Có 7 ca nhiễm virus Adeno tử vong, Bộ Y tế họp bàn giải pháp ứng phó
Các chuyên gia y tế lo ngại các bệnh nhi mắc các bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng nếu đồng nhiễm Adenovirus sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.
Chiều 23/9, thông tin tại cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc virus Adeno diễn ra tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ cuối tháng 8 đến nay, số ca bệnh mắc virus Adeno tăng cao. Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh Adenovirus.
Trong 2 tuần từ 12/9 đến 21/9/2022, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng các ca đến khám tại bệnh viện. Trong số ca nhiễm có 80% là bệnh nhi tại các quận huyện của Hà Nội. Đã có 7 trường hợp tử vong là các bệnh nhân mắc các bệnh lý nền, đồng nhiễm Adenovirus.
Bệnh nhi mắc bệnh hô hấp điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).
Riêng ngày 22/9, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua thăm khám các trẻ đến khám đã phát hiện 150 ca, trong đó một nửa số bệnh nhân này cần nhập viện.
Tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện của Hà Nội, đã ghi nhận gần 100 ca được phát hiện mắc virus Adeno.
Theo báo cáo sơ bộ tại cuộc họp, Bệnh viện Nhi Trung ương có số bệnh nhân viêm đường hô hấp đến khám được phát hiện mắc virus Adeno chiếm nhiều nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh tại Hà Nội.
Lên phương án phân tuyến, thu dung điều trị nếu ca mắc gia tăng
Tại cuộc họp, đại diện các bệnh viện cũng cho biết, do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám. Do đó, dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm trong ngày, trong tuần.
Video đang HOT
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adeno nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng.
Điều các chuyên gia lo ngại là các bệnh nhi mắc các bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng nếu đồng nhiễm Adenovirus sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.
Đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện chưa ghi nhận các ổ dịch Adenovirus trong cộng đồng.
Tại cuộc họp, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận định việc nhiều trẻ mắc virus Adeno là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. Đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, tuy nhiên nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mắc thêm virus Adeno có nguy cơ tử vong cao.
Trước mắt, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh nhân hô hấp không nằm chung bệnh khác, tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang, khử khuẩn… không để lây lan dịch bệnh. Tăng cường công tác truyền thông không gây hoang mang trong cộng đồng.
Bộ Y tế sẽ cập nhật và ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adeno trong đó sẽ xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với các ca mắc virus Adeno làm căn cứ cho các bác sĩ khi khám, chẩn đoán.
Đề nghị Sở Y tế Hà Nội lên kế hoạch và có phương án nếu bệnh nhân gia tăng thì có giải pháp để phân tuyến, thu dung, điều trị phù hợp, cần chủ động, theo dõi chặt diễn biến, theo dõi báo cáo hằng ngày và báo cáo Bộ, có phương án chuẩn bị các khu hồi sức cho bệnh nhân nặng.
4 cách phòng, chống bệnh do virus Adeno
Liên quan đến bệnh do virus Adeno gia tăng, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế trước đó đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Các địa phương chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo.
Hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh; không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh do virus Adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm như: Thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường; Vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch; Che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi; Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh…
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp phòng chống.
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh của các địa phương khu vực phụ trách để phân tích, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho Bộ Y tế các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả với từng địa phương trong khu vực phụ trách;
Tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch./.
Cảnh báo số trẻ mắc tay chân miệng tại Hà Nội tăng gấp 4 lần
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 721 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021, hầu hết là bệnh nhân nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Ghi nhận tại khoa Cấp cứu Nội - Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho thấy, số trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hoá, tay chân miệng... nhập viện viện gia tăng thời gian qua. Trung bình một ngày, khoa tiếp nhận 20 - 25 bệnh nhi, với số lượng trẻ cần nhập viện để điều trị chiếm khoảng 60%.
Theo bác sĩ Nguyễn Hương Giang, khoa Cấp cứu Nội - Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, số trẻ vào viện vì sốt, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tay chân miệng gia tăng là điều tất yếu khi trẻ quay lại trường học. Bởi, bệnh tay chân miệng là bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, qua tiếp xúc, giọt bắn nên nếu trong lớp có một trẻ mắc bệnh sẽ rất dễ lây truyền cho các bé khác.
Số trẻ vào viện vì sốt, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tay chân miệng gia tăng.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc tay chân miệng. Riêng tuần từ 13-19/6, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC), trên địa bàn thành phố có 135 ca mắc ở khắp các quận, huyện như Sóc Sơn, Mê Linh, Chương Mỹ, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh, Ba Vì...
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
Do đó, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, không nên tìm hiểu thông tin trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh nặng thêm.
Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...). Có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.
Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng, do vậy, để phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh thực hiện và hướng dẫn trẻ khi đi học về cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
Đối với người lớn, chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Các gia đình khi có con mắc tay chân miệng cần báo ngay cho trường học để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, đồng thời theo dõi sức khoẻ của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh./
Viêm gan cấp khiến trẻ em chết: 650 ca mắc tại 33 nước, Việt Nam đang ứng phó sao? Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra báo cáo thứ 2 về bệnh viêm gan cấp gây tử vong ở trẻ. Tính đến ngày 27-5, thế giới đã ghi nhận ít nhất 650 ca viêm gan cấp tại 33 quốc gia. Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN Ngoài ra...