Chuyên gia lý giải nguyên nhân thị trường bất động sản chững nhưng giá vẫn cao
“Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không tăng là cầu của thị trường.
Cung – cầu quyết định về giá. Nhu cầu lớn thì giá không thể giảm được”.
Bất chấp dịch bệnh trong hơn 2 năm qua, giá bất động sản vẫn luôn trên đà tăng. Theo thông kế của các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá bất động sản đã tăng 13 quý liên tục. Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng trở lại đây, các chuyên gia đều nhận định thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại sau loạt động thái kiểm soát của Nhà nước.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm bán trong tháng 5 vừa qua đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Giao dịch mua bán loại hình đất có dấu hiệu chững lại, chỉ xuất hiện sóng nhẹ ở khu vực đường vành đai hoặc một số khu vực có dự án quy hoạch.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn vừa đưa ra những chia sẻ kỹ hơn về thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2022 tại talkshow Nhà đất có đang “chững” do VTV24 tổ chức.
“Giao dịch bất động sản bán đang khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng quan tâm bất động sản bán đã giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu ở các loại hình là đất, đất nền dự án. Trong khi đó lượng tin đăng rao bán tăng trên 22%, đặc biệt đất nền dự án tăng 38%.
Sau giai đoạn dễ dàng cho cả người mua và người bán, các nhà đầu tư hay những người đang cầm hàng đăng nhiều hơn để có thể bán sản phẩm của mình”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Theo ông Quốc Anh, xét về mặt bằng giá, trong gần 6 tháng đầu năm, giá vẫn tăng rất tốt. Cụ thể, chung cư đã tăng giá 11%, đất tăng giá 6 – 8%, đất nền dự án tăng giá trên 10%, nhà riêng và nhà mặt phố tăng giá gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Video đang HOT
“Mặc dù, có nhiều thông tin thị trường đối mặt với khó khăn nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức rất tốt”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm cho rằng có dấu hiệu chững lại của thị trường, tuy nhiên bà Dung Phạm – Tổng giám đốc Bất động sản Đông Dương Land cho rằng, tùy từng phân khúc không phải phân khúc nào cũng chững.
Đối với sản phẩm đất nền và biệt thự ở Hà Nội đã ghi nhận tình trạng sụt giảm giao dịch so với những tháng trước. Tuy nhiên những sản phẩm nghỉ dưỡng ven đô, sản phẩm cho thuê, sản phẩm có pháp lý tốt và chủ đầu tư uy tín thì vẫn có lượng giao dịch rất tốt.
Ông Quốc Anh chia sẻ thêm, trước những biến động của thị trường, nhiều nhà đầu tư có tâm lý cho rằng thị trường có dấu hiệu đóng băng, giá sẽ giảm. “Liệu giá bất động sản có giảm hay không? Đó là câu hỏi ai cũng muốn trả lời nhưng thực chất đầu tư bất động sản dựa trên quan điểm đầu tư. Đa phần người mua bất động sản là đầu tư dài hạn vì vậy tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
“Điều này có thể lý giải qua 2 năm dịch bệnh nhưng giá bất động sản vẫn tăng. Vì Covid-19 là yếu tố ngắn hạn còn đầu tư là dài hạn. Có một câu nói rất hay: Không nên bán rẻ tài sản của chúng ta. Chúng ta đầu tư kỳ vọng 3-5 năm, thậm chí đầu tư 10 năm thì không có lý do gì để bán. Hoặc các yếu tố ảnh hưởng khác, các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ hết trong 2-3 năm, sau đó thị trường sẽ quay lại”, ông Quốc Anh cho hay.
Theo ông Quốc Anh, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không tăng là cầu của thị trường. Cung – cầu quyết định về giá, cầu của chúng ta rất lớn. Thị trường bất động sản nói sôi động nhưng chủ yếu sôi động ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm đến từ hai cầu này.
“Tốc độ đô thị hóa từ Hà Nội và TP.HCM rất lớn, dẫn đến cầu đến từ thành phố rất cao, mỗi năm cần khoảng 70.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, giao dịch quý vừa rồi chỉ ở mức 5.000 – 10.000 căn hộ – quá bé so với nhu cầu. Nhu cầu lớn thì giá không thể giảm được. Không riêng Việt Nam mà cả thị trường Hàn Quốc, Úc cũng không giải quyết được bài toán này”, ông Quốc Anh lý giải vì sao giao dịch chững lại nhưng giá vẫn cao.
Tuy nhiên vị này cũng cho rằng, đó chỉ là nói chung về thị trường còn chúng ta cũng cần bóc tách từng khu này, loại hình. Những khu vực không tăng giá theo giá trị thật mà tăng theo kiểu “nước lên thuyền lên” thì có thể sẽ có sự điều chỉnh lại giá cho phù hợp hơn.
Thị trường bất động sản đang bất ổn?
Thị trường bất động sản đang có các dấu hiệu bất ổn, tiềm ẩn sự rủi ro như tình trạng mất cân bằng, lệch pha cung cầu, phân lô bán nền tràn lan, sốt giá...
Thời gian qua, nghịch lý đã xuất hiện trên thị trường bất động sản, nhiều phân khúc có giá tăng mạnh trong khi đó thanh khoản chưa tương xứng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường nhà ở vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng. Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản... là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao. Phân khúc nhà ở cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp dẫn tốt do phù hợp hơn với nhu cầu giữ tài sản, do đó giá các phân khúc này sẽ tiếp tục tăng. Với phân khúc căn hộ bình dân và trung cấp, giá sẽ tăng chậm hơn để duy trì lượng hấp thụ.
Theo vị chuyên gia, thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhấn mạnh, tại Việt Nam, trong thời gian qua, nguồn cung bất động sản nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền còn các sản phẩm bất động sản nhà ở bao gồm đất và các tài sản trên đất chiếm tỷ lệ thấp hơn. Chính vì vậy, trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh và nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.
Tuy nhiên, Giám đốc cấp cao của Savills cũng nhấn mạnh khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc nhà ở DKRA Vietnam, nguyên nhân khiến giá sơ cấp tăng là quỹ đất phát triển các dự án như nội thành TP.HCM khá khan hiếm, những nút thắt pháp lý gần như không tháo gỡ nhiều, thời gian triển khai kéo dài và ảnh hưởng nguồn cung, vấn đề cung - cầu thị trường khi 2 năm vừa qua nguồn cung giảm rất mạnh, chi phí đầu vào, chi phí vật liệu, nhân công đều tăng rất cao....Ngoài ra, những cơn sốt sốt đất bền vững nhưng xác lập mặt bằng giá khu vực.
Ngoài ra, siết tín dụng vào bất động sản của ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây. Chính những yếu tố này theo các chuyên gia đang tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước rà soát lại việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ tác động đến thị trường này. Đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Mặt khác, những nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ, kéo dài thời gian triển khai dự án, làm tăng chi phí hồ sơ thủ tục, tăng chi phí để phát triển dự án. Tiếp đó, sự lệch pha cung - cầu, hiện tại thị trường thiếu trầm trọng nhà ở giá thấp, nhưng lại thừa nhà giá cao. Trong khi với thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân hiện nay rất khó để có thể sở hữu nhà.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thời gian qua đã có một số dấu hiệu biến động trên thị trường bất động sản như tình trạng mất cân bằng cung - cầu, lệch pha phân khúc, phân lô bán nền tràn lan, sốt ảo giá, lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, lợi dụng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán... Tất cả các dấu hiệu trên cho thấy tiềm ẩn sự bất ổn của thị trường bất động sản và an sinh xã hội về nhà ở.
HoREA phân tích, thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu của đa số người dân trong xã hội, người có thu nhập trung bình, thấp bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người mới lập nghiệp, mới lập gia đình, công nhân lao động và người nhập cư.
Thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Chỉ số giá nhà ở cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở.
Ngoài mất cung cầu, thị trường còn mất cân đối khi tình trạng lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp thể hiện rất rõ trong hai năm gần đây. Tại TP. HCM, loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021, trong khi nhà ở cao cấp chiếm đến 74%.
Nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản cũng chưa tương xứng với tiềm năng, thể hiện rất rõ qua nguồn thu tiền sử dụng đất tại TP. HCM. Trong giai đoạn 2016 - 2021, nguồn thu này là 82.932 tỷ đồng, chỉ chiếm 5,9% tổng thu ngân sách, trong khi tiềm năng có thể đạt gần 10%.
Theo HoREA, các bất cập trên đây bắt nguồn từ một số nguyên nhân chủ yếu như vướng mắc, bất cập từ một số quy định của văn bản luật hoặc văn bản dưới luật hoặc còn thiếu quy định phù hợp. Ngoài ra còn do việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, đầy đủ, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp và lực lượng "phi chính thức" trên thị trường như đầu nậu, cò đất cò nhà...
Nói về vấn đề lành mạnh hóa thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, HoREA kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 163/2018 và Nghị định 81/2020 để chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhà đầu tư và khách hàng, áp dụng kể từ ngày 1/1/2023.
Đặc biệt là đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ về đánh giá xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu; về các tiêu chí đánh giá đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu; về bảo lãnh phát hành trái phiếu; về việc sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích.
Liên hoàn "sốt" đất đẩy giá tăng "ảo", nhà đầu tư cần hành động ngay khi có hiện tượng này Khi có những hiện tượng giá bất động sản vượt quá giá trị thực thì các nhà đầu tư cũng nhận thấy cần phải điều chỉnh, không thể đi trên con sóng cao và nhận lại nhiều rủi ro. Chỉ trong điều kiện khu vực được đầu tư có tiềm năng phát triển thì khi đó đầu tư mới là một quyết định...