Chuyên gia “mổ xẻ” cái khó của Bộ trưởng Thăng khi làm luật
Chuyên gia cho rằng hàng loạt chính sách mới, có hiệu lực từ 1/12 của ngành giao thông chỉ mang tính luật hóa chứ chưa phù hợp với tình hình hiện nay.
Từ 1/12/2014, hàng loạt chính sách mới của ngành giao thông bắt đầu có hiệu lực. Thế nhưng, trao đổi với phóng viên, ông Thân Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nhiều quy định mới chỉ mang tính luật hóa chứ chưa thể đưa ra chế tài xử phạt.
Theo Thông tư 53/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT, tất các cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải bảo dưỡng định kỳ từ 1/12. Ông có bình luận gì về tính khả thi của quy định này trong thực tế?
Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Ảnh: PLXH)
Từ trước đến nay giữa 2 chu kỳ đăng kiểm, trách nhiệm bảo dưỡng chất lượng kỹ thuật của phương tiện thuộc về chủ phương tiện. Thế nhưng, trên thực tế, các chủ phương tiện hiện nay ít quan tâm hoặc không quan tâm tới vấn đề đó nên buộc phải đưa việc này vào luật, tức là luật hóa.
Video đang HOT
Trong quá trình soạn thảo quy định đó, chúng tôi đã tham gia và cũng có chút hoài nghi về tính khả thi của nó. Các đồng chí thuộc cơ quan quản lý có đề xuất nên làm sổ theo dõi kỹ thuật cho từng phương tiện. Chúng tôi cho rằng tất cả các giấy tờ đó đều có thể làm được, nhưng quan trọng hơn cả là tính tự giác của các chủ xe. Nếu làm sổ rồi phát cho người ta tự ghi các thông tin thì cuốn sổ đó cũng chẳng có giá trị gì.
Do vậy, theo tôi việc này cần thêm thời gian để xem xét, điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn. Quan trọng nhất là phải tìm cách nâng cao được nhận thức của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện đó để họ thấy rằng bảo dưỡng thường xuyên sẽ làm tăng độ bền cũng như tính an toàn của phương tiện.
Với quy định này, nhà nước mới chỉ đặt ra là để nhắc nhở các chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chứ chưa có chế tài xử phạt.
Vì sao thông tư chưa khả thi trong thực tế và hiện khó có thể đưa ra chế tài xử phạt việc này thưa ông?
Như tôi đã nói, thông tư chưa khả thi vì ý thức tự giác của chủ các phương tiện đó chưa cao. Còn chuyện chưa có chế tài xử phạt được là bởi chúng ta chưa có căn cứ để xử phạt các trường hợp vi phạm.
Thế nhưng, chúng tôi vẫn ủng hộ chủ trương này là bởi luật pháp phải đi trước một bước. Thông tư này nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức cho các chủ phương tiện là chính.
Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực từ 1/12/2014, xe ô tô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên đối với cự ly trên 300 km phải có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với ô tô sản xuất để chở người và từ ngày 1/1/2016 không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng. Ông nghĩ sao về các quy định trên?
Theo Thông tư 53/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT, tất các cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải bảo dưỡng định kỳ từ 1/12.
Cá nhân tôi cho rằng những quy định đó khá khắt khe và chưa phù hợp với tình hình hiện nay. Việc quy định niên hạn sử dụng với xe chở khách ảnh hưởng tới kinh tế của các doanh nghiệp. Không thể ra quy định rồi loại bỏ luôn một lượng không nhỏ phương tiện ra khỏi phạm vi hoạt động được nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.
Còn với quy định không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng, cần phải có lộ trình dù đúng là không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng nhất là cho mục đích chở hành khách bởi muốn chở hành khách thì chúng cần phải có tiêu chuẩn kỹ thuật, thẩm mỹ cao hơn.
Nghị định cũng quy định xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Ông có đồng tình với quy định trên không?
Tôi đồng tình vì hiện nay taxi ở Hà Nội hay TP. HCM, người ta không dùng quá 5 năm. Với các tỉnh khác, niên hạn sử dụng 12 năm là hợp lý bởi có thể xe ít di chuyển hơn so với ở các thành phố lớn.
Về việc gia hạn đổi giấy phép lái ôtô thêm một năm, ông có băn khoăn gì không?
Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng từng “ép” Tổng cục đường bộ và các tỉnh phải chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới trước 31/12/2014 như quy định trước đó rõ ràng là hành động duy ý chí. Nếu cứ kiên quyết thực hiện theo quy định đó tức là chạy theo bệnh thành tích cá nhân.
Đến giờ, thực tế cuộc sống đã buộc Bộ Giao thông vận tải phải gia hạn thêm 1 năm nữa, tức là giấy phép lái xe ôtô bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2015. Như vậy là phải bởi dân sẽ bớt khổ, thoát cảnh xếp hàng chờ đổi giấy phép lái xe. Một năm là có thể thay mới toàn bộ giấy phép lái xe.
Xin cảm ơn ông!
Theo Giáo Dục