Chuyện tình lặng lẽ mà ấm áp của nhà báo chuyên chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
“ Chuyện tình của tôi với bà ấy ấn tượng nhất là đám cưới giản dị giữa thời chiến, cô dâu vẫn mặc áo trắng, quần sa tanh đi dạy học hàng ngày, chú rể diện bộ quân phục cũ.
Chỉ có bó hoa giơn trắng dành cho cô dâu cùng những lời chúc phúc của bạn bè và đồng nghiệp là khác mọi ngày”, Đại tá, nhà báo Trần Hồng nhớ lại.
Đạp xe đến các trường sư phạm để tìm hình bóng người mới gặp lần đầu
Căn phòng nhỏ mà bạn bè của ông vẫn đùa là “văn phòng của Đại tá Trần Hồng” ở phố Đường Thành, Hà Nội, vừa được bà Ngô Thị Ý – vợ ông – lau dọn giúp sạch sẽ, ngăn nắp. Nơi đây chứa đựng gần như tâm huyết, niềm đam mê cả đời của nhà báo ảnh khoác áo lính.
Những bức ảnh đặc sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông Trần Hồng là tác giả được đóng khung treo trân trọng xung quanh tường nhà. Trong các ngăn tủ cũ chứa những xấp ảnh đã in màu và đen trắng, ông dành cả đời chụp và lưu giữ về chân dung những người mẹ Việt Nam Anh hùng, những người phụ nữ đời thường… mà ông bất chợt gặp trong các chuyến đi.
Nổi bật trong số những khung ảnh được ông phóng to, treo trên tường là tấm hình đen trắng của cô gái thôn quê có gương mặt dịu dàng và nụ cười toả nắng. “Bà ấy nhà tôi hồi còn trẻ đó, tôi cũng không nhớ vì sao mình chớp được khoảnh khắc để đời của bà ấy như thế. Chỉ biết là tôi ấn tượng với đôi mắt sáng, nụ cười tươi tắn, dịu dàng của bà ấy ngay lần đầu gặp gỡ”, ông Trần Hồng giới thiệu về người bạn đời của mình tự hào xen lẫn yêu thương.
Tấm ảnh chụp thời trẻ của vợ chồng ông Trần Hồng – bà Ngô Thị Ý
Ngắm lại tấm hình để đời của vợ, Đại tá Trần Hồng kể: “Tôi quê gốc ở Đức Thọ, Hà Tĩnh nhưng sau đó theo cha mẹ định cư ở huyện Hương Khê. Bà Ý quê gốc ở Bắc Ninh nhưng quê ngoại ở huyện Đức Thọ. Năm 1971, khi tôi vừa ở chiến trường thuộc đơn vị 559 về thăm quê, gặp cô ấy trên chuyến tàu cũ về thăm quê ngoại. Tôi ấn tượng với cô gái này nên chủ động hỏi chuyện làm quen và biết cô ấy đang học lớp 9. Câu chuyện xã giao ban đầu cũng không nói được nhiều, đến lúc chia tay, tôi cũng chỉ nhớ được 1 chi tiết, cô ấy nói sau này em sẽ thi vào ngành sư phạm”.
Hơn 3 năm sau (năm 1974), ông Trần Hồng được biên chế về làm phóng viên ảnh ở báo Quân đội nhân dân. Trong một chiều lang thang trên phố cổ, ông bất chợt nhớ đến nụ cười trong sáng của cô gái tên Ý đã gặp ngày nọ. Vậy là ngày cuối tuần, ông mượn xe đạp của người bạn đến trường Đại học sư phạm ở Hà Nội để tìm cô gái mang tên Ngô Thị Ý. Nhưng lúc đi hào hứng bao nhiêu, ông trở về với bấy nhiêu thất vọng. Tìm mãi mà không có ai mang cái tên ông cần tìm. Nỗi buồn, hụt hẫng và cả tuyệt vọng. “Cứ như cô ấy đã biến mất khỏi cuộc đời tôi vậy”, giọng ông như nhỏ lại.
