Chuyên gia Liên Xô và ký ức chiến tranh Việt Nam
Câu chuyện của bà Ivanovna tái hiện một phần của bức tranh vô cùng gian khổ và ác liệt của cuộc chiến chống giặc Mỹ của nhân dân Việt Nam và tinh thần chiến sỹ vô sản ngoan cường của một người con Xô Viết.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, báo Tin Tức xin trích giới thiệu hồi ức của bà Roslyakova Liubov Ivanovna, người từng có thời gian công tác tại Văn phòng Tham mưu trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.
Cuối năm 1966 tôi được triệu tập đến Tổng cục 10 thuộc Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô để nhận thông báo về việc sang công tác tại Ban Tham mưu Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.
Bà Liubov Ivanovna khi công tác tại Việt Nam
Trước đó tôi chỉ biết về Việt Nam qua sách giáo khoa và các phóng sự truyền hình về cuộc chiến tranh tàn khốc, những nỗi đau và khổ cực của nhân dân Việt Nam. Thật khủng khiếp khi phải chứng kiến cảnh địa ngục mà đế quốc Mỹ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, một khi ban lãnh đạo Liên Xô đã quyết định cử chuyên gia quân sự để giúp quân đội và nhân dân Việt Nam thì điều đó là cần thiết, tức là giọt mồ hôi lao động của tôi sẽ nhỏ vào nỗ lực chung hỗ trợ nhân dân Việt Nam. Tất cả chỉ đơn giản như vậy thôi và tôi đã đồng ý.
Cuối tháng 3/1967, tôi cùng với đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô rời sân bay quân sự Chkalov sang Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, theo cách nói tại Tổng cục 10 Bộ Tổng tham mưu. Máy bay của chúng tôi đến Việt Nam vào đêm khuya. Xung quanh yên ắng. Bước ra khỏi máy bay tôi lấy làm kinh ngạc vì trời tối như mực, không khí bên ngoài ngột ngạt, oi bức và nồng nồng. Đón chúng tôi là các quân nhân Việt Nam và đại diện Ban Chỉ huy của chúng tôi.
Bà Liubov Ivanovna hiện nay
Trong số chuyên gia quân sự Liên Xô được cử đến Việt Nam, tôi là người phụ nữ đầu tiên. Từ sân bay chúng tôi được chở về một khách sạn ở khu Kim Liên. Người ta giúp mang những chiếc vali của tôi vào phòng và bảo sẽ có người đến đón tôi đến nơi nhận công tác. Tôi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trong phòng làm việc của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam – Thiếu tướng Belov G. A. Trong cuộc trao đổi với tôi, đồng chí Belov G. A. lưu ý rằng công việc sẽ rất nhiều, đồng thời phải thực hiện có hiệu quả và nhanh chóng, bất kể thời gian vì thông tin chỉ được chuyển về Moskva 2 lần một tháng bằng đường thư ngoại giao. Để kịp chuẩn bị và đánh máy tài liệu gửi Bộ Tổng tham mưu cho kịp chuyến thư định kỳ, đôi khi tôi phải làm việc từ sáng ngày hôm trước thông đến sáng ngày hôm sau.
Sau một thời gian thì tôi được chuyển sang nơi ở mới, nơi có 4 cán bộ Đại sứ quán đang sống. Chúng tôi chung sống rất hòa thuận và giúp đỡ lẫn nhau những gì có thể. Nếu ai đó nhận được bánh mì đen và cá trích muối thì chúng tôi đều chia cho nhau các đặc sản này, và ngày hôm đó cũng là một ngày vui.
Những trận bom tàn khốc
Khoảng đầu tháng 4 năm đó tôi lần đầu tiên được nghe tiếng còi báo động, song chưa biết đấy là cái gì. Sau đó từ loa phóng thanh vang lại mấy câu “Máy bay Mỹ! Máy bay Mỹ!”, hóa ra đó là báo động và người phát thanh viên thông báo về việc máy bay Mỹ đang đến gần, cần ẩn nấp vào các hầm trú bom đã đào sẵn ở hầu hết trong sân mỗi căn nhà và trên các con phố.
