Có được kinh doanh dịch vụ trò chơi trên internet công cộng 24/24 giờ?
Theo quy định, chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.
Hỏi: Hiện nay, theo tôi được biết thì các quán kinh doanh Internet hoạt động 24/24 giờ, cho tôi được hỏi pháp luật có quy định về thời giờ hoạt động của hoạt động kinh doanh này không?
Có được kinh doanh dịch vụ trò chơi trên internet công cộng 24/24 giờ? – Ảnh minh họa.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật CHÂU VIỆT VƯƠNG – CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có quy định về Quyền, nghĩa vụ của chủ điểm truy nhập Internet công cộng như sau: Chủ điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và các điểm công cộng khác khi cung cấp dịch vụ truy nhập Internet có thu cước có quyền và nghĩa vụ phải tuân thủ giờ mở, đóng cửa của địa điểm. Cụ thể, thời gian hoạt động được quy định tại Khoản 8, Điều 36 của Nghị định này như sau: chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6, Thông tư 23/2013/TT-BTTTT như sau:
“- Thời gian hoạt động của đại lý Internet và điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân thủ theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Video đang HOT
- Thời gian hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và điểm công cộng khác không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân theo giờ mở, đóng cửa của địa điểm.
- Thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.”
Việc cung cấp điểm truy cập Internet công cộng quá thời gian quy định có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 32 Nghị định 174/2013/NĐ-CPquy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện như sau: Việc không tuân thủ thời gian hoạt động theo quy địnhvề điểm truy nhập Internet công cộng sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Và Điểm g, khoản 3, điều 69 Nghị định này quy định sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với hành vi hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày đối với điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Như vậy, các điểm cung cấp điểm Internet công cộng chỉ được hoạt động từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối. Việc kinh doanh vượt quá thời gian quy định hay cung cấp dịch vụ dịch vụ 24/24 sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định đã được viễn dẫn nêu trên.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
HUY LÂM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Không cho gia đình gặp người bị tạm giam có đúng không?
Nơi tạm giữ, tạm giam chế độ sinh hoạt, nhận quà, liên hệ với gia đình và các chế độ khác được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Hỏi: Công an bắt tạm giam chồng tôi vì tội cố ý gây thương tích đến nay là ngày thứ 24, nhưng phía Công an không cho tôi vào thăm, gặp gỡ chồng tôi. Cho tôi được hỏi công an không cho người thân vào thăm người bị bắt tạm giam có đúng hay không?
Ảnh minh họa.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật CHÂU VIỆT VƯƠNG - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điều 88 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003, tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong tố tụng hình nhằm để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền. Bên cạnh đó, tại Điều 89 cũng quy định về chế độ tạm giữ, tạm giam, theo đó nơi tạm giữ, tạm giam chế độ sinh hoạt, nhận quà, liên hệ với gia đình và các chế độ khác được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 20 Văn bản hợp nhất số 13/VBHN-BCA có hiệu lực ngày 07/04/2014 có quy định:"Việc đưa người bị tạm giữ, tạm giam khỏi nơi giam, giữ chỉ được thực hiện khi có Lệnh trích xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự hoặc có văn bản của cơ quan hoặc trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp dưới đây:
- Khi có quyết định của cơ quan quản lý trại giam đưa người bị kết án phạt tù đến trại giam;
- Khi có quyết định của Hội đồng thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình;
- Khi có quyết định của cơ quan thụ lý vụ án chuyển người bị tạm giữ, tạm giam đến nơi giam, giữ khác;
- Để tiến hành các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này ở bên trong khu vực nhà tạm giữ, trại tạm giam. Trong trường hợp đó, Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam căn cứ vào quyết định phân công thụ lý vụ án, văn bản của cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý cho thân nhân, luật sư, người bào chữa khác, đại diện cơ quan, tổ chức nước ngoài thăm gặp, tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam để quyết định đưa người bị tạm giữ, tạm giam ra khỏi buồng giam, giữ.
Căn cứ theo Điểm c, Khoản 1 Điều 21của Văn bản này có quy định Việc trích xuất người bị tạm giam, tạm giữ để tiến hành các hoạt động ở bên ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trong trường hợp cho gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác. Quy chế chỉ rõ, trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam yêu cầu cán bộ thực hiện lệnh trích xuất giao đầy đủ các văn bản hợp pháp để xem xét, kiểm tra nhằm bảo đảm trích xuất đúng người và lập thủ tục giao nhận người được trích xuất, có ghi rõ tình trạng sức khoẻ của người đó.
Cũng tại Khoản 2, Điều 22 Văn bản này quy định:" Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải bố trí buồng thăm gặp trong khu vực quản lý của mình để người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân trong trường hợp họ được phép. Luật sư hoặc người bào chữa khác được gặp người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tại buồng làm việc của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.
Căn cứ vào quy định trên, thì việc gặp người thân đối với người bị tạm, tạm giữ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan đang thụ lý vụ án. Do đó, nếu việc gặp người thân có ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án thì cơ quan công an có quyền không cho người bị tạm giam tiếp xúc với người thân. Như vậy, gia đình, thân nhân muốn được thăm nom người thân của mình đang bị tam giam, tạm giữ cần làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền trong từng giai đoạn xét xử. Việc có được gặp hay không là hoàn toàn do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định, chỉ khi được cơ quan thụ lý đồng ý thì gia đình bạn mới được vào thăm người bị tạm giam. Vì vậy việc cơ quan công an không cho người thân vào thăm người bị bắt tạm giam là có căn cứ và không trái với quy định pháp luật.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
HUY LÂM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Đà Nẵng chi gần 22 tỷ đồng lắp hàng nghìn camera công cộng Thành phố Đà Nẵng sẽ lắp đặt hệ thống camera công cộng tại 857 điểm, để thực hiện giám sát an ninh, giao thông, trật tự trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, hệ thống camera công cộng với tổng kinh phí dự kiến gần 22 tỷ đồng, được đầu tư 100% từ nguồn ngân sách của thành phố Đà Nẵng. Tại...