Clinton – Sanders hợp sức chống Trump
Bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders tối qua gặp mặt để thảo luận về cách thống nhất đảng Dân chủ trước đối thủ Donald Trump.
Ông Sanders bắt tay bà Clinton trong một sự kiện năm ngoái. Ảnh: Reuters
Theo NPR, cuộc họp kín kéo dài 90 phút tại khách sạn Capital Hilton, Washington D.C hôm qua được cả hai bên đánh giá là “tích cực”. Theo cả hai chiến dịch của bà Clinton và ông Sanders, hai người chúc mừng nhau về cuộc đua và thảo luận về cách thống nhất đảng trước “mối đe dọa nguy hiểm mà ông Donald Trump gây ra với đất nước của chúng ta”.
Hai bên thảo luận về nhiều vấn đề mà họ đang tìm kiếm điểm chung, như tăng đáng kể lương tối thiểu, cải cách tài chính thực sự, giúp y tế được tiếp cận dễ dàng và phổ quát, giúp giảm nợ cho sinh viên và việc học đại học bớt tốn kém hơn”, Michael Briggs, phát ngôn viên của ông Sanders, nói.
“Ông Sanders và bà Clinton nhất trí tiếp tục làm việc để xây dựng chương trình nghị sự cấp tiến, giải quyết nhu cầu của các gia đình làm việc và tầng lớp trung lưu, và thông qua một nền tảng cấp tiến cho Hội nghị Quốc gia của đảng Dân chủ”, ông Briggs cho biết.
Cách đây một tuần, bà Clinton được đủ số đại biểu ủng hộ để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Bà Clinton đã giành được hơn ba triệu phiếu bầu, có được cam kết ủng hộ từ nhiều đại biểu hơn và nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều siêu đại biểu hơn ông Sanders. Cuộc gặp hôm qua cũng diễn ra vào đêm bà Clinton giành thắng lợi trước ông Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng ở Washington D.C.
Trọng Giáp
Theo VNE
Hillary Clinton có thể trông cậy gì ở Tổng thống Obama
Tổng thống Obama với uy tín đang lên có thể giúp bà Hillary Clinton giành được cử tri tại nhiều bang có xu hướng độc lập, hoặc thậm chí thân đảng Cộng hòa.
Video đang HOT
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: AP
Sau khi ông George W. Bush của đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại bang New Hampshire, với những khu vực có nhiều cử tri như Manchester và Nashua, ông Obama thuộc đảng Dân chủ đã xoay chuyển cục diện và chiến thắng tại các bang này trong cả hai kỳ tổng tuyển cử sau đó, theoNew York Times.
Ông Bush cũng từng chiến thắng tại Ohio, trong đó có thành phố Cincinnati cùng khu vực lân cận với đa số cử tri da trắng năm 2004. 8 năm sau, ông Obama cũng chiến thắng tại chính địa bàn này với cách biệt lớn. Các bang Colorado và Virginia cũng từng ủng hộ ông Bush trước khi chuyển sang ủng hộ ông Obama trong các kỳ bầu cử sau đó.
Và giờ, khi ông Obama chính thức tuyên bố hậu thuẫn bà Hillary Clinton, các cố vấn của ông chủ Nhà Trắng đang rất nóng lòng sử dụng uy tín chính trị tại các bang trên, cũng như các bang "chiến trường" (những bang chưa ngả về đảng nào) để nối dài chuỗi chiến thắng của đảng Dân chủ trong kỳ tổng tuyển cử tới. Họ xem ông Obama như "vũ khí" đặc biệt - một tổng thống đương nhiệm được yêu mến - trong chiến dịch đánh bại đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa.
Các chiến lược gia chính trị tại Nhà Trắng cũng như trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton đang bắt đầu xây dựng một lịch trình chi tiết cho ông Obama, sau khi ông chính thức tuyên bố hậu thuẫn cựu ngoại trưởng hồi tuần trước.
Ngày 15/6, hai người dự kiến có lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi bà Clinton giành đủ số phiếu để được đảng đề cử. Địa bàn được chọn là thành phố Green Bay, bang Wisconsin. Đây cũng là thành phố nơi ông Obama từng lật ngược thế cờ cho đảng Dân chủ.
Dù vậy, ít có khả năng ông Obama và bà Clinton sẽ thường xuyên xuất hiện cùng nhau trên hành trình vận động cử tri. Thay vào đó, ông Obama sẽ một mình di chuyển qua các khu ngoại ô có đông đảo cử tri da trắng tại các bang trung- tây cùng khu vực vành đai công nghiệp cũ như New York, Pennsylvania, West Virginia, Ohio, Indiana, Michigan, Illinois và Wisconsin. Tổng thống Mỹ cũng dự kiến tới gặp các cộng đồng người Mỹ gốc phi tại các bang như North Carolina và Virginia.
