Chuyên nghiệp nhìn từ Phan Văn Đức
Ít ngày sau khi Sông Lam Nghệ An (SLNA) được đồn đoán là có nhà tài trợ mới, họ giữ chân thành công ngôi sao số một Phan Văn Đức bằng hợp đồng 3 năm.
Phan Văn Đức chính thức ký hợp đồng mới có thời hạn 3 năm. Ảnh: SLNA.
Trước khi Phan Văn Đức gia hạn với SLNA, nhiều tuyển thủ quốc gia khác cũng trong diện sắp thành người tự do, như trung vệ Bùi Tiến Dũng, Đỗ Duy Mạnh…
Tuy nhiên, tiền đạo quê Nghệ An được chú ý hơn cả, bởi anh là một cầu thủ tấn công, đang trong độ chín sự nghiệp, và xuất thân từ lò có truyền thống “bán lúa non”.
Những con số cụ thể của hợp đồng giữa đôi bên không được tiết lộ. Giới thạo tin đồn đoán là vào khoảng 10 tỷ lót tay cho 3 năm hợp đồng. Nghĩa là trung bình mỗi ngày, dù không ra sân, tiền đạo sinh năm 1996 vẫn đút túi đều đặn 10 triệu đồng. Đó là một con số lớn, nếu xét trên mặt bằng chung là các đội V-League phải thắt lưng buộc bụng vì Covid-19.
Nhưng cái khiến người hâm mộ ngỡ ngàng hơn, khi chứng kiến cách SLNA gia hạn với trụ cột nằm ở chuyện Văn Đức sắp thành cầu thủ tự do.
Video đang HOT
Nhìn lại hơn 20 năm V-League lên chuyên nghiệp, khái niệm “chuyển nhượng” hầu như không tồn tại. Những hợp đồng đắt giá nhất, như khi Công Vinh sang Hà Nội T&T hay sau đó là CLB Hà Nội, cũng ở dạng chuyển nhượng tự do. Nghĩa là một VĐV thể thao tự tìm công ty mới, sau khi hết trách nhiệm với bến đỗ cũ.
Số tiền khủng, lên tới 14, 15 tỷ của Công Vinh ngày ấy, thực chất là phí lót tay – thứ các cầu thủ chuyên nghiệp trên thế giới vẫn nhận cùng phí hoa hồng của người môi giới. Còn phí chuyển nhượng từ đội A sang đội B là điều gần như không có tại bóng đá Việt Nam dù đang là năm 2021. Trong khi, đấy mới là vấn đề chính được bóng đá thế giới soi mói khi xem ai là người đắt giá nhất.
Về cơ bản, tại Việt Nam, bóng đá vẫn còn mang tư tưởng bao cấp. Nó thể hiện từ cách địa phương, hoặc một ông bầu nào đó bỏ tiền túi nuôi đội. Ngoài ra là cách một cầu thủ tìm đội bóng mới. Tất cả hầu như được thực hiện qua giao dịch dân sự, nghĩa là một cầu thủ sắp hết hạn hợp đồng và chuyển công việc mới. Đội bóng cũ không nhận được bất cứ khoản phí nào, ngoại trừ trường hợp họ là nơi đào tạo ra cầu thủ ấy.
20 năm, bóng đá nội chỉ có đúng một vụ chuyển nhượng gây ồn ào và tốn nhiều giấy mực, ấy là khi cựu cầu thủ Minh Phương chuyển từ Cảng Sài Gòn về Long An. Lúc ấy, đội bóng Sài Gòn nhận được 400 triệu, sau nhiều phen tranh cãi kéo dài.
Về sau này, chỉ có đúng một đội V-League có ý định “lên chuyên nghiệp” qua sàn chuyển nhượng là Hải Phòng. Một lãnh đạo ở đây từng trực tiếp thay mặt đội đi giao dịch quốc tế, bằng cách trả tiền trực tiếp cho đội bóng mà cầu thủ Hải Phòng muốn mua.
Phan Văn Đức là một cầu thủ có tài, và biết lựa đúng thời điểm để hưởng niềm vui chung cùng đội bóng anh khoác áo từ nhỏ. Nhưng nếu đặt tình huống ngược lại, SLNA không có Mạnh Thường Quân đỡ đầu, mọi chuyện sẽ ra sao?
