Có 1 ngày trong năm đàn ông người Mông làm tất tần tật mọi việc thay phụ nữ, đó là ngày nào?
Tết người Mông ở xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đến sớm hơn 1 tháng so với tết Nguyên đán.
Rạng sáng ngày mùng 1 Tết, khi những tiếng gà trống gáy “ò ó o” vang lên đầu tiên cũng là lúc những đàn ông người Mông bật dậy làm hết mọi công việc thay người phụ nữ…
Những ngày nghỉ này, chúng tôi có dịp theo chân những bạn người Mông về xã Co Mạ đón Tết cùng gia đình.
Nằm ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển nên thời điểm này bản Co Mạ, xã Co Mạ chìm trong mây mù, nhiệt độ trên 10 độ C, chân tay lạnh tê buốt. Dịp này, bà con đang nhộn nhịp đón tết sau một năm lao động vất vả.
Những ngày này, người Mông ở bản Co Mạ, xã Co Mạ đang đón tết cổ truyền của đồng bào mình. Ảnh: Tuệ Linh.
Gia đình ông Và Sái Di – già làng bản Co Mạ là một trong hộ gia đình đón Tết sớm nhất. Dùng đôi bàn tay thô ráp chia đôi chiếc bánh dày thơm ngon nướng cạnh bếp lửa hồng mời khách thưởng thức, ông Di bảo: Tối nay ít người nên gia đình mổ 2 con gà thôi. Sáng mai, mùng 1 Tết mới mổ lợn để đón người thân bên nội, ngoại, con cháu và khách trong bản đến ăn.
Người Mông bản Co Mạ thật thà, chất phác, mến khách. Ngồi bên mâm cơm đón giao thừa cùng gia đình, ông Di rót chén rượu ngô thơm nức và gắp miếng thịt gà đen săn chắc mời chúng tôi thưởng thức.
Ngày mùng 1 Tết, đàn ông người Mông ở bản Co Mạ, xã Co Mạ dậy sớm nhóm bếp, đồ xôi thay cho chị em phụ nữ. Ảnh: Tuệ Linh.
Video đang HOT
Vừa tiếp khách, ông Di vừa kể cho mọi người trong mâm nghe về những phong tục, nghi lễ tốt đẹp của người Mông.
Bên cạnh đó, ông cũng không quên căn dặn thế hệ trẻ phải chăm chỉ học tập để trở thành những công dân có ích cho xã hội; không được vi phạm pháp luật; không nghe theo tà đạo, kẻ xấu lợi dụng.
“Người Mông quan niệm, nếu tối nay ăn Tết thì ngày mai là mùng 1 Tết, không nhất thiết cứ phải ăn vào tối 30/11 âm lịch. Khi những tiếng gà gáy “ò ó o” vang lên đầu tiên, đánh dấu những phút giây đầu tiên sang năm mới (rạng sáng ngày mùng 1 Tết), cánh đàn ông người Mông bật dậy làm hết mọi công việc thay người phụ nữ, từ nhóm bếp, nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho lợn, gà, trâu, bò…”, ông Di nói.
Ông Di dậy sớm từ lúc 3 giờ sáng ngày mùng 1 Tết để đàn lợn ăn. Ảnh: Tuệ Linh.
Theo quan niệm của người Mông, ngày mùng 1 Tết không ai gọi ai, cứ nghe thấy tiếng gà gáy là ai nấy đều tự giác bật dậy để chuẩn bị đón năm mới; trong đó người đàn ông là trụ cột chính trong gia đình nên sẽ là người dậy sớm nhất để chuẩn bị mọi thứ.
Việc đàn ông người Mông dậy sớm để cho gia súc, gia cầm ăn thể hiện sự quan tâm của người chủ đối với vật nuôi của mình.
Bởi ở miền sơn cước này vật nuôi chính là tài sản có giá nhất của người Mông. Con trâu, con bò thì giúp người Mông tạo ra hạt gạo, bắp ngô; con lợn, con gà giúp người Mông đón cái Tết đầy đủ, ấm cúng.
