Chuyên gia Đức: Kinh tế Việt Nam có bật dậy nhanh sau Covid-19?
Những chính sách kinh tế gần đây của Việt Nam dường như sẽ hữu hiệu đối với nền kinh tế.
Sau suy thoái kinh tế năm 2008, một số cá nhân dường như đã quên rằng, các cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn luôn có nguy cơ xảy ra và không quá bất ngờ về điều đó. Tại quá khứ, trong những biến động về kinh tế sẽ có cả người thắng và kẻ thua. Tuy nhiên, thắng hay thua phụ thuộc vào việc các quốc gia đối diện như thế nào với những khó khăn và những chính sách kinh tế nào sẽ được đưa ra. Vừa qua, Việt Nam đã đưa ra những động thái khá thú vị để giải quyết các vấn đề kinh tế trong đại dịch Covid-19. Liệu cách thức của Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu cho các quốc gia?
Trước tiên, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch toàn cầu Covid-19 rất nhanh và quyết liệt. Các trường học đóng cửa, các sự kiện với đông người tham gia cũng bị hủy bỏ, người dân được nhắc nhớ thường xuyên về việc phải cẩn thận, cửa khẩu cũng từng bị đóng và hạn chế người di chuyển.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, Chính phủ không cho thấy dấu hiệu của sự hoảng loạn như cách mà châu Âu đang phản ứng. Sau khi phớt lờ sự nguy hiểm của dịch bệnh, những hành động không hợp lý của các Chính phủ châu Âu bắt đầu xuất hiện. Hơn thế nữa, do các chính sách nghèo nàn của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong những năm gần đây, họ khó có thể đưa ra những công cụ tiền tệ cần thiết trong thời điểm này. Tại Việt Nam, tình hình lại diễn biến khác.
GS. TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom, Hanoi.
Những chính sách kinh tế gần đây của Việt Nam dường như sẽ hữu hiệu đối với nền kinh tế. Thứ nhất, Chính phủ tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đề xuất một vài công cụ kinh tế liên quan đến miễn giảm và gia hạn thuế, phí.
Trước hết có thể nói rằng, gói hỗ trợ tín dụng tiềm ẩn ít nguy cơ liên quan đến lạm phát, bởi lẽ 250.000 tỷ đồng không phải, hoặc có ít, nguồn cung tiền mới được bơm ra thị trường, khoản tiền này sẽ dùng để gia hạn các khoản vay, giảm hoặc gỡ bỏ lãi suất, giảm các chi phí giao dịch…. Nói cách khác, khoản tiền sẽ nhằm mục đích “bôi trơn” để giúp các bánh răng trong nền kinh tế – các công ty vận hành. Mặc dù, nguồn lợi nhuận của các ngân hàng có thể giảm nhưng ít nhất thì họ cũng duy trì được tính thanh khoản.
Bên cạnh đó, gói 30.000 tỷ cũng ít có khả năng gây ra lạm phát bởi lẽ mục đích của khoản này là để giảm thuế hoặc giãn thời gian trả thuế và giúp các doanh nghiệp duy trình tính thanh khoản trong tài chính của họ. Tuy nhiên, với cả hai gói hỗ trợ, điều quan trọng nhất là đảm bảo thành phần tham gia biết cách thức các gói hoạt động và làm rõ ràng những đơn vị cần được ưu tiên sử dụng công cụ hỗ trợ.
Hiển nhiên, khi nguồn lực có hạn thì không nên dùng đại trà trên tất cả các thành phần tham gia. Đồng thời, đảm bảo nguồn tiền được sử dụng cẩn thận, tránh các rủi ro về lạm phát và lấy đi các nguồn chi trả cho chính sách tài khóa từ tay Chính phủ. Không ai biết trước được đại dịch sẽ kéo dài trong bao lâu. Những phản ứng tài khóa tức thời sẽ trở nên ngày càng quan trọng và điều đó yêu cầu nguồn lực bền vững.
