Chuyên gia nhận định số phận Hamas sau thoả thuận ngừng bắn ở Gaza
Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza là dấu hiệu cho thấy Hamas không thể bị đánh bại – theo nhà phân tích chính trị Robert Inlakesh.
Một tù nhân Palestine vui mừng trở về sau khi được thả khỏi nhà tù Israel, tại Ramallah, Bờ Tây vào 26/11/2023. Ảnh: AFP
Sau nhiều lần từ chối thỏa thuận ngừng bắn với Hamas và coi ý tưởng này là “lố bịch”, Israel đã đồng ý ngừng bắn trong 4 ngày ở Gaza và trao đổi tù nhân Palestine lấy con tin. Robert Inlakesh, một nhà phân tích chính trị, nhà báo và nhà làm phim tài liệu hiện đang làm việc tại London, đã có bài viết nhận định về diễn biến này. Theo ông, sáu tuần chết chóc và hủy diệt, mà các nhà lãnh đạo Israel và phương Tây tuyên bố đáng lẽ phải dẫn đến sự tiêu diệt Hamas, lúc này lại đang củng cố hình ảnh của phong trào Palestine trên khắp thế giới Arab.
Inlakesh cho rằng, lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày được thực hiện vào ngày 24/11 đã mang lại sự nhẹ nhõm cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến ở Dải Gaza, nhưng về nhiều mặt có thể là một thách thức lớn với chính phủ Israel. Khi phụ nữ và trẻ em, bị cả Hamas và Israel bắt giữ, đang được đoàn tụ với gia đình ở hai phía, mối đe dọa về chiến tranh tiếp tục xuất hiện. Mặc dù những người thân của các con tin vừa được trả tự do đang ăn mừng, nhưng các bước tiếp theo sẽ rất quan trọng trong việc xác định kết quả cuối cùng của trận chiến kéo dài 46 ngày hiện đã bị tạm dừng. Vào thời điểm này, có vẻ như ý tưởng “Hamas phải bị xoá sổ” chỉ là một giấc mơ viển vông.
Ngày 27/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, kêu gọi ngừng bắn để chấm dứt giao tranh ở Dải Gaza. Mặc dù nghị quyết không mang tính ràng buộc được thông qua với đa số 120 phiếu ủng hộ nhưng Israel và Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ nó. Lời kêu gọi đình chiến do các nước Arab đề xuất đã bị Gilad Erdan, đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, coi là “sự bảo vệ những kẻ khủng bố của Đức Quốc xã”. Sự việc xảy ra sau khi Hamas thả 4 con tin dân sự Israel vô điều kiện.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những người khác trong nội các chiến tranh khẩn cấp của ông, đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu xoá sổ Hamas và các nhóm vũ trang Palestine đồng minh ở Gaza, từ chối đàm phán với họ. Cuộc oanh tạc trên không kéo dài sáu tuần vào các khu vực dân cư đông đúc ở vùng đất bị phong toả của người Palestine, đã chuyển sang kết hợp với cuộc chiến trên bộ, cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người theo một số ước tính, nhưng không thể tiêu diệt được Hamas.
Theo nhà phân tích Inlakesh, trên thực tế, các lực lượng Israel đã không thể thể hiện được một thành tựu quân sự đáng kể nào trước các nhóm vũ trang Palestine. Trong khi Hamas tuyên bố đã tấn công 355 xe quân sự của Israel trong hai tuần giao tranh vừa qua, công bố video bằng chứng về hàng chục vụ tấn công, thì lực lượng Israel đã thất bại trong việc tiêu diệt các lãnh đạo cấp cao của Hamas, giải thoát con tin bằng vũ lực, xoá sổ các mạng lưới đường hầm lớn hoặc thậm chí không thể công bố bằng chứng cho thấy họ đã tiêu diệt một số lượng đáng kể chiến binh Hamas trên chiến trường.
Theo tờ báo tài chính Calcalist, cuộc chiến tranh Gaza ước tính ban đầu tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD, tương đương 10% GDP của Israel. Ngoài ra, quân đội Israel được cho là còn bị tổn thất về thiết bị tình báo và giám sát dọc biên giới phía bắc của họ do các cuộc tấn công mà nhóm Hezbollah của Liban thực hiện. Nhóm Ansarallah của Yemen cũng bắt giữ một con tàu ở Biển Đỏ thuộc sở hữu của một doanh nhân Israel trong vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại qua thành phố cảng Eilat phía nam Israe.
Đó là chưa tính đến những tác động lâu dài không thể tránh khỏi đối với các lĩnh vực như ngành du lịch của Israel hay đầu tư vào ngành công nghệ cao của nước này.
Video đang HOT
Binh sĩ Israel áp giải người Palestine bị bắt giữ tại Dải Gaza ngày 21/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên hết, chúng ta đã thấy áp lực to lớn đang đè nặng lên lực lượng Mỹ trên khắp Syria và Iraq, với các cuộc tấn công hàng ngày xảy ra nhằm vào các cơ sở quân sự của họ, với mục đích duy nhất là gây áp lực buộc Washington buộc chấm dứt các cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Trên khắp thế giới Arab, công chúng cũng đang tẩy chay các sản phẩm của phương Tây với quy mô chưa từng có, đặc biệt là nhằm vào các công ty như McDonalds đã thể hiện sự ủng hộ đối với quân đội Israel.
Trong khi đó, thay vì phải đối mặt với sự phẫn nộ của cả thế giới và bị đè bẹp, Hamas vẫn sống sót và còn được biết đến rộng rãi hơn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng Hamas đã duy trì sự hiện diện đáng kể ở những nơi như bệnh viện Al Shifa, vừa bị tấn công trong tuần qua.
Giám đốc cứu trợ Liên hợp quốc, Martin Griffiths, đã gọi thảm họa nhân đạo ở Gaza là “tồi tệ nhất từ trước đến nay” và nó được coi là kết quả trực tiếp của việc Mỹ đã không vạch ra “ranh giới đỏ” cho hành vi của Israel ở Gaza.
Trong khi đó, Hamas vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh du kích và năng lực quân sự của tổ chức này dường như vẫn không suy giảm đáng kể cho đến nay. Lữ đoàn Qassam, cánh vũ trang của Hamas, đã phát động cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10, để tìm cách chuyển sự chú ý của thế giới trở lại vấn đề Palestine, đã đàm phán để giải thoát các tù nhân chính trị bị Israel giam giữ, đồng thời vẫn duy trì kháng cự với một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới.
Kể từ Kế hoạch Hòa bình Kerry, một sáng kiến thất bại được đưa ra dưới thời chính quyền Barack Obama, chính phủ Mỹ đã không có bất kỳ nỗ lực thực sự nào nhằm tạo ra một nhà nước Palestine có thể tồn tại được. Trên thực tế, cho đến ngày 7/10, không ai nói về một nhà nước Palestine, thay vào đó trọng tâm là vấn đề bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel. Rõ ràng chính phủ Israel và Mỹ đều có niềm tin chung rằng Hamas có thể bị kiềm chế bằng các khoản viện trợ của Qatar, trong khi Chính quyền Palestine chỉ được tăng cường để đối phó với một số chiến binh đã hình thành ở Bờ Tây trong hai năm qua.
Binh sĩ Israel được triển khai tại biên giới Dải Gaza ngày 20/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau vụ 7/10, cả thế giới lúc này đang nói về việc thành lập một nhà nước Palestine. Ngoài ra còn có ý tưởng đưa Chính quyền Palestine lên nắm quyền ở Dải Gaza, về cơ bản có nghĩa là dỡ bỏ lệnh phong tỏa kinh tế kéo dài 17 năm mà phương Tây đã áp đặt lên nước này. Vấn đề bảo vệ nguyên trạng tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem cũng nằm trong chương trình nghị sự khu vực một cách nghiêm túc.
Nhà phân tích Inlakesh cho rằng, nếu Israel và những nước ủng hộ phương Tây chọn leo thang xung đột hơn nữa thay vì tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thì cuộc chiến có nguy cơ mở rộng thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, một mối đe dọa cho sự ổn định của tất cả các quốc gia liên quan. Việc theo đuổi một thỏa thuận ngừng bắn có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong cuộc xung đột, trong đó Hamas sẽ vẫn tồn tại.
Hòa bình là vì lợi ích của toàn bộ khu vực, khi chúng ta đã thấy những gì quân đội Israel thực hiện và điều đó không dẫn đến việc đánh bại các nhóm vũ trang Palestine mà chỉ giáng đòn vào dân thường ở Gaza. Đây sẽ là một viên thuốc khó nuốt đối với các chính phủ phương Tây, nhưng giải pháp duy nhất để bảo vệ cuộc sống dân sự và đảm bảo thả tất cả tù nhân sẽ là thông qua một giải pháp hòa bình chứ không phải bằng trút thêm bạo lực.
Thời điểm đem lại kỳ vọng ở Dải Gaza
Bắt đầu có hiệu lực từ 12h ngày 24/11 (giờ Việt Nam), thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine sẽ kéo dài trong 4 ngày ở cả miền Bắc và miền Nam Dải Gaza, để các bên trao đổi con tin và tù nhân, mở ra không gian cho những hỗ trợ nhân đạo quốc tế.