Ông Di dậy sớm cho đàn gà ăn. Ảnh: Mùa Xuân.
Cùng với đó, người Mông mong muốn sang năm mới, tổ tiên, ông bà, thần linh phù hộ độ trì cho đàn vật nuôi sinh sôi, nảy nở, không ốm đau, bệnh tật; giúp gia chủ có cuộc sống tốt hơn, giàu hơn so với năm cũ.
Không chỉ có vậy, sáng mùng 1 Tết, khi nghe thấy đàn ông dậy sớm nhóm bếp, cho lợn, gà ăn thì người phụ nữ Mông cũng dậy theo để làm những công việc nhỏ hơn như hứng nước và dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón anh em họ hàng gần xa đến chung vui năm mới.
Người Mông bản Co Mạ mổ lợn từ lúc 4 giờ sáng ngày mùng 1 Tết để mời mọi người đến chúng vui. Ảnh: Mùa Xuân.
Chị Thào Thị Ly, bản Co Mạ chia sẻ: Từ khi còn nhỏ, những cô gái người Mông đã được bố mẹ dạy bảo phải tập dậy sớm nhóm bếp, lấy nước, nấu cơm. Có như vậy sau này về nhà chồng mới được lòng mẹ chồng và họ hàng bên đó. Sáng ngày mùng 1 tết, chúng tôi cũng sẽ dậy sớm để hứng những giọt nước sạch nhất về sử dụng với mong muốn năm mới mọi thành viên trong gia đình đều mạnh khỏe, may mắn.
Phụ nữ Mông dậy sớm lấy nước. Ảnh: Mùa Xuân.
Đến với đồng bào Mông ở xã vùng cao Co Mạ vào dịp Tết này, ngoài việc được chứng kiến những phong tục, nghi lễ độc đáo như: Kiêng gọi nhau, kiêng tiêu tiền, kiêng ăn rau… ngày mùng 1; du khách sẽ được thưởng thức bầu không khí trong lành, hòa mình vào sắc màu e ấp của hoa đào, hoa mận; được ném pao (tiếng Mông gọi là pó po) cùng những thiếu nữ người Mông xinh đẹp xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ đi du xuân…
Lên vùng cao Yên Bái ăn Tết cùng đông bào Mông
Tết này là dịp để du khách lên vùng cao Yên Bái cùng ăn Tết với đồng bào Mông nơi đây và khám phá những nét đẹp văn hóa với rất nhiều nghi lễ độc đáo.
Thi giã bánh dày trong lễ hội xuân của người Mông. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN
Trước kia, sau khi mùa vụ đã thu hoạch xong, người Mông ở Yên Bái sẽ ăn Tết (thường sớm hơn Tết cổ truyền của cả dân tộc khoảng 1 tháng). Nhưng đã gần chục năm nay, người Mông ở Yên Bái cùng "ăn chung một Tết" với nhân dân cả nước. Đây được coi là một cách mạng làm thay đổi nhận thức về một số hủ tục không còn phù hợp với nếp sống mới hiện nay. Điều đáng nói là phong tục Tết cổ truyền đậm đà bản sắc lâu đời của đồng bào Mông ở Yên Bái không vì thế mất đi mà ngược lại vẫn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Ông Giàng A Vừ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, cái hay của việc đồng bào Mông ăn chung một Tết với người dân cả nước là để người thân trong gia đình đang công tác tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hay con em đang đi học... có thời gian về sum họp với gia đình. Mặc dù thay đổi thời điểm đón Tết nhưng những nét đẹp văn hóa của đồng bào vẫn được gìn giữ, phát huy. Điển hình trong Lễ lử-xu (Lễ đón mừng năm mới) hay Lễ hội Gầu Tào với mục đích để gia chủ cầu con và gắn với cộng đồng là cầu cho mùa màng tươi tốt, người yên vật thịnh...