Những va chạm như của Minh Phương với Cảng Sài Gòn liệu có lại xảy ra?
Sông Lam Nghệ An và những điều đáng chờ đợi sau thương vụ Phan Văn Đức
Giữ chân Phan Văn Đức thành công được coi là bản hợp đồng "bom tấn" đầu tiên của Sông Lam Nghệ An trong kế hoạch tái kiến thiết đội bóng và trở lại mạnh mẽ ở đấu trường giải quốc nội.
Phan Văn Đức sẽ tiếp tục thi đấu cho Sông Lam Nghệ An trong bản hợp đồng có thời hạn ba năm. (Ảnh: PV/Vietnam )
Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An vừa gia hạn hợp đồng thành công với tiền vệ Phan Văn Đức. Cầu thủ 25 tuổi sẽ tiếp tục thi đấu dưới màu áo của đội bóng xứ Nghệ trong một bản hợp đồng có thời hạn 3 năm.
Thương vụ này được coi là bản hợp đồng "bom tấn" của Sông Lam Nghệ An trong bối cảnh thi đấu bết bát ở V-League và đứng trước nguy cơ xuống hạng. Giữ chân thành công trụ cột giúp họ bảo toàn được lực lượng tốt nhất có thể ở thời điểm hiện tại.
Bản hợp đồng được Sông Lam Nghệ An thực hiện khi có sự hậu thuẫn của tập đoàn lớn Tân Long. Nhờ vậy, đội bóng này không ngần ngại ra giá cao để thuyết phục thành công Đức "cọt" ở lại cùng nhiều trụ cột khác như Xuân Mạnh, Văn Hoàng...
Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, ông Trương Sỹ Bá chia sẻ: "Tuy chưa phải nhà tài trợ chính thức nhưng với niềm tin và tình yêu với bóng đá xứ Nghệ, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo tỉnh để trở thành đơn vị đồng hành, hỗ trợ giữ chân các tài năng như Phan Văn Đức. Đây như một món quà dành tặng quê hương."
Phan Văn Đức thi đấu cho Sông Lam Nghệ An tới năm 2024. (Ảnh: CTV/Vietnam )
Đáng chú ý, tập đoàn Tân Long cũng đang ngỏ ý rằng có thể tài trợ chính thức cho Sông Lam Nghệ An từ mùa giải này sau khi nhà tài trợ cũ dừng hợp tác.
Đại diện đơn vị này cho biết đã nhận được lời mời từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An và Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An về việc tiếp quản đội bóng. Nếu quá trình chuyển giao diễn ra thuận, đội ngũ ban lãnh đạo mới của câu lạc bộ sẽ sớm có những hành động cụ thể để đưa đội bóng vượt qua những thách thức đang gặp phải. Bởi, nếu được hậu thuẫn tốt từ nhiều nguồn tiền, Sông Lam Nghệ An có thể tái thiết đội bóng.
Trước mắt, đội bóng này sẽ có thêm nguồn lực để trụ lại ở V-League sau mùa giải này. Trong những năm tới, người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ có thể hy vọng đội nhà sẽ "sống lại."
Bóng đá xứ Nghệ luôn nhiều tài năng và sở hữu lượng cổ động viên đông đảo, song đã nhiều năm trồi sụt trong bối cảnh thiếu kinh phí và nguồn tài trợ hạn hẹp.
Nếu được đầu tư mạnh mẽ từ những danh nghiệp lớn, họ hoàn toàn có thể trở thành thế lực ở V-League như thời điểm giành chức vô địch năm 2011.
Sông Lam Nghệ An cũng vừa thay đổi hàng loạt nhân sự "thượng tầng" như Chủ tịch đội bóng, ban lãnh đạo để sẵn sàng cho kế hoạch phát triển dài hạn và tham vọng hơn. Khi có sự can thiệp của tập đoàn lớn, đội bóng này đang sẵn sàng chiêu mộ hàng loạt ngôi sao xứ Nghệ trở về quê hương thi đấu./.
Tuyển Việt Nam trước khi chốt danh sách sang UAE Tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng trong cả 2 trận đấu tập nội bộ với đàn em U22 Việt Nam trước khi lên đường sang UAE. Những trận đấu tập này giúp HLV Park Hang Seo có cái nhìn rõ hơn về khả năng của các học trò sau hơn 1 tuần tập luyện để có thể chọn ra những cái tên...