Tuy nhiên, cái được gọi là hầm tránh bom có vẻ không giống lắm. Trên thực tế đấy chỉ là một cái hố có nắp đậy, sâu khoảng 1,5 m và rộng chừng 0,5 m. Người ta đào cái hố này căn cứ vào kích cỡ người Việt Nam. Tôi còn chưa kịp định hình thế nào thì máy bay Mỹ đã ném bom và tôi buộc phải nhảy xuống cái hố đó. Tôi kéo nắp đậy nhưng do chưa được tập huấn từ trước nên không thành công. Khi tôi kéo được chiếc nắp lại gần phía mình thì hóa ra chiếc hố này quá nhỏ đối với tôi nên đầu tôi vẫn nhô lên khỏi hầm và không được bảo vệ. Nhận ra rằng chiếc hầm không thể cứu được tính mạng nên tôi nhảy lên và chạy ngược vào trong nhà, nơi có vẻ yên ổn hơn. Sau khi trận oanh tạc qua đi, tôi lại tiếp tục đến chỗ làm.
Hà Nội bị oanh tạc cả ngày, chỉ trừ lúc ăn trưa, còn buổi chiều và buổi tối thì ném bom nổ dữ dội. Trung bình phi công Mỹ thực hiện từ 30 – 40 lần xuất kích mỗi ngày. Những ngày tháng đó hết sức gian khổ, đặc biệt vào ban đêm. Khi có tín hiệu báo động, tôi và các đồng nghiệp bật dậy khỏi giường, đứng trong khung cửa lối ra vào phòng ở của mình. Đôi khi những chỗ này lại là vị trí an toàn tránh cho tường và trần nhà khỏi bị đổ sập và qua đó cứu được mạng người.
Video đang HOT
Ở chỗ làm khi máy bay Mỹ ném bom chúng tôi cũng chạy lại chỗ khung cửa và đôi khi mọi người đứng đông kín. Lúc xảy ra trận ném bom, cảm giác thật kinh khủng. Tôi có cảm tưởng rằng chỉ một mình tôi là sợ hãi. Tuy nhiên có một lần tôi mạnh dạn hỏi đồng chí Thiếu tướng, anh hùng Liên Xô Vladimir Petrovich Senchenko, người từng tham gia chiến tranh vệ quốc vĩ đại, rằng ông ấy có sợ không. Đồng chí ấy trả lời rằng có sợ và thậm chí còn rất khiếp sợ. Chỉ có người đã chết mới không sợ chết, còn người đang sống thì luôn sợ chết, đó là điều hiển nhiên.
Ông còn nói thêm rằng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, khi xảy ra oanh kích có thể nấp, chẳng hạn ở góc nhà, trong bụi cây hoặc chạy vào rừng, còn trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam bom trút xuống như rải thảm nên không còn chỗ mà nấp. Bom, nhất là bom bi có thể xuyên vào cả trong nhà, trong rừng, tóm lại là ở bất cứ đâu và con người không có nơi nào để ẩn nấp cũng như phương tiện nào để bảo vệ bản thân. Do vậy ở Việt Nam về mặt tâm lý cảm giác nặng nề hơn rất nhiều.
Sau cuộc nói chuyện này tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn như vừa trút được gánh nặng tâm lý. Tôi hiểu rằng tôi sợ hãi không phải vì tôi yếu đuối hay là phụ nữ, mà hóa ra tất cả mọi người đều sợ, kể cả đàn ông.
Vào một ngày mùa hạ đã diễn ra một đợt ném bom bi mà đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy khủng khiếp. Một quả bom rơi trúng góc nhà, nơi các cán bộ thuộc Phòng tùy viên quân sự Liên Xô đang sinh sống. Ngôi nhà đó hình như có 3 tầng. Toàn bộ một góc nhà bị phá sập tạo thành một cái hố sâu, còn các bức tường thì bị bom bi găm lỗ chỗ. Những ngôi nhà nằm bên cạnh và đối diện cũng bị hư hại. Rất may lúc đó mọi người đi làm hết nên không ai bị thiệt mạng. Sau trận ném bom chúng tôi bước vào một căn phòng của ngôi nhà bên cạnh (nơi đặt trạm y tế) thì thấy những lỗ bom bi chi chít trên bức tường dày khoảng 40 cm. Các viên bi rơi cả trên giường, trên bàn và cả sàn nhà. Đối diện căn nhà này là nhà của một cơ quan đại diện nước ngoài và nhà của tôi.