Tết của người Mông đậm đà bản sắc với những tập tục, lễ nghi thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và đề cao tính cộng đồng. Trước khi mặt trời lặn của ngày cuối năm, cả dòng họ sẽ cùng thực hiện Lễ đón năm mới (Lễ lử-xu). Sau Lễ lử-xu, thành viên trong các gia đình trở về nhà để làm lễ thay bàn thờ, một trong những lễ quan trọng nhất vào ngày Tết của người Mông. Bàn thờ là nơi mỗi gia đình người Mông thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà và luôn được thay mới trong dịp Tết để hạnh phúc, may mắn luôn ngập tràn, gia đình luôn được che chở, phù hộ.
Trước khi đón Tết, tất cả quần áo, đồ đạc phơi ở ngoài phải cất hết đi. Mục đích của việc làm này là mong muốn những gì tốt đẹp trong năm mới sẽ đến với gia đình. Người Mông quan niệm rằng, nếu phơi quần áo ở ngoài, trong năm đó, con gà mà gia đình nuôi sẽ bị diều hâu bắt đi. Trước cửa ra vào nhà của người Mông những ngày Tết có treo một tấm vải đỏ.
Tấm vải này sẽ được gia chủ thay mới trước khi hết năm cũ. Người Mông quan niệm tấm vải đỏ mang lại may mắn cho gia chủ trong cả một năm, ngăn những điều xui xẻo.
Đặc biệt trong ba ngày Tết chính, gia đình nào cũng đốt củi, giữ bếp đỏ lửa liên tục, vừa giữ ấm, vừa xua đuổi tà ma và cầu mong bình an, may mắn. Trong những ngày này, người Mông chỉ ăn các món bánh và thịt, tuyệt đối không ăn rau. Vì theo quan niệm của người Mông, không ăn rau để tránh trong năm mới đi làm nương, làm rẫy cỏ mọc nhiều, mùa màng thất thu, chăn nuôi trâu bò không được thuận.
Đối với người Mông, khi có tiếng gà gáy đầu tiên sớm mùng Một, gia đình nào cũng có người dậy sớm để đi gánh nước mới về nấu ăn. Ai gánh được nước sông suối về đầu tiên, năm đó gia đình ấy sẽ làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng, thành công hơn những gia đình khác...
Tết của người Mông cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Trong các ngày Tết, nam thanh, nữ tú mặc những bộ quần áo mới và diện các đồ trang sức đẹp nhất, tổ chức thành từng tốp ném còn "pó po", đánh gụ "đầu tu lu", đánh cầu tự chế bằng lông gà "đầu tỳ kay". Các cặp trai gái hát "Cự xia", "Lù tẩu" thổ lộ tâm tình, tình yêu đôi lứa... Nhờ đó, trong dịp Tết, nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.
Người Mông rất mến khách, nhất là vào dịp Tết. Họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi, cả năm đó họ gặp may mắn, nên đón tiếp rất chu đáo, mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi khách ra về, người Mông còn mừng tuổi hai chiếc bánh dầy tự tay họ làm ra...
Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng ở vùng cao Yên Bái vẫn an toàn, chưa có ca mắc trong cộng đồng. Tỷ lệ tiêm vaccine đủ 2 mũi phòng dịch ở người trên 18 tuổi đạt trên 95%. Tỉnh đang triển khai tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Đến Yên Bái dịp này, du khách được đắm mình trong những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mộc mạc, hoang sơ; hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa của người Mông cũng như đồng bào các dân tộc khác. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Di tích quốc gia đặc biệt; tắm suối khoáng nóng hay hòa mình với đồi thông Eo gió huyện Trạm Tấu cùng thưởng thức văn hóa ẩm thực trong ngày Tết của đồng bào vùng cao và nghỉ ngơi tại các nhà nghỉ cộng đồng, các resort hiện đại, tiện nghi.
Trải nghiệm cuộc sống trên mây của đồng bào Mông Chỉ gần 50 hộ đồng bào dân tộc Mông, bản Cu Vai nằm trên đỉnh núi cao thuộc xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Đến với Cu Vai, chúng ta sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp kỳ ảo và đặc biệt là cuộc sống thanh bình trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây....