Cienco4 triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường
Ngoài vấn đề nhân sự, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Cienco4 sẽ bàn nhiều nội dung quan trọng khác.
Đại hội bất thường của Cienco4 sẽ được tổ chức tại trụ sở tập đoàn này: Toà nhà ICON4, 243 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội.
CTCP Tập đoàn Cienco4 ngày 12/10 có thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến diễn ra vào chiều 22/10 tới.
Địa điểm tổ chức là hội trường tầng 11, toà nhà ICON4, 243A Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội. Đối tượng tham dự là tất cả các cổ đông theo danh sách chốt 16h ngày 16/10/2018 hoặc những người được uỷ quyền tham dự hợp lệ.
Đại hội đón khách từ 13h chiều, phiên chính bắt đầu từ 13h30 tới 16h30, dự kiến thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, như nhân sự Hội đồng quản trị; phương án, lộ trình lưu ký và niêm yết cổ phiếu; sửa đổi bổ sung Điều lệ về quy định nắm giữ cổ phần của cán bộ chủ chốt; báo cáo việc chưa thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường niên 2018; cùng một số vấn đề khác.
Trong đó, nội dung nổi bật và đáng chú ý nhất là nhân sự Hội đồng quản trị. Ngày 1/10, bà Trương Thị Tâm đã xin từ chức Phó Chủ tịch HĐQT và xin rút khỏi HĐQT Cienco4. Bà Tâm là vợ ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – người từng có 4 năm làm TGĐ kiêm Thành viên HĐQT Cienco4.
Ngày 8/10, cổ đông lớn thứ hai, nắm 20,75% vốn của Cienco4 là CTCP Tập đoàn VPA – pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình vợ chồng bà Trương Thị Tâm, đã thay tên, đổi trụ sở; bản thân bà Tâm cùng con trai cũng rút hết vốn khỏi đây. Trong nửa đầu năm 2018, một nhà đầu tư khác có liên hệ đến gia đình bà Tâm là Công ty TNHH XNK và DVTH Nhật Minh cũng đã thoái hết 14,13% cổ phần trong Cienco4. (Xem thêm: Ai đang làm chủ ‘cuộc chơi’ ở Cienco4?)
Hiện, nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới gia đình bà Trương Thị Tâm vẫn còn một số “chân” trong HĐQT và BKS Cienco4. Do vậy, sẽ không bất ngờ nếu cơ cấu lãnh đạo của tập đoàn này bị xáo trộn mạnh sau Đại hội sắp tới.
Video đang HOT
Ở các nội dung khác, Đại hội đồng cổ đông bất thường niên hồi tháng Tư đã chấp thuận phát hành riêng lẻ 150 tỷ đồng để tăng vốn lên 1.150 tỷ đồng, và tiếp tục phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Đầu tháng 9 vừa qua, HĐQT Cienco4 mới có Nghị quyết thống nhất phương án chào bán riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu, thời gian thực hiện dự kiến tháng 9-10/2018 (chưa đề cập đến trái phiếu chuyển đổi).
Nghị quyết này cũng thông qua thực hiện lưu ký cổ phiếu trong tháng 10/2018 và niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vào Quý IV/2018. Trước đó, chủ trương này đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường niên hồi đầu năm chấp thuận.
Tới cuối Quý II/2018, tổng tài sản hợp nhất (đã soát xét) của Cienco4 là hơn 7.400 tỷ đồng, chủ yếu gồm các khoản phải thu ngắn hạn (2.604 tỷ đồng), tài sản cố định (2.858 tỷ đồng). Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn cổ phần là 1.000 tỷ đồng, vay nợ tài chính tiếp tục ở mức cao khi số dư cả ngắn và dài hạn là hơn 4.000 tỷ đồng.
Nghi Điền
Theo NĐT
Ai đang làm chủ 'cuộc chơi' ở Cienco4?
Ở Cienco4, từ lâu đã xuất hiện hai nhóm lãnh đạo/cổ đông có gốc Thanh Chương và Yên Thành, cùng đồng hương tỉnh Nghệ An.
Ngã rẽ
Cuối tháng 9/2016, trong "cơn nóng" đang lên đến đỉnh điểm tại trạm BOT Bến Thuỷ, dư luận càng thêm "sốt" trước phát ngôn "Hà Tĩnh vớ vẩn" của ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
"Sốt" bởi trạm thu phí được xem là bất hợp lý này dùng để hoàn vốn cho một dự án của Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Nay là CTCP Tập đoàn Cienco4) - nơi ông Hoa từng có thời gian dài làm Tổng giám đốc, trước khi chuyển sang ngạch chính trị năm 2014.
Do vậy, những thông tin "bếp núc" tại Cienco4 vào thời điểm đó dồn dập xuất hiện trên các mặt báo. Người ta kể ông Hoa từng làm gì ở Cienco4, vợ ông có bao nhiêu cổ phần ở đây... Dù rằng, chuyện nhà ông Hoa muốn sở hữu Cienco4, giới thạo tin ở Nghệ An đã truyền tai nhau từ lâu.
Khách quan nhìn nhận, việc doanh nhân chuyển hướng làm chính trị, suy cho cùng không có gì xấu, thậm chí là một điều tích cực. Với trường hợp của ông Lê Ngọc Hoa, những trải nghiệm thời doanh nhân có thể hỗ trợ ông giúp ích nhiều hơn cho tỉnh nhà. Thực tế cho thấy trong bốn năm ở cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực đầu tư, ông Hoa đã và đang có những đóng góp đáng kể trong công cuộc thu hút đầu tư vào Nghệ An.
Miễn là ông làm tốt chức năng và nhiệm vụ của một công chức, tách bạch về mặt lợi ích với pháp nhân Cienco4, thì sự việc chắc hẳn sẽ không quá ồn ào.
Trụ sở Cienco4 tại toà nhà ICON4, 243A Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Nghi Điền
Về con đường chính khách, vào thời điểm được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Nghệ An, ông Lê Ngọc Hoa mới chỉ 47 tuổi, còn gần ba nhiệm kỳ ngạch nhà nước cùng nhiều cơ hội ở phía trước. Còn với Cienco4, sức ảnh hưởng rất lớn sau một thập kỷ làm việc (6 năm lãnh đạo công ty con 482, 4 năm làm TGĐ Cienco4) là lợi thế không nhỏ cho tham vọng (nếu có) sở hữu tổng công ty này sau khi Nhà nước thoái vốn.
Diễn biến trên thực tế cho thấy quá trình mua gom cổ phần Cienco4 của các nhà đầu tư có liên hệ tới nhà ông Lê Ngọc Hoa khá suôn sẻ, cho đến "biến cố" cuối năm 2016.
Tại thời điểm cuối năm 2016, sau khi thực hiện tăng vốn từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng cùng với sự rút lui của các "trung gian" Tuấn Lộc và SHB, hai pháp nhân có liên hệ mật thiết tới gia đình ông Lê Ngọc Hoa là CTCP Tập đoàn VPA nắm 27,33% và Công ty TNHH XNK và DVTH Nhật Minh có 14,13%, tổng cộng 41,46% vốn Cienco4. Tuy nhiên đến cuối năm 2017, con số trên đã suy giảm đáng kể, khi Tập đoàn VPA chỉ còn sở hữu 20,75% (Nhật Minh vẫn giữ nguyên).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 hồi tháng Tư, không khó để thấy nhóm cổ đông VPA đã rất nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Cienco4, bằng cách đưa ông Nguyễn Văn Tuấn từ Thành viên lên Chủ tịch HĐQT, cử thêm ông Nguyễn Anh Tân vào HĐQT, bà Hoàng Thị Mận vào Ban Kiểm soát.
Thoái lui
Tuy nhiên, loạt sự kiện dồn dập từ đó đến nay dường như không chiều lòng nhóm cổ đông này. Báo cáo tài chính bán niên cho thấy trong nửa đầu năm 2018, Công ty Nhật Minh đã thoái hết 14,13% cổ phần Cienco4 cho Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải.
Mới nhất, ngày 8/10, CTCP Tập đoàn VPA đã có thông báo đổi tên thành CTCP New Link và chuyển trụ sở từ NV02-03 số 173 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy (173 Xuân Thuỷ là địa chỉ nhà riêng của vợ chồng ông Lê Ngọc Hoa) về "đại bản doanh" của Cienco4 tại Toà nhà ICON4, 243A Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội. Cơ cấu sở hữu cũng có biến động lớn khi 5/6 cổ đông, chiếm gần hết cổ phần của VPA đồng loạt thoái vốn, trong đó có con trai và vợ ông Hoa là bà Trương Thị Tâm. Bản thân bà Tâm ngày 1/10 đã có đơn xin thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT và từ nhiệm Thành viên HĐQT Cienco4 - vị trí bà đã đảm nhận từ đầu năm 2015. HĐQT Cienco4 ngay hôm sau (2/10) có Nghị quyết miễn nhiệm bà Trương Thị Tâm.