Tôi chợt nghĩ không hiểu căn phòng của tôi ra sao, và khi tôi bước vào thì nhìn thấy chiếc điều hòa nhiệt độ bị bom đánh văng ra ngoài phố, chiếc tủ lạnh nằm lăn lóc ở cuối căn phòng, các khung cửa sổ vỡ nát với những mảnh kính nằm vung vãi trên sàn, các cánh cửa bung khỏi bản lề. Không ai có thể bình thản nhìn cảnh tượng này, trong khi chuyến công tác mới chỉ bắt đầu…
Không lung lay ý chí
Sau một thời gian, có thông tin cho biết Mỹ rải truyền đơn nói rằng sẽ xóa sổ Hà Nội và phá con đê trên sông Hồng để nước tràn vào nhấn chìm mọi thứ. Những việc này sẽ diễn ra nhanh chóng đến mức chúng tôi không kịp chạy thoát đi đâu. Tôi thậm chí đã hình dung ra cảnh lụt lội… Tôi không biết bơi, vì vậy tôi đã nhắm một cái cây gần nhà. Cây cao và có những bông hoa đỏ. Trên cây có một cái cành to và tôi sẽ bám vào đó, tất nhiên là nếu kịp. Tôi nghĩ cái cây đó khó mà cứu được mạng sống, song về mặt tâm lý tôi đã chuẩn bị cho mình một “lối thoát”. Rất may là điều đó đã không xảy ra. Hà Nội bị ném bom cả ngày lẫn đêm, nhưng các chiến sỹ tên lửa Việt Nam cùng với các chuyên gia quân sự Liên Xô đã không để cho bọn Mỹ ném bom phá sập đê sông Hồng.
Mỹ ném bom ác liệt nhất là vào tháng 5/1967. Không quân Mỹ bắt đầu ném bom từ sáng, còn tôi vất vả lắm mới đến được trụ sở Đại sứ quán. Đi trên đường lúc đó thật đáng sợ, mặt đất rung chuyển. Tôi luôn mang theo chiếc mũ cối được tặng nhân ngày 8/3 và luôn đội khi đi trên đường. Mỹ ném bom không ngừng nghỉ từ sáng đến trưa, sau đó thì nghỉ giải lao và chúng tôi kịp ăn trưa ở nhà bếp trong khoảng thời gian ấy. Nhưng chỉ ngay sau đó máy bay Mỹ tiếp tục ném bom, tưởng như ngày tận thế đã đến.
Sau khi bom dứt, chúng tôi nhìn ra đường và nhìn thấy trên trời một chiếc máy bay Mỹ bị cháy đang rơi xuống gần nhà. Không ai biết nó sẽ rơi xuống đâu, vào nhà chúng tôi hay nhà hàng xóm. Có vẻ như nó đang rơi xuống đầu. Chúng tôi nhìn lên trời và bắt đầu từ biệt cuộc sống. Chỉ còn 1 giây nữa thôi chúng tôi có thể không còn trên đời này nếu chiếc máy bay nổ tung. Và không chỉ chúng tôi, mà còn tất cả những người đang sống trong ngôi nhà này và xung quanh đó nếu chiếc máy bay rơi xuống với cái bụng đầy bom.
Chiếc máy bay rơi thấp dần, bay về phía nhà chúng tôi và Câu lạc bộ quốc tế, mà phía sau là Đại sứ quán Liên Xô. Chúng tôi chết lặng nhìn về phía vang lên tiếng nổ kinh khủng đến mức trong một vài giây tôi không còn nghe được gì. Sực tỉnh lại chúng tôi chạy về phía một ngọn lửa dữ dội đang bốc lên. Khi đến nơi chúng tôi nhìn thấy chiếc máy bay rơi xuống con phố ngay sát hàng rào Đại sứ quán, thân máy bay cắm sâu xuống lòng đất, bên trên chỉ còn lại đôi cánh.
Thật may mắn là nó không rơi vào Đại sứ quán và trên khoang cũng không có bom. Tuy nhiên trong bình xăng vẫn còn nhiên liệu nên nó bốc cháy, nhưng điều này không đáng sợ. Khi chiếc máy bay phát nổ, một số căn phòng của Đại sứ quán bị sụp trần và bay cửa sổ song may mắn không ai bị thương. Chúng tôi còn chưa kịp trấn tĩnh lại thì địch lại tiếp tục ném bom, và có thông tin rằng sớm muộn Mỹ cũng sẽ phá hủy con đê. Một lúc sau, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Thiếu tướng G. A. Belov đến gặp tôi và ra lệnh xuống hầm tránh bom ở gần Sứ quán, trong khuôn viên Cơ quan đại diện thương mại Liên Xô. Tôi nhanh chóng chạy tới đó. Lần đầu tiên tôi thấy một chiếc hầm tránh bom thực sự. Lúc này trong hầm đã có nhiều người và chúng tôi ngồi dưới đó rất lâu.