Việc Ngân hàng Trung ương (SBV) cắt giảm lãi suất cũng đưa ra một tín hiệu quan trọng. Những chính sách đó có thể cho phép các công ty vay vốn một cách rẻ hơn. Không giống như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với mức lãi suất điều hành đã bị hạ thấp xuống tới 0 từ năm 2016 (ECB) và 16/3/2020 (FED), SBV vẫn còn chưa dùng hết “đạn” của mình.
Không hiểu ECB có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường của họ thế nào thông qua các công cụ về lãi suất. Lãi suất âm chính là một nguyên nhân khiến các cá nhân đổ dồn sang nắm giữ tiền mặt và tất nhiên đây là điều không ai muốn. Sự đi xuống của nền kinh tế có thể gây ra thêm nhiều thất vọng và cuối cùng sẽ là sự mất kiểm soát tuyệt đối của ECB.
Thậm chí đến nay, việc ECB duy trì lãi suất không cũng gây ít nhiều khó khăn cho các ngân hàng tại châu Âu. Thường thì đến 70 – 80% lợi nhuận của Ngân hàng đến từ biên lãi ròng. Nhưng với mức lãi suất 0%, biên lãi ròng gần như là không có. Các khoản vay với mức lãi suất rất thấp cho phép các “công ty ma” tồn tại và bong bóng tài chính hoàn toàn có thể xảy ra. Tại Việt Nam, tình hình có vẻ khả quan hơn. SBV vẫn còn nhiều khoảng trống trong sử dụng công cụ lãi suất. Tuy nhiên, bài học của châu Âu chính là lời cảnh báo cho Việt Nam để chống lại việc hạ lãi suất điều hành bằng 0%.
Tất nhiên, chính sách của Việt Nam cũng kéo theo rủi ro. Ví dụ, nợ quốc gia sẽ tăng lên. Kể từ năm 2016, nợ quốc gia đã gần mức trần tại 65%, điều đó khiến Nhà nước có ít không gian để vay thêm. Ngoài ra, có thể xảy ra việc các công ty phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của Chính phủ thay vì tự mình tìm cách thoát khỏi khủng hoảng – đây mới thực sự là điều sẽ khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn.
Việt Nam nên chống lại sự cám dỗ của các chính sách lâu đời thuộc trường phái Keynes bởi điều này luôn yêu cầu sự can thiệp đắt đỏ của Nhà nước. Thực tế chứng minh rằng, đã có những khủng hoảng kinh tế và sẽ luôn có, vậy nên sẽ là không thực tế nếu tin rằng các công cụ của Keynes có thể loại bỏ chúng. Những can thiệp của Chính phủ có thể cần thiết trong trường hợp này, nhưng chúng nên được thực hiện với ý thức về tỷ lệ và giới hạn về thời gian nhất định.
Tại thời điểm này, Việt Nam nên chú ý những điều sau đây:
Video đang HOT
Thứ nhất, việc cung cấp các gói viện trợ khẩn cấp là không cần thiết. Ở đây, các gói biện pháp nêu trên là hướng đi đúng đắn nhưng nên cân nhắc nếu được tiếp tục sử dụng.
Thứ hai, một chính sách gia tăng đầu tư lớn hoặc chi tiêu của Chính phủ theo nghĩa của Keynes là không nên. Thay vào đó, các nguồn tài nguyên nên được đưa vào để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân và FDI.
Thứ ba, nói một cách cụ thể, tăng cường thương mại điện tử hoặc đa dạng hóa các nhóm khách hàng có thể là hai giải pháp khả thi để tăng sự luân chuyển của hàng hóa.
Thứ tư, doanh nghiệp nhà nước không nên là người hưởng lợi nhiều từ bất kỳ khoản trợ cấp nào vì tính hiệu quả và minh bạch của nó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lẽ nên được ưu ái hơn.
Thứ năm, kiểm soát giá quá chặt từ phía Nhà nước sẽ phản tác dụng và khiến méo mó thị trường. Nhà nước nên ngăn chặn các ảnh hưởng phụ như: thị trường chợ đen, lãng phí tài nguyên, chi phí chờ đợi và đầu tư thấp.