Cienco4 cũng đồng thời triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến diễn ra vào ngày 22/10 tới. Mục đích tổ chức không được nêu rõ, nhưng không loại trừ khả năng liên quan đến biến động nhân sự cấp cao. Nếu giả thiết này là đúng, có thể bà Trương Thị Tâm sẽ không phải cái tên duy nhất rời khỏi Cienco4. Đầu tháng 8 vừa qua, tập đoàn này cũng đã miễn nhiệm Phó TGĐ, Thành viên HĐQT, chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Hoàng Văn Đào - người từng có thời gian dài làm việc tại Cienco4 dưới thời ông Lê Ngọc Hoa.
Trong lúc này, câu hỏi lớn đặt ra là ai đang làm chủ "cuộc chơi" ở Cienco4? Phân tích cơ cấu cổ đông có thể mang tới một hình dung tương đối mạch lạc. Tới cuối tháng 6/2018, ba cổ đông nắm 66,28% vốn Cienco4 là Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải (14,13%), CTCP Xây dựng Dũng Hưng (21,4%) và CTCP Tập đoàn VPA (20,75%).
Trong đó, dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy Thượng Hải - pháp nhân nhận chuyển nhượng trọn lô 14,13% cổ phần Cienco4 từ Nhật Minh có Giám đốc là ông Nguyễn Tuấn Nghi. Ông Nghi là em trai ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, người đã chấp nhận nhường "ghế" Chủ tịch HĐQT Cienco4 cho đại diện của nhóm cổ đông VPA hồi tháng 4/2018. Ngoài ra, cá nhân ông Huỳnh, ông Nghi và vợ ông Huỳnh tới cuối năm 2017 còn nắm tổng cộng 9,16% vốn Cienco4.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh sinh năm 1976 tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Doanh nhân 42 tuổi trước đây là một trong những "cánh tay phải", đồng hành cùng ông Lê Ngọc Hoa trong suốt 10 năm, từ thời còn ở Công ty 482 cho tới giai đoạn sau này ở tổng công ty mẹ Cienco4.
Cập nhật tới cuối tháng 6/2018, cổ đông lớn nhất, nắm 21,4% vốn Cienco4 là CTCP Xây dựng Dũng Hưng cũng có "gốc" Văn Thành, Yên Thành. Còn đối với Tập đoàn VPA, mà nay đổi tên thành New Link, hiện chưa rõ danh tính cụ thể bên nhận chuyển nhượng cổ phần từ gia đình ông Lê Ngọc Hoa. Dù vậy, sẽ không bất ngờ nếu đó là một cái tên quen thuộc. Nội dung và kết quả của Đại hội bất thường diễn ra tới đây có thể khắc hoạ rõ nét hơn "thế trận" tại Cienco4.
Cienco4 là doanh nghiệp hàng đầu trong số các Cienco trước đây của Bộ GTVT. Với bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ, cùng danh tiếng, uy tín và hàng trăm, nghìn kỹ sư, công nhân lành nghề, "cỗ máy" Cienco4 sẽ không gặp nhiều khó khăn để lấy lại đà phát triển, tuy nhiên, điều kiện tiên quyết phải là sự ổn định tại cấu trúc thượng tầng. Do vậy, mong rằng cuộc họp sắp tới có thể khép lại giai đoạn bốn năm sau cổ phần hoá liên tục biến động, mở ra một thời kỳ mới đối với tập đoàn có tổng tài sản gần 7.500 tỷ đồng.
Tháng 4/2013, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh được bổ nhiệm làm Phó TGĐ Cienco4, để rồi tới tháng 11/2014 thay thế ông Lê Ngọc Hoa giữ "ghế" TGĐ, và từ tháng 4/2016 kiêm luôn chức vụ Chủ tịch HĐQT, trước khi về làm Phó Chủ tịch HĐQT vào tháng Tư năm nay.
Theo Nhadautu.vn
Điểm danh doanh nghiệp khất lần cổ tức Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) vừa điều chỉnh ngày thanh toán cổ tức năm 2016. Theo đó, số cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu thay vì được chi trả vào ngày 1/10/2018 được lùi lại đến ngày 15/4/2019. SJS, SD6, VC5, VCR, SDE... Nguyên nhân được SJS đưa ra là Công ty...