Chuyện người 6 năm lượm xác chết ở Afghanistan
Abdul Hakim là một trong những người đầu tiên được gọi đến khi quả bom nào đó phát nổ hay kết thúc một cuộc giao tranh dữ dội. Ông là người tình nguyện đi lượm xác chết ở Afghanistan.
Mang theo thư của chính phủ Afghanistan và của Taliban, suốt sáu năm qua, Hakim đã thu lượm được 127 thi thể của phiến quân thiệt mạng trong các vụ đánh bom liều chết hoặc đấu súng với quân chính phủ và Liên quân. Ông là người mà Taliban biết có thể thu hồi được thi thể của những chiến binh trong các vụ tấn công liều chết.
Những bia mộ không tên tuổi ở nghĩa trang vô thừa nhận của Abdul Hakim.
Ở Afghanistan, thi thể những kẻ khủng bố sẽ không bị giữ mà thay vào đó chúng sẽ được trả về khi có người đến nhận. Hakim chính là người thực hiện công việc mang thi thể những phần tử cực đoan từ quân đội Mỹ và chính quyền Afghanistan trả về cho thân nhân và đồng chí của họ.
Video đang HOT
Lên đường với chiếc taxi đã cũ màu vàng chứa đầy thi thể các phần tử cực đoan, Hakim băng băng chạy qua khu vực Kandahar ở miền Nam đất nước. Đây là nơi bất ổn nhất Afghanistan với hàng loạt vụ tấn công liều chết cũng như đụng độ giữa Liên quân, quân đội và tàn quân Taliban. Bên trong xe, những túi to màu đen đựng thi thể người thiệt mạng vì đọ súng, hộp nhỏ bằng gỗ chứa những gì còn sót lại của các phần tử đánh bom liều chết.
Hakim nói: “Không còn gì quan trọng đối với những người đã chết rằng họ đứng vệ phía nào. Họ xứng đáng được chôn cất theo nghi thức Hồi Giáo.”
Hakim kể, ông đến với công việc này là bởi một sự tình cờ. Vào cuối những năm 1990, ông tham gia khóa học tình nguyện của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ ở Afghanistan, đối tác của tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế ICRC. Công việc cho phép ông tiếp cận với những tử thi vô thừa nhận trong các vụ tấn công đẫm máu. Năm 2005, một chỉ huy của lực lượng Taliban liên lạc với ông và cho biết anh ta cần thi thể của một phiến quân. Sau khi lấy được thi thể, ông buộc phải giữ nó trước khi nhận được thư giới thiệu của chỉ huy Taliban.
Những thi thể vô thừa nhận được đưa ra khỏi kho lạnh.
Lá thư được Agha Jabar, người đại diện của Taliban ở Zhari, thuộc tỉnh Kandahar viết rằng: “Chúng tôi xin thông báo với tất cả các huynh đệ Hồi giáo, người đàn ông này đang hợp tác với chúng tôi trong việc đưa thi thể các chiến binh tử vì đạo về với gia đình. Nếu có bất cứ vấn đề gì với anh ta, hãy liên hệ với chúng tôi”.
Tuy nhiên, không phải tất cả thi thể mà người đàn ông 65 tuổi vận chuyển đều là các phiến quân. Khoảng hai phần ba số đó là thường dân và các quan chức an ninh chính phủ mà chủ yếu là cảnh sát. Hakim vận chuyển tổng cộng thi thể của 107 nhân viên chính phủ và 28 thường dân trong ba năm qua. Ngoài ra, còn có thi thể của 127 phiến quân.
Hakim kể lại, nhiều lần, ông phải thu lượm đống đổ nát đẫm máu sau những vụ đánh bom liều chết. Không chỉ có thi thể phiến quân và binh sĩ mà người già và trẻ em cũng nằm trong số những xác vô thừa nhận ông phải thu lượm. Tình trạng bạo loạn cùng với bất ổn ở Afghanistan khiến cho những thi thể vô thừa nhận trở nên phổ biến. Tuy nhiên, ICRC cho biết, những người tình nguyện như Hakim đã giúp tình trạng đó giảm 50% so với năm ngoái.
Công việc lượm xác mà Hakim đang làm thực sự có nhiều áp lực và không hề dễ dàng. Đã nhiều lần người đàn ông ở tuổi gần thất thập này định từ bỏ nhưng dường như nó không chịu bỏ ông. Trong một lần đi chơi, hai con trai ông cùng những người bạn đã vô tình lái xe vào tầm ngắm của lực lượng Taliban. Sự vô tình đó khiến chiếc xe trở thành mục tiêu của Taliban rồi hàng loạt súng rền vang khiến cả hai người con của Hakim đều thiệt mạng.
“Tôi phải giúp đỡ những người không may như con trai tôi, tôi phải làm cái gì đó mà họ cần. Đây là cách mà tôi có thể giúp đỡ đất nước. Và những người khác cũng có thể làm được như tôi”, đó là lí do mà Hakim quay trở lại với công việc đầy tính nhân đạo của mình.
Sau mỗi lần có mặt tại hiện trường đẫm máu để lượm xác, ông phải chờ các chiến binh Hồi giáo hay thân nhân của những tử thi tới nhận. Nếu không ai đến, ông lại chính là người chôn cất họ theo đúng nghi lễ của người Hồi giáo. Các giáo sĩ Hồi giáo thường đến nơi mà người đàn ông lượm xác chôn nhưng thi thể vô thừa nhận để cầu nguyện. Từ một vài ngôi mộ lúc đầu, nơi đó giờ đây đã trở thành một nghĩa trang với những tấm bia không tên tuổi mà chỉ ghi ngày và nơi họ bỏ mạng.
Khi được hỏi về mong ước, người đàn ông 6 năm lượm xác khắp miền Nam Afghanistan chia sẻ: “Giống như tất cả mọi người, tôi muốn hòa bình. Tôi tôn trọng cả hai phía và tôi muốn đất nước tôi toàn vẹn một lần nữa. Nhưng giờ đây chiến sự đang bùng nổ, người chết ở khắp nơi và chúng ta vẫn phải đương đầu với nó.”
Trịnh Duy
Theo Infonet.vn