Cô dâu trẻ ung thư thà chết chứ không chịu cắt bỏ tử cung
Cô gái 28 tuổi ở TP HCM mới đính hôn thì phát hiện ung thư cổ tử cung, tha thiết muốn sinh con nên quyết không cắt bỏ tử cung.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết bệnh nhân 3 tháng trước kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm Pap cho thấy bị dị sản tế bào cổ tử cung độ 3. Đây là tổn thương tiền ung thư cổ tử cung. Bệnh nhân nhiễm HPV type 16.
Giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân bị carcinom tế bào gai xâm lấn của cổ tử cung. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt tử cung tận gốc. Bệnh nhân cho biết mới đính hôn, tha thiết muốn có con nên thà chết chứ không phẫu thuật. Các bác sĩ khoa Ngoại 1 đã hội chẩn cùng ban giám đốc về phương án điều trị và quyết định lần đầu thực hiện cắt cổ tử cung chừa lại thân tử cung.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân ngày 10/7. Ảnh bác sĩ cung cấp.
Video đang HOT
Tiến sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết về mặt kỹ thuật, phẫu thuật này rất phức tạp. Bác sĩ phải đảm bảo diện tích cắt phần cổ trong cổ tử cung an toàn về mặt ung thư, đặc biệt cắt âm đạo vào thân tử cung phải đúng chuẩn để tử cung có thể giữ thai sau này.
Nếu phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc chừa lại thân tử cung để mang thai và sinh nở, có hai vấn đề có thể xảy ra. Một là ung thư có thể tái phát sau mổ, sẽ phải mổ lại và cắt tử cung tận gốc. Hai là nếu phẫu thuật bảo tồn thành công, theo ghi nhận y văn thế giới thì khả năng mang thai theo con đường tự nhiên chỉ khoảng 40-50%. Cô gái trẻ chấp nhận những nguy cơ trên và chọn phẫu thuật cắt cổ tử cung.
Ca phẫu thuật ngày 10/7 kéo dài 4 giờ. Bệnh nhân may mắn phát hiện bệnh ở giai đoạn vô cùng sớm, khi mới chỉ có dị sản cổ tử cung độ 3 và chỉ vài vị trí có tình trạng tế bào ung thư xâm lấn. Nếu theo đúng phác đồ điều trị, bệnh nhân hoàn toàn có thể hết bệnh. Về sau khi có em bé, bệnh nhân cần theo dõi sát hoặc tiến hành cắt tử cung để giảm thấp nhất nguy cơ bệnh tái phát.
Lê Phương
Theo vnexpress.net
Hiểm nguy cho bác sĩ khi mổ cắt khối u cho cô gái nhiễm HIV
Để cắt khối u nặng 6 kg cho bệnh nhân, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP HCM phải rất cẩn trọng kiểm soát nguy cơ phơi nhiễm HIV.
Nữ bệnh nhân 26 tuổi quê Long An phát hiện khối bướu nhỏ ở ngực cách đây 3 năm. Sau đó cô cũng phát hiện bị nhiễm HIV nên tuyệt vọng buông xuôi. Tình trạng bướu ngày càng nghiêm trọng, bụng phình to, khối u ở vú sưng chảy dịch, cánh tay phù nề gây chèn ép đau nhức. Người nhà khuyên nhủ nhiều lần, bệnh nhân mới lên TP HCM khám.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết bệnh nhân mắc cùng lúc ung thư vú và ung thư buồng trứng. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật khối u buồng trứng trước rồi tiếp tục điều trị ung thư vú.
"Khi mổ buồng trứng, chúng tôi thấy các mạch máu tăng sinh rất nhiều, nếu không kiểm soát tốt, máu có thể phun xịt ra nên kíp mổ phải hết sức thận trọng. Bác sĩ phải dùng tay bóc bướu trực tiếp, nếu xảy ra sơ suất sẽ đối diện nguy cơ phơi nhiễm HIV", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Các bác sĩ cẩn trọng mổ cắt khối u buồng trứng cho bệnh nhân HIV. Ảnh bác sĩ cung cấp.
Các ca mổ cắt u buồng trứng thông thường kéo dài khoảng một giờ. Với bệnh nhân HIV, các thao tác đòi hỏi phải cẩn trọng nên sau hai giờ phẫu thuật căng thẳng ngày 1/4, các bác sĩ mới bóc tách được khối u khoảng 6 kg khỏi buồng trứng bệnh nhân.
Hệ miễn dịch của bệnh nhân đã suy yếu nên các vết mổ lâu lành, khối bướu ở vú chảy dịch. Các y bác sĩ phải rất gian nan khi chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân. Hiện bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, tiếp tục vô hóa chất để điều trị ung thư vú.
Mỹ Lê
Theo vnexpress.net
9 loại khám sức khỏe định kỳ không cần thiết Bạn có chụp X-quang tim phổi khi khám sức khỏe hàng năm không? Liệu phân tích nước tiểu có phải là một xét nghiệm thường quy? Trừ khi bác sĩ có một lý do y tế cụ thể để yêu cầu những xét nghiệm như vậy, còn thì những xét nghiệm này và một số xét nghiệm dự phòng khác là không cần...