Chuyện kỳ lạ về “ngõ chín cô” ở ngoại ô Hà Nội
Từ lâu, con ngõ nhỏ ven Quốc lộ 32 có chừng hơn 20 nhà dân thì có tới gần chục nhà có phụ nữ đi lấy chồng rồi lại bỏ chồng về ở vậy. Dân làng xung quanh gọi ngõ ấy là “ngõ chín cô”và cũng thêu dệt nên nhiều câu chuyện ly kỳ.
Hoàn cảnh giống nhau một cách… khó lý giải
Đến xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), hỏi “ngõ chín cô” thì hầu như ai cũng biết. Chẳng những vậy, người ta còn kể vanh vách ý nghĩa tên gọi của con ngõ cũng như nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh. Khi chúng tôi có mặt, bà Đỗ Thị Thoan đang cặm cụi giặt quần áo. Mời khách vào nhà, bà vui vẻ kể về sự tích của “ngõ chín cô” và bà là một trong chín cô ấy.
Lối vào “ngõ chín cô”. Ảnh: TG
Theo bà Thoan, hoàn cảnh của những người phụ nữ ở con ngõ này giống nhau đến… khó lý giải. Cứ ai đi lấy chồng trước thì sẽ bỏ chồng về nhà mẹ trước, ai lấy chồng sau thì cũng khăn gói trở về sau, dù là lấy chồng trong làng hay ở xa. “Ở ngõ này, bà Tám là người “mở hàng” lấy chồng đầu tiên và bà ấy cũng là người đầu tiên bỏ chồng, mang con về nhà mẹ đẻ sinh sống. Bà Ngát là người lấy chồng thứ hai và cũng là người bỏ chồng về nhà mẹ thứ hai. Còn tôi là người thứ ba. Cứ thế, lần lượt sau đó là bà Tuyết, bà Hoa, bà Thoa, bà Thúy… Có những người bỏ chồng vì lý do rất vớ vẩn, như bị bố chồng mắng cho một câu cũng giận dỗi đòi ly dị, mặc kệ người chồng gần nửa năm trời vẫn qua lại nỉ non khuyên nhủ quay về”, bà Thoan kể.
Khoảng hơn chục năm trước, bà Thoan quen và lấy một người đàn ông gần làng làm chồng. Cuộc sống hạnh phúc của bà Thoan cùng chồng và hai đứa con nhanh chóng trôi đi vì vợ chồng bà cứ hay cãi vã nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Chán cảnh sống ấy, bà Thoan ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ. “Nhà chồng và chồng tôi cũng nhiều lần sang khuyên tôi trở về nhưng tôi không chịu. Cuối cùng là ra tòa ly hôn, tôi ở vậy nuôi hai đứa con từ đó cho đến nay. Con đã trưởng thành hết rồi, tôi năm nay cũng đã hơn 50 tuổi”, bà Thoan nói.
Ngay cạnh nhà bà Thoan là nhà bà Phùng Thị Ngát, ngoài 60 tuổi, có “thâm niên” bỏ chồng hơn 30 năm. Bà Ngát ngậm ngùi chia sẻ: “Ngày đó, tôi và chồng cưới nhau là yêu đương tự nguyện, không phải bố mẹ sắp đặt hay bắt ép. Tôi về nhà chồng ở cũng không khổ sở gì, chồng tôi hiền như cục đất ấy. Thế mà chỉ vì một chuyện nhỏ chẳng đâu vào đâu, rồi thấy chán nhau, thế là chia tay. Cuộc sống một mình nuôi con chỉ trông vào mấy sào ruộng cũng vất vả nhưng tôi vẫn nhất quyết không muốn về ở với chồng hay đi bước nữa”.
Vất vả nhất trong xóm đặc biệt này là bà Đỗ Thị Tám. Bà là người đầu tiên ở ngõ này bỏ chồng rồi mang con về nhà mẹ đẻ sống nên ban đầu phải chịu nhiều dị nghị của dân làng. Bà Tám chia sẻ: “Tôi đi lấy chồng từ năm 23 tuổi, những ngày đầu cuộc sống hai vợ chồng vui vẻ hạnh phúc lắm. Nhưng kể từ khi tôi sinh đứa con đầu lòng, không hiểu sao chồng tôi cứ lạnh nhạt. Tôi buồn, nhưng sợ mang tiếng bỏ chồng hay chồng bỏ nên tôi cố gắng sống với “cục nước đá” ấy rồi có thêm hai đứa con nữa. Nhưng rồi tôi vẫn phải quyết định dứt áo ra đi khi đứa con út mới hơn 1 tuổi. Tôi mang 3 đứa con về nhà mẹ đẻ sinh sống, mặc kệ người ta dị nghị”.
Những chuyện thêu dệt của người đời
Bà Thoan chia sẻ với phóng viên với cuộc hôn nhân trắc trở của mình.
Bà Thoan chia sẻ với phóng viên với cuộc hôn nhân trắc trở của mình.Đến khi người thứ 7 bỏ chồng trở về ngõ nhỏ này thì người ta đặt cho con ngõ cái tên là “ngõ bảy cô”. Nhưng rồi số chị em bỏ chồng vẫn chưa dừng lại, gần đây đã lên tới con số 9 và người ta cũng đổi tên cho con ngõ. Người dân ở đây thêu dệt, lý giải nguyên nhân rằng có thể ở đây có thần giữ người, cứ gả con gái đi là lại bị lôi về.
Câu nói về thần giữ người ấy tưởng chỉ là nói đùa mà lại khiến cho nhiều người suy nghĩ. Họ bắt đầu nhớ lại những chuyện xa xưa để xem những người trong con ngõ này có từng mạo phạm thần thánh gì để bị trừng phạt như vậy hay không. Câu chuyện được bàn tán nhiều là chuyện cách đây khoảng 40 năm, người dân trong ngõ có mang một bức trượng Hộ pháp ở ngôi đình làng bên về trải ra làm đường.
Nói về việc này, bà Thoan nhỏ giọng: “Ngày đó, khi chúng tôi mới khoảng 15 tuổi, con ngõ này còn thấp và cứ mưa là bị ngập. Do đó, khi làng bên phá một ngôi đình là đình Hương Đĩnh, đám thanh niên chúng tôi có sang đó xin đập phá những bức tường để lấy gạch vụn về đổ tôn đường cho cao lên. Trên bức tường hai bên cổng ngôi đình đó có hai ông Hộ pháp rất to cũng bị đập để đem về làm đường”.
Video đang HOT
Có lẽ mọi chuyện sẽ trôi vào quên lãng nếu như không có chuyện 9 người phụ nữ bị chồng bỏ hoặc bỏ chồng về ở vậy nuôi con. Và người ta cho rằng chính việc mang bức tượng Hộ pháp về làm đường đã khiến thần thánh nổi giận.
Ông Nguyễn Trung Hưng – Cụm trưởng cụm 9 (xã Ngọc Tảo) cho biết: “Đúng là con ngõ này từ lâu người ta đã bàn tán xôn xao về việc có nhiều phụ nữ bỏ chồng hoặc chồng bỏ mang con về ở vậy. Trong số 9 người thì có tới 6 người bỏ chồng, 3 người bị chồng bỏ. Còn chuyện xưa kia về việc đập tượng Hộ pháp mang về làm đường, tôi cũng được nghe nhiều cụ cao niên trong làng kể lại”.
Cũng theo ông Hưng, việc vợ chồng không sống được với nhau dẫn đến ly hôn là chuyện bình thường trong cuộc sống. Những người phụ nữ trong ngõ này người thì bỏ chồng vì mâu thuẫn với chồng, với bố mẹ chồng, người thì vì chồng cờ bạc nên bỏ, người thì chồng lăng nhăng bỏ đi theo gái. Tất cả đều có nguyên nhân của nó. Hơn nữa, trong con ngõ này, không phải tất cả phụ nữ đều bỏ chồng hoặc chồng bỏ mà vẫn có những người sống hạnh phúc với chồng nhiều năm nay.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi.
Theo N. Chiến- H. Châu (Giadinh.net.vn)
Cận cảnh "ngưu thủ" tranh tài nảy lửa tại Thủ đô
Hàng vạn người dân đã được mãn nhãn với những trận đấu nảy lửa giữa các cặp trâu trong vòng loại Lễ hội chọi trâu tại huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội, ngày 17.1.
Sáng 17.1, tại sân vận động huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã diễn ra vòng loại Lễ hội chọi trâu lần thứ 2 năm 2015. Lễ hội do UBND huyện Phúc Thọ tổ chức, thu hút 76 "ông trâu" đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và các địa phương trong cả nước.
Trước đó, Lễ hội chọi trâu lần 1 năm 2014 do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với huyện Phúc Thọ tổ chức trong hai ngày 22-23.2.2014 đã thu hút tới hơn 3 vạn người xem.
Mặc dù mới chỉ là vòng đấu loại, nhưng ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã đổ dồn về sân vận động, ngồi kín các khán đài. Khán giả đã được mãn nhãn với những miếng đánh hổ lao, khóa sừng, móc hàm của các "ngưu thủ"...
Theo Ban tổ chức, từ vòng đấu loại trực tiếp (diễn ra trong hai ngày 17-18.1) sẽ chọn ra 32 "ông trâu" xuất sắc nhất thi đấu vòng chung kết, tổ chức vào tháng Giêng năm Ất Mùi 2015.
Ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Từ bao đời nay, con trâu đã gắn bó mật thiết với đời sống kinh tế nông dân, nông nghiệp Việt Nam. Và, con trâu đã trở thành một trong những hình tượng văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Đối với người dân Phúc Thọ, hình ảnh trâu tượng trưng cho Thần Điểm Tước còn mang ý nghĩa tín ngưỡng thiêng liêng, gắn với Lễ tam tinh tại đền thờ Hát Môn, nơi thờ 2 vị anh hùng Trưng Trắc - Trưng Nhị.
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong buổi thi đấu loại đầu tiên có tất cả 22 cặp trâu chính thức bước vào quyết đấu. Những pha đối đầu, những màn rượt đuổi kịch tính, sự bứt phá ngoạn mục cùng những miếng đánh hiểm hóc của các "ông trâu" khiến người xem không thể rời mắt.
Lễ hội chọi trâu huyện Phúc Thọ năm 2015 đã có sự mở rộng về quy mô, số lượng và chất lượng. Công tác an ninh được đảm bảo, tại khu vực diễn ra chọi trâu, các rào sắt được dựng xung quanh đảm bảo không để trâu húc đổ.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại Lễ hội chọi trâu:
Hàng vạn khán giả đã có mặt tại sân vận động huyện Phúc Thọ để chứng kiến các "ngưu thủ" thi đấu.
Sới chọi nóng ngay từ những giây phút đầu tiên.
Những miếng đánh đẹp mắt, hiểm được các "ông trâu" phô diễn trước sự chứng kiến của hàng vạn khán giả.
Nhiều trận đấu các "ông trâu" vờn nhau một lúc mới tham chiến.
Trận đấu nảy lửa giữa hai "ngưu thủ" số 69 của ông Hán Văn Phong và số 76 của ông Hán Văn Huyên (cùng đến từ Vĩnh Phúc). Bằng sự lì lợm, trâu số 76 đã ra đòn quyết định và giành chiến thắng.
Một "ngưu thủ" đến từ Vĩnh Phúc thất thủ trước đối thủ đến từ xã Thượng Cốc (Phúc Thọ).
Tuy đã giành chiến thắng, nhưng "ông trâu" đến từ Phúc Thọ vẫn truy đuổi tới cùng.
Một miếng đánh dùng sừng hất đầu đối thủ lên cao nhằm hạ knock out.
Khán đài sân vận động không còn một chỗ trống, không chỉ người dân trong huyện Phúc Thọ đến xem mà có rất nhiều người hâm mộ, yêu thích chọi trâu từ các nơi khác cũng đến thưởng thức.
Người dân thích thú, thỏa mãn bởi đây là lần thứ 2 họ được chứng kiến hội chọi trâu ngay tại quê hương mình.
Những "ông trâu" hung hăng gây khó khăn đối với những thợ bắt trâu.
Những thợ bắt trâu rất chuyên nghiệp, điêu luyện, dùng cờ hay tay không hãm "ông trâu" hăng máu lại.
Những pha hãm bằng tay khiến khán giả thót tim.
Một "ông trâu" thua cuộc.
Vòng chung kết hứa hẹn hấp dẫn, gay cấn của 32 "ông trâu" xuất sắc nhất sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm Ất Mùi 2015.
Theo Hồng Phú - Nguyễn Đức (Dân Việt)
Phúc Thọ không "chống lưng" cho cát tặc lộng hành "Chủ tịch và các phó chủ tịch không có chuyện chống lưng, bảo kê bởi chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt", ông Hoàng Mạnh Phú khẳng định. Chiều 18/11, tại cuộc giao ban thông tin báo chí đại diện UBND huyện, Công an huyện Phúc Thọ đã có báo cáo về tình hình khai thác cát trái phép trên sông Hồng...