Cô gái được ví là nàng tiên cá ở đảo Phú Quý
Dành thời gian dài ở Phú Quý ( Bình Thuận) để lặn biển, Phạm Thị Hà (Hà Mò) gây chú ý với những bức hình dưới nước.
Dáng hình uyển chuyển dưới nước, bộ đồ bơi màu trắng như hòa mình vào biển cả, như một nàng tiên cá… Đó là điều nhiều người nói về Hà khi xem bộ ảnh của cô ở đảo Phú Quý. Tuy nhiên, nhân vật chính thừa nhận vẫn khá ngại khi được mọi người dành tặng những lời khen ấy.
Ở lại vì quá thích
“Nàng tiên cá” làm trong lĩnh vực thiết kế. Do tính chất công việc tự do, cô không bị cố định ở một nơi nào cả. Cộng thêm đam mê đi du lịch, cô thường đi đó, đi đây để tìm cảm hứng mới cho công việc.
Hè năm ngoái, Hà có dịp đi phượt vùng biển miền Trung. Lúc này, cô còn chưa biết bơi. Kể cả đã mặc áo phao, cô vẫn sợ khi xuống nước. Sợ nước là vậy nhưng Hà lại có tình yêu lớn với biển. Do đó, cô quyết tâm học bơi và chăm chỉ luyện tập để đến ngày thỏa sức chơi đùa dưới nước.
Sự yên bình của đảo Phú Quý đã khiến Hà yêu thích và muốn ở lại lâu hơn.
Về cơ bản, học bơi không phải điều gì quá khó. Nhưng đam mê với nước của Hà không dừng ở bơi mà còn là lặn. Chỉ có lặn, cô mới thực sự được hòa mình vào biển cả và chiêm ngưỡng những tuyệt tác ẩn dưới mặt nước.
“Tôi sống ở biển lâu nên ngày càng thấy yêu biển. Tôi thấy những người biết lặn thật ngầu và tự do”, Hà chia sẻ.
Chỉ sau thời gian ngắn, cô đã có thể làm chủ kỹ năng lặn biển. Tháng 2 vừa rồi là lần đầu tiên Hà thử sức với bộ môn này. Trước đó, cô chỉ mới tập ở những hồ bơi nhỏ với độ sâu 2 m nên ban đầu cũng khá lo lắng. Cũng trong thời gian đó, Hà đến Phú Quý cho chuyến đi chơi 4 ngày.
Tuy nhiên, do “hợp đất” quá, cô quyết định kéo dài thời gian lên một tuần, rồi một tháng. Tới khi rời Phú Quý, cô mới nhận ra mình đã dành tận 2 tháng ở đây. Hiện tại, Hà vẫn đang sống trên hòn đảo này.
Thế giới dưới nước đem lại cảm hứng và sự yên bình cho cô gái trẻ.
Cô nói mình thích hòn đảo này vì người dân đáng mến. Diện tích hòn đảo khá nhỏ, cuộc sống cứ bình bình còn biển thì chẳng còn gì để chê. Chi phí sống trên đảo cũng hợp lý hơn so với việc sống ở thành phố lớn. Thuê nhà tốn khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, thuê xe máy là 1,5 triệu đồng/tháng. Chi phí ăn uống cũng tùy mỗi người.
“Ở đây lâu, tôi có những trải nghiệm mà nếu chỉ đi du lịch ngắn ngày sẽ không thể gặp. Tôi quen nhiều người bạn mới là dân địa phương ở đây. Họ đã giúp tôi nhiều thứ từ những ngày đầu. Ở lâu, tôi thấy mình cũng như họ. Cũng đi biển bắt cá, đi sửa bè, liên hoan nhà mới thuê… Có lần, tôi còn lanh chanh thử làm hướng dẫn viên”, cô nói.
Cuộc sống yên bình với những người dân đáng mến. Lúc bận thì làm việc, khi rảnh lại lặn biển giúp Hà thoải mái và khỏe hơn nhiều so với khi còn sống ở Hà Nội.
Tự thấy chưa thể làm tiên cá
Chia sẻ với Zing, nhà thiết kế trẻ cho biết công việc của mình cũng có liên quan đến nhiếp ảnh. Do đó, trong mỗi chuyến đi chơi, cô thích chụp những bộ ảnh để làm kỷ niệm.
Nhưng bộ ảnh và clip lặn biển ở Phú Quý đã khiến cô nhận được sự chú ý lớn. Hà cho biết biệt danh “nàng tiên cá” là do nhiều người xem đặt chứ cô không tự gọi mình như thế. Việc làm nàng tiên cá cũng là ước mơ của Hà nhưng lúc này mọi thứ còn quá sớm.
“Trình độ tôi còn kém nên không mong được gọi là tiên cá. Tôi nghĩ mình cần tập luyện nhiều hơn. Tôi thích bộ hình đó, không có gì để chê cả. Việc quay, chụp dưới nước đòi hỏi kỹ thuật hơn nhiều so với trên cạn”, Hà chia sẻ.
Video đang HOT
Lặn biển sẽ có những bức hình đẹp nhưng đây không phải môn thể thao dễ dàng.
Nghĩ lại lần lặn đầu tiên, cô gái quê Thanh Hóa cho biết khá lo lắng vì sợ không chịu được áp suất. Khi đến được ngưỡng 5 m, Hà đã thấy sướng run người. Từ lúc đó, lặn biển trở thành một phần trong cuộc sống của cô.
Lặn biển chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng là thú vui được nhiều bạn trẻ tìm đến mỗi khi du lịch. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm, Hà khẳng định cần đảm bảo thể lực tốt để lặn và chỉ lặn khi cơ thể khỏe mạnh.
Điều quan trọng nhất với cô là sự bình tĩnh. Bởi chỉ khi bình tĩnh, người lặn mới có thể nhịn thở được lâu và xử lý tình huống tốt khi gặp sự cố.
“Bạn cũng phải biết giới hạn của bản thân. Việc lặn biển thực sự tốt để xả stress và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn”, cô tâm sự.
Để trở thành một nàng tiên cá như vậy, những dụng cụ lặn biển là điều không thể thiếu. Trả lời Zing, Hà cho biết mình đã tiêu khoảng 7 triệu đồng cho bộ dụng cụ gồm chân nhái, kính lặn và ống thở.
Hà muốn được trải nghiệm những vùng biển đẹp khác trên thế giới.
Hà chưa được trải nghiệm lặn nhiều do bộ môn này yêu cầu luôn phải có người giàu kinh nghiệm đi cùng. Trong tương lai, cô nói mình muốn được thử sức ở những bãi biển của Philippines và Malaysia.
“Tôi cũng muốn thử sức với lướt ván dù và nhảy dù. Tôi vẫn sẽ tiếp tục du lịch kiểu sinh tồn như lúc này. Các bãi biển đẹp ở Philippines hay Malaysia đang thôi thúc đôi chân của tôi”, cô nói thêm.
Chèo SUP, lặn biển ngắm san hô ở đảo Phú Quý
Chưa phát triển nhiều dịch vụ du lịch, Phú Quý (Bình Thuận) hấp dẫn du khách nhờ vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, con người thân thiện.
Tôi cùng một người bạn có chuyến đi đến Phú Quý vào cuối tháng 5. Du lịch ở đây chưa phát triển, không nhà hàng sang trọng, không quán bar nhộn nhịp, chẳng có resort hạng sang.
Đổi lại, Phú Quý có cảnh đẹp thiên nhiên còn nguyên sơ, nhiều đoạn đường 2 bên chỉ toàn cây cối, rừng rậm. Những ngôi nhà cấp 4 san sát hướng ra biển cho du khách cảm giác yên bình, gần gũi.
Hòn đảo nhỏ này còn thu hút bởi cung đường dọc bờ biển xanh, bãi cát trắng đầy mê hoặc, những rạn san hô bãi cạn nhiều hình thù, màu sắc...
Phú Quý mang vẻ đẹp hài hòa của núi và biển.
Di chuyển đến Phú Quý
Từ TP.HCM, tôi đặt xe khách lúc 22h30, chuyến xe muộn nhất đến Phan Thiết (Bình Thuận) trong ngày. Đặt chuyến xe cuối cũng là cách tiết kiệm thời gian di chuyển. Xe chạy khoảng 6 tiếng sẽ đến trung tâm thành phố Phan Thiết. Tôi di chuyển tiếp đến cảng Phan Thiết để chờ tàu cao tốc ra đảo.
Nên chụp hình trước khi tàu chạy nếu du khách dễ say sóng.
Tàu cao tốc chỉ có một chuyến duy nhất lúc 6h30. Nếu ngại di chuyển liên tục, bạn có thể đến Phan Thiết từ sớm, nghỉ lại qua đêm để chờ tàu ra đảo.
Để chuyến đi suôn sẻ, tôi phải xem dự báo thời tiết trước một tuần, kiểm tra cấp gió và mức sóng. Thông thường, gió giật khoảng cấp 3-4, mức sóng dưới 1 m là thời tiết đẹp, không lo say sóng khi đi tàu ra đảo.
Khi chọn chỗ trên tàu, để có vị trí nằm thoải mái, tránh say sóng, bạn nên chọn vị trí giữa hoặc tàu, giường nằm dưới sàn. Tàu chạy hơn 2 tiếng là cập bến đảo Phú Quý.
Chọn vị trí giường nằm tầng dưới, cạnh cửa sổ vừa hạn chế say sóng, vừa ngắm được cảnh biển.
Tôi chọn chuyến đi vào ngày giữa tuần nên vắng người, thời tiết đẹp, sóng êm. Tuy nhiên, do tôi chọn giường nằm tầng trên nên cảm giác khá chóng mặt khi tàu chạy.
Tàu cao tốc ra đảo Phú Quý có mức giá 400.000 đồng/người/chiều. Bạn nên đặt vé khứ hồi để chủ động lịch trình và có vị trí nằm ưng ý.
Tàu cập bến, chủ homestay liên lạc với tôi để giao xe máy tại cảng và di chuyển vào trung tâm đảo. Đảo nhỏ nên các địa điểm khá gần nhau, tiện đi lại.
Hòn đảo không có resort
Đảo Phú Quý chưa phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng, vì thế các loại hình lưu trú không đa dạng, chỉ có homestay, nhà nghỉ và khách sạn nhỏ.
Nếu muốn ở gần trung tâm, bạn nên lựa chọn các điểm lưu trú tại xã Tam Thanh. Ưu điểm là dễ kiếm các điểm ăn uống, đi lại buổi tối thuận tiện. Điểm trừ là phòng khó có view sát biển.
Homestay có vị trí ngay sát biển.
Tôi chọn một homestay thuộc thôn Phú Long, xã Long Hải, phòng có view nhìn thẳng ra biển. Gần homestay là một làng chài nhỏ yên bình. Địa điểm này cách trung tâm hơn 2 km.
Đường đi vào ban ngày khá dễ dàng. Tuy nhiên, di chuyển buổi tối hơi khó khăn vì một số đoạn đường vắng vẻ, không có đèn, ít xe qua lại, hai bên đường chỉ toàn cây cối. Vì đảo chưa có taxi, 3 ngày ở đây tôi hạn chế di chuyển vào buổi tối, chỉ đi ăn ở trung tâm và trở về homestay trước 21h
Homestay tôi thuê khá khang trang, phòng riêng sạch sẽ, tiện nghi không kém các khách sạn nhỏ. Điểm trừ là Wi-Fi ở đây khá yếu, kết nối mạng thường xuyên chập chờn. Giá thuê là 450.000 đồng/đêm. Đây là mức giá trung bình khi thuê phòng tại đảo này.
Những năm gần đây lượng khách đến Phú Quý tăng, người dân đảo mới bắt đầu xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú. Chủ nhà hiền hòa và tận tình với du khách, sẵn sàng làm hướng dẫn viên địa phương nhiệt tình khi khách cần.
Đường xuống Gành Hang khá khó đi, nhiều núi đá sắc nhọn.
Món bò nóng đặc sản
Chi phí ăn uống tại Phú Quý rất rẻ. Trên đảo không có nhà hàng sang trọng, hầu hết là quán ăn gia đình, quán nhậu hoặc các điểm bán hải sản tươi tại làng bè.
Ngoài các loại hải sản, Phú Quý còn có đặc sản nổi tiếng là bò nóng. Theo lời giải thích của người dân địa phương, những con bò lấy thịt được chăn thả trên đồng cỏ ven biển, ít mỡ, bò còn tơ, thường được lấy thịt khi chưa quá một tuổi. Phần bì được thui bằng gỗ cây ngũ trảo, tạo mùi thơm đặc trưng.
Đồ ăn ở Phú Quý có giá rẻ, chất lượng món tươi ngon.
Bò không bán theo món mà bán theo trọng lượng. Thực khách sẽ yêu cầu số kg và món muốn chế biến. Thịt bò tươi, thui nóng, dùng trong ngày nên có tên là bò nóng.
Bữa trưa đầu tiên trên đảo, tôi gọi nửa kg bò nóng cho phần 2 người ăn, món chế biến là bò nhúng giấm. Đĩa thịt bò tươi, đỏ hồng, phần bì được thui vàng, nhìn khá giống thịt bê. Bò nhúng giấm có phần rau nhúng ăn kèm là các loại rau trên đảo.
Đi biển không thể bỏ qua hải sản. Tôi tìm một quán hải sản ở trung tâm theo lời chỉ dẫn của chị chủ homestay. Vì là ngày thường nên quán khá vắng, phục vụ cũng nhanh. Mỗi món hải sản ở đây dao động khoảng 70.000-80.000 đồng/đĩa. Đĩa hải sản hấp dẫn nhất là món ốc đảo hấp sả ớt. Thịt ốc dày, chắc, miếng to, tươi giòn sần sật.
Nếu muốn thưởng cua huỳnh đế và cua mặt trăng - đặc sản Phú Quý - bạn nên đến các làng bè. Mua cua tươi đem về cần phải đặt trước một ngày.
Chèo SUP, lặn biển ngắm san hô
Để khám phá hết huyện đảo cần khoảng 4-5 ngày, vì Phú Quý còn một số đảo nhỏ xung quanh. Nếu chỉ đi chơi ở đảo lớn, bạn có thể chọn hành trình 3 ngày 2 đêm, thời gian di chuyển đã mất gần 2 ngày, còn lại dành cho các hoạt động vui chơi trên đảo.
Phần lớn điểm tham quan trên đảo đều là tự phát, các dịch vụ du lịch hầu như chưa có. Chạy xe một ngày là bạn có thể ghé thăm hết các địa điểm nổi tiếng trên đảo.
Bãi Nhỏ, dốc Phượt là những địa điểm chụp hình đẹp ở Phú Quý.
Các điểm tham quan, chụp hình trên đảo gồm Gành Hang, bãi Nhỏ, vịnh Triều Dương, hải đăng Phú Quý, dốc Phượt, cánh đồng điện gió Phú Quý, hồ cá Làng Dương, chợ cá Long Hải, các làng chài ven biển...
Hiện, có 2 tour du lịch địa phương bạn có thể đặt khi đến Phú Quý là tour Hòn Tranh và tour lặn biển ngắm san hô bãi cạn. 2 tour này đều có giá 250.000 đồng/người, được phát triển bởi một đội hướng dẫn viên địa phương.
Tôi chọn tour chèo SUP, lặn ngắm san hô vì bãi cạn ngay sát homestay, tiện đi lại. Du khách được đưa ra một bè nhỏ trên biển để cất đồ đạc, sau đó tiếp tục chèo SUP ra bãi cạn để lặn ngắm san hô. Các hướng dẫn viên sẽ chỉ dẫn du khách chi tiết cách chèo SUP. Khi lặn sẽ có người hướng dẫn kèm riêng.
Tour du lịch tại đây có giá rẻ, hướng dẫn viên địa phương nhiệt tình và thân thiện.
Sau khi lặn biển, chèo SUP thỏa thích cũng là lúc hoàng hôn buông. Du khách vào bờ gần hết, tôi nán lại bè tận hưởng buổi chiều muộn trên biển, trò chuyện với những hướng dẫn viên địa phương đến tận khi thủy triều rút sâu, cùng họ chèo SUP trở lại bờ lúc trời đã nhá nhem tối.
Buổi sáng cuối cùng trên đảo, tôi tranh thủ đi loanh quanh các chợ cá, làng chài ven biển, thu dọn hành lý và ra cảng lúc 10h để kịp chuyến tàu về Phan Thiết, kết thúc chuyến đi 3 ngày ở Phú Quý.
Ngôi làng ven biển thơ mộng hệt như truyện tranh ở đảo Phú Quý ít người biết Trải dài khắp mảnh đất chữ S của Việt Nam có rất nhiều hòn đảo, nhưng nét đẹp ở ngôi làng ven biển Phú Quý là một khung cảnh độc đáo không lẫn vào đâu được. Phú Quý thời gian gần đây đang dần trở thành cái tên được nhiều bạn trẻ nhắc đến khi lựa chọn địa điểm du lịch biển đảo....