Chuyện về những mảnh đời thủy tinh với ‘tinh thần thép’ chưa một lần bỏ cuộc
Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, hai bạn trẻ xương thủy tinh không buông xuôi mà luôn kiên trì vượt lên số phận để thực hiện ước mơ của mình.
Gặp Hoàng Đình Hanh (24 tuổi, Thái Bình) và Đỗ Thị Xuân Quyên (20 tuổi, Bến Tre) trong buổi sinh nhật đặc biệt do Tiin.vn tổ chức ở Trung tâm Xương Thủy tinh (Quận 12, TP.HCM), chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước những vết sẹo dài và sự biến dạng của tay, chân do những lần gãy xương để lại trên cơ thể hai bạn.
Suốt buổi trò chuyện, cả Hanh và Quyên đều nở trên môi nụ cười tươi rói khi nhắc đến ước mơ và tương lai. Hanh hiện là sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Quyên sinh viên ngành dược. Với người bình thường, việc đạt được ước mơ đã là khó, với đôi bạn trẻ xương thủy tinh này, điều đó càng khó hơn gấp bội. Và, hành trình đến với ước mơ họ là cả một câu chuyện dài…
Hoàng Đình Hanh
Đỗ Thị Xuân Quyên
Chàng lập trình viên tương lai – Xương dễ gãy nhưng lòng bền như thép
Anh Hoàng Đình Hanh sinh ra trong một gia đình làm nông ở Thái Bình, bố mất sớm, mẹ anh trở thành trụ cột chính. Năm 7 tuổi, anh Hanh được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh xương thủy tinh, không thể di chuyển được. Cuộc sống của anh gắn liền với chiếc giường nhỏ.
Do cơ thể yếu ớt, có thể gãy xương bất cứ lúc nào nên anh Hanh không đến trường học được. ‘Nhìn thấy bạn bè đi học tôi cũng buồn lắm, lúc đó mình rất muốn được đi học, được chạy nhảy bằng đôi chân của mình’, anh Hanh tâm sự. Dù không được đến lớp, anh Hanh vẫn chăm chỉ tự học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4.
Việc đi lại của anh Hanh gặp nhiều khó khăn
Năm 2011, cô Phan Thị Minh Nguyệt quản lý của Trung tâm Xương thủy tinh TP.HCM về quê Thái Bình gặp được anh Hanh và giới thiệu anh vào trung tâm. Ở đây, anh Hanh được chữa trị nên sức khỏe của anh được cải thiện rất nhiều và có thể đi học bằng chính đôi chân của mình
Cánh tay bị cong không làm khó anh trong việc học
Suốt 12 năm học, anh đã có 11 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hiện tại, Hanh đang là sinh viên năm nhất của trường Cao đẳng Kinh tế – Công nghệ TP.HCM ngành Công nghệ thông tin. Anh chọn ngành học này là vì một phần anh muốn làm lập trình viên, một phần là vì phù hợp với tình trạng hiện tại của mình.
Trước mắt, anh Hanh ao ước có được một chiếc xe 3 bánh để đi học cho tiện vì không muốn phiền cô chú trong trung tâm nhưng mẹ anh chưa có đủ chi phí để mua. Anh mong muốn sau này có công việc ổn định để lo cho mẹ và các em ở trung tâm vì anh xem nơi này cũng như gia đình của mình.
Clip: Anh Hanh chưa bao giờ đầu hàng số phận
Cô gái m uốn trở thành bác sĩ để giúp những người như mình
Ở cái tuổi đôi mươi, Đỗ Thị Xuân Quyên đang bước những bước chân đầu tiên đến ước mơ làm bác sĩ. Từ lúc sinh ra, Quyên đã mang căn bệnh mà chẳng ai có thể nghĩ là có trên đời đó là ‘xương thủy tinh’.
