Chuyên gia chia sẻ cách giúp con tự học hạnh phúc
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, phụ huynh là người thầy đầu tiên truyền cảm hứng để con tự phát huy năng lực tiềm ẩn và là đứa trẻ hạnh phúc.
Thạc sĩ phương pháp giảng dạy tiếng Anh Nguyễn Thị Lan Anh có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với vai trò chuyên gia giáo dục trẻ em, Giám đốc Công ty Cổ phần Biên tập, Giáo dục và Đào tạo Lan Anh và là tác giả của nhiều đầu sách tự học tiếng Anh, nổi bật là bộ sách tự học nói tiếng Anh đang phát hành “Nói tiếng Anh cực chất với 150 tình huống Việt” được nhiều độc giả yêu thích. Chị cũng có một cô con gái 7 tuổi – Sena nổi bật với các khả năng như hát, nhảy, vẽ, model và đặc biệt là nói tiếng Anh lưu loát dù chưa từng học thêm ở bất cứ đâu. Sena cũng đang bắt đầu làm Vlog tiếng Anh và có kênh Youtube của riêng mình. Thạc sĩ Lan Anh sẽ chia sẻ về cách truyền cảm hứng để con có thể tự học hạnh phúc.
- Mọi người thường trăn trở làm sao để con có ý thức tự học nhưng chị lại nói đến khái niệm tự học hạnh phúc. Vậy tự học hạnh phúc là gì và tại sao lại phải chú tâm đến hạnh phúc khi tự học, thưa chị?
- Khi chúng ta nhìn thấy một đứa trẻ háo hức, hăm hở, vui vẻ tự mày mò tìm hiểu, luôn thích đặt câu hỏi về thế giới xung quanh, về khoa học, nghệ thuật hay cuộc sống và tự tin đưa ra những suy nghĩ, ý kiến phản biện thì đứa trẻ đó chắc chắn đang tự học một cách hạnh phúc. Vì vậy, tự học hạnh phúc đơn giản là con trẻ được tự khám phá, tự ý thức học và tự đưa ra các kế hoạch thực hiện, hoàn toàn chủ động, hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Anh và con gái – bé Sena.
Chúng ta cùng làm phép so sánh đơn giản, đứa trẻ vui vẻ ở trên tạm gọi là đứa trẻ A. Đối nghịch là đứa trẻ B cũng có ý thức tự giác học bài nhưng với thái độ uể oải và ngó lơ các bài học hay vò đầu bứt trán khi mở sách. Vậy theo bạn đứa trẻ nào sẽ học hiệu quả dù cả hai đều có ý thức tự giác ngồi bàn học như nhau? Chắc chắn chúng ta đều chung câu trả lời là mong muốn con được như đứa trẻ A. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai đứa là thái độ. Đứa trẻ A hạnh phúc với việc học còn đứa trẻ B thì tỏ rõ sự chống đối một cách bất lực.
Niềm vui, sự hạnh phúc khiến cho não bộ tạo ra năng lượng tích cực để sản sinh những ý tưởng sáng tạo không giới hạn. Đó là nguồn gốc của tự giác, tự lập, tự tin, tự chủ, tự trọng. Và tự học là diễn biến tất yếu trong chuỗi 5 “tự” trên. Thực ra có một quy luật chung áp dụng cho cả bố mẹ và con cái rất dễ hiểu dễ nhớ là: Hạnh phúc – Suy nghĩ tích cực – Hành động đúng – Kết quả tốt bất ngờ.
- Vậy làm thế nào để con có thể tự học hạnh phúc?
- Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện cảm động về nhà phát minh vĩ đại Edison. Thiên tài Edison có tuổi thơ “thất học” ở trường khi ông chỉ học ba tháng tiểu học. Quyết định nghỉ này là chìa khóa mở ra con đường tiến đến trở thành một nhà phát minh nổi tiếng thế giới với hơn 1300 sáng chế cho nhân loại. Chúng ta không thể quên được người mẹ của Edison – một bà mẹ bình thường nhưng có tư tưởng giáo dục hiện đại, người đã ảnh hưởng tới Edison nhiều nhất. Bà đã đặt niềm tin trọn vẹn vào khả năng của con, luôn khuyến khích con từng bước đi đến thành công.
Thực tế, con tự học là từ khóa tạo nên cơn sốt ở nước ta gần đây. Tuy nhiên, do cách hiểu còn lơ mơ, giải pháp hời hợt, nhiều phụ huynh vô tình “bắt con tự học” chứ không phải “tự học hạnh phúc”. Bố mẹ đang hiểu nhầm là con rảnh lúc nào thì phải học lúc đấy, học toàn diện mà không hiểu con tự học nhưng không hạnh phúc. Trong khi ai cũng hiểu rất rõ bản thân nếu không được hạnh phúc sẽ không bao giờ có sáng tạo và càng không có việc tự học diễn ra.
Ở cương vị một người mẹ, tôi luôn trao cho con sự tôn trọng, giúp con hình thành tư duy phản biện (critical thinking) để con được lựa chọn và quyết định, tự chịu trách nhiệm với việc mình làm. Đồng thời tôi khích lệ con hoàn thành các mục tiêu tự đặt ra, động viên khi con mắc sai lầm và biết cách tự đặt câu hỏi để nhận ra bài học, tự sửa sai. Vì vậy, bé Sena từ nhỏ đến nay luôn tự giác trong học tập và tự tin đưa ra quan điểm cá nhân. Thậm chí, cháu có thể nói tiếng Anh lưu loát dù 3 tuổi mới bắt đầu xem các chương trình tiếng Anh online và chưa từng đi học ở trung tâm.
Như vậy, theo tôi, để con có thể tự học hạnh phúc, phụ huynh cần có đủ yêu thương, kiên nhẫn để lắng nghe mọi điều con nói, cần biết cách khơi gợi truyền cảm hứng, đặt niềm tin trọn vẹn để con tự phát huy năng lực tiềm ẩn và luôn thấy mình là đứa trẻ vui vẻ, hạnh phúc.
Sena biểu diễn trong một show thời trang chuyên nghiệp ở Hà Nội mới đây.
Video đang HOT
- Bé Sena đã tự học ở nhà như thế nào, nhất là với tiếng Anh?
- Bé Sena bắt đầu tiếp xúc với máy tính, điện thoại từ 3 tuổi. Lúc đó, tôi tìm kiếm các tài liệu tiếng Anh trên mạng như Chuchu TV, Peppa Pig, Simple Song… và tải về để cháu xem dần. Mỗi ngày tôi cho con xem 3-4 lần, mỗi lần 3-5 phút. Sau mỗi lần xem tôi sẽ cùng con trò chuyện chi tiết về các chủ đề con vừa học. Ví dụ, tôi sẽ bảo con kể lại con đã xem được những gì bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh để con tập nói cũng như rèn kỹ năng ghi nhớ từ vựng, tình huống. Tôi xin giải thích thêm ở đây một chút: Vì theo khoa học về bộ não, trẻ dễ thu hút bởi một hoạt động hấp dẫn thì lại nhanh chóng bị chi phối bởi một hoạt động khác nên thời gian tập trung cao không nhiều. Đó là lý do tôi đặt ra giới hạn hay áp lực thời gian ngắn với con. Tôi cũng đồng thời giải thích cho con tại sao chỉ xem 3-5 phút mà không phải là lâu hơn – đó là vì để bảo vệ đôi mắt đẹp hay một lý do nào đó thuyết phục tùy theo tính cách từng bé.
Một điều mà tôi thấy rất quan trọng để thúc đẩy con tôi tự học tiếng Anh tốt đó là kết hợp tiếng Anh với các khả năng khác của con. Sena mê vẽ, nhảy múa, ca hát và đặc biệt tự sáng tạo rất nhanh các bài hát thể loại rap. Tôi vừa kích thích vừa tạo ra các thử thách nhỏ cho con như kể chuyện tiếng Anh bằng tranh, sáng tác bài rap tiếng Anh chủ đề nào đó mà con muốn. Tôi rất vui là thói quen ấy đã giúp con tham gia tự tin các cuộc thi kể chuyện tiếng Anh hay thi tài năng mẫu nhí và có kết quả cao.
Tôi cũng khuyến khích con tự học các môn khác hay tìm hiểu những lĩnh vực con thích bằng tiếng Anh với thời gian biểu con tự xây dựng và tham khảo ý kiến bố mẹ. Bằng cách này, con có thể nhanh chóng làm phong phú kiến thức của mình và hoàn toàn chủ động.
Sena tập trung ba ngày cho hai bức tranh lớn về mẹ thiên nhiên trong phần thi tài năng siêu mẫu nhí.
- Chị hỗ trợ bé Sena như thế nào trong việc tìm tài liệu và truyền cảm hứng cho con tự học?