Ông Obama cũng sẽ tiếp xúc các nhóm cử tri độc lập và các nhóm khác tại New Hampshire và Iowa, lôi kéo cử tri trẻ tuổi, cử tri gốc Latin và gốc Á tại các bang có tính cạnh tranh cao như Colorado, Florida và Nevada.
"Tổng thống chắc chắn sẽ dành thời gian để vận động những người ủng hộ ông bầu cho bà Clinton", bà Jen Psaki, giám đốc truyền thông của ông Obama nói. "Ông ấy cũng sẽ tiếp cận các cộng đồng nơi người dân chưa đưa ra quyết định, nơi họ đang trông đợi sẽ có một cuộc thảo luận về những lựa chọn phía trước".
Vũ khí lợi hại
Các cố vấn của bà Clinton mô tả ông Obama như một tổng thống đương nhiệm hiếm hoi có thể giúp sức cho bà tại toàn bộ các bang chưa ngả theo đảng nào trong kỳ tổng tuyển cử. Những người tiền nhiệm của ông Obama từng nắm giữ hai nhiệm kỳ như ông Bush hay Bill Clinton đều không được chào đón khi họ tham gia các cuộc vận động như vậy cho các ứng viên John McCain và Al Gore.
Ông Clinton từng có tỷ lệ ủng hộ cao nhưng lại vướng bê bối ngoại tình với thực tập sinh Monica Lewinsky. Ngoài ra, tiến trình tố cáo năm 1998 về vụ việc này và cáo buộc quấy rối tình dục khiến ông Clinton trở thành người không được chào đón trong hành trình tranh cử của ông Gore khi đó.
Các cố vấn của bà Hillary Clinton thì tin rằng tỷ lệ tín nhiệm cao, cùng việc ông Obama được những người Dân chủ và cả cử tri độc lập quý mến, sẽ là vũ khí lợi hại tại các bang Colorado, Florida, Michigan, Ohio cũng như các bang chiến trường khác ông từng chiến thắng các năm 2008 và 2012. Đây đồng thời cũng là những bang có ý nghĩa then chốt trong chiến lược tổng tuyển cử của bà Clinton.
"Không có bang chiến trường nào trên bản đồ mà Tổng thống Obama không phải là vũ khí lợi hại", Brian Fallon, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà Clinton nhận định.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông Obama đối với các hiệp định thương mại tự do, cùng các quy định cho phép hoạt động khoan thăm dò dầu đá phiến không được lòng các cử tri tự do. Ngoài ra, hiện chưa rõ ông Obama sẽ phát huy hiệu quả ra sao trong việc truyền sự ủng hộ từ cử tri dành cho mình sang bà Clinton. Trong các kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 và 2014, ông Obama đã tham gia vận động cho các nghị sĩ Dân chủ, nhưng cuối cùng phe Cộng hòa đã giành đa số ghế tại quốc hội Mỹ.
Dù vậy, các cố vấn của bà Clinton cho biết ông Obama vẫn là một tiếng nói mạnh mẽ trong việc công kích sự không phù hợp và tính khí của ông Trump với vị trí tổng thống. Đồng thời, ông sẽ giúp nêu bật quyết tâm của bà Clinton trong việc tiếp tục phát huy thành tích về tăng trưởng kinh tế, mở rộng chăm sóc y tế và tiến bộ về quyền công dân của ông Obama.
Tổng thống cũng có thể giúp khẳng định phẩm chất của bà Clinton như một người đặt nhiệm vụ quốc gia lên trên những đối địch cá nhân, khi bà chấp thuận vị trí ngoại trưởng năm 2008, sau khi bị ông Obama đánh bại trong chiến dịch bầu cử sơ bộ. Với cách này, ông Obama có thể giúp bà Clinton giảm bớt tỷ lệ những người thiếu thiện cảm với mình, và thuyết phục một số cử tri gạt sang một bên những nghi ngờ về sự trung thực và đáng tin cậy - những tâm lý không có lợi cho bà Clinton vẫn hiện diện trong các cuộc khảo sát cử tri.
Thu hút nhiều đối tượng
Ông Obama dự kiến đến vận động tại các địa bàn truyền thống của đảng Dân chủ để giúp khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu. Dù vậy, các cố vấn cho biết họ không cảm thấy bị bó buộc về những khu vực ông Obama có thể đến vận động.
Trong những tuần đầu của mùa tổng tuyển cử, ông chủ Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ tập trung vào các khu vực vùng ven đô tại các bang Wisconsin, Minnesota và Pennsylvania. Đây là địa bàn các chiến lược gia tin rằng ông Obama sẽ được chào đón nồng nhiệt, đặc biệt từ các cử tri chưa ngả theo đảng nào, hoặc cảm thấy không hài lòng với những tuyên bố đầy tính gây hấn của Donald Trump.
Một số quan chức đảng Dân chủ tin rằng ông Obama có thể giúp bà Clinton bằng cách trực tiếp lôi kéo những người ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, tại các bang như Wisconsin. Dù ông Obama và bà Clinton đều có các mục tiêu chính sách và lập trường không đủ tự do để làm hài lòng một số người ủng hộ ông Sanders, thì cương vị tổng thống hai nhiệm kỳ cũng sẽ giúp ông Obama nhận được thái độ thiện chí.
"Tôi tin rằng tổng thống có thể nói chuyện với những người ủng hộ ông Sanders, và có thể lắng nghe họ theo cách mà bà Clinton chưa thể làm được, bởi nhiều người ủng hộ ông ấy chưa chấp thuận bà như một ứng viên được đề cử", cựu thống đốc Wisconsin James E. Doyle nói. Wisconsin là bang ủng hộ ông Sanders rất mạnh mẽ.
Các đồng minh trong đảng Dân chủ của bà Clinton cũng hy vọng ông Obama có thể giúp lôi kéo cử tri nữ tại các vùng ngoại ô, tạo thành một đối trọng hiệu quả với sức hút mà tỷ phú Donald Trump tạo ra với các cử tri nam giới da trắng thuộc tầng lớp lao động.
"Có được ông Obama tiếp cận những người độc lập, phụ nữ và thậm chí cả người Cộng hòa quanh khu vực Cincinnati và vùng ngoại ô của các bang không ngả theo đảng nào là quyết định chính trị thông minh. Rất nhiều cử tri ở những địa bàn này muốn bầu cho ai đó khác Donald Trump", giáo sư Paul A. Sracic, chủ nhiệm khoa chính trị, Đại học Youngstown, bang Ohio nhận định. "Và bà Hillary Clinton cần lá phiếu của những cử tri đó để bù đắp cho việc mất cử tri nam da trắng tại các nơi khác".
Một khảo sát cử tri của New York Times cho thấy, trong năm 2012 ông Obama đã thu được kết quả còn tốt hơn nhận định ban đầu tại các khu vực tập trung người da trắng quanh thành phố Cincinnati.
Việc tập trung vào thu hút cử tri độc lập và phụ nữ tại các vùng ngoại ô, và việc tổng thống vận động thay mặt cho bà Clinton nhiều khả năng sẽ còn được đẩy mạnh khi tới gần ngày bầu cử. Trong tháng 10, ông Obama dự kiến sẽ đáp Air Force One tới nhiều địa bàn mà ông được tin sẽ giúp lôi kéo những cử tri Dân chủ truyền thống đi bỏ phiếu.
Các cộng sự của ông Obama cho biết, lịch trình trong tháng 10 của ông gần như được bỏ trống, để dành thời gian tham gia vận động cho bà Clinton bất kỳ nơi đâu cựu ngoại trưởng cần.
Ông Obama từng chứng tỏ mình rất giỏi trong việc thu hút các cử tri da màu. Năm 2004, 13,2 triệu người Mỹ gốc Phi đã tham gia bầu cử tổng thống. Năm 2012, con số này là hơn 17,6 triệu người. Ông Obama cũng đã nâng được tỷ lệ cử tri da màu ủng hộ mình, điều mà đội ngũ của bà Clinton đang hy vọng ông cũng sẽ làm được cho nữ ứng viên này. Năm 2004, ông John Kerry được 86% cử tri da màu ủng hộ, nhưng đến năm 2012, tỷ lệ này của ông Obama là 96%.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Vì sao nhiều người Mỹ thờ ơ khi bà Clinton đi vào lịch sử Nhiều người Mỹ nói rằng họ muốn có một nữ tổng thống, nhưng cho rằng bà Hillary Clinton không phải là người phù hợp. Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters Việc bà Hillary Clinton trở thành phụ nữ đầu tiên giành được quyền đề cử của một chính đảng tại Mỹ được xem như một cột mốc quan trọng trong...