“Cò” đất tung chiêu trò, giá đất nhảy múa tại khu vực quy hoạch sông Hồng
Sau khi đồ án quy hoạch khu đô thị ven sông Hồng được phê duyệt, giá đất tại những khu vực liên quan đã liên tục “phi mã”.
Một số khu vực được cho rằng, chỉ có dân đầu tư “ôm” đất, nhu cầu thực không có.
Khi các cơn sốt đất tại tỉnh, nông thôn vừa tạm hạ nhiệt, thời gian gần đây, giới đầu tư lại xôn xao về thông tin Quy hoạch đô thị sông Hồng. Theo đó, tận dụng cơ hội này, “cò” đất và đầu cơ bất động sản liên tục tung chiêu trò nhằm thổi giá, thậm chí đất không sổ đỏ cũng vào tầm ngắm.
Gần đây, nhiều khu vực liên quan đã có lượng nhà đầu tư quan tâm tăng đột biến, điển hình các khu vực như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm,… Đáng chú ý, tại các khu vực này, mức giá cũng tăng đáng kể, chỉ trong 1 tuần trở lại đây nhiều mảnh đất đã tăng từ 20 – 30%.
Theo khảo sát, tại khu vực Long Biên, những mảnh đất nằm ở mặt ngõ rộng 4m đã tăng giá lên 45 – 60 triệu đồng/m2, trong khi khoảng 1 năm trước chỉ dao động 25 – 35 triệu đồng/m2. Còn những mảnh đất nằm ở ngõ xe máy chạy cũng đã có mức giá từ 35 – 40 triệu đồng/m2.
Anh Tùng, môi giới bất động sản tại Long Biên cho biết, cuối năm 2020, những mảnh đất nằm ở mặt ngõ 3m tại Cự Khối chỉ có giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Đến khi có thông tin tháng 6/2021 sẽ phê duyệt đồ án Quy hoạch sông Hồng thì tăng lên 30 – 35 triệu đồng, còn giờ giá đã tăng lên 45 – 50 triệu đồng/m2. Giá đất tại mặt phố hiện đã đến 120 triệu đồng/m2, những mảnh đất nằm ở mặt ngõ 5m hiện nay được giao dịch với mức giá 70 triệu đồng/m2. Ngay cả đất không sổ đỏ cũng đang được rao bán khoảng 25 – 30 triệu đồng/m2.
“Khoảng 2 tuần trở lại đây đất đã tăng từ 10 – 15 giá. Nhiều người mua từ đầu năm 2022 đến nay cũng đã có lãi, một số đã chốt lời thành công. Tầm tài chính 4 – 5 tỷ giờ chỉ có thể mua được ở mặt ngõ thôi. Còn nếu liều thì mua đất không sổ sẽ được diện tích nhiều hơn. Bây giờ mua có khi tuần sau đã có lãi luôn rồi vì người hỏi mua đang rất nhiều”, anh Tùng khẳng định.
Đơn cử, một mảnh đất 72m2 tại khu vực Thạch Cầu, nằm ở mặt ngõ ô tô chạy qua đang được chào bán với mức giá 52 triệu đồng/m2, trước khi phê duyệt đồ án Quy hoạch sông Hồng chỉ khoảng 38 triệu đồng/m2. Theo người bán, nếu thiện chí sẽ chịu hết chi phí thủ tục sang tên đất, còn mức giá đã cứng không giảm.
Anh Phương, người dân tại ngõ Thống Nhất chia sẻ, từ khi có thông tin quy hoạch sông Hồng, cứ mấy ngày lại có người qua khu vực này hỏi mua đất. “Gia đình tôi có mảnh đất để không, rộng hơn 100m2 ở mặt ngõ gần 4m, cuối năm vừa rồi được định giá 35 triệu đồng/m2. Dạo gần đây, nhiều người vào hỏi mua, trả tôi 50 triệu đồng/m2 nhưng tôi không có nhu cầu bán, nên cứ để đấy đã”, anh Phương nói.
Ngoài điểm nóng Long Biên, khu vực Đông Anh cũng đang có mức giá tăng nóng. Một số khu vực như Võng La, Hải Bối, Xuân Canh mức giá rao bán cũng đang ở ngưỡng 40 – 55 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20 – 30% so với cơn sốt năm ngoài.
Video đang HOT
Anh Sử, môi giới bất động sản tại Đông Anh cho biết, đầu năm 2021 cơn sốt đất đã đẩy mức giá những khu vực liên quan quy hoạch sông Hồng tăng từ 30 – 40%, lần này tiếp tục tăng thêm 20 – 30%.
