Chuyên gia lên tiếng về việc Mỹ đóng băng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan
Tình hình kinh tế và nhân đạo tại Afghanistan rất đáng lo ngại. Theo nhiều chuyên gia, tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn khi Mỹ từ chối trả lại cho ngân hàng trung ương Afghanistan 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Trung ương Afghanistan ở thủ đô Kabul. Ảnh: DW/TTXVN
Hàng chục nhà kinh tế Mỹ và quốc tế đã kêu gọi Washington trả lại Afghanistan 7 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương bị đóng băng kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8/2021 để giúp nước này phục hồi kinh tế.
Theo đó, 71 nhà kinh tế và chuyên gia phát triển đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ quan ngại về tình hình kinh tế và nhân đạo tại Afghanistan cũng như ảnh hưởng từ chính sách của Washington đối với tình hình tại nước này. Nội dung lá thư có đoạn nêu rõ nếu không được sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối, Ngân hàng trung ương Afghanistan sẽ không thể thực hiện những chức năng cơ bản. Một khi ngân hàng trung ương không thể vận hành bình thường thì nền kinh tế Afghanistan có thể sẽ sụp đổ.
Hiện 70% số hộ gia đình Afghanistan không thể lo đủ các nhu cầu cơ bản, khoảng 22,8 triệu người (hơn 50% dân số) không được đảm bảo an ninh lương thực và 3 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Các nhà kinh tế và các chuyên gia lo ngại tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi Mỹ từ chối trả lại cho ngân hàng trung ương Afghanistan 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong khi các nước Anh, Đức và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đang đóng băng 2 tỷ USD.
Lá thư có đoạn nêu rõ những nguồn dự trữ kể trên có vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Afghanistan vận hành suôn sẻ, đặc biệt trong quản lý nguồn cung tiền, ổn định đồng nội tệ, chi trả cho hàng hóa nhập khẩu (chủ yếu là thực phẩm và dầu) mà người dân nước này đang rất cần. Các chuyên gia cũng cho rằng đề xuất mới đây của Mỹ về việc hoàn trả một nửa số dự trữ ngoại hối cho Afghanistan chưa đủ để giúp khôi phục nền kinh tế bị tàn phá của nước này.
Mỹ và Taliban trao đổi đề xuất liên quan đến dự trữ ngoại hối của Afghanistan
Hãng tin Reuters ngày 26/7 dẫn các nguồn thạo tin cho biết các quan chức Mỹ và Taliban đã trao đổi về những đề xuất liên quan đến việc dỡ bỏ phong tỏa đối với hàng tỷ USD tiền dự trữ của Ngân hàng trung ương Afghanistan ở nước ngoài, dấu hiệu cho thấy việc đạt được tiến bộ trong nỗ lực giảm nhẹ cuộc khủng hoảng kinh tế của quốc gia Tây Nam Á này.
Người dân chờ rút tiền bên ngoài một ngân hàng ở Kabul, Afghanistan, ngày 15/9/2021. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo nguồn tin, hiện vẫn còn nhiều bất đồng lớn, bao gồm việc Taliban từ chối thay thế những chính trị gia được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Ngân hàng trung ương Afghanistan, trong khi một trong số những nhân vật này đang bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.
Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán với Thụy Sĩ và các bên khác về việc thành lập một cơ chế, bao gồm một quỹ tín thác với các khoản chi sẽ được quyết định với sự hỗ trợ của một ủy ban quốc tế. Mô hình này có thể sẽ tương tự như Quỹ Tín thác về Tái thiết Afghanistan do Ngân hàng Thế giới (WB) điều hành nhằm nhận tiền tài trợ hỗ trợ phát triển từ nước ngoài và chuyển về Kabul.
Một nguồn tin giấu tên từ lực lượng Taliban cho biết dù Taliban không phản đối việc sử dụng quỹ tín thác, song họ không chấp nhận đề xuất của Mỹ về việc để bên thứ ba kiểm soát nguồn dự trữ ngoại hối.
Ông Shah Mehrabi - một thành viên của Hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương Afghanistan - xác nhận các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào. Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ và Ngân hàng trung ương Afghanistan đều chưa bình luận về thông tin trên.
Sau khi lực lượng Taliban nắm quyền điều hành tại Afghanistan hồi tháng 8/2021, nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Washington đã phong tỏa hàng tỷ USD tài sản của Afghanistan trong hệ thống ngân hàng của Mỹ, trong khi hoạt động cứu trợ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Ý nghĩa với EU khi nhắm vào vàng của Nga trong vòng trừng phạt tiếp theo Ủy ban châu Âu mới đây đề xuất rằng nhập khẩu vàng của Nga được đưa vào một gói trừng phạt tiếp theo nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Nghị viện châu Âu, ngày 6/7/2022 ở Strasbourg, miền Đông nước Pháp. Ảnh: AP EU không coi các hạn chế mới...