Chuyên gia cảnh báo Anh có nguy cơ đối mặt với đợt phong toả mới vào Giáng sinh
Một cố vấn nổi tiếng của chính phủ về COVID-19 cảnh báo nước Anh có thể phải đối mặt với đợt phong toả mới vào dịp Giáng sinh trong bối cảnh virus lây lan nhanh như hiện nay.
Các ca mắc mới ở Anh có thể đạt mức kỷ lục 100.000 ca mỗi ngày vào mùa đông tới. Ảnh: Getty Images
Theo trang The Guardian (Anh), Giáo sư Peter Openshaw, thành viên của Nhóm cố vấn về các mối đe dọa virus hô hấp mới và khẩn cấp (Nervtag), cho biết số ca mắc và tỷ lệ tử vong hiện nay ở Anh là rất đáng báo động. Ông nhấn mạnh cần phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như làm việc tại nhà và đeo khẩu trang để chặn đà lây nhiễm của dịch bệnh.
Cảnh báo của ông Openshaw được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo y tế, bao gồm cả người đứng đầu Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và chủ tịch hội đồng Hiệp hội Y khoa Anh, kêu gọi rằng “đã đến lúc” chính phủ cần thiết lập những hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Khi được hỏi về khả năng phong toả trong mùa đông, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết “hoàn toàn không có nguy cơ xảy ra điều đó”. Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak cũng nhấn mạnh việc triển khai vaccine và tiêm mũi tăng cường sẽ khiến việc phong toả hoặc “những hạn chế kinh tế đáng kể khác” khó có thể xảy ra.
Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã thừa nhận vào đầu tuần này rằng Anh có thể ghi nhận kỷ lục 100.000 ca mắc mới mỗi ngày, nhưng Phố Downing khẳng định NHS vẫn có khả năng dự phòng. Ngoài ra, các biện pháp phòng dịch mùa đông theo “kế hoạch B” sẽ chỉ được kích hoạt nếu hệ thống y tế chịu áp lực lớn.
Video đang HOT
Trong chiến dịch tại Anh, “Kế hoạch B” được hiểu là tình huống dự phòng, sẽ được đưa ra áp dụng nếu số ca mắc mới tăng vọt, vượt quá ngưỡng chịu đựng đối với NHS. Nó bao gồm các nhóm giải pháp như đeo khẩu trang bắt buộc trong nhiều hoạt động, khuyến khích làm việc từ xa, kích hoạt “chứng nhận vaccine” trong tham gia hoạt động xã hội, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức.
Lối vào một trung tâm tiêm vaccine COVID-19 ở Manchester. Ảnh: Getty Images
Song Openshaw cho biết rằng ông lo sợ “nếu không hành động sớm, nước này có thể phải đối mặt với một đợt phong toả khác vào dịp Giáng sinh”.
“Chúng ta cần phải triển khai ngay lập tức các biện pháp y tế cộng đồng. Việc trì hoãn sẽ khiến tình hình nghiêm trọng hơn. Nếu trì hoãn, thậm chí chúng ta sẽ phải áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn sau này. Hành động ngay lúc này là hoàn toàn cần thiết nếu chúng ta muốn kiểm soát được mọi thứ”, ông nói.
Ông nhấn mạnh việc áp dụng các biện pháp phòng dịch ngay lúc này sẽ “giảm tốc độ lây truyền của virus là chìa khóa để có “một Giáng sinh tuyệt vời bên gia đình, nơi tất cả chúng ta có thể đoàn tụ với nhau”.
“Để tình trạng lây nhiễm như hiện nay tiếp diễn là điều không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ rằng các bệnh viện ở nhiều nơi trên đất nước thực sự đang gặp áp lực rất lớn. Trò chuyện với những người ở tuyến đầu, tôi nghĩ rằng không bền vững nếu cứ tiếp tục để virus lây lan với tốc độ này”, ông Openshaw cho biết.
Ông kêu gọi thay vì chờ đợi chính phủ tái áp đặt các hạn chế, người dân nên tự thực hiện các biện pháp phòng dịch đề để làm chậm quá trình lây lan virus, bao gồm hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và đến không gian đông đúc nếu có thể, tiêm phòng và chấp nhận đề nghị tiêm mũi tăng cường.
“Tất cả chúng ta đều hành động càng sớm thì tốc độ lây truyền này càng nhanh giảm và triển vọng có một Giáng sinh bên gia đình càng lớn”, ông nói.
