Chuyện lạ Gia Lai: Rình rang “cưới lại” tốn nhiều rượu, thịt
Cưới xin là việc hệ trọng cả một đời người nên việc tổ chức sao cho phải nhẽ là cần thiết. Thế nhưng, ở một số xã thuộc địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai) lại là một chuyện khác: người dân tổ chức “ cưới lại” rình rang trong khi cuộc sống không mấy khá giả.
Có con rồi mới cưới
Một ngày cuối tháng 3-2019, cả làng Khóp (xã Ia Krêl) được hoan hỉ chứng kiến đám cưới của chị Siu H’Lút (SN 1995) với hơn 400 khách đến chung vui. Ai cũng phải ít nhất một lần vít cần để chúc phúc cho hai vợ chồng. Nắng tháng 3 như đổ lửa, khách mời mặt đỏ gay nhưng điều đó không quan trọng, bởi niềm vui cứ lan tỏa đến từng người.
Đám cưới của họ chỉ khác chăng là vợ chồng H’Lút đã có với nhau 2 mặt con, đứa lớn 4 tuổi và đứa nhỏ 2 tuổi… Tổ chức đám cưới xong, vợ chồng chị H’Lút cùng các con lại đưa nhau vào TP. Hồ Chí Minh tiếp tục làm thuê kiếm sống.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Siu Khiên-anh họ của chị HLút-kể: “HLút mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bà ngoại đưa về nuôi. Thời trẻ, nó ưng một thanh niên ở làng Sung Kép (xã Ia Kla) nhưng hai đứa chỉ sống chung với nhau một thời gian rồi chia tay, H’Lút nuôi con.
Chừng một năm sau, H’Lút ưng một người khác và sinh thêm 2 đứa con gái”. Cũng theo anh Khiên, ở xã Ia Krêl cũng có một vài trường hợp tổ chức “cưới lại”, mức độ rình rang cũng không kém như trường hợp anh Rơ Mah Trung (làng Ngol Le 2), vợ chồng anh Rơ Lan Thi và vợ là Rơ Châm Mé (làng Ngol Rông)….
Anh Rơ Lan Thi và chị Rơ Cthâm Mé từng tổ chức cưới lại vào năm 2017. Ảnh: H.L
Theo tìm hiểu của P.V, tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện biên giới Đức Cơ, chuyện “cưới lại” với những nghi lễ rình rang, tốn kém cũng vẫn đang diễn ra. Ông Kpuih Bơn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lang-cho hay: Trên địa bàn có nhiều trường hợp vợ chồng lấy nhau, sinh con đẻ cái hay thậm chí con lớn rồi mới tổ chức “cưới lại”.
“Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng vẫn sẵn sàng tổ chức tiệc “cưới lại” vài chục mâm. “Tôi không thể nhớ và thống kê được hết các trường hợp “cưới lại” vì nhiều lắm”-ông Bơn nói.
Vì đâu nên nỗi?
Trao đổi với P.V, ông Rơ Lan Thứ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ-cho biết: “Theo quan niệm của người Jrai, nếu vợ chồng đến với nhau không cưới xin sau này sẽ khổ, cuộc sống không an lành, sống không thọ. Nhiều cặp vợ chồng trước đây khi đến với nhau, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên lễ cưới chỉ tổ chức giản đơn với ghè rượu, con gà…”.
“Hiện nay, khi đời sống kinh tế khấm khá, nhiều người muốn “cưới lại” để bù đắp thiệt thòi ngày trẻ. Cũng có người phần vì ngại đi ăn cưới người khác hoành tráng mà trước đó mình lại không thiết đãi lại hoành tráng nên… cưới lại”, ông Thứ chia sẻ.
Điểm chung của các đám “cưới lại” này là hầu hết đều sử dụng dịch vụ đặt tiệc chứ không tổ chức nấu nướng theo phong tục truyền thống của người Jrai. Giá của mỗi mâm tiệc dao động trong khoảng 1,3-1,8 triệu đồng/bàn 10 khách. Như vậy, với những bữa tiệc tầm 15-30 mâm, gia chủ đã phải bỏ ra vài chục triệu đồng để tổ chức.
Tất nhiên, thường thì các buổi lễ tiệc như thế này, khách mời ít nhiều sẽ góp chút quà chung vui cùng gia chủ. Tuy nhiên, ở các thôn làng, khách phần đông là người làng, anh em và đời sống không phải ai cũng dư dả nên chuyện chia sẻ này cũng rất giới hạn.
Chưa kể những năm gần đây, giá cả các loại mặt hàng nông sản chủ lực liên tục giảm mạnh, thu nhập và đời sống của người dân huyện Đức Cơ gặp nhiều khó khăn.
“Việc rình rang cưới xin trong lúc khó khăn là điều vô cùng lãng phí, đồng thời gây thêm áp lực tài chính cho gia chủ. Nhiều hộ nghèo vì tâm lý cho bằng người khác phải đi vay mượn tiền để tổ chức rồi mang nợ nần là chuyện không nên, cần được tuyên truyền, định hướng để người dân thay đổi nếp nghĩ cho bà con”-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ nhìn nhận.
Thêm một nguyên nhân khác, nhiều nhà hàng dịch vụ tiệc cưới lưu động sẵn sàng cho nợ, chỉ cần đặt cọc một số ít tiền nào đó rồi sau tiệc trả lại. Nếu không trả được ngay có thể được nợ lại, nợ lâu có thể tính lãi theo mức thỏa thuận. Họ còn khôn khéo “treo” những mức dịch vụ đi kèm, thậm chí là trao thưởng nhẫn cưới cho vợ chồng “cưới lại” tương ứng với số mâm khách đặt để kích cầu, gia tăng số lượng…
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo một số cán bộ cơ sở chia sẻ, không phải bỗng dưng chuyện “cưới lại” trên địa bàn huyện Đức Cơ lại đột nhiên trở nên rình rang, quy mô hoành tráng như thời gian gần đây. “Cái khó là bà con Jrai thường hay có tâm lý đám đông, theo phong trào. Thấy người ta tổ chức, mình cũng tổ chức theo. Chưa kể, nhiều cơ sở dịch vụ tiệc cưới còn liên kết với các “chành rành” (người môi giới kết nối dịch vụ từ người ngoài với người địa phương-P.V)”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lang chia sẻ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thúy Loan-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krêl-cho hay: “Việc tổ chức lễ đám là quyền tự do của mỗi gia đình, cá nhân. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã thường xuyên tuyên truyền người dân phải thực hành lối sống tiết kiệm, tránh lãng phí, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chính quyền cũng chưa thực sự sâu sát, can thiệp kịp thời. Chúng tôi sẽ lưu tâm và cố gắng triển khai các giải pháp phù hợp nhằm tuyên truyền, chấn chỉnh trong thời gian tới”.
Huyện Đức Cơ có 73 thôn, làng thuộc 10 xã, thị trấn. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, trong đó hạn chế tối đa các trường hợp tổ chức ma chay, hiếu hỉ rình rang, kéo dài nhiều ngày để tránh tốn kém, lãng phí không cần thiết cũng như tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các vấn đề tiêu cực khác.
Ông ông Rơ Lan Thứ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ nhận định: “Không chỉ gây lãng phí, việc mở tiệc linh đình trong nhiều ngày dễ gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng: người dân bỏ bê công việc làm ăn, rượu chè dẫn đến làm phức tạp tình hình an ninh trật tự, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm… Bên cạnh đó, nhiều hộ người Jrai chưa biết cách quản lý chi tiêu, chưa có ý thức tiết kiệm, tích lũy dẫn đến lãng phí.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức, định hướng hành vi tích cực, tránh đám lễ rình rang, tốn kém gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ nhấn mạnh.
Theo Hải Lê (Báo Gia Lai)
'Làng đại đoàn kết Arui' trên vùng biên giới
Sáng 19/5, tại thôn Arui, xã Dang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ gắn biển công trình "Làng đại đoàn kết Arui".
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Võ Xuân Ca gắn biển công trình "làng đại đoàn kết Arui".
Đây là công trình thi đua chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ X và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đến dự.
Phát biểu tại lễ gắn biển công trình này, ông Võ Xuân Ca, cho biết, cách đây hơn một năm, ngày 6/2/2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam nhận được báo cáo của UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang về tình hình sạt lở nghiêm trọng do cơn bão số 12 gây ra tại thôn Arui, xã Dang nên cần phải di dời khẩn cấp toàn bộ các hộ thôn này.
"Ngay sau đó Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã cử tổ công tác đến khảo sát thực tế nhà ở các hộ dân bị hư hỏng và thống nhất hỗ trợ tiền từ nguồn quỹ Cứu trợ của tỉnh để di dời 50 hộ dân đến nơi ở mới, trong đó thôn Arui có 46 hộ. Hôm nay (19/5), công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, chia sẻ niềm vui cùng với bà con" - ông Võ Xuân Ca nói.
Ông Võ Xuân Ca phát biểu tại buổi lễ.
Theo đó, công trình mang tên làng đại đoàn kết Arui, có 46 ngôi nhà cho người dân đồng bào Cơ tu ở huyện Tây Giang bị ảnh hưởng do cơn bão số 12 (Damrey), với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, từ nguồn "Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Nam". Việc xây dựng "Làng đại đoàn kết Arui" là nhằm giúp người dân nơi đây có chỗ ở ổn định để sinh sống làm ăn. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cũng mong muốn bà con Cơ tu tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đoàn kết trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ tu; đoàn kết trong phát triển kinh tế, tích cực giúp đỡ nhau, vượt lên thoát nghèo bền vững...
Già làng Bhnướch Búh, thôn Arui, xã Dang vui mừng: "Tôi và các bà con trong thôn Arui rất cảm ơn các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam đã quan tâm, hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới khang trang, tạo điều kiện cho bà con đồng bào Cơ tu có chỗ ở mới ổn định, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo".
Ông Võ Xuân Ca tặng quà cho bà con thôn Arui.
Dịp này, ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã trao tặng 63 suất quà cho 50 hộ nghèo ở thôn Arui, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng, từ nguồn "Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam".
Được biết, công trình làng đại đoàn kết Arui được được triển khai xây dựng từ tháng 2/2018, với sử nỗ lực các bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam và các cấp chính quyền, người dân địa phương, đến nay hầu hết công trình này đã hoàn thành việc xây dựng nhà cửa khang trang tại nơi ở mới.
Một góc làng đại đoàn kết Arui, xã Dang.
Theo Dadoanket.vn
Vượt 500km đưa ong đi tìm mật hoa, "hái" được hàng trăm triệu Nghề nuôi ong du mục có thể đem lại cho mỗi chủ nuôi hàng trăm triệu đồng mỗi năm và rất dễ thu hồi vốn ban đầu. Thế nhưng, nghề này cũng nhiều rủi ro, và người nuôi ong phải xa nhà, xa gia đình hàng tháng trời để đưa ong rong ruổi theo những mùa hoa lấy mật. Lãi nhiều, rủi ro...