Cổ đông lại muốn Mark Zuckerberg từ chức sau khi Facebook mất 146 tỷ USD
Báo cáo lợi nhuận quý II gây thất vọng đã khiến các nhà đầu tư của Facebook một lần nữa đề xuất ý kiến đòi Zuckerberg từ chức.
Theo Fortune, sau khi Facebook công bố báo cáo lợi nhuận quý II với các số liệu gây thất vọng đã khiến giá cổ phiếu giảm gần 24%, gây thiệt hại lên tới 146 tỷ USD vốn hóa, nhiều cổ đông đã lên tiếng đề xuất việc xóa bỏ chức chủ tịch của Mark Zuckerberg.
Đại diện của Quỹ đầu tư Trillium, đơn vị từng “gặp rắc rối với Zuckerberg trước đây”, dẫn đầu các cáo buộc này. Đề xuất của quỹ đã đưa ra các trích dẫn về những lần “xử lý sai” của Facebook trong các cuộc khủng hoảng gần đây như Cambridge Analytica và vấn đề can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Mark Zuckerberg, CEO kiêm chủ tịch Facebook. Ảnh: Reuters
Quỹ Trillium nắm giữ 11 triệu cổ phần của Facebook. Vào tháng trước, đại diện quỹ này bắt đầu ủng hộ việc tách biệt vai trò chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty. Tháng 10 năm ngoái, một đệ trình đề xuất việc thành lập ủy ban giám sát rủi ro trong hội đồng quản trị của Facebook đã được đưa ra để bảo vệ việc chống lại tin tức giả mạo, cũng như một số vấn đề khác.
Đây không phải là lần đầu tiên các cổ đông yêu cầu ông chủ Facebook từ chức. Năm ngoái, 51% nhà đầu tư độc lập đã bỏ phiếu để lật đổ vị trí chủ tịch của Mark Zuckerberg. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại vì Zuckerberg nắm giữ hầu hết cổ phiếu loại B, mang lại phần lớn quyền biểu quyết.
Điều này cũng khiến cho các đề xuất mới của Trillium được cho là sẽ không đạt được bất kỳ hiệu quả nào. Tuy vậy, họ vẫn đang tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhóm cổ đông khác, những người đang có cùng thất vọng về hiệu quả hoạt động của Facebook trên cả thị trường chứng khoán lẫn phản ứng của công luận.
“Cần có một vị trí độc lập giúp hội đồng quản trị thực hiện nhiệm vụ chính của mình, để theo dõi việc quản lý của công ty thay mặt cho các cổ đông”, đề xuất viết. “Một giám đốc điều hành kiêm chủ tịch có thể gây ảnh hưởng quá mức đến hội đồng quản trị và chương trình nghị sự, làm suy yếu sự giám sát của ban giám đốc. Chúng tôi tin rằng việc thiếu chủ tịch và giám sát độc lập đã góp phần vào việc Facebook đã bỏ qua hoặc xử lý sai các vấn đề, gây ra một số tranh cãi nghiêm trọng, tăng rủi ro và chi phí cho cổ đông”.
Đề xuất cũng chỉ ra Apple, Google, Microsoft và các công ty công nghệ lớn khác, từ lâu đã tách biệt hai vai trò chủ tịch và CEO.
Video đang HOT
Bảo Nam
Theo VNE
Cổ đông Facebook đang cố lật đổ Mark Zuckerberg
Các nhà đầu tư nắm giữ số cổ phiếu trị giá khoảng 3 tỷ USD cho biết muốn lật đổ CEO và thay đổi cơ chế quyền lực tại Facebook.
Theo Business Insider, 6 cổ đông lớn của Facebook đã chia sẻ về việc đang "không ngừng nghỉ" trong việc thay đổi cách thức quản trị tại công ty này. Đây là nhóm người đại diện cho sự tức giận của các nhà đầu tư và điều này chưa bao giờ rõ rệt hơn, kể từ khi công ty mạng xã hội lên sàn chứng khoán vào năm 2012. Tất cả xuất phát sau một loạt bê bối từ can thiệp bầu cử cho tới thảm họa dữ liệu Cambridge Analytica.
Nhà đầu tư đổ một phần lỗi của những cuộc khủng hoảng trên do cách thức hoạt động của Facebook. Theo họ, các vấn đề chưa được giải quyết đúng đắn bởi cấu trúc quản trị doanh nghiệp của công ty đang cho phép Zuckerberg vừa là CEO vừa là chủ tịch.