Nhiều bệnh viện ở Anh đang đối mặt với tình trạng quá tải. Ảnh: Getty Images
Trong khi đó, các thành viên của Nhóm Cố vấn Khoa học về Các trường hợp Khẩn cấp (Sage) cho rằng sự gia tăng ca nhiễm như hồi tháng 1 sẽ rất khó xảy ra. Các chuyên gia khác cũng dự đoán đường cong dịch bệnh sẽ phẳng hơn dù virus tiếp tục lây lan. Tuy nhiên, trong cuộc họp gần đây, Sage cho biết các biện pháp nằm trong “kế hoạch B” của chính phủ sẽ hiệu quả nhất nếu được triển khai đồng loạt và sớm hơn.
Các nhà lãnh đạo công đoàn đại diện cho 3 triệu nhân y tế tuyến đầu cũng cảnh báo nước Anh có nguy cơ tiếp tục phải đối mặt với “một mùa đông hỗn loạn” nữa nếu chính phủ không hành động khẩn cấp, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang trong các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Song dù chính phủ chưa đưa ra hướng dẫn chính thức, giới chức y tế ở nhiều địa phương trên khắp nước Anh đang khuyến nghị thực hiện biện pháp “kế hoạch B”, bao gồm đeo khẩu trang và làm việc tại nhà, để ngăn chặn sự gia tăng các ca mắc tại khu vực của họ.
Hôm 20/10, Anh đã ghi nhận gần 50.000 ca mắc mới và 179 ca tử vong, mức cao nhất kể từ tháng 3. Thêm vào đó, số người nhập viện vì COVID-19 đã tăng 11% trong một tuần. Đến nay, Anh đã ghi nhận trên 8,7 triệu ca nhiễm và vượt ngưỡng 139.400 ca tử vong. Đây là 1 trong những nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới.
Mỹ cảnh báo những khó khăn trong chuỗi cung ứng sẽ kéo dài đến năm 2022
Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg ngày 17/10 cảnh báo các rắc rối trong chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến mùa mua sắm nghỉ lễ sắp tới và kéo dài đến năm 2022.
Người dân chọn mua hàng sale trong ngày Black Friday tại cửa hàng của hãng Macy ở New York, Mỹ ngày 27/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trong chương trình tọa đàm của Đài truyền hình CNN, ông Buttigieg nhấn mạnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang làm mọi thứ có thể để giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng, đường sắt và đường bộ quá tải và sẽ "đánh giá lại tất cả các khả năng" để giải quyết vấn đề này. Theo Bộ trưởng Buttigieg, cuộc khủng hoảng nguồn cung đang trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu bị dồn nén bất thường ở Mỹ. Ông cho biết doanh số bán lẻ đang ở mức cao, nhu cầu tăng vọt và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Mỹ đang không thể theo kịp.
Với kỳ nghỉ lễ Giáng sinh sắp đến khi nền kinh tế Mỹ đang phục hồi sau dịch COVID-19, các nhà bán lẻ đang thực hiện các bước đi chưa từng có để cố gắng vượt qua vô số trở ngại của chuỗi cung ứng. Cảng Los Angeles đã cam kết bắt đầu hoạt động 24 giờ/ngày nhằm giảm tắc nghẽn.
Bàn về ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ, cố vấn kinh tế trưởng của Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Allianz, Mohamed El-Erian cảnh báo về "tình trạng thiếu hụt mọi thứ". Phát biểu trên chương trình "Fox News Sunday" về cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, ông cho biết: "Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi vấn đề được cải thiện. Vì vậy, hàng hóa sẽ khan hiếm hơn, giá cả sẽ cao hơn, lạm phát sẽ vẫn ở mức 4-5%. Cần có thời gian để giải quyết những điều này".
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang vận lộn với việc thông qua 2 dự luật trong chương trình nghị sự quốc nội của Tổng thống Biden, gồm dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD để nâng cấp đường sá, cầu cảng và chương trình chi tiêu xã hội lớn hơn thế mang tên "Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn" ("Build Back Better"). Dự luật cơ sở hạ tầng có sự ủng hộ của lưỡng đảng. Tuy nhiên, gói thầu khổng lồ nhằm mở rộng mạng lưới an toàn xã hội về giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu vấp phải sự phản đối từ ngay bên trong đảng Dân chủ của Tổng thống Biden cũng như từ các đảng viên Cộng hòa, khiến ông Biden phải cân nhắc rút lại.
Indonesia sẽ hoàn tất tiêm chủng cho người cao tuổi trước Giáng sinh 2021 Ngày 11/10, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết quốc gia này sẽ hoàn tất tiêm chủng phòng COVID-19 cho người cao tuổi trước lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới. Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bandung, Tây Java, Indonesia, ngày 2/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN...