Chuyện dâu mới về nhà chồng ai đọc cũng phải ôm bụng cười
Đoàn xe hoa rồng rắn khắp nơi. Bình thường 2 nhà cách nhau chưa đến 2km nhưng dễ hôm nay phải đi cả vòng quanh thành phố, 7,8km chứ chả chơi. Tới nơi, vào nhà lễ gia tiên trước đã. Thấy cả bà ngoại, bố mẹ chồng tươi cười hớn hở ra đón.
Đám cưới
Ngày cưới trời mưa tầm tã. Ai bảo chọn thời gian nào không chọn, lại chọn đúng tháng 2 tháng mưa dầm. Cách ngày cưới gần chục ngày, trời đã đổ mưa, và cứ thế mưa không dứt. Mọi thứ nhão nhoét, ẩm ướt, ngập ngụa, nghĩ mà rầu lòng. Cứ thấy giá mà giống bọn tây thích ngày nào là đi đăng kí, bước vào nhà thờ với người làm chứng rồi quay ra với bản mặt just married mà lại sướng. Nhớ lại cả ngày hôm qua đứng tiếp khách, trời thì vừa mưa vừa lạnh, em thì co ro trong bộ áo dài cho nó truyền thống, mỏi hết cả người mà thấy khách vẫn phải cố trưng ra cái bản mặt tươi cười mà oải quá, chỉ muốn vùi đầu vào trong chăn ngủ tiếp thôi.
“Chát chát bùm…” Ối trời ơi đến chết mất thôi, không cho người ta ngủ lấy 1 tí. Tối qua phấp phỏng không yên, có ngủ được mấy đâu hả trời.
“Hằng, con không dậy đi à, hơn 7h rồi, chuẩn bị rồi còn tiếp khách, rồi người ta còn đến đưa dâu nữa?” tiếng mẹ vọng vào
“Dạ, con dậy đây”. Mắt nhắm mắt mở, em bước ra cửa. Theo thói quen liếc vào cái gương trên tường. Trông kinh quá, ai bảo cô dâu lúc nào cũng là người đẹp nhất nào. Trông chả khác gì con điên. Mà nhạc với chả nhẽo, điếc tai quá. Hôm nay là ngày hạnh phúc, mà cứ là ngày hạnh phúc thì phải xài cái loại nhạc giậm giựt này à? Hạnh phúc lắm lúc cũng cần cái biển hiệu cho nó kêu.
Vệ sinh cá nhân xong, cố làm bát bún, hộp sữa rồi ngồi nói chuyện với mấy người họ hàng ở trên quê đến từ hôm qua.
- “Chị ơi, thế cái cổng nhà mình không trang trí gì à, có mỗi cái cổng sắt thôi à” – thằng em trai chạy vào hỏi.
- Ơ, tao quên khuấy mất. Tại hôm qua ăn cỗ ngoài khách sạn rồi, hôm nay chỉ đón dâu với làm mấy mâm cho họ hàng nên quên hẳn vụ này. Hình như có mấy túi bóng bay trái tim trong cái tủ đầu giường chị ý, mang ra đây thổi rồi treo đại lên.
Thế là sau đó cả họ hàng hang hốc nhà em xúm nhau vào thổi bóng bay, buộc với chả kết. Mấy bác có tuổi thổi được mấy cái thì hết cả hơi, đành nhận chân buộc bóng vậy. Còn cô dâu cũng chả kém gì, phùng mang trợn má lên thổi, kiểu này miệng có khi mỏi quá chả hôn được chồng nữa chứ chả đùa.
Xong vụ bóng bay mới có hơn 9h, theo lịch tận 13h30 mới đón dâu. Tiên sư cái ông thầy bói, giờ em biết làm gì cho đến lúc đó đây, chả lẽ lại đi ngủ tiếp.
10h, quyết định phải ăn cỗ cùng với mọi người. Đám cưới của mình mà, cũng phải biết cỗ bàn ra sao chứ. Đang ăn đến bát thứ 2 thì mẹ bảo: “Thợ trang điểm đến rồi, con ăn cho xong đi”.
Chan vội bát canh húp cho xong chuyện, le te chạy vào phòng.
- Em không hồi hộp à? Vẫn ăn uống ngon lành nhỉ? – thợ trang điểm vừa cười vừa hỏi.
Video đang HOT
- Lấy chồng chứ có phải cái gì to tát đâu mà không ăn được hả chị? Nó cũng chỉ đơn giản là mình chuyển từ cái nhà này sang cái nhà khác thôi mà.
