Chuyển đổi hình thức quản lý hộ khẩu: Sớm ngày nào, người dân đỡ mệt mỏi ngày đó
Hiện có khoảng 2.705 các loại thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu các thông tin cơ bản của công dân. Nhiều loại thông tin, giấy tờ, thủ tục phải khai đi, khai lại rất nhiều lần.
Người dân đang làm thủ tục hành chính trên địa bàn TP.Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, người dân rất mong đợi và kỳ vọng việc triển khai cơ sở dữ liệu dân cư và ứng dụng điện tử hóa TTHC sẽ loại bỏ những rườm rà do các loại thủ tục gây ra.
Rườm rà các loại thủ tục
Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) của Bộ Công an cho biết: Hiện nay có khoảng 2.705 TTHC có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân. Trong 5.400 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 TTHC yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân. Có khoảng 70 TTHC yêu cầu xuất trình giấy khai sinh hoặc bản sao.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay công dân đang phải thực hiện quá nhiều các loại thủ tục, giấy tờ, mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện các TTHC.
Anh Vũ Thanh Bảo (SN 1988, quê gốc Thanh Hóa, trú tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, để thuận tiện hơn cho công việc của mình, các giao dịch tại nơi cư trú, các thủ tục nhập học cho con cần phải có sổ hộ khẩu gia đình. Để làm sổ hộ khẩu mới, anh Bảo phải về Thanh Hóa cắt khẩu ở quê.
Cùng với đó, anh phải mất nhiều lần đi lại để hoàn thiện các giấy tờ như đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con, chứng minh thư nhân dân của 2 vợ chồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phải xin nghỉ mấy ngày, sắp xếp các công việc cá nhân, anh mới có thể hoàn thành các loại giấy tờ trên. Ngày đã có đủ các loại hồ sơ, anh Bảo đến văn phòng quận để làm sổ hộ khẩu mới. Cán bộ văn phòng đưa cho anh tờ khai để kê khai các thông tin và sau đó gần 1 tháng, anh mới nhận được trong tay cuốn sổ hộ khẩu mới để giải quyết công việc.
Đó chỉ là câu chuyện liên quan đến việc làm sổ hộ khẩu. Trên thực tế, công dân phải thực hiện hàng trăm loại giấy tờ khác nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Cần quyết tâm bỏ bớt các thủ tục
Theo Bộ Công an, nếu triển khai quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân và khai thác thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình các loại giấy tờ như hiện nay sẽ cắt giảm được các TTHC, giấy tờ và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện TTHC.
Khi ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC sẽ giúp giảm chi phí ước tính khoảng 1.600 tỉ đồng mỗi năm từ việc công dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình; không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.
Video đang HOT
Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện cho rằng: Việc triển khai cơ sở dữ liệu về dân cư, quan điểm là phải bỏ bớt đi các thủ tục rườm rà từ trước nay. Việc này nhằm đảm bảo sự tích hợp để dữ liệu công dân được sử dụng trong nhiều việc khác nhau. Nếu chúng ta thiết kế và tích hợp được như vậy thì sẽ thuận tiện hơn cho quyền và lợi ích của người dân rất nhiều.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước sẽ tốt hơn. Đảm bảo cho nhà nước kiến tạo để phục vụ nhân dân.
“Việc này có tính liên thông và sử dụng chung. Chứ không phải cơ sở này cơ quan này giữ, cơ sở kia cơ quan khác giữ. Mỗi khi công dân có công việc liên quan phải giải quyết mất rất nhiều thời gian. Xây dựng được dữ liệu công dân, đưa vào quản lý mã số định danh, loại bỏ các giấy tờ, thủ tục rườm rà sẽ giúp thuận lợi cho người dân cả về hình thức và chất lượng phục vụ nhân dân. Việc này sẽ tránh phiền hà cho người dân, ví dụ những giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân phải photo nhiều lần, loại thủ tục gì cũng cần đến” – ông Nhưỡng nói.
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trường hợp sử dụng, quản lý dữ liệu điện tử thì cần phải có giải pháp kỹ thuật để chứa được một hệ thống thông tin khổng lồ. Chứa được, giữ được, bảo mật được là vấn đề cần phải lưu ý. Bởi hiện nay trên thế giới việc bị hacker lấy dữ liệu đang diễn ra khá phổ biến. Để tránh trường hợp thông tin cá nhân của người dân bị lộ lọt, bị lấy cắp, thậm chí bị xóa tất cả dữ liệu thì cần phải có một chìa khóa bảo mật dữ liệu.
Ngoài ra, cũng cần phải quy định ai được tiếp cận dữ liệu này để đảm bảo được đời tư. Thêm vào đó, khi triển khai việc này cần phải xây dựng sửa đổi một số văn bản pháp luật và một số văn bản nhỏ. Ví dụ Luật Công chứng, khi các cá nhân tham gia giao dịch thì đều phải có chứng minh thư, hộ khẩu.
“Nếu giờ không còn hộ khẩu mang đến nữa thì xử lý ra sao. Ai là người trích dữ liệu ra? Hay là các văn phòng công chứng được trích dữ liệu đó ra. Vấn đề này lại quay về chuyện bảo mật” – luật sư Tú nói.
Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc quản lý cư dân bằng mã số định danh thay vì quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy là một sự tiến bộ rõ rệt trong quá trình cải cách TTHC. Người dân rất phấn khởi khi bỏ được hộ khẩu bởi trước đây hộ khẩu ràng buộc họ quá nhiều, cái gì cũng liên quan đến hộ khẩu, quyền gì cũng phải liên quan đến hộ khẩu.
“Bỏ hộ khẩu tức là bỏ tờ giấy, bỏ công cụ thô sơ, thay vào đó là quản lý bằng công nghệ. Khi mỗi người dân có một mã số định danh thì lúc đó quản lý một cách rất dễ dàng. Trường hợp nếu đi làm TTHC chỉ cần lên máy tính ấn vào mã số là hiện rõ tất cả các thông tin” – luật sư Ứng chia sẻ.
VƯƠNG TRẦN – CAO NGUYÊN
Theo saostar
Bao giờ mới bắt đầu bỏ sổ hộ khẩu?
Theo thông tin từ Bộ Công an, chưa thể ấn định thời gian sẽ bỏ Sổ hộ khẩu, bởi việc này phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 thông tin cơ bản và việc kết nối với các bộ ngành đang quản lý các thông tin khác để đơn giản hoá thủ tục, giấy tờ công dân.
Bộ Công an dự kiến đến năm 2019 sẽ thu thập đủ 15 thông tin cơ bản của công dân để hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, việc quản lý dân cư hiện nay do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước. Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Chính vì thế công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe các loại, chứng chỉ,...
Thông tin trong các loại giấy tờ này có nội dung trùng lặp (họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch,...) nên khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau, nhưng khi tham gia giao dịch lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ công dân để chứng minh tình trạng nhân thân của mình.
Tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu đã gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và gây lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 896 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đến năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ 1/1/2016), quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Công an thống nhất, quản lý.
Tháng 3/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07, giao Bộ Công an khẩn trương tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Thông qua việc thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương tới địa phương để dùng chung, nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư.
Thu thập 15 thông tin cơ bản của người dân
"Khi có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính"- đại diện Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục Cảnh sát cho hay.
Để việc triển khai thu thập thông tin dân cư đạt hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, Bộ Công an đề nghị mỗi công dân, căn cứ vào các giấy tờ tùy thân như Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân (hoặc thẻ Căn cước công dân), Giấy khai sinh,...đã được cấp và hướng dẫn của cơ quan công an kê khai đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cơ bản theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Luật Căn cước công dân của bản thân và người thân trong hộ gia đình vào Phiếu thu thập thông tin dân cư.
Theo đó, 15 thông tin cơ bản sẽ được công an trên cả nước thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2. Ngày, tháng, năm sinh; 3. Giới tính; 4. Nơi đăng ký khai sinh; 5. Quê quán; 6. Dân tộc; 7. Tôn giáo; 8. Quốc tịch; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Nơi thường trú; 11. Nơi ở hiện tại; 12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; 13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; 15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
12 số trên thẻ Căn cước công dân sẽ là mã số định danh cá nhân của mỗi người dân- chìa khóa giải quyết thủ tục hành chính trong tương lai.
Trao đổi với PV Dân trí, thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia từ nhiều "nguồn": Tàng thư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú do Bộ Công an quản lý; Cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác qua việc xử lý chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư. Đối với những công dân chưa có thông tin hoặc thông tin chưa đầy đủ thì sẽ được thu thập, cập nhật từ công dân.
Hơn nữa, thông qua việc tổ chức đăng ký cư trú tại công an các xã/ phường/thị trấn sẽ dần dần cập nhật đầy đủ thông tin đối với mỗi công dân.
Bộ Công an đang đặt ra lộ trình đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thể hoàn thành thu thập thông tin của trên 90 triệu dân, cấp số định danh cá nhân cá nhân (12 số trên thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân, còn trẻ em mới ra đời sẽ được cấp ngay một số định danh cá nhân để ghi vào Giấy khai sinh - PV) triển khai hạ tầng từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn.
Khi đó, theo ông Phú, các ngành khác phải sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kết nối với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân có quyền được khai thác thông tin của mình trong đó để giải quyết thủ tục hành chính và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác.
Để đảm bảo thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kịp thời, mỗi người dân cũng có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin khi có sự thay đổi theo quy định. Xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin nhân thân phục vụ việc kiểm tra, xác thực tính chính xác của thông tin dân cư được kê khai trong Phiếu thu thập thông tin dân cư.
Bao giờ bắt đầu bỏ Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân?
Do 12 số trên thẻ Căn cước công dân cũng đồng thời là số định danh cá nhân nên sau này khi công dân xuất trình Căn cước công dân theo yêu cầu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã nêu trên.
Khi có cơ sở dữ liệu rồi, công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Trong đó, mã số định danh được coi là chìa khóa, để các cơ quan nhà nước tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm lấy ra các thông tin về công dân phục vụ mục đích giải quyết thủ tục hành chính.
Chưa thể ấn định được thời gian xóa Sổ hộ khẩu.
Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân sẽ bị xóa bỏ.
Trả lời câu hỏi về việc bao giờ có thể xóa được Sổ hộ khẩu, Thượng tá Trần Hồng Phú cho rằng cần có lộ trình để có đánh giá cho đầy đủ hơn bởi ở Việt Nam, công tác quản lý, chính sách an sinh xã hội đang gắn theo hộ gia đình.
"Chúng ta thực hiện chính sách theo hộ gia đình nên để bỏ được sổ hộ khẩu cần có lộ trình điều chỉnh quy định xã hội khác để tiến tới khi thực hiện chính sách quản lý nhà nước, an sinh xã hội hướng tới từng cá nhân một thì sẽ bỏ được hộ khẩu. Khi các ngành không cần thông tin trong cái sổ đó nữa thì cái sổ sẽ tự mất giá trị"- ông Phú nói.
Chính vì thế đến thời điểm này chưa thể khẳng định bao giờ có thể bắt đầu xóa bỏ Sổ hộ khẩu.
Ngoài ra, theo Luật Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày 1.1.2016 có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Hiện nay việc cấp thẻ Căn cước công dân thay thế Chứng minh nhân dân đang được Bộ Công an triển khai ở 16 địa phương trên cả nước, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.
Theo Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ đầu năm 2020 toàn bộ các địa phương trên cả nước phải tiến hành cấp Căn cước công dân thay thế Chứng minh nhân dân.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Ngọc Kỷ (nguyên cán bộ Cục Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an - một chuyên gia về căn cước công dân) cho rằng cần phải tập trung điện tử hóa và hợp nhất các hệ quản ý dân cư hiện hành (căn cước công dân, hộ khẩu và hộ tịch) làm Cơ sở dữ liệu dân cư gốc và phát triển các dịch vụ trên mạng, tạo điều kiện kết nối các hệ thống chuyên ngành khác. Chỉ có như vậy mới "bền", "chắc" và khoa học.
Theo Thế Kha (Dân Trí)
Cả nước sẽ được cấp số định danh cá nhân vào năm 2019 Nhấn mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính phải thực chất, không được hình thức, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành liên quan đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục mở rộng việc cấp số định danh cá nhân tại các địa phương, bảo đảm đến năm 2019 cả 63 tỉnh, thành phố đều được cấp số định...