Căn bệnh quái ác khiến cô bạn không thể đi lại như người bình thường, thậm chí chỉ cần tắm rửa hay giật mình cũng có thể gãy xương. Dù vậy Quyên vẫn quyết tâm đi học.
Sự cố gắng của Xuân Quyên được ông Tôn Đức Hưng (giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà) biết đến và đón lên TP.HCM chữa trị và đi học.
Được chữa trị và chăm chỉ luyện tập giờ đây đôi chân chằng chịt những vết sẹo do mổ của Quyên đã có thể đi được với sự hỗ trợ của đôi nạng.
Kể từ đó, Xuân Quyên nuôi trong tim ước mơ trở thành bác sĩ để chữa trị lại cho các bạn cũng bị bệnh như mình. Nói về những lần gãy xương, Quyên chỉ cười cười: ‘Lúc đầu, em để cho bó bột nhưng về sau gãy nhiều quá em để cho nó tự lành luôn. Nên chân nó hơi cong cong’.
Suốt mười hai năm mặc kệ những cơn đau Quyên luôn cố gắng học tập, hiện tại cô đang theo học ngành dược tại trường Cao đẳng Kinh tế – Công nghệ.
Xuân Quyên lúc nào cũng chắc nịch: ‘Dù có thế nào thì tôi vẫn quyết không bỏ học’
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (47 tuổi, mẹ Quyên) nhớ như in cái ngày Quyên mới đi học: ‘Xuân Quyên nó chịu khó học lắm. Ngày xưa lúc mới lên đây mấy cô chú ở đây hỏi ước mơ của con là gì, thì nó bảo là làm bác sĩ.
Cứ nghĩ nó nhỏ nói chơi thôi. Nhưng cuối cùng nó cũng ráng học, giờ nó đang học dược. Nó bảo mai mốt có gì con về điều chế thuốc với bác Hưng cho mấy bé uống. Nó đau nhưng nó cũng ráng chịu khi nào đau dữ lắm mới chịu nói thôi.’
Clip: Xuân Quyên với giấc mơ trở thành bác sĩ
Tinh thần hiếu học giúp họ vượt qua nghịch cảnh và những đau đớn mà căn bệnh quái ác mang đến. Dù cơ thể mong manh như thủy tinh nhưng nghị lực của họ thì không khác gì những viên kim cương cứng rắn và lấp lánh.
Ngọc Yến – An Dương
Theo baodatviet
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II 'lách luật', đào tạo bừa bãi khiến hàng loạt sinh viên điêu đứng?
Bên cạnh việc cấp bằng chậm, nhiều sinh viên khác của trường Cao đẳng Kỹ nghệ II còn còn chịu cảnh đào tạo một đằng, cấp bằng một nẻo.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa chỉ đạo trường Cao đẳng Kỹ nghệ II có báo cáo liên quan đến sự việc hàng chục sinh viên của trường tốt nghiệp , mà chưa thể nhận bằng để Bộ có hướng xử lý phù hợp.
Theo đó, dựa vào Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường, Cao đẳng Kỹ nghệ II thực hiện báo cáo mở thêm ngành nghề đào tạo. Đến ngày 27/11/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định 1836/QĐ-LĐTBXH về việc phê duyệt 8 ngành, nghề trọng điểm 2016 - 2020 của trường, trong đó có ngành Dược.
Tuy nhiên, ngay từ trước khi có quyết định của Bộ, hiệu trưởng Cao đẳng Kỹ nghệ II đã ký quyết định công nhận trúng tuyển với hàng loạt sinh viên lớp chuyển đổi, văn bằng 2 ngành Dược sĩ. Cụ thể, từ đầu năm 2017, nhiều sinh viên đóng tiền để học lớp Cao đẳng Dược sĩ. Đến năm 2018, lớp sinh viên này tốt nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa được cấp bằng.
Không chỉ vậy, nhiều sinh viên phản ánh trường tuyển sinh đào tạo Cao đẳng Dược sĩ, nhưng thật ra là được đào tạo Kỹ thuật Dược và khi tốt nghiệp cũng chỉ được cấp bằng Kỹ thuật Dược.
Nhiều sinh viên Cao đẳng Kỹ nghệ II hiện vẫn chưa nhận được bằng dù đã tốt nghiệp gần 2 năm.
Sinh viên H. của Trường cho biết: " Mình học khoá c14 của trường, đóng biết bao nhiêu tiền nhưng một tuần chỉ học 2 - 3 buổi. Đđiều đáng nói là mình không được cấp bằng Cao đẳng Dược sĩ mà chỉ được cấp bằng Kỹ thuật Dược. Rõ ràng trường tuyển sinh một đằng nhưng đào tạo một nẻo".
Cũng đối với ngành Dược, trường còn bỏ qua các quy định của Bộ Y tế về chất lượng đào tạo ngành Dược. Cụ thể, đầu năm 2018, hiệu trưởng ký quyết định công nhận 158 sinh viên liên thông từ trung cấp lên Cao đẳng Dược sĩ (khóa 2018 - 2020).
Tuy nhiên, trong công văn mới đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) nêu rõ: " Với ngành nghề Dược trình độ Cao đẳng, căn cứ biên bản kiểm tra ngày 4/8/2018, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) khẳng định tại thời điểm kiểm tra, điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo và đội ngũ giáo viên của Nhà trường không đảm bảo để tổ chức đào tạo và đề nghị Nhà trường hoàn thiện hồ sơ trong tháng 8/2018. Tuy nhiên, Nhà trường đã không hoàn thiện hồ sơ theo biên bản kiểm tra".
Đối với việc đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe, Nhà trường báo cáo ký hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành với Bệnh viên Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM để đưa sinh viên ngành, nghề Dược đến thực hành, thực tập. Tuy nhiên, Nhà trường không có hồ sơ chứng minh Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng đủ điều kiện là cơ sở thực hành của Nhà trường theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP.
Bên cạnh những sai phạm trong công tác tuyển sinh, Trường CĐ Kỹ nghệ II cũng không báo cáo cụ thể chuyên môn được đào tạo của từng giáo viên được bố trí giảng dạy các ngành nghề đăng ký bổ sung, báo cáo không chính xác về trình độ nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề của giảng viên,... cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bộ LĐ-TB&XH.
Về chương trình đào tạo, trường không có chương trình đào tạo 4 ngành sơ cấp. Chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chưa cập nhật 6 môn học chung theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH...
Về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, hồ sơ của nhà trường không minh chứng đủ điều kiện phòng học lý thuyết, phòng xưởng thực hành thực tập cho sinh viên, không đảm bảo 5,5m2/chỗ học. Nhà trường cũng không có minh chứng về thiết bị, dụng cụ đào tạo đối với các ngành, nghề đăng ký bổ sung theo quy định.
Ngoài ra, theo nguồn tin của PV, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II dự kiến sẽ liên doanh với một số doanh nghiệp để cho thuê đất thuộc sở hữu của trường.
PV VTC News đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Nhà trường về những thông tin liên quan đến công văn mới đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tuy nhiên không thể liên lạc. Được biết, bà Hằng hiện đang ở nước ngoài.
Theo VTC
Ông chồng kể lại kỉ niệm nhớ đời khi vào phòng sinh cùng vợ: Rùng mình khi xung quanh toàn tiếng kêu gào, la hét Hành trình đưa vợ đi đẻ vừa rồi đã để lại cho anh Hùng "1001" kỷ niệm khó quên. Chuẩn bị kĩ càng khi vợ mang thai và hành trình đưa vợ đi đẻ lúc 3h sáng Đối với nhiều người chồng thì việc đưa vợ đi đẻ đúng là một kỉ niệm khó quên. Chứng kiến vợ phải chịu nhiều đau đớn,...