Sau những trận ném bom kéo dài, khi ăn không ngon, ngủ không yên, vì ẩm ướt, mồ hôi và côn trùng cắn, tôi bắt đầu bị đau tim, hệ tiêu hóa làm việc kém và các ngón tay sưng phù lên. Các bác sỹ quân y Ivanov A. I và Peregudov I. G đã khẩn thiết khuyên tôi trở về Moskva để tránh tình trạng xấu hơn. Tôi từ chối với lí do tôi sẽ phải giải thích thế nào khi về đến Moskva? Vì tôi không hoàn thành nhiệm vụ, mà tôi không thể chấp nhận điều này dù họ có khuyên tôi thế nào đi chăng nữa.
Tôi đồng ý với mọi biện pháp chữa trị mà họ đề nghị. Tôi bắt đầu được tiêm và cho uống các loại thuốc viên, bôi và băng bó các ngón tay sưng phồng của tôi. Tôi cảm thấy khá hơn nhưng tôi vẫn chưa tháo băng trong một thời gian dài. Vì vậy, một số người khi chào hỏi tôi họ không dám bắt tay nữa vì tưởng rằng tôi bị một căn bệnh truyền nhiễm nào đó. Để xua tan những nghi ngờ này, đôi khi tôi phải tháo băng để lộ những ngón tay sưng phồng. Tôi rất biết ơn các bác sỹ Ivanov A. I và Peregudov I. G vì đã làm tất cả để tôi có thể thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình, mà nhờ đó tôi được nhận Huân chương Lao động vẻ vang. Trong suốt thời gian chiến tranh ở Việt Nam, tôi là người phụ nữ duy nhất trong Nhóm các chuyên gia Liên Xô được Chính phủ khen thưởng.
Tháng 3/1968 là thời điểm chuyến công tác của tôi kết thúc. Tôi đã chuẩn bị đóng gói đồ đạc về nước, song hết tháng 3, tháng 4 rồi đến tháng 5 vẫn chưa có người sang thay. Người ta cho biết ở Moskva đã làm thủ tục cho người sang thay tôi nhưng vào phút chót người ấy đã từ chối lên đường vì không muốn đến một nơi có điều kiện khốc liệt như vậy.
Rồi đến tháng sáu. Vào cuối một ngày làm việc Trung tướng Abramov V. N. (đã qua đời), là người sang thay Thiếu tướng Belov, gọi tôi đến phòng làm việc và cho biết Chính phủ Việt Nam tặng tôi Huy chương Hữu nghị. Và vào cuối tháng 7 cũng có người sang thay tôi. Vì vậy, thay vì 1 năm ở Việt nam, tôi đã ở tới 1 năm 4 tháng. Từ đó đến nay đã 42 năm trôi qua, nhiều thứ đã rơi vào quên lãng, duy chỉ có chuyến công tác Việt Nam là tôi không bao giờ quên.
Theo Cao Cường (P/v TTXVN tại LB Nga) lược dịch
baotintuc.vn
Ký ức của người Việt về chiến tranh trên báo Mỹ
Ngày 30/4/1975, Nguyễn Đăng Phát trải qua những giờ phút hạnh phúc nhất của cuộc đời ông. Ông đã chia sẻ những ký ức về chiến tranh Việt Nam trên báo Mỹ.
"Những người cầm cờ tràn ra mọi con đường. Không còn tiếng bom, máy bay hay tiếng gào", một người dân nhớ lại ngày 30/4/1975.
Ngày 30/4/1975, Nguyễn Đăng Phát trải qua những giờ phút hạnh phúc nhất của cuộc đời ông.
Sáng hôm ấy, khi quân giải phóng tràn vào Sài Gòn và buộc chính quyền do Mỹ hậu thuẫn phải đầu hàng, những người lính cụ Hồ đã mừng chiến thắng cùng người dân Hà Nội. "Những người cầm cờ tràn ra mọi con đường. Không còn tiếng bom, máy bay hay tiếng gào. Tôi không thể diễn tả thời khắc hạnh phúc ấy bằng lời", ông Phát, giờ đã 65 tuổi, nói với Elisabeth Rosen, phóng viên tạp chí The Atlantic của Mỹ.
Xe tăng của bộ đội húc cổng dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền miền nam Việt Nam và mở ra một chương mới trong lịch sử đất nước. Ảnh: AP.
Hơn 58.00 binh sĩ Mỹ bỏ mạng trong giai đoạn 1960 -1975. Tuy nhiên, con số ước tính của cả hai bên về binh lính và dân thường Việt Nam thiệt mạng trong cuộc chiến rất khác nhau - dao động từ 2,1 tới 3,8 triệu người.
Những ký ức ùa về
Nhiều năm sau chiến tranh, Việt Nam mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.
Quân giải phóng trên đường Lê Văn Duyệt, thành phố Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Ảnh: TXVN.
Phố Khâm Thiên, một con đường lớn tại trung tâm thành phố Hà Nội, nhộn nhịp với cửa hàng xe máy, quần áo hay điện thoại. Ngày nay người ta tìm thấy rất ít bằng chứng về việc khoảng 2.000 ngôi nhà sập và gần 300 người thiệt mạng tại đây trong đợt "dội bom Giáng Sinh" vào năm 1972. Đây là chiến dịch ném bom tàn khốc nhất trong cuộc chiến do chính quyền Nixon thực hiện.
"Mảnh thi thể vương vãi khắp nơi", Phạm Thái Lan, một phụ nữ, nhớ lại. Là một sinh viên ngành y, bà tham gia công tác cứu hộ sau đợt ném bom ở Khâm Thiên. Giờ đây, khi ở tuổi 66, bà Lan trở nên trầm tư khi kể về thời kỳ ấy.
Xác máy bay B-52 tại hồ Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Reuters.
Đối với ông Nguyễn Đăng Phát, nói về chiến tranh là nhắc lại kỷ niệm đau thương và mất mát bởi trong tâm thức những người thuộc thế hệ của ông, chiến tranh chống Mỹ là một giai đoạn nằm giữa cách mạng giành độc lập từ Pháp những năm đầu thập niên 40 và cuộc chiến tranh biên giới một tháng với Trung Quốc vào năm 1979.]
Vũ Văn Vinh chỉ là cậu bế 5 tuổi khi người Pháp rút khỏi Việt Nam vào năm 1954. Lúc đó ông đã cảnh giác trước những sĩ quan Pháp đi tuần trên đường phố tại Quảng Ninh, phía đông bắc Hà Nội. "Mỗi khi thấy người nước ngoài, tôi đều sợ hãi" người đàn ông 66 tuổi nói.
10 năm sau, Mỹ bắt đầu ném bom miền bắc Việt Nam.
Lần đầu tiên nhìn thấy phi cơ ném bom B-52, cậu bé 5 tuổi ngạc nhiên và hỏi mẹ: "Tại sao một máy bay lại thả ra những máy bay con?".
Mỗi khi máy bay xuất hiện, mọi thứ đều rung chuyển. "Đá lăn, nhà sụp đổ. Tôi chạy về nhà, hoảng loạn và bối rối vì vẫn không biết chuyện gì đang diễn ra", ông nhớ lại.
Ngày 1/5/1975, Vũ và 6 người bạn mừng chiến tranh kết thúc bằng một bữa tiệc. Họ góp tem phiếu thực phẩm để mua một cân thịt bò rồi ăn cùng đậu phụ.
Vì không có nồi nên họ phải dùng hộp sữa bột để nấu lẩu. Ngày hôm ấy, anh trai của Vũ không có mặt bởi ông đã hy sinh trong chiến tranh. Hàng tuần, đài truyền hình nhà nước công bố tên, tuổi, ảnh những liệt sỹ mất tích cùng thông tin liên lạc của người thân.
Lưu giữ ký ức cho thế hệ sau
Nguyễn Mạnh Hiệp, cựu chiến binh của quân đội, vừa khai trương một bảo tàng chiến tranh tư nhân đầu tiên tại Hà Nội. Nhiều năm sau cuộc chiến, ông vẫn trăn trở về nó. Ông muốn truyền lại cho thế hệ trẻ những ký ức năm xưa của dân tộc.
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp bên những kỷ vật chiến tranh. Ảnh: Thu Trang - Báo Tin tức.
Tại bảo tàng chiến tranh, ông Hiệp trưng bày hiện vật của cả hai phía mà ông thu thập trong quá trình chiến đấu 8 năm và những chuyến trở lại chiến trường xưa trong 20 năm. Các hiện vật gồm quân phục lính Mỹ, radio hay chăn mà đội trưởng trao khi ông trúng đạn. Ngoài ra, ông còn giữ một tấm lọc cà phê do đồng đội chế tạo từ xác máy bay Mỹ.
"Tôi muốn giữ lại những kỷ vật từ chiến tranh để các thế hệ sau có thể hiểu về nó. Họ biết chưa nhiều về chiến tranh", ông tâm sự. Trong khu vườn của ông, những mảnh vỡ máy bay và vỏ tên lửa nằm khắp nơi.
Theo Hải Anh/Tri thức trực tuyến
Theo_Kiến Thức
Những day dứt của các cựu binh Mỹ ngày trở lại Việt Nam Day dứt với những hậu quả do chiến tranh gây ra, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam và có các hoạt động nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, trợ giúp các nạn nhân bom mìn, chất độc da cam. Một nhóm cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã trở lại dải đất hình...