“Những người về đây hỏi mua đất đều ở trung tâm Hà Nội. Họ không có nhu cầu ở thực mà chỉ mua đầu tư thôi. Giá đất những khu vực đó tăng nhanh lắm, bây giờ mua ở đấy là muộn rồi. Đất ở mấy khu ven sông Hồng bây giờ cũng toàn của nhà đầu tư, người dân còn đất để không hiếm lắm. Tôi có mấy mảnh đất gần khu vực Vinhomes Cổ Loa, tiềm năng tăng giá ổn định”, người môi giới này nói.
Khi được hỏi về giá đất nền tại Đông Anh, anh Sử cho biết, giá đất thổ cư nằm ở mặt ngõ rộng khoảng 2,5m dao động từ 30 – 40 triệu đồng/m2. Những mảnh đất nằm ở mặt đường rộng khoảng 4m, ô tô có thể di chuyển vào được dao động từ 55 – 65 triệu đồng/m2. Đặc biệt, những mảnh đất nằm ở đường lớn, mức giá đã dao động từ 100 – 130 triệu đồng/m2, tùy vị trí, ngang ngửa với những vị trí đẹp tại trung tâm Hà Nội.
Tại Gia Lâm những khu vực như Kim Lan, Văn Đức,… đã trải qua nhiều đợt sốt đất liên tiếp. Thời điểm hiện tại, giá đất theo một số “cò” đất rao bán cũng đang ở mức 40 – 50 triệu đồng/m2 đối với đất nằm ở ngõ 2 – 3m. Mức giá này đã tăng từ 20 – 25% so với đầu năm.
Ông Văn, người dân tại khu vực cho biết: “Dạo gần đây nhiều người tìm về hỏi đất. Thấy môi giới ở đây cứ bảo giá 40 – 50 triệu đồng/m2, nhưng mãi đã thấy bán được đâu. Theo tôi, giá khu vực này chỉ 25 – 30 triệu đồng/m2 còn có người mua, dân ở đây làm gì mua được giá cao thế”.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội, trong nhiều năm qua, mỗi lần có thông tin mới về Quy hoạch đô thị ven sông Hồng, giá đất tại các khu vực liên quan lại tăng đột biến.
“Khi được quy hoạch bài bản, giá đất chắc chắn sẽ tăng theo hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, đường xá vẫn không thay đổi nhưng giá lại tăng một cách vô lý. Hạ tầng còn không kịp theo giá đất tăng. Các thông tin quy hoạch vẫn chỉ đang nằm trên giấy, để triển khai cần có lộ trình và thời gian dài. Theo tôi, chỉ là chiêu trò của “cò” đất và đầu cơ nhằm trục lợi”, ông Tài nói.
Nhà đầu tư này nhận định, giá đất tăng cao khiến việc kêu gọi đầu tư, giải phóng mặt bằng trở nên khó khăn. Theo đó, việc triển khai sẽ kéo dài thời gian, chính những người đầu tư đất khu vực này cũng bị ảnh hưởng lớn.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những thông tin về quy hoạch, sốt ảo. Nếu “chạy” theo sẽ có nguy cơ bị “nhấn chìm” trong cơn “sốt ảo” và thất vọng khi giá đất trở về mức cũ.
Theo ông Đính, nếu quy hoạch được triển khai đúng tiến độ, thị trường bất động sản cũng như đời sống người dân khu vực này sẽ ổn định và nhiều cơ hội phát triển, thuận lợi. Tuy nhiên, nếu việc triển khai bị chậm thì nhà đầu tư “lướt sóng” cũng cần tính bài toán tránh rủi ro.
"Nguyên tắc không hồi tố" với dự án BT
Cơ chế thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do cách hiểu, vận dụng của các địa phương về "nguyên tắc ngang giá".
Tuyến đường nối Nguyễn Xiển (Q.Thanh Xuân) với Xa La (Q.Hà Đông) là một trong nhiều dự án theo hình thức BT. Ảnh: Lê Tiên
Hiện nay, việc sử dụng tài sản công (gồm quỹ đất, tài sản kết cấu hạ tầng, các loại tài sản công khác...) thanh toán cho dự án BT được thực hiện theo Nghị định số 69/2019.
"Đối tác" không bình đẳng
Tại Điều 3 Nghị định 69 (được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2021) đã đặt ra nguyên tắc: "Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư Dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán".
Cụ thể hóa nguyên tắc này, Điều 7 Nghị định 69 đã quy định việc sử dụng quỹ đất sạch để thanh toán dự án BT: Căn cứ khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành để xác định giá trị quỹ đất tương đương để thanh toán.
Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT thì Nhà nước thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư tại thời điểm quyết toán dự án BT.
Điều 17 Nghị định 69 (được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2021) quy định xử lý chuyển tiếp với các dự án BT cũ. Theo đó, các dự án BT được chia thành hai nhóm theo thời điểm ký Hợp đồng BT: Nhóm 1 là các dự án ký trước ngày 01/01/2018; Nhóm 2 là các dự án ký từngày 01/01/2018 đến ngày 01/10/2019 (ngày có hiệu lực của Nghị định 69).
Đối với Nhóm 1, Nghị định 69 sửa đổi quy định việc thanh toán cho nhà đầu tư tiếp tục theo hợp đồng BT đã ký. Trường hợp hợp đồng BT chưa quy định rõ vị trí, mục đích sử dụng của quỹ đất dự kiến thanh toán thì việc thanh toán tuân theo các luật liên quan đảm bảo nguyên tắc ngang giá.
Đối với dự án thuộc Nhóm 2, Nghị định 69 sửa đổi quy định việc thanh toán cho nhà đầu tư tuân theo các luật liên quan đảm bảo nguyên tắc ngang giá.
Như vậy, đối với các dự án BT thuộc Nhóm 2 thì Nghị định 69 không cho phép thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT đã ký, đồng nghĩa với điều khoản thanh toán của các Hợp đồng BT Nhóm 2 mặc nhiên... vô hiệu. Đây là rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư, phản ánh tính chất bất bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Trái nguyên tắc áp dụng pháp luật
Rất may mắn là bất cập của Nghị định 69 chỉ xảy ra với các dự án nhóm 2, được ký kết từ ngày 01/01/2018 đến ngày 01/10/2019 và số lượng không nhiều. Tuy nhiên trên thực tế triển khai, áp dụng pháp luật, một số địa phương đã cứng nhắc trong việc thanh toán bằng quỹ đất, không tuân thủ điều khoản thanh toán của hợp đồng BT đã ký kết mà máy móc áp dụng "nguyên tắc ngang giá", "tương đương".
Hay như quy định chuyển tiếp tại Điều 17 Nghị định 69 (được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2021) cùng cách hiểu, vận dụng pháp luật của các địa phương lại gây ra vướng mắc cho việc thanh toán các dự án BT cũ: Cơ quan nhà nước giao đất cho dự án đối ứng theo 2 giai đoạn nhưng sau giai đoạn 1, giá trị quỹ đất thanh toán đã vượt giá trị dự án BT thì không giao đất giai đoạn 2 (dù nhà đầu tư đã ứng tiền GPMB cho toàn bộ diện tích đất).
Hoặc với một số dự án nhà đầu tư đã ứng tiền GPMB cho toàn bộ diện tích đất để tạo mặt bằng sạch nhưng khi xác định giá trị tạm tính của quỹ đất này vượt giá trị dự án BT thì cơ quan nhà nước yêu cầu "cắt" một phần diện tích đất đối ứng để thanh toán mà không giao toàn bộ quỹ đất.
Mặc dù, Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: nguyên tắc "không hồi tố" - nguyên tắc cơ bản trong hệ thống pháp luật.
Mặt khác theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 (Luật PPP): "Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, việc chuyển tiếp thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT được thực hiện như sau: Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng".
Như vậy, tinh thần của Luật PPP là: Đối với hợp đồng BT đã ký kết từ trước khi Luật PPP có hiệu lực thì pháp luật tôn trọng hợp đồng đã ký, là căn cứ pháp lý để xác lập quyền, nghĩa vụ giữa các bên, bao gồm nghĩa vụ thanh toán.
Nếu áp dụng Nghị định 69 để thanh toán cho dự án BT cũ thì vừa trái nguyên tắc tại điểm c khoản 5 Điều 101 Luật PPP, vừa trái nguyên tắc "không hồi tố".
Từ những dữ kiện trên đây, có thể kết luận rằng với các dự án BT cũ mà hợp đồng BT quy định nhà đầu tư được thanh toán bằng toàn bộ quỹ đất sau khi ứng tiền GPMB thì cơ quan nhà nước cần tuân thủ đúng hợp đồng BT.
Việc này cũng sẽ giúp nhà đầu tư triển khai một khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ. Tại thời điểm quyết toán dự án BT, nếu giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư phải nộp khoản chênh lệch.
Thăng Long Luxury hưởng lợi từ vị trí kết nối đa chiều Tốc độ phát triển cùng lợi thế hạ tầng của công nghiệp đô thị Bàu Bàng đã tạo điều kiện kết nối tốt cho các dự án trong khu vực. Phố thương mại shophouse Thăng Long Luxury được bao bọc bởi tuyến đường huyết mạch quốc lộ 13 và Cao Tốc Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, kết nối dễ dàng...