Thứ sáu, các hỗ trợ về mặt xã hội như trợ cấp thất nghiệp chắc chắn phù hợp để hỗ trợ công dân bị ảnh hưởng. Và cuối cùng, dựa theo bài học từ EU, không bao giờ nên áp dụng chính sách lãi suất bằng 0 cho Việt Nam.
Tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau những biến động kinh tế này nhờ vào các gói hỗ trợ và cùng với đó sức ảnh hưởng của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới sẽ phát triển. Nguy cơ về sự sụt giảm của giá tài sản, đặc biệt là ở EU sẽ tạo các cơ hội đầu tư tốt cho Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA. Trong mọi trường hợp, thương mại tự do sẽ giúp tất cả các quốc gia hồi phục nhanh hơn. Cho đến nay, dường như chính sách chống khủng hoảng của Việt Nam thực sự có thể đóng vai trò là hình mẫu cho những quốc gia khác.
Giáo sư, tiến sỹ Andreas Stoffers học môn khoa học Chính trị và Kinh tế với trọng tâm trong quan hệ quốc tế tại trường Đại học Federal German Armed Forces in Munich/Germany.
Năm 1966, ông hoàn thành luận văn Tiến sỹ về chủ đề quan hệ Đức – Thái Lan. Ông Andreas có 18 năm kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực ngân hàng tại Đức và Đông Nam Á. Năm 2014, ông trở thành Giáo sư về Quản trị Kinh doanh và Quản trị quốc tế tại trường Đại học Quốc tế SDI Munich về khoa học ứng dụng.
Hơn thế nữa, ông còn là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia và trường Đại học Việt – Đức tại Bình Dương, Việt Nam. Kể từ tháng 9 năm 2019, ông tiếp quản Quỹ Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam dưới tư cách là Giám đốc quốc gia./.
GS. TS Andreas Stoffers
Những điều cần biết về kinh tế Việt Nam trước "cú sốc" Covid-19 qua bài giảng của TS. Vũ Thành Tự Anh
Tại hội thảo "Chính sách ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ", TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã có những phân tích về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam. Dưới đây là tóm lược những ý chính của ông Tự Anh.
TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh: Để hiểu được tác động của dịch Covid-19 lên kinh tế Việt Nam (VN) như thế nào, đầu tiên phải nắm được điểm bất lợi và thuận lợi của nền kinh tế. Nếu không có những điều này thì sẽ không thực sự hiểu những cú sốc từ bên ngoài cũng như chính sách từ bên trong tác động như thế nào đến nền kinh tế.
Dù khủng hoảng covid-19 là khủng hoàng toàn cầu nhưng khi nhìn vào các quốc gia với các đặc điểm khác nhau, các tác động của nó cũng khác nhau.
Thứ nhất về điểm bất lợi của VN:
-Nền kinh tế VN mở, nếu không nói rất mở và nhỏ. Nó có nghĩa là VN phụ thuộc rất nhiều từ bên ngoài. Cũng có nghĩa bất cứ tác động nào từ bên ngoài cũng ảnh hưởng ngay lập tức, to lớn đến VN.
-Nền kinh tế VN ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI. Cụ thể là FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN; FDI cũng chiếm hơn 20% tổng ngân sách, gần 50% sản lượng công nghiệp của VN... Điều này có nghĩa nếu như có trục trặc với các nhà đầu tư nước ngoài, hiển nhiên sẽ tạo thành cú sốc rất lớn cho nền kinh tế.
-Công nghiệp hỗ trợ của VN yếu. Do vậy nó tạo ra khó khăn rất lớn khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ. Đặc điểm của DN Việt Nam là để xuất khẩu được, phải nhập khẩu rất nhiều.
-Tỷ trọng dịch vụ ở VN tương đối cao. VN được coi là nước giảm công nghiệp sớm - nền kinh tế VN phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ, dịch vụ trong giai đoạn vừa qua chịu tác động nặng nền của suy thoái kinh tế.