"Chúng tôi có mối quan tâm về cấu trúc của hội đồng quản trị trong khi công ty dường như không sẵn sàng giải quyết. Điều này có thể dẫn đến rủi ro về uy tín, quy định và nhiều vấn đề khác", Scott Stringer, người giám sát gần một tỷ USD cổ phần của Facebook thông qua quỹ hưu trí của thành phố New York cho biết.
Các nhà đầu tư cho biết họ đang vận động công khai và triệt để trên nhiều mặt trận, nhưng tất cả đều xoay quanh hai vấn đề cụ thể. Một là họ muốn Zuckerberg từ chức chủ tịch và thuê một CEO độc lập để thay thế vị trí này. Hai là các cổ đông cũng muốn cấu trúc cổ phiếu hai lớp của Facebook bị bãi bỏ bởi họ tin rằng nó khiến cho quá nhiều quyền lực được tập trung vào tay Zuckerberg và đội ngũ quản lý của mình.
Hiện Facebook chia cổ phần thành hai loại A và B. Cổ phiếu loại B có quyền biểu quyết gấp 10 lần cổ phiếu loại A. Zuckerberg đang sở hữu hơn 75% cổ phiếu loại B. Điều này có nghĩa ông có hơn một nửa quyền biểu quyết trong công ty, tương ứng với quyền kiểm soát gần như hoàn toàn trong mọi quyết định.
Một hình ảnh phản đối Mark Zuckerberg sau hàng loạt bê bối của Facebook.
Trong quá khứ, tại cuộc họp của các nhà đầu tư, đa số các cổ đông độc lập đã bỏ phiếu ủng hộ các đề xuất này. Cơn tức giận của những cổ đông đã bùng lên một cách mạnh mẽ tới mức Zuckerberg bị buộc tội điều hành công ty như một "chế độ độc tài" và một cổ đông đã phải ra khỏi phòng họp vì quá bất mãn.
Một số cổ đông cũng kêu gọi ủy ban kiểm toán của Facebook được cấp nhiều quyền lực hơn. Phần lớn các yêu cầu này đã bất ngờ được công ty giải quyết mới đây trong quá trình cải tổ công ty. Các cổ đông đã xem nó như một dấu hiệu "lắng nghe" và coi đó là một chiến thắng. Giờ đây, họ muốn các vấn đề khác cũng phải được giải quyết.
Michael Frerichs, một thủ quỹ ở bang Illinois, có trong tay khoảng 35 triệu USD giá trị cổ phiếu Facebook, cho biết các cổ đông muốn loại bỏ Zuckerberg khỏi vị trí chủ tịch vì một lý do đơn giản. "Ông ấy không chịu trách nhiệm với bất kỳ ai, dù là hội đồng quản trị hay các cổ đông. Một hành vi quản trị doanh nghiệp tồi tệ", Frerichs nói. "Zuckerberg là ông chủ của chính mình và rõ ràng là ông ta đang làm không tốt".
Frerichs đã phối hợp với bốn cổ đông khác, với tổng giá trị cổ phiếu khoảng 2 tỷ USD, đã tiến hành vận động hành lang để thay đổi điều này. Những nỗ lực trên được dẫn dắt bởi nhà đầu tư Natasha Lamb, một đối tác quản lý tại Arjuna Capital, người nói rằng có "rất ít sự tự tin" với công việc mà Zuckerberg đang làm.
Trong khi đó, Facebook từ chối bình luận về tình trạng bất ổn của các nhà đầu tư. Một phát ngôn viên của công ty từng chia sẻ trong quá khứ rằng cấu trúc quản trị hiện tại là phù hợp. Bởi minh chứng rõ ràng nhất là từ năm 2012, cổ phiếu Facebook đã tăng hơn 400%, doanh thu công ty đã tăng gần 1.000% lên 40 tỷ USD và hiện có 2,2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, tương đương với khoảng 30% dân số thế giới. Tại nhiều công ty khác, trong trường hợp này các cổ đông sẽ ca ngợi sự quản lý của Zuckerberg. Nhưng thay vào đó, ở đây các nhà đầu tư lại muốn làm ngược lại.
Khoảnh khắc Facebook lên sàn chứng khoán năm 2012.
Jonas Kron, Phó chủ tịch cấp cao của Trillium Asset Management, quản lý khoảng 10,5 triệu USD cổ phiếu Facebook cho biết tại các công ty khác như Apple, Google, Oracle, Twitter và Microsoft đều phân chia rõ ràng vai trò chủ tịch và CEO. Kron nói rằng Zuckerberg nên nhìn vào đó để thay đổi cho phù hợp.
Michael Connor, Giám đốc Open Mic, một tổ chức chuyên tư vấn cải thiện chiến lược quản trị tại các công ty lớn ở Mỹ nói rằng cách phân chia cổ phiếu ở Facebook khiến cho nó có rất ít chỗ cho bất kỳ ý kiến bất đồng nào. Trong 13 tháng qua, Zuckerberg đã "vứt mối quan tâm của các nhà đầu tư qua một bên" và các đề xuất lật đổ đã nhanh chóng bị "nghiền nát" tại các cuộc họp. Dẫu vậy, theo phân tích của Connor, có một tín hiệu đáng chú ý là ban đầu nó chỉ được 51% cổ đông độc lập hỗ trợ nhưng sau cuộc họp diễn ra tháng 5/2018, con số này đã lên thành 83%.
Các nhà đầu tư độc lập là những người sở hữu cổ phiếu loại A và không phải là thành viên của nhóm điều hành hoặc trong số những người đồng sáng lập của Facebook. Còn cổ phiếu loại B nằm trong tay 8 người, trong đó bao gồm Zuckerberg, COO Sheryl Sandberg và các thành viên hội đồng quản trị như Peter Thiel, những người đồng sáng lập như Dustin Moskovitz và Eduardo Saverin.
"Nếu miễn cưỡng bỏ đi cấu trúc cổ phiếu hai lớp này, đồng nghĩa với việc Zuckerberg sẽ ký vào 'bản án tử' dành cho chính mình", nhà đầu tư Natasha Lamb nhận định.
Trong một tuyên bố hồi tháng trước phản đối đề xuất của các nhà đầu tư trong việc bãi bỏ cơ cấu cổ phần, Facebook cho biết cơ chế hai loại cổ phiếu trên đã được đưa ra từ năm 2009, ba năm trước khi công ty lên sàn chứng khoán. Công ty tin rằng "cấu trúc vốn này đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông và cấu trúc quản trị doanh nghiệp hiện tại là hiệu quả". Về ý tưởng loại bỏ Zuckerberg khỏi chức chủ tịch, đại diện Facebook cho biết điều này sẽ gây ra "sự không chắc chắn, nhầm lẫn và không hiệu quả trong hội đồng quản trị và chức năng quản lý".
Nhiều cổ đông cho biết những biện minh này mẫu thuẫn với lời xin lỗi của Zuckerberg sau vụ scandal với Cambridge Analytica. Khi đó, CEO của Facebook đã đồng ý về việc xây dựng một cơ cấu quản trị mới cho công ty nhằm tránh lặp lại các sai sót này trong tương lai.
Nhiều người đang muốn Mark Zuckerberg giống như Travis Kalanick - "CEO bị phế truất" của Uber.
Các nhà đầu tư cho biết họ sẽ tiếp tục thảo luận và đề xuất yêu cầu tại các cuộc họp cổ đông thường niên, viết thư cho các giám đốc trong Facebook, thực hiện nhiều hoạt động khác cả trong công ty lẫn trên báo chí. Tất cả đều nói rằng họ đang muốn điều tốt nhất cho Facebook.
"Chúng tôi muốn chắc chắn rằng Facebook sẽ luôn là một công ty mạnh mẽ", Stringer nói. Nhà đầu tư Frerichs nói thêm vào: "Đó là việc đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của công ty và với những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, chúng tôi có thể giảm bớt một số rủi ro".
Connor, người không có cổ phần trong Facebook, nhắc nhở Zuckerberg rằng các công ty công nghệ không phải là "bất khả chiến bại".
"Mọi người nghĩ rằng các công ty như Facebook là bất tử, nhưng không", ông nói. "Hãy nhìn vào các công ty như AOL và Yahoo, xuất hiện và biến mất. Rồi những người như Travis Kalanick, đồng sáng lập và CEO của Uber, cũng đến rồi đi. Tất cả những thứ này đều có thể tự hủy".
Bảo Nam
Theo VNE
Facebook có thể theo dõi mọi thiết bị trong mạng Wi-Fi Rất nhiều dữ liệu về người dùng, thiết bị truy cập và cả các thiết bị có cùng kết nối trong mạng Wi-Fi đã được Facebook thu thập. Theo Inc, Facebook mới đây đã tiết lộ các cách mà hệ thống sử dụng để ghi lại thông tin về người dùng. Nội dung này được thể hiện qua bộ tài liệu 222 trang,...