- Về tài liệu, tôi tìm kiếm, tổng hợp các video, bài học hấp dẫn trên mạng, tải về tạo thành một “thư viện” nhỏ cho con, như ChuChuTV, Peppa Pig… hay các kênh tự học (homeschooling) miễn phí và có phí. Tôi chia ra các mảng như khoa học, toán, viết, ngữ âm, ngữ pháp… và lên thời khóa biểu tự học ở nhà cho con. Vì như tôi đã nói ở trên, trẻ hấp thu nhanh nhưng dễ chán, nên các tài liệu tải về cần có độ thử thách giống như game có nhiều level để trẻ thấy hấp dẫn, muốn chinh phục.
Chúng ta cũng biết rằng cảm xúc là một vế rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy ý thức tự học hạnh phúc cho con. Tôi cố gắng dành thời gian cho con nhiều nhất để trò chuyện, trải nghiệm thực tế các cảnh quan thiên nhiên, viện bảo tàng, công viên… hay các chuyến đi từ thiện. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều ngồi lại trao đổi những bài học, những suy nghĩ của nhau. Đó là sự học tuyệt vời.
Một điều quan trọng mà trong những buổi hội thảo tôi luôn muốn chia sẻ với phụ huynh đó là: Trong quá trình cùng con tự học, tôi không tỏ ra mình là một chuyên gia vì tâm lý của trẻ là sợ bị chê bai, nên dù con nói ngọng tôi cũng không sửa ngay – như thế là can thiệp thô bạo. Tôi chỉ cùng con trò chuyện, khơi gợi vấn đề hay đặt câu hỏi để con tự điều tiết, sửa sai và dần tiến bộ. Sự áp đặt của bố mẹ luôn đi đôi với sự chống đối, sẽ là nguồn cơn dập tắt sự sáng tạo và nảy sinh sự thụ động của con. Tôi luôn nhắc nhủ mình giữ vai trò là người bạn đồng hành đúng nghĩa của con.
Khi 6 tuổi, Sena sáng tác bài rap tiếng Anh cho một cuộc thi kể chuyện Razkids và giành giải nhất.
- Làm thế nào để trẻ không chóng chán khi tự học, thưa chị?
- Muốn ai đó đam mê cái gì, bạn phải cho họ khao khát, mong muốn có được, còn nếu cứ dâng lên tận miệng thì họ sẽ thấy bội thực, chóng chán. Với trẻ con cũng vậy, muốn con ham muốn học cái gì đó, tôi sẽ áp dụng phương pháp khen thưởng. Ví dụ mỗi lần con nhặt rau giúp mẹ thì sẽ được thưởng học tiếng Anh 3-5 phút, khi con lên 4, 5 tuổi, tôi tăng thời gian cho con xem lên 5-10 phút mỗi lần, cài thời gian để không vượt quá quy định. Con cứ làm là sẽ được khen, đúng sai phân tích sau. Lưu ý là chúng ta khen trẻ đúng hành động cụ thể, không khen chung chung như “giỏi”, “ngoan”… lâu dần sẽ làm giảm giá trị lời khen, không còn gây hứng thú cho trẻ nữa. Ví dụ con giúp mình nhặt rau, tôi cười nhìn con khen “Chà, hôm nay Sena nhặt rau sạch và nhanh ghê. Thế là trưa nay món rau của chúng ta sẽ rất ngon đây”.
Phần thưởng thì không tặng cả ngày mà phải làm gì xứng đáng mới cho học, như vẽ tặng mẹ bức tranh, hoặc con cư xử lịch sự thì sẽ được thưởng. Với sách cũng vậy, khi tôi muốn con đọc một cuốn sách nào đó, tôi sẽ mua sách về và đọc trước mặt con một cách say sưa, khiến con tò mò chạy lại hỏi xem mẹ đọc sách gì. Khi đặt trẻ ở thế chủ động, trẻ sẽ tự khám phá một cách hạnh phúc.
- Xu hướng tự học trên thế giới như thế nào, thưa chị?
- Homeschooling – Tự học tại nhà là một khái niệm còn mới nhưng mang tính chất hấp dẫn và hiện nay có nhiều phụ huynh đang tìm hiểu hướng đi này. Thực chất, phong trào giáo dục tại nhà hiện đại bắt đầu vào những năm 1970 ở Mỹ khi John Holt, một nhà lý luận giáo dục và người ủng hộ cải cách trường học, bắt đầu lập luận rằng các trường chính quy tập trung vào việc học vẹt tạo ra một môi trường lớp học áp đặt, giết chết sự sáng tạo của trẻ em.
Nhà giáo dục cùng thời Raymond Moore cho rằng việc đi học sớm là bất lợi cho trẻ em và trẻ em nên được học ở nhà đến tám hoặc chín tuổi để cung cấp cho chúng một nền giáo dục, tâm lý vững chắc và nền tảng đạo đức. Trải qua nhiều thời kỳ cho tới nay, homeschooling đã có những bước tiến nhảy vọt và được nhiều quốc gia hưởng ứng.