-Không những nền kinh tế thực của VN - tức hệ thống tài chính gặp khó khăn, ngay cả lĩnh vực được coi là điểm mạnh, nổi trội, gây giảm sốc cho VN bất cứ khi nào có khủng hoảng - là nông nghiệp, cũng gặp khó khăn do hạn mặn và thời tiết cực đoan.
-Cơ chế dẫn truyền chính sách của VN tương đối chậm, hiệu lực tương đối thấp. Điều này cản trở tính hiệu lực cũng như tác động của chính sách. Nó có nghĩa là VN cần phải làm nhanh hơn, nhiều hơn bình thường thì lúc đó mới tạo ra được tốc độ có thể đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế cũng như tạo ra một hiệu lực đủ lớn.
Tuy nhiên, không chỉ có những điểm bất lợi, kinh tế VN cũng có một số điểm thuận lợi:
-Nền kinh tế VN trong 3 năm qua tương đối ổn định. Các chỉ số vĩ mô như nợ công, lạm phát, các cân đối vĩ mô như xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán... tương đối lành mạnh.
-Về tài khoá: thâm hụt ngân sách không quá cao, tỷ lệ nợ công giảm một chút so với trước. Điều này tạo ra một dư địa nhất định cho việc can thiệp bằng chính sách tài khoá.
-Về tiền tệ, mặt bằng lãi suất của VN tương đối cao. Điều đó có nghĩa là còn dư địa để giảm lãi suất. Năng lực điều hành của NHNN tốt hơn trước và các ngân hàng sau thời gian cải cách đã lành mạnh hơn trước. Đấy là những điều thuận lợi về chính sách tiền tệ so với khủng hoảng năm 2007 - 2008.
-Tỷ lệ tiết kiệm của VN tương đối cao so với các nước có thu nhập tương đương. Tuy nhiên dù tỷ lệ tiết kiệm tương đối cao này giúp VN trụ được một thời gian nhưng với các khu vực, nhóm hộ gia đình khác nhau với mức thu nhập khác nhau thì khả năng trụ cũng khác nhau. Với những người ở nhóm thu nhập thấp, không có tích luỹ, họ sẽ phải chạy ăn từng bữa.
Như vậy, những chính sách tạo ra lưới an sinh xã hội cực kỳ quan trọng, nếu không làm có thể tạo ra bất ổn về xã hội chứ không thuần tuý chuyện người nghèo đói.
-VN trong 1 số năm trở lại đây luôn là lựa chọn hàng đầu cho chiến lược Trung Quốc 1. Một bài học mà các quốc gia phát triển và các thế giới học được trong giai đoạn vừa qua là phải đa dạng hoá.
Nếu như dựa chỉ vào một số nhóm nhỏ nước khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra thì không phân tán rủi ro được. Vì vậy chiến lược Trung Quốc 1 sẽ là chiến lược nhất quán được các quốc gia thực hiện sau khi nền kinh tế phục hồi. Và VN cần tận dụng triệt để lợi thế này.
Về tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế VN trong quý I/2020
-Về mặt tăng trưởng,có thể thấy rõ tăng trưởng GDP trong quý I/2020 giảm rất mạnh. Cùng thời kỳ này năm ngoái nền kinh tế VN tăng trưởng 6,8%, năm nay 3,82%, giảm gần 1/2.
Về CPI bình quân, có một nghịch lý là tăng trưởng thì giảm nhưng CPI tăng. Mặc dù một số dịch vụ giảm nhưng một số hàng hoá, đặc biệt các hàng hoá khan hiếm như thịt, lương thực... chi phí tăng lên, đẩy mặt bằng giá lên. Đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI của VN. Đây là điều đáng lo ngại của các nhà làm chính sách vì nền kinh tế sẽ rơi vào đình trệ.
-Sản xuất công nghiệp, bán lẻ và tiêu dùng: Các chỉ số này đều giảm mạnh. Chỉ số về sản xuất công nghiệp IPP giảm từ 11,6% quý I/2018 xuống 9,2% quý I/2019, còn 5,8% trong quý I/2020. Bằng đúng 1/2 so với cùng kỳ 2018.
