Chuyên gia đề nghị để xã hội giám sát dự án cao tốc Bắc Nam
Lo ngại dự án cao tốc Bắc Nam lặp lại nhiều hệ lụy như các dự án BOT thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị công khai các dự án và áp dụng cơ chế đấu thầu, giám sát thu phí minh bạch.
Bộ Giao thông vừa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc – Nam, trong đó đề xuất phương án đầu tư giai đoạn một khoảng 684 km với tổng vốn hơn 140.000 tỷ đồng; nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật cho rằng, nếu không có cơ chế đặc thù thì rất khó huy động nguồn vốn, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, vốn tín dụng trong nước đang khó khăn, dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng ở mức cao. Thời gian qua, một số dự án khả thi về tài chính tuy nhiên các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối.
Do đó, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù như yêu cầu bảo lãnh một số rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài như doanh thu, tiến độ, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi ngoại tệ…
Một km cao tốc Bắc Nam có chi phí khoảng 215 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Giang Huy.
Đánh giá hình thức đầu tư cao tốc Bắc Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Đức (Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam) nhận định, hình thức BOT vẫn là cơ chế phù hợp để huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp, tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh cơ chế này để vẫn huy động được nguồn vốn mà không gây ra nhiều hệ lụy như các dự án BOT thời gian qua.
Cụ thể như phải công khai các hợp đồng BOT, kể cả giai đoạn dự thảo và các kế hoạch tài chính; lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp. Toàn bộ việc đàm phán hợp đồng, xây dựng và thu phí phải để mở cho xã hội giám sát.
Phương pháp tính mức thu phí đường bộ cần được điều chỉnh. Ví dụ, áp dụng phương pháp phân chia giá trị gia tăng, một chiếc xe đi trên đường cũ mất chi phí 10.000 đồng/km (gồm xăng xe, khấu hao phương tiện, thời gian…), trong khi đi đường mới thì chi phí chỉ còn 6.000 đồng/km. Như vậy có nghĩa giá trị gia tăng của con đường mới là 4.000 đồng, chủ đầu tư hưởng 2.000 đồng, còn lại là chủ phương tiện được lợi. Phương pháp này bảo đảm hài hòa lợi ích cả hai bên.
Ông Nguyễn Minh Đức cũng yêu cầu bỏ việc áp lợi nhuận định mức của chủ đầu tư mà thay vào đó là cơ chế đấu thầu. Chủ đầu tư nào đủ năng lực và cam kết tổng số tiền thu phí thấp nhất thì trúng thầu.
“Dự án cao tốc Bắc Nam chạy qua các tỉnh thành phố lớn, chắc chắn có lưu lượng phương tiện lớn, rủi ro từ doanh thu sẽ thấp. Hơn nữa, việc tính toán doanh thu là trách nhiệm của nhà đầu tư, chứ không phải của Nhà nước”, chuyên gia Nguyễn Minh Đức nói.
Bàn về các cơ chế mà Bộ Giao thông để xuất, ông Đức cho rằng, việc bảo lãnh rủi ro doanh thu là không cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng thường gặp nhiều khó khăn, thuộc trách nhiệm của Chính quyền nên việc bảo lãnh chậm tiến độ là chấp nhận được.
Video đang HOT
“Vấn đề nào thuộc trách nhiệm của Nhà nước thì Chính phủ có thể bảo lãnh rủi ro phát sinh từ vấn đề đó. Vấn đề nào thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì Nhà nước không nên bảo lãnh”, ông Nguyễn Minh Đức gợi ý.
Không đồng tình với các đề xuất của Bộ Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cho rằng, cao tốc Bắc Nam là dự án trọng yếu, tuy nhiên, nguồn lực ngân sách có hạn, nợ công rất lớn, bội chi ngân sách triền miên nên không quản lý tốt nợ công sẽ dẫn đến khủng hoảng. Các biện pháp mà Bộ Giao thông đề xuất là đẩy khó khăn, rủi ro về Chính phủ nên Chính phủ từ chối là có căn cứ.
Theo ông Long, nguồn lực trong nước vẫn còn nên các bộ ngành phải xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư để có 70% nguồn vốn từ doanh nghiệp.
