“Cổ đông Sacombank không nên trả đồng nào để mua SouthernBank”
Theo ACBS, tỉ lệ hoán đổi 1:10 giữa Sacombank và Phương Nam mới là mức tương đối hợp lý và có ý nghĩa hơn tỷ lệ 1:1,3 theo giá trị sổ sách đối với thương vụ sáp nhập quá chênh lệch và không tương xứng này.
“Cổ đông của Sacombank có lẽ không nên trả một đồng nào để mua lại Phương Nam”
Đại hội cổ đông 2014 của Sacombank được bắt đầu vào sáng nay và thương vụ Sacombank – Phương Nam sẽ là chủ đề nóng nhất sẽ được đưa vào thảo luận trong kỳ này.
Tuy nhiên, cổ đông Sacombank sẽ chỉ dừng lại ở việc bỏ phiếu chấp thuận hay không chấp thuận để HĐQT Sacombank bắt đầu tiến hành thương vụ. Riêng về đề án chi tiết (bao gồm tỷ lệ hoán đổi) sẽ được HĐQT xây dựng sau đó và sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét, quyết định trong các kỳ họp sau.
Chuyên viên Mekong Man của Chứng khoán Ngân hàng TMCP Á Châu (ACBS) với giải định là cổ đông của Sacombank đã cho rằng, “việc bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý sáp nhập Phương Nam vào Sacombank trong khi vẫn chưa đưa ra được tỷ lệ hoán đổi sẽ không đem lại ý nghĩa gì”.
Theo Mekong Man, giá cả hiển nhiên luôn là điều quan trọng trong bất kỳ một giao dịch nào – và trong trường hợp này, một thương vụ sáp nhập trong ngành ngân hàng, thì giá cả lại càng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Có thể nói hiện nay nhiều ngân hàng, có thể bao gồm luôn Phương Nam, đang mất khả năng chi trả về mặt kỹ thuật nếu cân nhắc đến khoản nợ xấu khổng lồ, lớn hơn cả vốn chủ sở hữu. Vì vậy, giá trị thực của Phương Nam (nếu không tính đến bất kỳ sự trợ giúp nào từ VAMC) có thể chỉ là một con số “không” tròn trĩnh. Và cổ đông của Sacombank có lẽ không nên trả một đồng nào để mua lại Phương Nam.
Video đang HOT
ACBS chỉ ra, ở Việt Nam kể từ năm 2011 đến nay đã chứng kiến 3 trường hợp sáp nhập trong ngành ngân hàng và trong cả 3 trường hợp, tỷ lệ hoán đổi đều được tính dựa trên giá trị sổ sách công bố. 2 trong số 3 trường hợp diễn ra giữa các ngân hàng chưa niêm yết (SCB / Đệ Nhất / Tín Nghĩa; HD / Đại Á). Trường hợp còn lại là giữa hai ngân hàng đã niêm yết (SHB / Habubank).
Đểm chung ở cả 3 trường hợp này là không có quá nhiều khoảng cách giữa các ngân hàng trong một thương vụ sáp nhập, quy mô khá tương đồng, đều cùng là ngân hàng niêm yết hay cùng là ngân hàng chưa niêm yết. Cho nên tỷ lệ hoán đổi dựa trên giá trị sổ sách vì thế sẽ không gây ra nhiều tranh cãi.
Trường hợp giữa Sacombank / Phương Nam thì lại khác. Một bên là ngân hàng thành công nhất trong vài năm trở lại đây, có quy mô lớn và đã niêm yết nhưng lại đi chấp nhận về cùng nhà với một ngân hàng nhỏ hơn, chưa niêm yết, có chất lượng kinh doanh khá thất vọng.
ACBS cho rằng, có khả năng một số nhân vật có vai trò quan trọng trong thương vụ này sẽ đề nghị hoán đổi theo giá trị sổ sách. Và việc hai ngân hàng có chung dáng dấp một chủ sở hữu sẽ làm khả năng này bị đẩy lên rất cao.
Giá trị hợp lý của Phương Nam theo Mekong Man nhận định sẽ không lớn hơn con số “không” là bao. Và mặc dù có một số lợi thế do gia tăng thêm được mạng lưới chi nhánh và cơ sở khách hàng nhưng Sacombank nên chấp nhận rằng giá trị hợp lý của Phương Nam là gần bằng “không” chứ không phải gần bằng giá trị sổ sách như công bố.