Về tiêu dùng, tương tự như vậy, chỉ số bán lẻ tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng trong quý I/2020 chỉ là 4,7%, bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, và chỉ bằng 1/2 so với quý I/2018.
-Xuất khẩu có dấu hiệu cực kỳ rõ nét. Nếu nền kinh tế VN mở, phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu thì đây là đòn trời giáng. Và quý II này tốc độ về tăng trưởng xuất khẩu còn bị ảnh hưởng nữa, không dừng lại ở đây vì những nền kinh tế lớn khác bắt đầu chịu tác động của Covid 19.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của VN quý I/2020 là 0,5%, giảm khoảng 10 lần so với quý I/2019. Nhập khẩu là -2%. Điều này có hệ luỵ nữa là nó làm cho các DN bị cạn kiệt nguồn cung ứng đầu vào, do đó sẽ có phản hồi với sản xuất.
-Về vốn FDI, rất rõ, vốn FDI đăng ký và thực hiện đều giảm mạnh so với các năm trước. Năm 2018 cũng có FDI đăng ký giảm nhưng vốn FDI thực hiện vẫn tăng ở mức 7,2%. Quý I/2020 là năm duy nhất mà cả tốc độ tăng vốn FDI đăng ký và thực hiện đều giảm và giảm mạnh.
-Về tín dụng, tăng trưởng tín dụng thấp trong quý I/2020. Tính đến 24/3, tăng trưởng là 0,82% và đồng VN đang chịu sức ép giảm giá. Trong quý I giảm giá gần 2 điểm % so với cuối năm 2019.
-Về số DN, đây cũng là cú sốc mạnh cho khối DN thể hiện rất rõ khi số DN mới thành lập tăng trưởng rất thấp, chỉ 4,4%. Nếu nhìn sâu vào con số này, nhìn vào số vốn đăng ký cũng như số lao động mà các DN dự định tuyển dụng, giảm từ 1/4 - 1/2 so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, mặc dù số lượng DN mới được thành lập không giảm, vẫn tăng 4,4% nhưng thực tế số lượng lao động cũng như quy mô vốn đang giảm và giảm mạnh.
Bên cạnh số lượng DN thành lập mới không tăng nhanh thì số lượng tạm dừng hoạt động, chờ giải thể hoặc nghe ngóng tình hình, chờ phá sản lại tăng vọt, lên 26%. Đây là những con số tạo ra bức tranh ảm đạm với kinh tế VN.
Nhưng đây là bức tranh chung không chỉ riêng VN mà là toàn thế giới.
-Về tác động của thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index vào tháng 1 khoảng 950 nay còn khoảng 670 - 680. Mức độ này suy giảm chưa sâu như trường hợp VN-Index 2008 từ 930 xuống còn khoảng 300 (trong suốt 9 - 10 tháng). Điều đó cũng có nghĩa nếu như tình trạng kinh tế tồi tệ hơn thì mức giảm hiện nay chưa phải là mức giảm cuối cùng...
Tóm lại, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng:
Thứ nhất, mức độ tác động, điều chỉnh của các ngành thì khác nhau, có một số ngành chịu tác động cực kỳ nghiêm trọng. Một số ngành được hưởng lợi
Thứ hai, nếu không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực, kịp thời từ Chính phủ thì một số ngành kinh tế và nhiều DN có thể đổ vỡ. Nó có thể kéo theo nhiều hệ luỵ về tăng trưởng, việc làm.
Cuối cùng, nếu không khéo và không có những biện pháp kịp thời thì khủng hoảng y tế sẽ dẫn tới khủng hoảng y tế và tài chính.
Đức Minh
"Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, nền kinh tế số lấn át nhanh chóng kinh tế thực" TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ trong ngày đầu Việt Nam thực hiện "cách ly toàn xã hội". Trong ngày đầu cả nước thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân...