Chuyện vĩ đại về người không chân, không tay
Biết cách chơi bóng, lướt sóng, bơi lội… ngay cả khi hình hài khuyết tật, Nick Vujicic phá vỡ được những giới hạn tưởng chừng không thể vượt qua của số phận.
Sau khi truyền cảm hứng cho hàng triệu người trẻ trên khắp thế giới, câu chuyện về Nick Vujicic đang được khơi mở tại VN qua kênh sách và mạng ineternet trong niềm mong đợi về một tấm gương giúp bạn trẻ Việt có một thái độ sống tích cực.
Đến sau trang web gửi thông điệp “sống không giới hạn”, là bản tiếng Việt của cuốn tự truyện kèm DVD “Cuộc sống không giới hạn”, do Nick viết năm 27 tuổi, vừa ra mắt độc giả VN vào sáng ngày 18/12 tại TP.HCM. Sự kiện đánh dấu câu chuyện của Nick đang bắt đầu lan tỏa đi ở quốc gia thứ 20, sau khi đã được chuyển ngữ và xuất bản ở 19 quốc gia khác. Bản tiếng Việt do NXB Tổng hợp và Trí Việt xuất bản, được chuyển ngữ bởi dịch giả Nguyễn Bích Lan, người đã tìm thấy rất nhiều đồng cảm ở Nick do ít nhiều chung cảnh ngộ.
Nhưng chuyện của Nick có gì hấp dẫn mà khiến hàng ngàn người từng ngồi lặng im và rơi nước mắt trong các hội trường lớn khi nghe anh trò chuyện? Chính xác thì sự kỳ diệu và sức mạnh cảm hóa của câu chuyện ấy được bắt đầu ươm mầm trên một bất hạnh cách nay 30 năm xảy đến cho một gia đình nhỏ ở Brisbane, Úc.
Câu chuyện kỳ diệu về Nick Vujicic, người từng có hơn 1.600 bài phát biểu tại nhiều quốc gia, đang được phổ biến ở VN
Cái ngày 4/12/1982 định mệnh ấy là ngày mà cha mẹ Nick đã không tin nổi vào mắt mình, thực sự sốc và chao đảo khi đứa con mà họ sinh ra khiếm khuyết cả tay lẫn chân, do bệnh hiếm gặp có tên Tetra-amelia, một hội chứng rối loạn gene gây ra khuyết tật. Vừa đau khổ cho đứa con bất hạnh, họ vừa lo lắng cho tương lai của bé.
Tuổi thơ của Nick Vujicic
Sự khuyết tật dường như đã đem lại cho Nick một khả năng khéo léo bậc thầy trong việc giải quyết các hoạt động thường ngày, mà đối với người bình thường không thành vấn đề. Từ chuyển động của đôi vai, hai ngón chân của bàn chân trái rất ngắn, ngay từ bé, anh bắt đầu tập cho mình biết đánh răng, biết uống nước, biết chải tóc, biết trả lời điện thoại…
Video đang HOT
“Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng chừng đã có lúc nhấn chìm tôi. Hơn ai hết, tôi từng muốn tự tử, và đã từng rất nhiều lần bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, tôi đã can đảm đứng dậy sau hàng ngàn lần ngã…”, Nick viết.
Đối diện với niềm tuyệt vọng, không gì cứu rỗi hơn cho Nick bằng khoảnh khắc nhìn thấy một thái độ sống tích cực. Anh nói: “Thường thì chúng ta cứ tự nhủ rằng mình không đủ thông minh hoặc không đủ hấp dẫn, hoặc không đủ tài năng để theo đuổi những ước mơ. Chúng ta tin những gì người khác nói về chúng ta, hoặc tự đặt ra những giới hạn cho bản thân. Tồi tệ hơn, khi bạn tự coi mình là một người vô giá trị, nghĩa là bạn đang đặt ra giới hạn cho những điều kỳ diệu”.
