Chuyên gia Mỹ: Mô hình thay đổi của Nga rất đáng sợ
Theo Thời báo New York (NYT), phương Tây không những thất bại trong việc “kéo” Ukraine về phía mình mà còn để tuột mất Nga, một đối tác “khó chịu” nhưng không kém phần quan trọng.
Trong gần một phần tư thế kỉ qua, phương Tây nghĩ rằng Nga đang dần sáp nhập vào thế giới phương Tây. Từ Berlin tới Washington, ý nghĩa về sự phụ thuộc giữa Nga và châu Âu đã ngày càng tăng. Việc Nga trở thành một thành viên của nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 là một dấu hiệu quan trọng cho thấy xu hướng đó.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin tại APEC Bắc Kinh hôm 11/11.
Tuy nhiên, rõ ràng là, quan điểm này ở Nga giờ đã hoàn toàn sai. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định chọn một hướng khác. Ông đã lựa chọn đối đầu với phương Tây làm hướng đi cho sự phát triển của Nga.
Trước đó, theo Reuters, phát biểu nhân Ngày Thống nhất quốc gia hôm 4/11, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đủ sức bảo vệ các giá trị quốc gia và người Nga sẽ không vì các mối đe dọa mà bỏ mặc các giá trị và lý tưởng của mình.
Video đang HOT
Ông Putin đã xoay sang châu Á với tốc độ còn nhanh hơn cả Tổng thống Mỹ Obama với nhiều thỏa thuận lớn như thỏa thuận khí đốt trị giá tới 400 tỷ USD vừa kí kết với Trung Quốc. Ông đã không còn coi phương Tây là hướng phát triển của Moscow.
Hôm 5/11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Nga sẽ không tham dự Hội nghị an ninh hạt nhân vào năm 2016, thêm một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng lạnh nhạt giữa Washington và Moscow. Các quan chức Mỹ lấy làm tiếc với quyết định của Nga và hy vọng Nga sẽ thay đổi ý định.
Họ cho rằng việc Nga không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân 2016 được tổ chức tại Mỹ có thể gây phương hại đến sáng kiến do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và nguyên liệu phóng xạ.
Tình hình ở Ukraine được cho là đang diễn biến theo đúng ý đồ của Nga.
Với những lời nói và hành động trên, ông Putin đã cho thấy ý định rõ ràng về việc sẵn sàng đối đầu với phương Tây bất chấp những khó khăn mà Nga có thể sẽ phải đối mặt.
Do vậy, theo NYT, phương Tây cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nước Nga hiện nay. Chuyên gia Karl Kaiser từ Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard cho rằng một trong những điều đáng chú ý nhất là các chuyên gia đối ngoại của Nga tin rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow lại có thể trở thành công cụ kích thích một mô hình phát triển tự trị hay độc lập hơn cho Nga.
Ông Kaiser cảnh báo: “Mô hình đó thực sự rất đáng sợ”.
Tại châu Âu, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga vẫn đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là về vấn đề năng lượng. Do Nga là một nhà cung cấp năng lượng chính của khu vực nên hầu hết người châu Âu đều cảm thấy an ninh năng lượng lâu dài chỉ được đảm bảo khi hợp tác với Nga chứ không phải đối đầu với Nga.
Việc Nga chuyển hướng sang đối đầu với phương Tây khiến họ lo lắng.
Máy bay Nga tăng cường xâm nhập châu Âu trong thời gian gần đây.
Theo hãng tin NBC, trong một báo cáo được công bố ngày 10/11 của tổ chức Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu (ELN), trong vòng 8 tháng qua, số vụ suýt va chạm trên không giữa Nga và phương Tây đã nhảy vọt tới mức ngang bằng với thời kì Chiến tranh Lạnh với 40 vụ việc nguy hiểm hay nhạy cảm được ghi nhận.
Đa số các vụ xảy ra trên biển Baltic, còn một số xảy ra trên Biển Đen. Trong đó, nguy hiểm nhất là vụ suýt va chạm giữa một máy bay do thám Nga với một máy bay dân dụng cất cánh từ Đan Mạch chở 132 hành khách hồi tháng Ba.
Báo cáo của ELN cho rằng mặc dù những vụ việc trên không thể chỉ ra rằng Nga có ý định khơi mào một cuộc chiến nhưng chúng rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra những căng thẳng leo thang ngoài ý muốn. ELN nhấn mạnh, châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất từ thời Chiến tranh Lạnh.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ tờ The New York Times. Đây là một nhật báo trực thuộc Công ty New York Times, được phong tặng tên hiệu “Bà tóc bạc” (“Gray Lady”) và được xem là tờ báo danh giá (newspaper of record) và quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Theo Infonet