“Các bộ ngành cùng phải bàn bạc cơ chế thu hút đầu tư, không thể theo cơ chế cũ. Không chỉ là BOT mà cần đa dạng nhiều hình thức đầu tư”, ông Long nói. Cùng với đó là cơ chế thanh kiểm tra, rút kinh nghiệm việc buông lỏng các dự án BOT như thời gian qua.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nhà đầu tư phải tự đánh giá tính khả thi của dự án, việc Chính phủ bảo lãnh doanh thu như như “nắm đằng lưỡi”. Bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ cũng phải áp dụng tùy từng lĩnh vực, nếu nhà đầu tư nhập khẩu thiết bị, vật liệu xây dựng mà cũng được bảo lãnh ngoại tệ là không được.
“Các dự án có ít nhà đầu tư thì càng phải công khai, minh bạch, và có cơ chế giám sát để không có tình trạng quân xanh, quân đỏ khi đấu thầu”, ông Doanh nói.
Vấn đề khác mà một số chuyên gia lo ngại là tình trạng đội giá. Dẫn kết quả 13 dự án BOT giảm thời gian thu phí gần 100 năm, ông Thân Văn Thanh (nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia) cho rằng, khi dự toán cao thì thi công sẽ có tiêu cực, lãng phí như kê khống khối lượng mà không thể nào kiểm soát hết được.
Theo ông Thanh, nhiều nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, dự án phải gánh 3 loại lãi suất của ngân hàng, nhà đầu tư và người dân nên không có giá trị thật. Do đó, tối ưu nhất là Chính phủ phát hành trái phiếu để có nguồn đầu tư hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, để hạn chế đội vốn, ông Thanh góp ý ngay từ giai đoạn thiết kế cần có đề bài cụ thể, như giải pháp giám sát thiết kế dự án không vượt nhu cầu thực tế; không để chi phí dự phòng dự án lớn. Nhất là không cho tính tỷ lệ trượt giá công trình xây dựng trên 6% như hiện nay.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, nếu muốn người dân tin tưởng thì cơ quan Nhà nước phải đưa ra các quy định minh bạch từ khi xây dựng đến khi vận hành.
“Vấn đề quan trọng nhất với các chủ xe nhiều khi không chỉ phí cao hay thấp mà chính là dự án có minh bạch hay không”, ông Thanh nói.
Bộ Giao thông vừa trình Chính phủ việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cao tốc Bắc – Nam. Chiều dài các đoạn được xây dựng mới và mở rộng trong giai đoạn một đến năm 2022 là 684 km; tổng mức đầu tư hơn 140.000 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng công trình, còn lại là vốn xã hội hóa.
Cụ thể, ngành giao thông sẽ xây mới 603 km đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lâm (Khánh Hòa) – Phan Thiết (Bình Thuận) theo hình thức đối tác công tư (PPP); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên – Huế) theo hình thức BT với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m. Ngoài ra, có 81 km đoạn Cao Bồ (Nam Định) – Mai Sơn (Ninh Bình) và La Sơn (Thừa Thiên – Huế) được mở rộng với quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe.
Giai đoạn 2 (từ 2023 đến 2028) sẽ đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc – Nam, gồm: Bãi Vọt (Hà Tĩnh) – Cam Lộ (Quảng Trị) và Quảng Ngãi – Cam Lâm (Khánh Hòa) với quy mô 4 làn xe cao tốc, nền đường rộng 17 m. Chiều dài dự án là 688 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 103.000 tỷ đồng.
Đoàn Loan
Theo VNE
Dự án cao tốc Bắc Nam cao tốc Bắc Nam gặp khó trong thu xếp vốn
Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật cho rằng, nếu không có các cơ chế đặc thù thì rất khó huy động gần 100 nghìn tỷ đồng đầu tư cao tốc Bắc Nam, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Giao thông vừa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó đề xuất phương án đầu tư giai đoạn một khoảng 684 km với tổng vốn hơn 140 nghìn tỷ đồng; nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, nếu không có các cơ chế đặc thù thì rất khó huy động gần 100 nghìn tỷ đồng từ nguồn lực xã hội để thực hiện dự án này.
