Chuyện không thể không lo
Quốc hội đang bước sang ngày làm việc thứ 3. Bên cạnh nhiều câu chuyện để phấn khởi, nhiều câu chuyện không thể không lo lắng, như giải ngân và vượt chi.
ảnh minh họa
Về chuyện giải ngân, gửi ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá, công tác quản lý, sử dụng nguồn thu còn hạn chế, chưa hiệu quả và đầu tư công đạt thấp.
Qua kiểm toán cho thấy nhiều địa phương chưa điều chỉnh kịp thời đơn giá cho thuê đất, có địa phương chưa ký hợp đồng cho thuê đất đối với một số trường hợp đã được cấp phép khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nhưng chưa được cấp phép. Cho thuê khai thác nước cũng thế.
KTNN đề cập nhiều đến tình trạng giải ngân chậm chạp thời gian qua. Cơ quan này nhận xét: Nhiều báo cáo dự toán của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 chưa phù hợp hoặc chưa đầy đủ. Một số bộ, cơ quan trung ương đều ước số thực hiện chi đầu tư phát triển năm 2019 đạt 100% dự toán giao tuy nhiên, KTNN khẳng định là “không có tính khả thi”.
Đất nước đang còn nhiều khó khăn. Nợ công dù giảm vẫn lên đến hơn 3,2 triệu tỷ đồng, áp lực trả nợ đang ngày càng lớn lên. Nhưng tiền làm ra vẫn không đủ để trả nợ, nên Chính phủ vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Đáng chú ý, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Ngân sách trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ; bên cạnh đó ứng trước dự toán ngân sách trung ương lớn (hết 2017 là 86.339 tỷ đồng) có xu hướng tăng tuy không tính trong nợ công nhưng là nghĩa vụ bố trí của ngân sách nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau…
Video đang HOT
Điều đáng lưu ý nữa là, dù thu ngân sách hàng năm vẫn liên tục tăng cao, nhưng vẫn không bù nổi chi. Thu ngân sách vẫn thấp hơn số chi ngân sách. Cho nên, để có tiền trả nợ, Chính phủ phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Điều này được thể hiện rõ nét tại dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09/11/2018. Do thu ngân sách năm 2019 dự kiến vẫn thấp hơn chi ngân sách 222 nghìn tỷ đồng, nên Chính phủ vẫn phải vay nợ thêm để bù đắp cho phần “chi nhiều hơn thu” này.
Nói như thế để thấy “vòng luẩn quẩn” vẫn là: thất thoát nguồn thu, nợ thuế cực lớn (tính đến ngày 30/9/2019, tổng số nợ thuế nội địa khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2018) – chi nhiều hơn thu – lãng phí vốn.
Đây là yếu kém của công tác quản trị, kỷ cương của nền tài chính quốc gia. Không thể để kéo dài mãi tình trạng này!
Từ Tâm
Theo baophapluat.vn
Sẽ kiểm toán một số quỹ tài chính lớn trong năm 2020?
Sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước được xem như một trong những giải pháp để cùng khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể được đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2020.
Ngày 21/10, trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, ý kiến về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Tại đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã lưu ý một số vấn đề cụ thể tại một số lĩnh vực.
Trong đó, về kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến giảm số lượng đầu mối kiểm toán so với năm 2019 (16/25 nội dung, giảm 36% so với năm 2019).
Có ý kiến tại Ủy ban cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần cân nhắc thận trọng việc giảm mạnh đầu mối các đơn vị, nội dung được kiểm toán vì có thể ảnh hưởng đến tính toàn diện, đầy đủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước.
Đáng chú ý, bản ý kiến trên đề nghị cần cân nhắc, bổ sung nhiệm vụ kiểm toán một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách lớn như Quỹ bình ổn giá xăng dầu để khắc phục những hạn chế, yếu kém mà Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu vừa qua.
Cụ thể, về quỹ này, tháng 8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018.
Khi đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình rõ ràng bãi bỏ nhiều quỹ, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Lý do, đoàn giám sát đưa ra nhận định, số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay là 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.
Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, song những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ, dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn (có thời điểm sử dụng bình ổn giá trên 2.000 đồng/lít) có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của họ hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội cũng nói rõ "việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng"...
Và Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ là một trong 48 quỹ hiện có (gồm 28 quỹ ở trung ương và 20 quỹ ở địa phương), theo con số thống kê từ Bộ Tài chính đưa ra hồi tháng 8 vừa qua.
Bên cạnh lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, dự kiến kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư cũng còn gây băn khoăn.
Có ý kiến đề nghị Kiểm toán Nhà nước rà soát, cân nhắc việc dự kiến kiểm toán dự án thành phần đầu tư xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trong tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vì một số dự án hiện nay chưa triển khai thực hiện. Trong trường hợp dự kiến kiểm toán, cần làm rõ các nội dung kiểm toán, phạm vi kiểm toán,... đồng thời rà soát lại danh mục các nội dung đề xuất kiểm toán để bảo đảm tính khả thi của các đề xuất.
LAM GIANG
Theo Bizlive.vn
Nguồn cải cách tiền lương: Nơi không dùng hết nơi chi không đúng 7/36 địa phương được kiểm toán sử dụng nguồn cải cách tiền lương năm 2018 để chi bù hụt thu 2.451,2 tỷ đồng... Gửi ý kiến đến Quốc hội về dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, Kiểm toán Nhà nước cho biết việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương ở nhiều nơi chưa nghiêm túc....