Nick đang chơi bóng
Nick tin rằng, từ trong sâu thẳm trái tim, cuộc đời không có bất cứ giới hạn nào hết, cho bất cứ ai. “Cho dù những thách thức mà bạn đang phải đối mặt là gì đi nữa, cho dù những thách thức ấy có khốc liệt, nghiệt ngã đến mức nào chăng nữa, tôi cũng mong bạn hãy tin tưởng và cảm thấy như vậy về cuộc sống của chính mình”.
Đó chính là thông điệp mà Nick – bằng óc khôi hài, thông minh và cái nhìn sâu sắc – đang cố gắng gửi đến mọi người bằng những buổi trò chuyện ở rất nhiều quốc gia khác nhau. Hơn 1.600 bài nói chuyện, phát biểu ở 24 quốc gia ở 5 châu lục, cho hơn 4 triệu người là thành quả của nỗ lực không ngừng ấy.
Tuy nhiên, câu chuyện của Nick sẽ chẳng chút gì đáng tin và dễ bị cho là thuyết giáo khi người nghe không cảm nhận được niềm hạnh phúc của chính anh hôm nay. “Tôi không có tay để chạm vào người khác. Nhưng trái tim tôi có thể chạm vào và làm rung động trái tim người tôi yêu”, anh nói.
Nick Vujicic và vợ
Chắc chắn là anh đã chạm được. Đám cưới của anh với cô gái xinh đẹp Kanae Miyahara đã diễn ra vào ngày 10/2 năm nay và báo chí gọi đó là đám cưới thế kỷ, của một cuộc tình đẹp như truyện cổ tích. Họ đang hồi hộp chờ đón đứa con đầu lòng.
Và nếu cuộc đàm phán giữa những người làm sách và tổ chức do Nick sáng lập diễn ra suôn sẻ, rất có thể anh sẽ đến VN trò chuyện với các bạn trẻ trong một tương lai gần.
Theo 24h
Khâm phục cậu bé không tay chẻ tre, bơi lội, viết chữ
Trên cơ thể em thiếu sự hiện diện của đôi tay. Chính vì thế em khiến những người mới gặp vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến em chẻ tre, rót nước, nấu cơm, viết chữ... bằng... đôi chân.
Cậu bé không tay chẻ tre rất giỏi
Về xã miền núi Gia Canh (Định Quán, Đồng Nai) hỏi em Hồ Hữu Hạnh (12 tuổi) không có tay, ai cũng biết. Người ta biết đến em vì em là cậu bé đặc biệt khi sinh ra đã không có đôi tay. Người ta biết đến em bởi tinh thần vượt lên số phận của em hiếm ai có thể sánh bằng. "Không có tay nhưng Hạnh rất giỏi. Hạnh có thể làm mọi việc như một người bình thường bằng chính đôi chân của mình" - một người dân không giấu nể phục, cho biết.
Không để chúng tôi phải mất công dò tìm, một phụ nữ đã tình nguyện dẫn đường đưa chúng tôi đến nhà của Hạnh. Bước tới sân nhà, chứng kiến cảnh Hạnh cầm dao bằng chân để chẻ tre mới biết người dân địa phương nói không ngoa tí nào.
Dùng chân cầm ấm rót nước, Hạnh hồ hởi nói: "Vì không có tay nên mọi việc em đều phải tập cho đôi chân. Khó khăn nhưng không muốn mình trở thành người vô dụng nên em luôn cố gắng làm bằng được. Bây giờ đôi chân của em không chỉ dành để đi mà nó còn giúp em cầm nắm và làm mọi thứ".
Huy chương đồng giải bơi lội, một giải thưởng mà người thường cũng khó đạt được
Ngày Hạnh chào đời, mẹ của em đã chực ngất lịm khi biết em không có tay. "Tôi chỉ biết bồng cháu trong tay mà khóc. Thương con, lo cho con sau này gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhiều người không những không chia sẻ nỗi đau mà họ còn nói mình sinh ra quái thai rồi xa lánh", chị Bùi Thị Hợp, mẹ của Hạnh, tâm sự.