Một thời gian sau, trong lần đi tác nghiệp, ông tình cờ gặp người em gái của Ngô Thị Ý. Lúc này, ông mới biết chính xác cô Ý không học Đại học Sư phạm, mà đang học Cao đẳng sư phạm 10 3 ở huyện Tân Yên (Hà Bắc) nay là tỉnh Bắc Giang.
Ngày cuối tuần, ông lại mượn xe đạp của bạn lên Bắc Giang tìm cô bạn gái ấn tượng trong lần về thăm quê ấy. Biết rõ địa chỉ, ông tìm thấy ngay cô gái mình cần gặp. Ngô Thị Ý cũng bất ngờ và e ngại khi biết ông đã tìm mình bao lâu nay. Nhìn chàng trai mặc quân phục nhà binh dạn dày nắng gió khiến cô có những rung cảm mạnh mẽ. Ngô Thị Ý bằng lòng kết nối liên lạc với Trần Hồng để đôi bên hiểu nhau hơn.
Những ngày rảnh rỗi, không thể đạp xe lên thăm bạn gái, ông dành thời gian viết thư cho cô. Những lá thư cứ thế đi – về một thời gian dài, thấu hiểu nhau. Nhưng hoàn cảnh gia đình của cả 2 đều khó khăn chính là bước cản. “Gia cảnh nhà tôi đã nghèo, vậy mà nhà cô ấy còn nghèo hơn. Đó là lý do khi biết 2 đứa hẹn hò, gia đình 2 bên đều ra sức ngắn cản, cấm đoán đủ kiểu. Nhưng có lẽ tình yêu của chúng tôi mạnh hơn tất cả, chúng tôi vẫn quyết tâm giữ chặt tay nhau. Khi cô ấy ra trường lúc 21 tuổi, một đám cưới giản dị nhưng vui nhất của chúng tôi đã chính thức buộc chặt cuộc đời 2 đứa lại với nhau”, ông Trần Hồng di dỏm kể.
Dần thu hẹp khoảng cách địa lý giữa vợ chồng
Cưới xong được 3 ngày, 2 vợ chồng lại chia xa. Chú rể về nhà tập thể của Báo Quân đội để đi làm như mọi ngày, cô dâu về trường cấp 2 Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, dạy học. “Cuối tuần nào rảnh, tôi lại đạp xe lên trường thăm vợ. Vì vợ chồng xa cách, nên 2 năm sau ngày cưới, chúng tôi mới có đứa con đầu tiên”, ông Trần Hồng nhớ lại.
“Nghĩ đến vợ bụng mang dạ chửa một mình ở trường, mỗi lần gặp vợ chồng tôi đều ước ao nếu được sum họp 1 nơi rồi mới sinh con là tốt nhất. May thay, vợ tôi được chuyển trường về huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Khoảng cách vợ chồng đã gần nhau hơn. Khi ấy là năm 1977, vợ tôi sinh con gái đầu lòng”.
Ông Trần Hồng – bà Ngô Thị Ý cùng con cháu trong ngày sum họp
Dạy học ở Tiên Du một thời gian, vợ ông lại chuyển trường về huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) để thu hẹp dần khoảng cách vợ chồng. 5 năm sau, vợ chồng ông sinh con gái thứ 2.
Bà Ngô Thị Ý quyết định nghỉ dạy học để theo học trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Học xong 2 năm, bà Ngô Thị Ý được nhận về công tác tại Hội LHPN Hà Nội, làm cán bộ văn phòng. Bà chính thức rời nghiệp dạy học từ đó để làm cán bộ Hội cho đến khi nghỉ hưu.
Vợ chồng ông Hồng – bà Ý chính thức hợp nhất về một nhà để chung tay nuôi dạy 2 cô con gái nên người. Ông cho biết: “Con gái đầu của chúng tôi thi đỗ 3 trường đại học đều đạt điểm rất cao. Sau đó cháu học Đại học Kinh tế Quốc dân, khi học xong thì được trường giữ lại làm giảng viên. Con gái tôi cũng là PGS trẻ của trường, giữ được đam mê nghề giáo đến tận bây giờ”.
Con gái thứ 2 của ông bà tên là Trần Ý Dịu, cái tên ngược hẳn với tính cách quyết đoán, cá tính mạnh mẽ của cô. Ban đầu, Dịu không đỗ vào trường báo chí, cô thi vào Cao đẳng Sư phạm, rồi học liên thông đại học. Vì yêu nghề báo của bố, ra trường cô thi đỗ vào Đài Tiếng nói Việt Nam và gắn bó ở đó gần 20 năm nay.
“Nhìn lại cả chặng đường đời đã qua, vợ chồng tôi cứ chia xa, lần nào gặp cũng vội, cũng quyến luyến, nên chưa kịp nghĩ đến giận hờn bao giờ. Tôi cho rằng, bí quyết để vợ chồng bên nhau bền lâu, chính là biết tôn trọng nhau, trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau. Mất đi điều này, dù cuộc sống có dư giả đến mấy cũng chẳng thể đầm ấm, đồng cảm trái tim vợ chồng được”, ông Trần Hồng chiêm nghiệm từ đời mình.
Ông lại cười rổn rảng, nửa đùa nửa thật như để tri ân người bạn đời: “Tôi vốn có sẵn bản lĩnh người lính, nhưng lại có cả máu nghệ sĩ ngấm sâu trong người, để cả đời giữ được chất chân phương như bây giờ, là dựa vào sự nhu hoà, đảm đang của người vợ gốc Quan họ như bà Ý. Bà ấy không to tiếng bao giờ, cũng chẳng phản bác những việc chồng làm, cho dù tốt hay không, mà chỉ âm thầm chăm chồng, nuôi con, vun vén mái ấm gia đình để tìm thấy bình an, ấm áp của đời mình”.
Cô dâu 75 tuổi bẽn lẽn ngày về nhà chồng và chuyện tình viên mãn đằng sau
Clip "Cô dâu 75 tuổi đi lấy chồng" đang khiến dư luận xôn xao, hóa ra lại ẩn chứa một chuyện tình đáng ngưỡng mộ.
"Cô dâu" 75 tuổi gây sốt
Mới đây, một tài khoản Tiktok gây chú ý khi chia sẻ hình ảnh cô dâu 75 tuổi đi lấy chồng. Trong clip, "cô dâu" đặc biệt được trang điểm, làm tóc kỹ càng, mặc áo dài, bẽn lẽn ngồi chụp ảnh bên "chú rể".
"Cô dâu" 75 tuổi bẽn lẽn ngày về nhà chồng.
Clip đã thu hút gần 5.000 lượt thích và hàng trăm bình luận. Hầu hết bình luận đều hết lời khen ngợi sự đáng yêu của cặp đôi "cô dâu, chú rể" đặc biệt này: "Ôi dễ thương xỉu"; "Bà xinh quá"; "Chúc ông bà nhiều sức khỏe"; "Chúc mừng hai cụ, tôi cũng ước được có người thương như thế này"...
Hóa ra câu chuyện tình đằng sau đám cưới này mới thực sự gây bất ngờ. Phạm Minh Nguyệt (22 tuổi, đến từ Hải Dương), hiện đang công tác tại Hà Nội cho biết, "cô dâu, chú rể" trong clip là ông bà nội của mình.
"Cô dâu, chú rể" hạnh phúc chụp ảnh nhân ngày cưới. (Ảnh NVCC)
Nhà của "cô dâu, chú rể" trong clip được trang hoàng cho ngày trọng đại. (Ảnh: NVCC)
Nguyệt khá bất ngờ khi clip của mình được quan tâm đến vậy. Cô tiết lộ, clip trên được quay từ mùng 4 Tết Âm lịch (tức ngày 4/2). Thực chất, đó là lễ mừng thọ 75 tuổi của ông bà, tuy nhiên để tăng thêm phần thú vị, gia đình đã quyết định để ông bà "cưới lại từ đầu". Vì vậy, sau lễ nhận bằng mừng thọ của địa phương, gia đình đã tổ chức lễ mừng thọ đặc biệt cho ông bà và mời thêm bạn bè anh em đến chung vui.