Các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay cũng luôn đề cao và ưu tiên hình thành nhân cách và đạo đức hay cảm xúc tâm hồn của trẻ bên cạnh ý thức tự học chủ động. Vì cốt lõi giá trị của giáo dục chính là định hướng nhân cách, lối sống tốt thì sự tự học tất nhiên sẽ diễn ra. Và gia đình chính là môi trường giáo dục quan trọng nhất để định hình và nuôi dưỡng nhân cách và kích hoạt tài năng của trẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Anh là tác giả của nhiều đầu sách tự học tiếng Anh, nổi bật là bộ sách tự học nói tiếng Anh đang phát hành “Nói tiếng Anh cực chất với 150 tình huống Việt” được nhiều độc giả yêu thích.
- Dự định sắp tới của chị là gì?
- Bên cạnh xuất bản những cuốn sách cho các bạn trẻ, sắp tới, tôi sẽ triển khai các sản phẩm tự học tiếng Anh dành cho trẻ em, như mở kênh youtube, hay các app tự học. Với sự quan tâm ngày càng lớn của phụ huynh về vấn đề hình thành ý thức tự học cho trẻ, tôi cũng đã nhận được nhiều câu hỏi từ bố mẹ về các vấn đề riêng của con mình. Vì vậy, tôi đang hoàn thiện các dự án riêng dành cho phụ huynh, làm sao để có thể đồng hành với từng phụ huynh thúc đẩy mỗi bé phát triển các tài năng khác nhau.
Ngoài ra, bé Sena cũng có những kế hoạch của con chủ yếu là những dự án đồng hành với các bạn khám phá tiếng Anh và những môn học bằng tiếng Anh.
Với phụ huynh, tôi xin được nhấn mạnh lần nữa hạnh phúc của con được nuôi dưỡng từ tình yêu và sự tôn trọng của bố mẹ đối với con. Mọi thói quen tốt của con đều được định hình rõ ràng nhờ sự kiên trì, thấu hiểu, tôn trọng con.
Nguyễn Phượng
Theo VNE
Vì sao người Singapore giỏi tiếng Anh?
Người Singapore giỏi tiếng Anh phần lớn nhờ vào tầm nhìn và chính sách song ngữ của Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore.
Theo bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh năm 2019 của Tổ chức giáo dục EF Education First (EF), Singapore đứng thứ năm trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Năm 2018, quốc gia này đứng thứ ba, vượt qua Na Uy, Đan Mạch để xếp sau Thuỵ Điển, Hà Lan.
Singapore có nền văn hóa đa dạng với ba nhóm dân tộc chính gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia. Việc này đặt ra câu hỏi tại sao quốc gia không có người bản ngữ nói tiếng Anh lại đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh?
Tiến sĩ Minh Tran, một trong những tác giả của báo cáo EF, cho rằng người Singapore giỏi tiếng Anh phần lớn nhờ vào tầm nhìn và chính sách song ngữ của Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore. Cố thủ tướng Diệu tin rằng việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi là chìa khóa để xây dựng nền kinh tế của quốc đảo này và phát triển khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Theo kế hoạch, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính được giảng dạy tại các trường học Singapore trong khi tiếng Quan Thoại, tiếng Malay và tiếng Tamil tương ứng với ba nhóm dân tộc Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ sẽ là môn học phụ. Từ những năm 1960, phương pháp giáo dục song ngữ đã được chính phủ Singapore thông qua và đưa vào chương trình học bắt buộc.
Năm 1987, Singapore trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới coi tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy cho hầu hết môn học, bao gồm toán, khoa học và lịch sử. Vào những năm 1980, quốc gia này chuyển sang phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường thông qua giao tiếp (CLT), trong đó trọng tâm là tạo bối cảnh thực tế để học sinh có cơ hội vận dụng, thực hành nghe nói tiếng Anh. Phương pháp CLT thay cho việc chỉ tập trung vào các quy tắc ngữ pháp, từ vựng trừu tượng, khó nhớ.
Vào những năm 1991, 2001, 2010, Singapore không ngừng đổi mới việc giảng dạy tiếng Anh thông qua hoạt động ngoại khóa và thiết kế trang web học tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông.
Học sinh Singapore sử dụng tiếng Anh trong lớp học. Ảnh: Shutterstock.
Đối với các môn học khác, giáo viên sẽ có cách dạy để vừa cung cấp kiến thức vừa cho học sinh cơ hội sử dụng tiếng Anh. Ví dụ, đối với bộ môn Khoa học, giáo viên sẽ giúp học sinh nâng cao khả năng ngữ pháp tiếng Anh thông qua việc đọc hiểu các khái niệm. Giáo viên Toán học sẽ phát triển kỹ năng suy luận Toán học và thảo luận vấn đề bằng tiếng Anh để nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng nghe, nói. Cách tiếp cận này giúp học sinh phát triển khả năng tiếng Anh trong mọi bộ môn, từ môn ngôn ngữ đến toán học, khoa học.
Năm 2011, Học viện Anh ngữ Singapore ra đời với nhiệm vụ nâng cao trình độ, khả năng giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên. Học viện thúc đẩy phương pháp CLT, yêu cầu chính phủ cam kết nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh.
Kế hoạch của cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã thành công. Hiện nay, tại Singapore, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giao tiếp chung ngoài xã hội, trên đường phố hay trong trường học, văn phòng. Tiếng Anh đã góp phần đưa Singapore trở thành cường quốc kinh tế, là nơi giao thoa thương mại quốc tế và cũng là điểm đến du học hàng đầu của sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Đông Nam Á.
Bên cạnh thay đổi phương pháp giáo dục, chất lượng giáo viên cũng được chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm. Giáo viên dạy ngôn ngữ được đào tạo chuyên sâu, trả lương hậu hĩnh và nhận nguồn tài trợ dồi dào từ chính phủ. Giáo viên nước ngoài tại Singapore cũng rất được coi trọng và được trả công xứng đáng.
Minh Tran lưu ý, thành công của Singapore trong việc sử dụng tiếng Anh trái ngược với một số quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận. Ông lấy ví dụ Nhật Bản, đứng thứ 49 năm 2018, thứ 53 năm 2019 trong bảng xếp hạng EF được xếp vào nhóm sử dụng tiếng Anh ở mức thấp và Hàn Quốc, đứng thứ 31 năm 2018, thứ 37 năm 2019 được xếp vào nhóm sử dụng tiếng Anh ở mức vừa phải. Hai quốc gia này có quy mô dân số và diện tích quốc gia lớn khiến việc đưa tiếng Anh vào giáo dục hoặc giao tiếp hàng ngày gặp khó khăn.
Ngoài ra, Tran nhấn mạnh yếu tố văn hóa cũng ảnh hưởng đến khả năng sử dụng tiếng Anh của người dân. Ở Hàn Quốc, việc tập trung nhiều vào các bài kiểm tra, môi trường học áp lực cao khiến học sinh không thể chuyên tâm học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, Tran cho biết vì tập trung nhiều vào tiếng Anh, Singapore đang phải trả giá. Chiến dịch học tiếng Anh của chính phủ năm 2000 bị chỉ trích đàn áp việc sử dụng Singlish (ngôn ngữ trên cơ sở tiếng Anh được dùng ở Singapore) và gây hạn chế đối với những người lớn tuổi sử dụng phương ngữ (như tiếng Quan Thoại, tiếng Malay, tiếng Tamil).
Năm 2018, một học sinh Singapore đã viết thư gửi chính phủ, cho hay: "Cháu tin Singlish là một phần văn hóa của đất nước ta và giúp chúng ta sát lại gần nhau hơn. Vì vậy, chúng ta không nên coi thấp Singlish".
Vấn đề đặt ra cho chính phủ Singapore là thách thức mà một số quốc gia khác đang phải đối mặt, như Ireland, nơi tiếng Anh đang dần thay thế ngôn ngữ bản địa trong đời sống xã hội. Minh Tran kết luận rằng khi thế giới chuyển sang nền tảng đa ngôn ngữ, việc dùng ngôn ngữ mẹ đẻ hay sử dụng tiếng Anh là chưa đủ. Quốc gia sẽ thành công nếu biết cân bằng vấn đề đa ngôn ngữ.
Tú Anh
Theo Quartz, The Pie/VNE
Nghệ An: Nâng cao năng lực giáo viên tiếng Anh trường trung học trọng điểm 100 giáo viên tiếng Anh của 14 trường trung học trọng điểm trên toàn tỉnh Nghệ An đã hoàn thành khóa tập huấn giáo viên về phương pháp ứng dụng chương trình English Discoveries tích hợp trong giảng dạy tiếng Anh. Giáo viên tiếng Anh các trường trung học trọng điểm tại Nghệ An tham gia tập huấn Chiều ngày 27/12, Sở GD&ĐT...