“Cô gái không tay” lên tivi kén chồng
Dù một phần thân thể bị tàn phế nhưng thiếu nữ trẻ vẫn tự tin viết thư pháp bằng… chân.
Được mệnh danh là “ thiên thần không tay”, “ Venus đông phương”… thiếu nữ người Tứ Xuyên (Trung Quốc) tên là Lôi Khánh Giao mới đây đã có mặt tại trường quay của đài truyền hình Giang Tô. Tuy nhiên, cô gái không tay này không đến để tham gia chương trình kêu gọi từ thiện hay tâm sự chuyện đời trong 1 talkshow nào đó mà có mục đích rất rõ ràng: xuất hiện trong buổi giao lưu, tìm kiếm bạn đời mang tên Phi thành vật nhiễu (xây dựng dựa trên tên phim rất thành công của Thư Kỳ).
Ngay từ khi Khánh Giao bước ra sân khấu, tất cả khán giả có mặt tại hiện trường đều rất bất ngờ bởi sự tự tin toát lên từ gương mặt và cử chỉ, phong thái của cô. Trước câu hỏi: “Không có tay vịn vào một điểm tựa, khi đi giầy cao gót chị sẽ mệt lắm phải không?”, Khánh Giao vui vẻ đáp: “Làm bất cứ việc gì mà không có tay thì đều rất khó khăn, không chỉ riêng việc đi giầy. Tuy nhiên, làm nhiều cũng thành quen và học được cách phân chia công việc hợp lý cho những bộ phận khác trên cơ thể”.
Lôi Khánh Giao trên sân khấu chương trình Phi thành vật nhiễu (Nếu không chân thành xin đừng làm phiền)
Khi chia sẻ lý do tham gia chương trình, cô gái trẻ cho biết: “Năm lên 3, tôi đã không may bị điệt giật và sau đó mất đi 2 cánh tay. Từ đó, trở đi, cuộc sống của tôi đã phải trải qua những giai đoạn thực sự khó khăn, có lẽ chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả được thành lời. Tôi cũng từng rung động 1 lần nhưng câu chuyện đó không có kết thúc đẹp. Tôi nghĩ, đó là vì hoàn cảnh đặc biệt của mình. Đã nhiều năm rồi tôi chẳng có cơ hội để được yêu và tìm hiểu 1 chàng trai nào đó thực sự. Tôi đăng ký tham gia Phi thành vật nhiễu như một cách tặng quà cho bản thân trong dịp sinh nhật. Khi nhận được giấy báo tham dự, tôi đã rất phích khích. Đối với tôi, được có mặt trong chương trình này để tìm kiếm tình yêu là một may mắn lớn nhất mà ông trời đã ban tặng”.
Khánh Giao là cô gái rất lạc quan
Video đang HOT
Nói tới mong muốn về “một nửa” của mình, Khánh Giao tâm sự: “Ở bên tôi, những vấn đề mà bạn gặp phải nhất định sẽ không giống bình thường. Chính vì thế, tôi hy vọng tìm được một người có nội tâm mạnh mẽ, dũng cảm giống như tôi. Anh ấy phải có tính trách nhiệm cao, hiểu được bao dung vị tha và biết nhìn nhận cái đẹp tâm hồn. Ngoài ra, đương nhiên người đàn ông này cũng cần đối với tôi như bao phụ nữ bình thường khác – thấu hiểu và lịch thiệp…”.
Cô hy vọng sớm tìm được 1 chàng trai yêu mình thực sự
Tại hiện trường, Khánh Giao biểu diễn viết thư pháp bằng chân và ca hát. Cô nổi bật trên sân khấu với trang phục rực rỡ và nụ cười tự tin – một hình ảnh khiến bất cứ ai trông thấy cũng phải thán phục, ngưỡng mộ.
Theo giới thiệu, trước khi tham gia chương trình này, Khánh Giao đã nhiều lần đăng ký thi tuyển tài năng âm nhạc, nghệ thuật và tạp kỹ. Cô gái thế hệ 8X dường như chưa khi nào tắt hy vọng được thể hiện bản thân, sống có ý nghĩa với đời.
Theo BĐVN
Giọng ca vàng toàn quốc hát rong mưu sinh
Người đàn ông mù mắt, cụt tay từng hai lần đoạt Huy chương Vàng giọng hát hay toàn quốc này đã "đánh liều" lấy vợ và nay đang sống liều bằng nghề hát rong.
Đây là cách "cực chẳng đã" để tồn tại mặc dù lòng tự trọng của người đàn ông ban đầu không cho phép ngửa tay xin tiền người.
Số phận hẩm hiu
Vi Văn Ngữ đã là người đàn ông ngoài 40 tuổi, nhắc lại bước ngoặt đau đớn của cuộc đời và 5 năm không bước chân khỏi cửa, anh nói: "Giờ nghĩ lại tôi thấy tiếc đời lắm. Hồi ấy mình bị sốc quá và không chịu nghe ai khuyên nhủ hết nên cứ oán đời, hận đời rồi đóng cửa hành hạ bản thân, làm khổ thêm cả những người trong gia đình".
Anh Vi Văn Ngữ
Sinh năm 1970 ở Khe Thần, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), Vi Văn Ngữ hăm hở sống bằng tất cả tình yêu đời nồng nhiệt của một chàng trai người Thái nhạy cảm và dạt dào sức trẻ. Nhưng ánh sáng trong ngôi nhà nhỏ của gia đình Vi Văn Ngữ đã đột ngột tắt ngấm khi trong một lần đi chăn trâu, chàng trai không may vấp phải bom còn sót lại từ thời chiến. Quả bom phát nổ đã lấy mất của anh đôi mắt, cánh tay phải và cả tương lai ngập tràn hi vọng.
Cuộc sống sau đó của Ngữ là một chuỗi dài đày đọa trong u tối. Cú sốc với đứa con trai được kỳ vọng nhất nhà đã làm cha mẹ Ngữ suy sụp, hai người Ngữ yêu thương nhất đời đều lần lượt ra đi trong vòng 3 năm sau đó. Anh càng khép mình trong bóng tối cô đơn, thu cánh tay tàn phế nép vào bên thân mình, cánh tay trái còn lại cũng trở nên vô dụng đưa lên quờ quạng đầy hụt hẫng. Bạn bè cùng lứa dần dần cưới vợ lấy chồng. Ngữ cũng tự đóng cửa cuộc đời trong suốt 5 năm liền không ra khỏi nhà để một mình dày vò với ý nghĩ về sự ra đi.
Có lẽ cuộc đời Vi Văn Ngữ sẽ chết dần chết mòn trong góc nhà ẩm thấp nếu không có một lần anh vô tình va phải cây đàn ghi ta dựng bên vách. Những âm thanh của một thời trai trẻ đầy đam mê vọng về: Tiếng suối róc rách ven rừng, tiếng chim ríu ran bên tán lá rồi tiếng khỏa nước rộn ràng dưới sông, Ngữ run rẩy ôm lấy cây đàn lạnh và bật khóc. Anh khóc tức tưởi, nước mắt dồn nén của nửa thập kỷ sống vô cảm với đời dường như không thể kìm nén.
"Kỳ tích vàng"
Quyết tâm chơi đàn đối với một người mù lại cụt tay giống như húc đầu vào đá. Mất 3 tháng để cây đàn trầy trật trong tay anh Ngữ mù bật lên nốt nhạc đầu tiên. Ngữ cười: "Tôi tưởng như mình chết đi sống lại. Nói thì nghe đơn giản thế nhưng hồi đó lắm lúc nghĩ đến cầm đàn là ớn, đầu ngón tay mưng lên ứa máu hết cả. Tập mãi không được, có lúc tôi quẫn chí quăng cả đàn. Nhưng rồi sau đó lại phải nhờ người sửa để tập lại".
Anh Vi Văn Ngữ và vợ đang hành nghề trên phố
Tiếng đàn ghi ta bập bùng đã mang lại sự sống cho ngôi nhà nhỏ nhiều năm kín cửa trong bản Khe Thần, làm xôn xao cả vùng quê nghèo heo hút nơi miền núi Tân Kỳ. Ngữ được bạn bè động viên gia nhập Hội Người mù của huyện. Kỳ tích đã đến với chàng trai người Thái bất hạnh khi anh liên tiếp đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Tiếng hát từ trái tim do Hội Người mù Việt Nam tổ chức năm 2000 và Huy chương Vàng trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng của Bộ Lao động Thương binh Xã hội.
30 tuổi, Vi Văn Ngữ chưa bao giờ dám nghĩ đến tình yêu, chưa một lần được biết đến bàn tay và hơi thở của người con gái. Nhưng Ngữ không ngờ âm nhạc không chỉ cứu rỗi cuộc đời mà còn trở thành bà mối se duyên mang đến cho Ngữ niềm hạnh phúc mà bấy lâu anh chưa từng mơ đến. Trong một lần xuống TP Vinh tập văn nghệ, Vi Văn Ngữ đã gặp gỡ với Nguyễn Thị Hương, cô giáo dạy chữ Brai, giọng ca của Hội Người mù huyện Nghi Lộc. Tình yêu đến thật mặn mà tự nhiên như lời ca tiếng đàn giữa chàng trai mù và cô gái mờ lòa. Năm 2001, đám cưới được tổ chức như một điều kỳ diệu mang đến người vợ hiền thảo cho cuộc đời Vi Văn Ngữ.
Ngữ nói, vợ chồng anh lấy nhau là "làm liều" vì: Tình yêu của người tàn tật phải liều, nếu không thì không dám. Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng tàn phế tật nguyền không một chốn nương thân, dắt díu nhau đi bán tăm bán đũa kiếm sống và lang thang ở nhờ tại các trụ sở Hội Người mù. Thấy vợ chồng yêu thương nhau thật lòng, từ chỗ ra sức ngăn cản, gia đình ngoại đã cho anh chị một mảnh đất nhỏ đủ dựng nếp nhà làm chỗ trú chân. Trong ngôi nhà do Hội Người mù tỉnh ủng hộ, hai cô con gái lần lượt ra đời trong sự phấp phỏng rồi vui sướng của tất cả mọi người vì không bị ảnh hưởng chứng mờ mắt di truyền từ mẹ. Cuộc sống ngày càng khó khăn, vợ chồng Vi Văn Ngữ quyết định phải xuống đường mưu sinh để tồn tại.
Chồng mù, vợ mờ hát rong "sống liều"
Vi Văn Ngữ gọi việc hát rong là xuống đường. Mất 5 - 6 năm dắt díu nhau hết rừng đến phố để bán tăm bán đũa nhưng từ khi có 2 con, công việc này không đủ no cho 4 miệng ăn. Trong suốt câu chuyện của chồng, chị Hương hầu như lặng lẽ quan tâm từng li từng tí đến người đàn ông bên cạnh. Chỉ đến khi tôi bắt chuyện, chị mới cười thật hiền: "Cả hai vợ chồng đều chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mưu sinh bằng hát rong. Nhưng làm tăm làm đũa hay tẩm quất giống những người mù khác thì anh chỉ có một tay không làm được. Cuối cùng anh Ngữ nghĩ đến cây đàn ghi ta. Chồng đàn vợ hát, vợ mệt thì chồng hát, hai vợ chồng buộc phải hát rong để mưu sinh thôi".
Con đường hát rong của vợ chồng Vi Văn Ngữ không dễ dàng. Lòng tự trọng của người đàn ông ban đầu không cho phép anh ngửa tay xin tiền người, dù phải hát đến rút ruột rút gan. Để thử sức và thử việc, hai vợ chồng nhờ người đưa đường ra Hà Nội, bắt đầu bằng cách hát rong tại các chợ, các ngõ phố. Tiền kiếm được chỉ đủ thuê trọ, ăn uống và thuê xe ôm nhưng cái được lớn nhất trong gần 1 tháng hát rong ngoài Thủ đô là niềm hy vọng một công việc cứu gia đình anh thoát đói tại quê nhà. Nhưng về đến quê anh lại nhụt chí, lại sợ hãi không dám hành nghề và lại thêm gần nửa năm lang thang bán tăm.
Ngữ vừa cười vừa kể: "Tôi nhớ có bà bán phở lần nào mua tăm cũng càu nhàu: Sao vợ chồng chú không đàn hát cho mọi người nghe, mua tăm mua đũa nhiều quá thì bỏ đâu cho hết, mà không mua thì tội".
Nhìn cảnh chồng mù vợ mờ dò dẫm dắt nhau đi, tôi đã vô cùng sửng sốt khi biết một thời gian dài anh chị chở nhau đi hát rong trên đường phố tấp nập bằng chiếc xe đạp cà tàng. Hai vợ chồng tíu tít cười khi chị Hương kể lại: "May trời thương chứ nghĩ lại cũng liều thật, tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ loáng thoáng thế thôi mà vẫn đạp xe chở chồng cùng với dàn loa đi khắp nơi. Nhiều lần bầm dập vì ngã xuống mương, đâm phải xe trâu..." rồi đó. Giờ anh chị phải trích một phần tiền trả xe ôm trong những đoạn đường hát xa để dành sức mà đàn hát. Tôi hỏi có lúc nào không muốn hát, Ngữ cười: "ô, quá nhiều lần ấy chứ. Thường thường phải thế, không muốn hát cũng phải hát, mà phải hát nhiệt tình nữa".
Nỗi lo lớn nhất của vợ chồng người hát rong sở hữu hai huy chương Vàng giọng hát hay toàn quốc là một ngày không thể hát. Vi Văn Ngữ tâm sự: "Vẫn biết hát mãi cũng không được nhưng ngày nào còn hát được là còn mừng. Bây giờ cũng không phải tất cả các ngày đều đi làm được cả. Mưa gió là phải ở nhà vì loa máy không đảm bảo. Chưa kể ốm đau không cất được tiếng. Hai vợ chồng dắt nhau giằng co đi lại giữa chợ đông chen lấn nhiều khi đứt cả dây loa, lạc cả người, đi tìm nhau toát mồ hôi ấy chứ. Nhưng không còn con đường nào khác, muốn tồn tại thì phải hát thôi!".
Theo Phạm Tuyết Lan (Nguoiduatin)
Tàn phế 2 chân vẫn "chạy" khắp toàn quốc Người đàn ông này có thể "chạy" 30 km/h và đã đi qua khắp các tỉnh thành Trung Quốc. Khương Tiểu Siêu năm nay 34 tuổi, quê ở An Huy (Trung Quốc) và từ nhỏ đã bị tàn phế hai chân. Cuộc sống hàng ngày của anh phải nhờ cả vào đôi tay và hai bánh xe thô sơ. Tuy nhiên, chính nhờ...