Cô bé nghèo xóm chài đón Tết: Mong bữa cơm đủ người thân
Cô bé ở xóm chài ven biển Hạ Long ( Quảng Ninh) đã quá quen với cái nghèo, quen đến nỗi, những cái Tết không áo mới, không mứt kẹo, không được lên bờ đi chơi… là cái gì đó hiển nhiên, như nước thủy triều lên – xuống.
Xóm chài phủ sương chiều 29 Tết. Ảnh: Nguyễn Quý.
Xóm chài ven biển cột 5, phường Hồng Hà, TP.Hạ Long chiều cuối năm tĩnh lặng khác thường. Hàng chục chiếc thuyền câu xếp hàng ngang chằng buộc vào nhau thành từng đám, túm tụm, ngả nghiêng như đám lục bình gặp sóng. Thuyền đông đậu kín bờ, nhưng chỉ có khoảng hơn chục chiếc là thấy có bóng người.
Bà Chầu khua mái chèo đưa tôi vòng quanh xóm chài, rủ rỉ: “Những chiếc thuyền câu không người ấy là của những người có nhà trên bờ. Người ở Hùng Thắng, người ở Hà Phong, Cao Xanh, có người ở xa hơn nữa. Họ gửi thuyền ở đây để về nhà ăn Tết. Còn chúng tôi, hơn chục hộ không có nhà, thì vẫn yên vị ở góc biển này mà đón Tết thôi”.
Nga – cô bé chèo đò lém lỉnh chuyên chở khách khu bến cá cột 5. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trở về “căn nhà” là chiếc thuyền nan, nơi mấy bà cháu bà Chầu trú ngụ, tôi gặp lại Nga – cô bé chèo đò lém lỉnh vẫn chở tôi đi dọc các xóm chài. Chiếc thuyền xi măng cũ nát năm nào làm nơi trú ngụ, giờ đã bị đắm, chìm nghỉm nơi đáy biển. Bà cháu Nga phải ở trên chiếc thuyền nan chật hẹp này.
Nga 11 tuổi nhưng mới học lớp 3, là con thứ 3 trong gia đình có đến 7 anh chị em, dưới còn có 4 đứa em lau nhau, lít nhít. Đứa em út mới hơn 2 tháng tuổi đã phải theo bố mẹ đi tới những ghềnh đá xa ngoài vịnh để đánh hà, bắt ốc, mỗi chuyến đi cả tháng mới về. Nhiệm vụ của Nga ngoài giờ đi học trên bờ là chèo đò đưa khách quanh bến cá. Nếu chị Tuyền (chị cả) bận đi bán rổ ốc trên chợ thì Nga nấu cơm bữa trưa, 1 bữa ăn cả ngày.
Video đang HOT
Đã 29 Tết mà bố Nhặt, mẹ Hải cùng 3 em vẫn chưa về. Ngày nào có đủ 10 thành viên (gồm bà nội, bố mẹ và 7 anh chị em) ở nhà, ngày đó đối với Nga là ngày Tết. Nhưng ngày đó hiếm lắm. Để tiết kiệm chi phí dầu máy đi lại, cứ mỗi chuyến đi phải kiếm được ít tiền thì bố mẹ mới về, nếu không đủ tiền dầu thì cứ ở lại, loanh quanh ngoài mấy ghềnh đá, bắt được ít ốc, con hà nào thì bán luôn cho người mua gom ngoài biển. Có bữa bố mẹ Nga đi phải hơn 3 tháng mới về.
“Hôm qua điện thoại bố cháu bảo sáng nay về, thế mà cơ này (chiều 29 Tết -PV) vẫn chưa thấy đâu” – Nga nói, mắt nhìn ra khoảng mù xa ngoài biển.
Trong “căn nhà” nhỏ, Nga ngóng chờ bố mẹ về ăn Tết. Ảnh: Nguyễn Quý.
Tết, đối với Nga, chỉ khác ngày thường là được ở dài ngày bên bố mẹ. Bữa cơm ngày Tết cũng được cải thiện thêm nồi thịt kho lẫn giò, với con gà luộc cúng mùng 1 Tết. Hơn chục hộ không có nhà ở lại trên thuyền cũng sang “nhà” nhau chơi hôm mùng 1, thời gian còn lại người lớn dành cho ngủ nướng. Lũ trẻ như Nga tự chèo đò sang chơi với nhau, thảng hoặc lại ngước lên bờ ngắm dòng người đi chơi Tết.
11 tuổi, chưa năm nào Nga được mặc tấm áo mới ngày Tết. Nhưng điều đó không làm Nga thấy buồn. Nhìn quanh anh chị em và những đứa trẻ xóm chài khác, đứa nào mà chẳng thế, có đi chơi đâu mà mặc áo mới…
Cả 6 đứa con lớn của vợ chồng anh Nhặt (bố Nga), chỉ có Nga và anh Tiến (anh trai thứ 2) là được tới trường học, được nhà trường lo cho học phí. “Trước đây có bà Liên mở lớp tình thương dạy chữ cho các cháu làng chài, nhưng giờ bà ấy già yếu không dạy được nữa. Học lớp tư bây giờ mất những 30.000 đồng mỗi đứa một buổi, anh bảo lấy đâu ra? Đi học thì bữa đực bữa cái. Thằng Tiến tiếng là được đi học mà bây giờ đã nhận hết mặt chữ đâu!” – bà Chầu rên rẩm.
Cuộc sống quanh năm dưới biển, chỉ từ thuyền nọ sang thuyền kia, nhưng không làm cô bé thấy buồn. Ảnh: Nguyễn Quý.
Giời thương, đứa con nào của vợ chồng anh Nhặt cũng đẹp, cũng kháu mà lại ngoan ngoãn. Ngoài giúp mẹ nấu cơm, trông em, Nga còn biết ra bến chèo đò phụ giúp thêm cho bà đồng rau, đồng mắm. 7 đứa, chẳng đứa nào phải mất tiền ăn sữa ngoài, cơm canh thì bữa mặn bữa nhạt, vậy mà đứa nào cũng lớn thôi thổi.
Tết năm nay cũng như mọi năm, Nga chẳng hề thấy chạnh lòng vì không được đi chơi, không có quần áo mới. Sau bữa cơm cúng tiễn vàng, bố sẽ nằm trong chiếc thuyền câu ngủ say vì mấy chén rượu với chú bác, mẹ chăm em út ở khoang giữa phủ bạt, còn lại mấy anh chị em cuộn tròn trong chiếc chăn len ở thuyền nan mà tán gẫu.
Tết khép lại như thế, với Nga đã là mãn nguyện lắm rồi.
Theo danviet.vn
Vì sao mưa rào như mùa hè trong đêm giao thừa và đầu năm mới?
Từ đêm qua, 24/1 (30 Tết) cho đến hôm nay, 25/1 (mùng 1 Tết), tại khu vực Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc xuất hiện mưa rào liên tục như mùa hè, khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên. Nhiều bậc cao niên cho biết cả đời họ chưa từng gặp hiện tượng lạ này trong ngày đầu năm mới.
Chiều nay, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mưa rào trong đêm giao thừa (30 Tết) và ngày mùng 1 Tết ở miền Bắc (trong đó có Thủ đô Hà Nội).
Cụ thể, do ảnh hưởng của không khí lạnh; Từ 21/1, nhiệt độ ở khu vực Hà Nội tăng cao phổ biến 27-28 độ C, có nơi 29 độ C, mấy ngày gần đây không khí lạnh tràn về nên có sự chênh lệch về nhiệt độ gây ra thời tiết thay đổi nhanh; Vài ngày trước đêm 30 Tết có hiện tượng trời nồm nên độ ẩm lớn.
"Ba yếu tố như vậy nên gây ra hiện tượng mưa rào ở miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội vào đêm 30 Tết và ngày mùng 1 Tết. Đây không phải là hiện tượng bất thường, vì trong tháng 1 thường lượng mưa khá lớn" - ông Lâm giải thích.
Đêm 30 Tết, tại Hà Nội xuất hiện mưa rào.
Chia sẻ về hiện tượng trên với báo chí, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng dự báo Thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết hiện tượng mưa rào sấm chớp xảy ra do không khí lạnh tràn về có tính chất ẩm, gây ra hiện tượng mây đối lưu phát triển mưa giông.
"Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng bất thường, chỉ là 30 Tết trùng với thời điểm không khí lạnh bắt đầu tràn về. Trong khi đó, lịch sử khí tượng và thời tiết được tính theo lịch dương", ông Năng thông tin.
Do đó, chuyên gia khí tượng cho rằng người dân không nên cố gắng lý giải hiện tượng này theo suy nghĩ "30 Tết xảy ra mưa rào, sấm chớp chưa từng thấy" mà nên hiểu đơn giản là không khí lạnh tác động gây mưa rào ở miền Bắc vào ngày 24/1. Và trong năm nay, thời điểm này trùng với đêm giao thừa.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm nay (25/1, tức 1 Tết), không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với ảnh hưởng của hội tụ gió trên mực từ 3000 đến 5000m, nên trong ngày hôm nay (25/1, tức 1 Tết) ở phía Đông Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và giông; chiều tối và đêm nay, mưa có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét, riêng các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm nay trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại. Vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá.
Gió Đông Bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Từ trưa chiều nay, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.
Khu vực Hà Nội, ngày hôm nay có mưa. Trời chuyển rét, từ đêm nay trời rét đậm.
Theo Nguyễn Dương (Dân trí)
Lấy tiền mừng tuổi của con để tiêu, bố mẹ bị phạt nặng? Sau mỗi dịp Tết, việc trẻ nhỏ có được phép tự giữ tiền mừng tuổi (lì xì) không hay phải đưa cho bố mẹ "giữ hộ" lại gây nên không ít băn khoăn? Tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội;...