Chuyện Ma Gần Nhà tung trailer ám ảnh với hàng loạt thế lực quỷ dị gia nhập đường đua phim hậu Tết 2022
Chuyện Ma Gần Nhà – phim điện ảnh dựa trên những truyền thuyết đô thị đầy ám ảnh và ghê rợn đậm chất Việt – vừa tung trailer chính thức, đồng thời vẫn giữ lịch khởi chiếu là 11.02.2022. Như vậy, tác phẩm sẽ tham gia đường đua màn ảnh ngay sau mùa Tết Nguyên đán 2022.
Sau Bắc Kim Thang và Rừng Thế Mạng, Chuyện Ma Gần Nhà là bộ phim thứ ba của bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân. Dự án cũng là “viên gạch” đầu tiên trong vũ trụ kinh dị được lấy cảm hứng từ các truyền thuyết đô thị Việt Nam. Từ khi công bố, phim gây chú ý khi sử dụng hình tượng cô gái bí ẩn xuất hiện trên khắp các xe nước mía Việt nam. Từ đây, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã khai thác thêm nhiều câu chuyện bí ẩn khác, được truyền miệng trong dân gian nhằm tạo nên Chuyện Ma Gần Nhà.
Sau teaser trailer đầu tiên mang đến tò mò cho khán giả, trailer chính thức của Chuyện Ma Gần Nhà đẩy cao sự hồi hộp, đồng thời giới thiệu rõ hơn về các nhân vật trong câu chuyện. Video mở đầu với cảnh một nhóm bạn lâu ngày gặp lại, thử thách nhau kể chuyện ma giữa đêm tối. Từ đây, thế giới ma quỷ của Chuyện Ma Gần Nhà được từ từ hé lộ. “Tao nghe nói ở chung cư này trước đây có nhiều người chết lắm. Có người bị giết, có người tự tử, có người bị quỷ bắt hồn”, một nhân vật gợi chuyện.
Sau đó, hàng loạt thế lực quỷ dị hội ngộ trong một câu chuyện liên hoàn diễn ra ở nhiều địa điểm, từ biệt thự, đường phố đến cả nghĩa trang. Gây sốc nhất phải kể đến một thực thể quái dị với đôi mắt và cái miệng nằm trong lòng bàn tay. Ở cảnh khác, một người phụ nữ bí ẩn để lộ khuôn mặt bị lột sạch lớp da, để lộ phần máu thịt nhầy nhụa. Chưa dừng lại ở đó, nhân vật của nghệ sĩ Mạc Can gây kinh hoàng khi ngồi giữa rạp hát, bị vây quanh bởi đám khán giả không đầu.
Hình ảnh cô gái trên xe nước mía tiếp tục gây ấn tượng trong trailer. Trong màn đêm, giữa chiếc xe nước mía, một giọt lệ đen chảy từ đôi mắt hình vẽ cô gái trên xe, vừa như đau buồn, vừa như triệu hồi các thế lực hắc ám. Trailer khép lại bằng câu hỏi bỏ lửng: “Mọi người ở đây có biết hình cô gái trên xe nước mía là ai không?”, theo sau là loạt cảnh ma mị của các nhân vật.
So với teaser, trailer để dàn nhân vật lộ diện rõ nét hơn. Nhân vật của Khả Như mang đầy vẻ sang trọng và cuốn hút, đồng thời luôn giữ thái độ bí ẩn. Vân Trang hóa một cô gái mang vẻ hồi hộp, lo lắng. Trong một cảnh quay, nhân vật này hoảng sợ tột độ khi đối mặt với một thế lực không đầu đang rỉ máu. Huỳnh Thanh Trực – sao trẻ của Rừng Thế Mạng – tái xuất với một vai diễn kinh dị khác hẳn phim trước. Nhân vật của anh gây tò mò với khoảnh khắc hoảng hốt khi nhìn gương mặt mình trước tấm gương. Không rõ điều gì đã khiến chàng trai trẻ trong phim sợ hãi tột độ đến như vậy.
Trailer Chuyện Ma Gần Nhà mang nhịp điệu nhanh và khung cảnh u ám, đẩy người xem vào một thế giới ghê rợn của những thế lực kỳ bí dường như liên quan mật thiết với nhau. Đoạn phim khép lại với những khung hình ám ảnh của nghệ sĩ gạo cội Mạc Can. Rũ bỏ vẻ hiền lành đời thường, ông hóa thân một chú hề quỷ dị với ánh mắt hung ác cùng nụ cười ghê rợn. Nhân vật này đang đứng trước một bàn thờ tế, dường như chuẩn bị thực hiện những nghi thức bí hiểm.
Đi kèm với trailer, ê-kíp giới thiệu loạt poster cho nhân vật của các diễn viên Mạc Can, Khả Như, Vân Trang, Ngọc Hiệp, Hữu Tiến, Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong. Mỗi người đều xuất hiện với vẻ mặt và ánh mắt bí ẩn, dường như đang che giấu bí mật gì đó. Đặc biệt, loạt poster còn bao gồm ba “nhân vật” đặc biệt là ma không đầu, ma lột mặt và ma quái dị với mắt và miệng trên bàn tay. Rõ ràng, Chuyện Ma Gần Nhà đang hướng tới việc xây dựng một vũ trụ kinh dị với rất nhiều thế lực ghê rợn và ám ảnh.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết Chuyện Ma Gần Nhà sẽ kể về những truyền thuyết đô thị ám ảnh và ghê sợ nhất Việt Nam. Kịch bản xoay quanh các câu chuyện truyền miệng, những lời đồn thổi trong dân gian mà có thể nhiều người trong chúng ta từng chia sẻ cho nhau trong những buổi kể chuyện ma.
Tâm điểm của phim sẽ là “cô gái trên xe nước mía” – hình ảnh gắn liền với các xe nước mía ở Việt Nam. Không rõ từ bao giờ, hầu như mọi xe nước mía đều vẽ hình một người con gái với mái tóc đen, điệu bộ hơi buồn, tay cầm ly nước mía. Hình ảnh này trở nên một nét đặc trưng trong văn hóa Việt, khiến nhiều người có thể nhận diện xe mía từ xa. Đã có một số giả thuyết về nguồn gốc cô gái này, nhưng đến nay chưa thể xác định chính xác danh tính người con gái trong bức vẽ. Trên poster phim, hình ảnh người phụ nữ này gây tò mò với gương mặt bị bong tróc một mảng lớn. Đằng sau đó là một lớp da thịt đáng sợ, cùng ánh mắt vừa ghê rợn vừa chất chứa nỗi u buồn.
Chuyện Ma Gần Nhà dự kiến ra mắt ngày 11.02.2022, tức tham gia đường đua phòng vé hậu Tết. Chia sẻ về quyết định này, nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết: “Chuyện Ma Gần Nhà là một dự án giúp ProductionQ tiến gần hơn với giấc mơ mang những chất liệu, câu chuyện ‘đặc sản’ của Việt Nam lên màn ảnh. Với bộ phim này, thế giới của vũ trụ Chuyện Ma Gần Nhà chính thức có được sản phẩm đánh dấu đầu tiên với các nhân vật gây ám ảnh mà chúng ta vốn đã và đang lan truyền cho nhau một cách tự nhiên vì sự tò mò. Tôi vô cùng tự hào về những chất liệu của Việt Nam mình!”.
Trailer Chuyện Ma Gần Nhà
Bi kịch của nạn nhân bị bạo hành ở phim Việt ngoài rạp - Rừng Thế Mạng
Ngoài nội dung sinh tồn, tác phẩm của đạo diễn Trần Hữu Tấn gây bàn tán khi giới thiệu một nhân vật chính khó ưa, cư xử cộc cằn, do hậu quả từ bạo hành gia đình, từ khoá rất nóng gần đây.
Sau gần 2 tuần ra mắt, nhân vật Kiên của Rừng Thế Mạng khiến nhiều khán giả đi từ bất mãn đến cảm thông sau khi xem xong vì bộ phim vừa hay khai thác một đề tài bạo hành đang gây phẫn nộ.
Trước đó, phim được biết đến với câu chuyện chàng phượt thủ Kiên (Huỳnh Thanh Trực) bị lạc trong rừng Tà Năng - Phan Dũng. Để đấu tranh sinh tồn, anh vượt qua đói khát, chấn thương lẫn nỗi sợ tâm lý. Phim này độc đáo ở cách xây dựng nam chính lệch chuẩn. Nửa đầu phim, anh chàng hiện lên với vẻ cô độc, cộc cằn với bạn bè và hay gây gổ với người dẫn đường. Kiên là tâm điểm mọi vụ cãi nhau trong đoàn và gián tiếp gây ra bi kịch cho mình lẫn Bách (Trần Phong).
Đến nửa sau phim, người xem dần hiểu hơn về Kiên qua những thước phim về quá khứ của anh. Anh chàng lầm lì này hóa ra là một nạn nhân của bạo hành gia đình suốt nhiều năm, dẫn đến tính cách khó gần. Kiên từng bị bố mình (Hữu Châu) đánh đập, mắng nhiếc, chứng kiến người mẹ mà mình yêu thương nhất qua đời. Nói cách khác, chính sự bạo hành gia đình mới là "kẻ phản diện" thật sự trong phim, vì nó khiến Kiên uất ức, gây lắm chuyện rắc rối cho nhóm bạn phượt, dẫn đến việc Bách mất tích và chính Kiên phải đi tìm rồi bị lạc.
Kiên của Rừng Thế Mạng là một kẻ đáng thương: bị bạo hành, lòng chất đầy tổn thương. Chuyện bạo hành trong Rừng Thế Mạng được khắc họa theo kiểu cả người bạo hành thiếu nhận thức hành vi. Bố của Kiên thực chất không phải người xấu, mà ông có điểm chung của hầu hết phụ huynh Việt Nam: xem đánh mắng, chửi con cái là để dạy con, không nghĩ thế là tổn thương đứa trẻ. Ngoài ra, những cơn say xỉn khiến ông không còn là chính mình. Kiên bị bạo hành cả về mặt thể xác và tinh thần. Bên cạnh đòn roi, việc bị bố bạo hành tâm lý cũng để lại những vết sẹo cho anh, khi hay bị bố sỉ nhục là "thằng đàn bà".
"Đứa trẻ bên trong" là một từ được nhắc đến nhiều gần đây. Đó là tên gọi cho bản chất nguyên thủy của con người, sự tổng hợp của tất cả ký ức đã qua như một đứa bé trong tiềm thức. Nếu sinh ra trong gia đình êm đềm, "đứa trẻ bên trong" của bạn dễ hạnh phúc. Ngược lại, đứa trẻ đó sẽ mang nhiều cảm xúc tiêu cực, thậm chí đen tối, có khuynh hướng hủy hoại. Trong phần lớn thời gian, chúng ta không nhận ra sự tồn tại của đứa trẻ này, cũng như quên mất những vết sẹo tâm lý đã định hình mình.
Trở lại với bộ phim, Kiên luôn mang cảm giác mất tự tin vào bản thân, bị thua thiệt trong chuyện tình cảm là do ám ảnh từ nhiều lần bị bố tấn công tinh thần. Chỉ cần thấy Bách thân với Khanh (bạn gái Kiên, Thùy Anh đóng) là Kiên đã khó chịu. Dù Kiên không nhận ra, đứa trẻ bên trong đã trỗi dậy và kéo anh trở về với bao ký ức đen tối của ấu thơ.
Ở cao trào của phim, khán giả được biết mẹ Kiên qua đời do không chịu nổi những sự tra tấn tâm lý lẫn thể xác từ chồng. Cảm giác đau đớn đó hẳn đã ùa về, gợi ra trong Kiên sự tương đồng khi anh thấy mình dường như lại sắp mất một người phụ nữ quan trọng khác. Hành trình sinh tồn trong rừng dường như là một cuộc thanh tẩy với Kiên khi anh nhớ về và đối mặt với những tổn thương trong quá khứ. Những cú sốc về thể chất tạo ra một trạng thái đủ mạnh để Kiên có thể nhìn nhận chính xác những vấn đề của mình, và sinh tồn giữa cuộc đi lạc trong thực tế lẫn trong tâm hồn.
Vấn đề của Kiên khá gần gũi nhiều người ngày nay: khép kín và không dám nói ra tâm sự của mình, hoặc ẩn giấu quá nhiều vết thương. Khi trưởng thành, ta được dạy rằng phải nề nếp kiểm soát hơn, đừng bộc lộ quá nhiều cảm xúc thật. Nhiều người cố tỏ ra bình thường, né tránh các vấn đề đang phải chịu đựng. Tuy nhiên, những ẩn ức đó vẫn tồn tại, chi phối cách cư xử của họ hàng ngày. Nếu hố đen của ai đó quá lớn, họ sẽ vô tình làm ảnh hưởng xấu đến cả những người xung quanh.
Một trong những cảnh đơn giản mà xúc động nhất phim chính là khi Kiên gọi ba mình ở đoạn cuối. Chỉ một tiếng "Ba.." là đủ thể hiện sự tha thứ và hàn gắn của Kiên. Ở đoạn kết, chúng ta dường như thấy một sinh mạng mới của anh, sau cái chết của "bản thể" cũ trong rừng. Can đảm nói ra, đối diện với nỗi đau của chính mình là một giải pháp cho người từng bị bạo hành trong quá khứ. Sự đối mặt này thường rất khó chịu, thậm chí đớn đau ban đầu, nhưng có thể sẽ giúp những người bị tổn thương nhìn nhận được vấn đề của mình, từ đó tìm được cách chữa lành. Khi nhận thức xã hội đang ngày càng được nâng cao, bạo hành gia đình chắc chắn sẽ là chủ đề được quan tâm, giáo dục đầy đủ hơn để tránh xảy ra những trường hợp bi kịch, hay bạo hành trong vô thức. Tuy nhiên, từ trước đó, mỗi chúng ta đều có thể giúp mình bằng cách chủ động tìm cách hiểu được các cảm xúc của bản thân, chủ động đối thoại, giãi bày để tránh những sự hiểu lầm.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: Trong Rừng Thế Mạng, Kiên cũng mang theo vài phần tính cách của tôi khi bốc đồng, mặc cảm, tổn thương. Tôi nghĩ đôi lúc muốn người khác tin câu chuyện mình kể, thì phải kể câu chuyện của chính mình!
Trailer Rừng Thế Mạng
Rừng Thế Mạng đang chiếu tại rạp.
Hành trình ma đưa lối, quỷ dẫn đường vào Rừng Thế Mạng vốn được cảnh báo từ đầu? Là 1 trong những phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam, cách kể chuyện gợi mở khiến câu chuyện của Rừng Thế Mạng trở nên vô cùng ám ảnh. Sau Bắc Kim Thang, đạo diễn Trần Hữu Tấn làm phim thứ hai là Rừng Thế Mạng - phim thuộc thể loại sinh tồn kèm kinh dị tâm lý giật gân quay tại...