Thỏa thuận ngừng bắn do Qatar làm trung gian hòa giải này dù vẫn khá mong manh nhưng đang tạo ra nhiều kỳ vọng về một cơ hội đối thoại rộng lớn.
Mở ra cơ hội cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài
Theo thỏa thuận, Phong trào Hamas thả 13 con tin là phụ nữ và trẻ em vào lúc 21h ngày 24/11 (theo giờ Việt Nam). Tổng số con tin Hamas thả trong 4 ngày ngừng bắn tới sẽ là 50 trong tổng số 240 con tin bị bắt giữ hôm 7/10. Trong khi đó, về phía Israel, nước này có nghĩa vụ phải trả tự do cho 150 tù nhân là phụ nữ và trẻ em người Palestine trong 4 ngày ngừng bắn. Đợt đầu tiên, Israel sẽ thả 39 người vào lúc 1h ngày 25/11. Truyền thông Israel cho biết, thỏa thuận ngừng bắn này có thể được kéo dài thêm một ngày cho mỗi 10 con tin được Hamas thả ra. Trong thời gian ngừng bắn, Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng quốc tế sẽ đẩy mạnh việc đưa các chuyến hàng viện trợ nhân đạo lớn vào Gaza bao gồm cả mặt hàng nhiên liệu.
Quốc gia trung gian hòa giải Qatar đã thiết lập một trung tâm điều hành tại Thủ đô Doha để giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn cũng như việc trao đổi tù nhân và con tin. trung tâm trên cũng sẽ thu thập thông tin về các con tin còn đang bị giam giữ.
Người dân Palestine ở Dải Gaza sơ tán trong thời gian ngừng bắn tạm thời ngày 24/11. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al_Ansari cho biết, nước này sẵn sàng đóng vai trò điều phối giữa Israel, Văn phòng Chính trị Hamas tại Doha và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên giữa Israel và Hamas được người dân Gaza và quốc tế mong đợi từ lâu. Tuy nhiên, cả hai bên đều khá dè dặt khi bình luận về lệnh ngừng bắn này, thậm chí để ngỏ khả năng xung đột sẽ còn leo thang hơn khi ngừng bắn kết thúc. Dù cam kết ngừng mọi hành vi thù địch trong thời gian lệnh ngừng bắn có hiệu lực, song Phong trào Hamas vẫn kêu gọi mở rộng cuộc chiến chống Israel ở tất cả các mặt trận, bao gồm cả ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, ngay khi lệnh ngừng bắn kết thúc. Phía Israel thì nhấn mạnh rằng, kiểm soát phía Bắc Dải Gaza là bước đầu tiên của một cuộc chiến lâu dài và họ đang chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo.
Người phát ngôn Quân đội Israel Daniel Hagari cho biết: "Chúng tôi rất mong chờ trong những ngày tới, để lập kế hoạch và thực hiện các giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. Khi lệnh ngừng bắn tạm thời có hiệu lực, lực lượng của chúng tôi sẽ đóng quân tại đường ngừng bắn bên trong Dải Gaza".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì khẳng định rằng, lệnh ngừng bắn chỉ là tạm thời và cuộc chiến sẽ tiếp tục sau khi hết thời hạn. Dù lệnh ngừng bắn còn khá mong manh, song Phó Tổng Thư ký LHQ Martin Griffiths hy vọng thỏa thuận sẽ mang tới thông tin tích cực hiếm hoi cho người dân ở Israel và Dải Gaza ở thời điểm hiện tại. Cả LHQ và Bộ Ngoại giao Mỹ đều nhận định đây là "thời điểm đầy hi vọng" và các bên cần tận dụng để hướng tới việc tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ được thả ra. Qatar hy vọng lệnh ngừng bắn tạm thời này sẽ mở ra cơ hội cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài trong tương lai. Đây cũng là mong muốn của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah.
Tại cuộc hội đàm ở Cairo ngày 23/11 (giờ địa phương), hai nhà lãnh đạo kiên quyết phản đối các chính sách bỏ đói và trừng phạt tập thể áp đặt lên người dân Palestine, cũng như bất kỳ nỗ lực nào nhằm trục xuất người Palestine khỏi Gaza, tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Ai Cập và Jordan đối với sự nghiệp của người Palestine. Trong khi đó, tại cuộc gặp với người đồng cấp Israel diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đề xuất một hội nghị hòa bình quốc tế về cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine, nhằm hướng tới việc xây dựng một nhà nước Palestine trong tương lai.
Iran cũng bày tỏ hoan nghênh đối với thỏa thuận ngừng bắn vì mục đích nhân đạo nêu trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani mô tả thỏa thuận trên là bước đầu tiên hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn xung đột. Quan chức này đồng thời khẳng định Iran sẽ tham gia các nỗ lực bảo toàn thỏa thuận tạm ngừng bắn, cũng như đảm bảo chuyển hàng viện trợ nhanh chóng cho người dân ở Gaza. Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đã nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là "lối thoát duy nhất" để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas.
Phát biểu thay mặt Tổng thống Joko Widodo tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) được tổ chức trực tuyến, ông Airlangga Hartarto nhận định cuộc xung đột Hamas - Israel bùng phát trong khi xung đột Ukraine - Nga vẫn chưa có hồi kết đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng trên thế giới và cản trở nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Ông hối thúc các nhà lãnh đạo G20 có hành động tập thể ngay lập tức nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel.
Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải ủng hộ việc hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước phù hợp với các thỏa thuận quốc tế đã nhất trí". Cũng tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí khẩn trương hành động để ngăn xung đột leo thang và phân phối hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza.
Bài học từ quá khứ
Với việc Israel và phong trào Hamas đồng ý tạm dừng giao tranh trong 4 ngày, hai bên có thể nhìn nhận lại các lệnh ngừng bắn từ những cuộc chiến khác để xác định mục tiêu thực sự của họ là gì. Ông Madhav Joshi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Kroc thuộc Đại học Notre Dame, đánh giá rằng, những bước tiến nhỏ về lòng tin và thiện chí của cả hai bên cũng cho phép ngừng bắn phát triển thành hòa bình lâu dài.
Ông nói: "Với một thỏa thuận được đàm phán giữa các đối thủ... nơi các cải cách được theo đuổi trên nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau, hòa bình thực sự có thể sẽ đạt được".
Vị chuyên gia dẫn ví dụ từ Thỏa thuận Ethiopia (TPLF) năm 2022. Hai năm giao tranh giữa Chính phủ Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) ở phía Bắc, cùng những nỗ lực ngừng bắn thất bại, dẫn đến cái chết của ít nhất 100.000 người vào cuối năm 2022. Nhưng vào ngày 2/11/2022, hai bên đã ký Thỏa thuận Pretoria, theo đó tạm dừng giao tranh giữa lực lượng Chính phủ Ethiopia và TPLF. Nhà nghiên cứu Madhav Joshi nhấn mạnh rằng, Thỏa thuận Pretoria là một ví dụ tuyệt vời về việc tạm dừng chiến đấu có thể dẫn đến hòa bình như thế nào. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Ethiopia vượt xa những gì Israel và Hamas đã thống nhất. Thỏa thuận của họ không có văn bản chính thức, không có cơ chế giám sát và không bao gồm trách nhiệm của cả hai bên trong việc giải quyết các nguyên nhân sâu xa hơn đằng sau xung đột. Ngược lại, ở Ethiopia, cả hai bên đã đồng ý chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch của cả hai bên, cùng với việc giải giáp TPLF và tái hòa nhập người dân Tigray.
"Trong khi tiến trình hòa bình lớn hơn gặp nhiều trở ngại, thỏa thuận ở Ethiopia bao gồm cơ chế xác minh, khuôn khổ và cam kết nhằm giải quyết những khác biệt chính trị cơ bản và các vấn đề phát sinh từ cuộc xung đột. Và trong trường hợp này, đó là tất cả những gì cần thiết để tìm ra con đường hướng tới hòa bình", ông nói.
Một năm sau thỏa thuận ở Ethiopia, hòa bình nhìn chung vẫn được giữ vững, mặc dù phần lớn Tigray vẫn bị tàn phá. Chuyên gia Madhav Joshi cũng dẫn nhắc thêm những thỏa thuận ngừng bắn dẫn đến hòa bình trên thế giới khác như Hiệp định đình chiến Triều Tiên (1953) và Chiến tranh vùng Vịnh (1991)
Thế khó của Israel khi đàm phán thả các con tin còn lại Các nguồn tin cho biết sau khi đạt được thỏa thuận thả 50 con tin là phụ nữ và trẻ em bị Hamas giam giữ ở Dải Gaza, trọng tâm sẽ chuyển sang các nhóm con tin khác. Những con tin còn lại sẽ khiến Israel gặp khó khăn hơn trong đàm phán với Hamas thông qua các quốc gia trung gian. Người...