Tất nhiên việc Công ty quản lý tài sản (VAMC) mua bớt nợ xấu sẽ là yếu tố quan trọng khi tính toán tỷ lệ hoán đổi. Từ góc độ vĩ mô, nếu VAMC thực hiện đúng chức năng xử lý nợ xấu như các nhà làm chính sách đề ra thì giá trị hợp lý của Phương Nam có thể một con số dương (tức lớn hơn 0) nhưng vẫn còn cách xa so với mệnh giá.
Và theo nhận định của ACBS, 1 cổ phần Sacombank đổi 10 cổ phần Phương Nam là tỷ lệ tương đối hợp lý và chắc chắn là hợp lý và có ý nghĩa hơn so với tỷ lệ 1:1,3 theo giá trị sổ sách.
Bích Diệp
Theo Dantri
Sacombank: "Southern Bank chủ động xin sáp nhập"
Sacombank cho biết, Southern Bank đã đề nghị được sáp nhập và Sacombank và Sacombank đã tiếp nhận đề nghị này, đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng đề án để trình Ngân hàng Nhà nước.
Áp lực nợ xấu đối với Sacombank sẽ nặng nề hơn nếu nhận sáp nhập Southern Bank.
Sau nhiều thông tin dồn dập đưa ra thời gian vừa qua, rốt cuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đưa ra câu "chốt" cuối cùng xác nhận về dự định sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank).
Theo đó, ngay từ Đại hội cổ đông thường niên năm 2013, Sacombank, các cổ đông đã thông qua việc cho phép HĐQT Sacombank tìm kiếm ngân hàng khác để sáp nhập nhằm tăng quy mô hoạt động.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng cho biết, "vừa qua, ngân hàng TMCP Phương Nam đã đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Sacombank đã tiếp nhận đề nghị này và hiện đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng đề án để trình Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý và đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp vào 25/3/2014 xem xét về mặt chủ trương trước khi tiến hành sáp nhập".
Như vậy, trong thương vụ này, bên chủ động để thực hiện sáp nhập là Southern Bank. Hiện tại, do Southern Bank chưa công bố báo cáo tài chính cả năm 2013 nên chưa có kết quả kinh doanh cũng như có thể đưa ra nhận xét chính xác về các chỉ số tài chính của ngân hàng này. Tuy nhiên, như Dân trí đã phân tích trước đó, nếu thương vụ này thành công, Southern Bank sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Xét về quy mô, Southern Bank chỉ bằng 1/3 Sacombank về vốn điều lệ, tổng tài sản bằng 1/2, lợi nhuận thậm chỉ bằng 1/100 Sacombank (theo thông tin từ Chứng khoán Bản Việt, năm 2014, Southern Bank chỉ lãi 23 ty đồng so với mức lãi 2.229 tỷ đồng của Sacombank).
Trong ngắn hạn, việc nhận sáp nhập Southern Bank có thể tạo nên gánh nặng nợ xấu cho Sacombank và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng này do việc kinh doanh của Southern Bank thời gian gần đây diễn biến không tốt.
Tuy nhiên, điều tích cực là sẽ giúp Sacombank nhanh chóng mở rộng hệ thống các chi nhánh từ 416 điểm giao dịch, lớn thứ 3 toàn hệ thống lên 558 điểm giao dịch (so với 688 của BIDV và 391 của Vietcombank).
Tổng tài sản của Sacombank sẽ tăng thêm 46%, cải thiện tính minh bạch trong việc giảm tình trạng sở hữu chéo và giao dịch của các bên có liên quan.
Sacombank khẳng định, chủ trương sáp nhập trên tinh thần tự nguyện nhằm tăng cường quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng nằm trong định hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Việc Sacombank và Southern Bank nghiên cứu đề án sáp nhập cũng không nằm ngoài tinh thần này.
Chủ trương sáp nhập với Southern Bank sẽ được Sacombank đưa vào chương trình đại hội (được tổ chức vào ngày 25/3/2014) để xin ý kiến cổ đông.
Quan điểm của Sacombank là sau khi nghiên cứu cụ thể, việc sáp nhập Sacombank với Southern Bank nếu có diễn ra thì phải mang lại sự ổn định, giá trị cộng hưởng và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan cũng như tuân thủ đúng quy định của pháp luật, ngân hàng này cho hay.
Bích Diệp
Theo Dantri
Khối tài sản khổng lồ của nhà ông Trầm Bê tại Sacombank và Southern Bank Gia đình ông Trầm Bê đang vi phạm Luật các tổ chức tín dụng 2010 về sở hữu tại Southern Bank khi nắm trên 20% vốn, nhưng nếu kịch bản sáp nhập Sacombank - Southern Bank hiện thực hóa thì bài toán vượt trần này sẽ được giải quyết. Gia đình ông Trầm Bê là nhóm cổ đông lớn của cả hai ngân...