"Cô dâu" cùng "chú rể" (ngồi thứ 2 và 3 từ phải qua) nhận bằng mừng thọ 75 tuổi của địa phương. (Ảnh NVCC)
"Cả đoàn xe con cháu đưa ông bà xuống nhận bằng mừng thọ. Mặc dù chỉ có 2 người được cho vào bên trong vì người ta hạn chế do dịch bệnh, nhưng cả nhà vẫn phải đi cho bằng được, không ai chịu ở nhà", Minh Nguyệt kể lại.
Cả dàn con cháu "hộ tống" ông bà đi nhận bằng mừng thọ.
Ông "khai man" tuổi để tán bà
Khi được hỏi về chuyện tình của ông bà, Minh Nguyệt chia sẻ với giọng đầy ngưỡng mộ. Cô cho biết, ông bà đã lấy nhau được gần 50 năm, có với nhau 5 người con, 7 cháu và một chắt. Trước ông bà ở cùng con, nhưng hiện đã dọn ra ở riêng. "Hai ông bà tự chăm sóc nhau, ăn riêng và đáng yêu lắm ạ. Thi thoảng ông bà giận dỗi nhau, nhưng đó chỉ là trước mặt các con thôi, còn nếu chỉ có hai ông bà thì tình cảm lắm. Ông bà biết là dỗi nhau thì không có ai để nói chuyện nữa nên không dỗi nhau nữa", Nguyệt chia sẻ.
Ông bà của Nguyệt hiện đang có cuộc sống rất viên mãn bên con cháu. (Ảnh: NVCC)
Cô còn cho biết ở nhà bà còn hay được gọi là công chúa tại "tính cũng tiểu thư và hơi kỹ tính", nếu có dỗi nhau thì "toàn là bà dỗi và ông dỗ". Còn ông thì luôn được mọi người khen là như thanh niên vì ông ăn mặc rất đẹp và lịch sự.
Tiết lộ câu chuyện tình thời "ông bà anh" của ông bà, Nguyệt cho biết thực ra ông kém bà 1 tuổi, ông 74, còn bà 75, nhưng hồi trẻ, ông nói dối để tán bà. Đến sau này, khi đăng ký ở phường, ông bà quyết đăng ký luôn là cùng tuổi.
"Bà em ngày trước nấu cơm cho nhà máy chỗ ông em làm. Ông em kể vì thích ông, nên bà toàn độn thịt dưới cơm khi đơm cơm cho ông. Xong xấu hổ quá, bà lại vạch mặt ông là ngày xưa chia tay còn cắn tay viết lên tấm khăn mùi xoa", cô kể về sự tích tình yêu của ông bà nội mình.
Nguyệt chụp ảnh cùng bà nội năm 7 tuổi. (Ảnh: NVCC)
Vì ngày trước, đám cưới của ông bà nghèo lắmnên gia đình mới quyết làm lại đám cưới cho ông bà nhân dịp này. Nguyệt kể: "Ông bà em ở cách xa nhau. Thời đó, dù cùng huyện nhưng đi lại cũng phải đi lên núi, xe cộ lại hạn chế, mất gần một ngày mới tới nơi. Đám cưới ngày trước của ông bà nhỏ thôi. Bà em từng kể hôm cưới xong, cụ phải đi từ sáng sớm, men theo đường núi mà đến gần chiều muộn mới tới được nhà bà để đưa cơm".
Cuộc sống ngày trước của ông bà đã trải qua không ít lam lũ, vất vả, nhưng về già, ông bà luôn có con cháu quây quần bên cạnh, hạnh phúc viên mãn khiến nhiều người mơ ước.
Chuyện tình cảm động của chàng trai và cô gái trên xe lăn "Trước ngày anh đi lấy vợ, bố chồng mình còn dặn anh: 'Vợ sức khỏe yếu hơn nên con phải học nấu ăn, rửa bát, quét nhà... đỡ vợ', Ánh Tuyết kể. Có những cuộc gặp gỡ giúp chúng ta viết nên cả câu chuyện tình yêu tuyệt vời. Đương nhiên, những diễn biến đằng sau nó là cả một bầu trời lãng...