Dù không có tay nhưng chưa một lần em từ bỏ nghị lực sống và vươn lên. Những ngày còn bé, muốn đến trường học chữ như bao bạn bè cùng trang lứa nên em đã xin ba mẹ cho đi học. Anh Hồ Hữu Thân, ba của Hạnh nhớ lại: "Thấy cháu không có tay nên mình cũng ngại chuyện cho cháu nhập học. Không cho cháu đến trường thì cháu trốn nhà theo bạn rồi đứng ngoài cửa sổ lớp học nhìn vào. Thấy Hạnh ham học nên sau đó tôi đã đích thân tới trường để nhập học cho cháu. Nhìn hình hài của Hạnh, nhiều thầy giáo, cô giáo đã không dám nhận cháu vào lớp vì sợ Hạnh không theo nổi bạn bè".
Ngày đầu tiên tới trường của Hạnh cũng là ngày em gặp bao gian nan thử thách. Không có tay để cầm bút, không có tay để lật từng trang sách nên em phải phó thác nhiệm vụ đó cho đôi chân. Hồ Hữu Hạnh chia sẻ: "Em cảm thấy rất khó khi dùng ngón chân để kẹp bút. Nó rất mỏi và không thể nào viết uyển chuyển được. Chữ to và xấu nên sau đó em đã phải tập rất nhiều. Cô giáo không thể cầm chân em để luyện từng nét chữ nên em phải tự mình tập viết".
Hành trình đến với con chữ của Hạnh chỉ là một trong muôn vàn những khó khăn thử thách của cuộc sống. Bây giờ, những nét chữ của hạnh không chỉ đẹp mà em còn có thể chép bài rất nhanh. Hạnh cho biết, hiện tại em có thể viết chữ bằng cả chân trái và chân phải.
Viết chữ và sử dụng máy vi tính bằng chân là cách Hạnh quyết tâm vươn lên trên con đường học tập.
Sinh ra không có tay nhưng Hạnh lại làm tất cả mọi việc nhuần nhuyễn như một người bình thường. Chỉ với đôi chân, Hạnh có thể tự tắm gội, giặt đồ, rửa chén bát, nấu ăn, thậm chí em có thể cầm dao chặt cây. Năm 2010, Hạnh khiến mọi người phải kinh ngạc khi em đăng kí tham dự Đại hội thể dục thể thao với môn bơi lội và giành hai huy chương đồng.
Không chịu đầu hàng trước số phận, trong những năm vừa qua Hạnh luôn là học sinh gương mẫu tiêu biểu. Hiện Hạnh đang là học sinh lớp 7A8 trường THCS Lê Thánh Tông. Trong suốt 7 năm học, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tứ, hiệu trưởng trường THCS Lê Thánh Tông cho biết: "Dù không được may mắn như bao bạn khác nhưng Hạnh luôn là cánh chim đầu đàn trong phong trào học tập và lao động. Có tinh thần học hỏi và luôn luôn cố gắng trong cuộc sống rất đáng khâm phục".
Chia sẻ về tương lai, Hồ Hữu Hạnh thổ lộ: "Cuộc sống còn nhiều khó khăn thử thách nhưng em sẽ cố gắng đến cùng. Trước mắt em sẽ học thật tốt và phấn đấu để đạt được nguyện vọng của mình".
Theo Dantri
Cô sinh viên 1,3m nỗ lực vượt lên số phận Với chiều cao 1,3m, sinh viên Trịnh Thị Thuỷ (sinh năm 1990) trông như một học sinh tiểu học. Nhưng cô gái này vẫn khiến nhiều người phải ngước nhìn vì những nỗ lực vượt lên số phận của cô để theo đuổi ước mơ cử nhân đại học. Trịnh Thị Thủy tại Ký túc xá trường Đại học Công đoàn. Gia đình...