Ông Đặng Văn Tâm, Phó tổng giám đốc VIDIFI cho biết, thời điểm này ít doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư hạ tầng giao thông, vì vốn đầu tư lớn nên khó vay vốn ngân hàng, trong khi đó thời gian thu hồi vốn dài đến 15-20 năm. Các năm đầu của dự án hạ tầng, doanh thu thường không đủ trả lãi vay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có tiềm lực vốn mạnh không muốn tham gia vào dự án hạ tầng hình thức BOT vì lợi nhuận cố định chỉ đạt 12-13% mỗi năm. Thay vào đó, nhà đầu tư lựa chọn đầu tư bất động sản vì dễ thu hồi vốn hơn.
Ông Tâm cũng e ngại những cơ chế chính sách thay đổi gây khó khăn cho doanh nghiệp. Dẫn ví dụ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có cơ chế nhà nước chi trả tiền giải phóng mặt bằng, tuy nhiên thực tế là VIDIFI đã phải ứng vốn 4.000 tỷ đồng để làm, đến nay vẫn chưa được Chính phủ hoàn trả. Hàng tháng doanh nghiệp phải trả lãi vay số tiền này, gây khó khăn về tài chính.
"Chúng tôi muốn đầu tư tiếp một số đoạn trong dự án cao tốc Bắc Nam vì đã có kinh nghiệm về kỹ thuật, lao động sau khi đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, song doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính", ông Tâm nói.
Chủ đầu tư cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang đề nghi chuyển nhượng khai thác dự án, để có tiền đầu tư cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Xuân Hoa
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) cũng cho biết, mức đầu tư một dự án cao tốc trung bình trên 10.000 tỷ đồng và đây là con số rất lớn với nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ trong trường hợp doanh thu giảm so với dự báo ban đầu (ví dụ dưới 20%). Ngược lại, doanh thu cao hơn dự báo thì nhà nước có thể thu lại một tỷ lệ tiền chênh lệch. Nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến ổn định tỷ giá vì thường phải vay ngoại tệ để đầu tư đường cao tốc.
Trong giai đoạn 2016-2020, VEC sẽ tham gia đầu tư các tuyến cao tốc mới theo hình thức đối tác công tư (PPP). Doanh nghiệp này đã phối hợp các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất lên Chính phủ Đề án nhượng quyền khai thác đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thông qua việc chuyển nhượng các tuyến đường trên để tạo nguồn vốn đầu tư các dự án mới.
Trông chờ vào nhà đầu tư nước ngoài
Từng tham gia nhiều dự án BOT, Tổng giám đốc một doanh nghiệp tư nhân cho rằng với số vốn gần 100.000 tỷ đồng, dự án cao tốc Bắc Nam chỉ có thể trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước có thể tham gia dạng liên danh, liên kết để có việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài mong muốn phải có mặt bằng sạch, chính sách minh bạch, có hỗ trợ doanh thu của nhà nước và lợi nhuận phải đạt từ 15% trở lên.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật cũng cho rằng, nếu không có các cơ chế đặc thù thì rất khó huy động các nguồn vốn đầu tư cao tốc Bắc Nam, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông, vốn tín dụng trong nước đang khó khăn, dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng ở mức cao. Thời gian qua, có một số dự án khả thi về tài chính tuy nhiên các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối.
Do đó, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ các cơ chế đặc thù như yêu cầu bảo lãnh một số rủi ro cho các nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài, gồm rủi ro về doanh thu, tiến độ và giải phóng mặt bằng, chuyển đổi ngoại tệ...
Vừa qua, Bộ Giao thông đã mời thầu sơ tuyển dự án 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trách mà không có các bảo lãnh trên. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều trả lời không tham gia vì quá nhiều rủi ro và cơ chế chưa phù hợp thông lệ quốc tế.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao các bộ Giao thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, kịp thời báo cáo Thủ tướng giải pháp thu xếp vốn để triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam; đồng thời thực hiện các biện pháp có hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Mục tiêu chính và yêu cầu đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là hình thành tuyến đường bộ cao tốc đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến TP HCM, qua 20 tỉnh, thành; kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển...
Đoàn Loan
Theo VNE
Không chỉ định thầu với dự án đường cao tốc Bắc Nam Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trong thông báo kết luận tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành. Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, một trong những đoạn đường thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam...