ có hai mẹ con, vì cuộc sống mưu sinh, mẹ Tường phải đi làm ăn xa. "Không thể dành nhiều thời gian bên con, phải đi làm xa. Mỗi tháng chỉ kiếm được 1-2 triệu đồng để gửi về cho con tự lo ăn học. Có những lúc con gọi điện ra bảo nhớ mẹ, nhưng mà tôi nói "Cuộc sống giờ vất vả, mẹ con ta cố gắng cùng vươn lên. Giờ mẹ chỉ cầu mong cho con có sức khỏe. Trời chẳng lấy được của ai cái gì. Trời không cho con được như người bình thường nhưng lại cho con học giỏi, hát hay. Thấy con theo đuổi ước mơ, mẹ rất tự hào. Giờ đây, khi ra đường, mọi người hỏi có đứa con hát hay tên Tường phải không là mình đã thấy rất tự hào. Mẹ sẽ luôn bên con" - cô Đinh Thị Hiên, mẹ của Tường chia sẻ.
Những lời nhắn nhủ chân thật của mẹ đã khiến Tường không kìm được nước mắt trên sân khấu Trạm yêu thương. Đặc biệt là sự xuất hiện bất ngờ của cô giáo chủ nhiệm cấp 3 - Phạm Thị Thùy Linh, người mà Tường gọi là người mẹ thứ hai của mình đã mở ra thêm nhiều thông tin thú vị về chàng trai 10X giàu nghị lực sống này, đặc biệt là bước ngoặt giúp em tự tin đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.
Cô giáo của Tường (ngoài cùng bên trái).
Hiện tại, Viết Tường đang theo học âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh. Hàng ngày ngoài việc học và làm thêm, Tường còn làm các clip trên mạng xã hội để truyền thêm động lực cho những người mắc căn bệnh kỳ lạ giống mình, vẫn đang sống ẩn mình trong "bóng tối của sự tự ti". Trong tương lai, Tường ấp ủ ước mơ mở một lớp nhạc tại nhà để dạy cho những bạn trẻ có niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là những bạn trẻ khó khăn và chưa có niềm tin trong cuộc sống.
Quý vị đón xem chương trình Trạm yêu thương lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy hàng tuần trên kênh VTV1.
Chàng trai 200 lần gãy xương và nghị lực đáng ngưỡng mộ Chàng trai 8X từng gãy xương hơn 200 lần đã trở thành quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển bệnh nhân xương thủy tinh Việt Nam. Từng mặc cảm với chiếc xe lăn và trải qua hơn 200 lần gãy xương thế nhưng Vũ Ngọc Anh (sinh năm 1987, Hải Phòng) đã vượt lên chính mình, biến xe lăn trở thành bạn đồng...