Sau đó là gần 2 tiếng đồng hồ ngồi im chịu trận cho người ta tô tô vẽ vẽ, làm tóc làm tai. Thấy chị ý bảo ngày hôm nay nhiều đám cưới dã man, có cô dâu 2h sáng đã phải tới studio để trang điểm mới thấy tự phục mình khôn ngoan, mất thêm tí tiền, chả phải đi đâu lại có người tới tận nhà phục vụ. Khoác xong cái váy cưới quây vào người, thấy mình chả khác gì manocanh cả. Dưng mà trời lạnh quá, mặc thế này đến viêm phổi mất. Nhớ đến chuyện hôm nọ có ai kể có cô dâu nào lấy chồng tận Yên Bái, trời rõ lạnh nhưng cũng mặc áo quây như mình (mốt mới mà), đi xe thì say mà còn oai chả mặc thêm áo khoác, lên tới nhà chồng thì ốm rồi qua đời mà hãi quá. Thôi em chả dại, em chả muốn chết sớm thế đâu, em là em cứ khoác thêm cái áo choàng lông cho nó chắc, ních thêm cái quần tất nữa là xong.
Trang điểm xong cứ ngồi ở trong buồng, chờ chú rể đến đón. Ai lại đưa ra cái luật lệ rõ phiền như thế nhỉ. Nhỡ mà em buồn… thì em biết tính sao ? Lạy chúa, may mà chưa đến cái nước ấy, nhưng chỉ riêng cái khoản cứ phải cười với ngồi trân ra cho hết người này người kia đến xem và bình loạn về cô dâu cũng khiến em phát ốm rồi. Sao mà lâu thế, mãi chưa đến giờ nhỉ? Ngồi không chả biết làm gì, bắt đầu nghĩ linh tinh. Mình đi lấy chồng rồi, ở nhà chắc vắng vẻ lắm đây. Ai nấu cơm cho bố mẹ ăn nhỉ? Trong lòng thấy buồn ghê gớm, lúc nghe thấy có người bảo: “cháu đứng lên đi, chú rể sắp vào phòng xin dâu đấy” thì thấy muốn òa lên khóc, nước mắt bắt đầu rơm rớm. Dưng mà khi vừa trông thấy bản mặt của chú rể thì em phá lên cười, cười như điên. Bây giờ là thời đại nào rồi mà chú rể còn đánh phấn tô son như phường chèo thế kia. Đến chết mất thôi, chồng ơi là chồng. Sau đó thì đi cúng gia tiên thế nào em cũng chả nhớ rõ nữa, chỉ nhớ mỗi lần thấy bản mặt của chồng là em không nén được lại phá ra cười. Nhờ thế mà lúc chụp ảnh với mọi người mặt em tươi như hoa. Theo chàng ra đến cổng rồi vẫn còn nghe thấy tiếng bà nào thầm thì: “Cô dâu sao lại cười nhiều thế? Chắc lấy được chồng nên sướng quá đây mà. Nhưng cô dâu phải khóc 1 tí thì sau này mới được hạnh phúc”. Thôi chết em rồi, lấy đâu ra nước mắt bây giờ, tức cái mặt của ông chồng ghê, sau này em mà không được hạnh phúc là tại cái mặt của ông ấy hết. Bực mình quá.
Ra đến đường, may quá là trời lại tạnh mưa. Chắc trời thương cho cái thân em, lòng lại thấy phục cái ông thầy bói ghê, chọn đúng cái giờ không mưa mới lạ chứ. Mấy hôm nay thầm chửi ông ấy ghê quá, giờ phải xem xét lại. Lần tới có đứa bạn nào hỏi chỗ xem giờ cưới, nhất định phải chỉ cho nó chỗ của ông này.
Nhìn đến con xe hoa, lại qua ra hỏi chồng: “Sao em tưởng xe màu đen?”
- “Đen đâu mà đen. Xe đi mượn, chỉ có màu này thôi. Xe của sở Tài chính đấy, đi xe này cho nó có lộc”.
Ờ thì có lộc, sao bảo cấm không được dùng xe công vào mục đích tư cơ nhỉ? Thôi chả sao, có xe đi là tốt rồi. Đám cưới tiết kiệm chi phí ở mức thấp nhất có thể, miễn không tốn tiền là oke. Mà cái ông thợ ảnh với quay camera đâu ý nhỉ? Không chụp nốt cho nó xong để đi còn kịp giờ.
- “Thế thợ ảnh của n hà anh đâu?”
- “Làm gì có, mấy thằng bạn có máy kĩ thuật số rồi, còn máy quay thì có con Sony của cơ quan bố rồi, chắc thằng Thái đang quay”.
- “Thôi xong rồi, em tưởng nhà anh rút kinh nghiệm vụ ăn hỏi đi thuê thợ ảnh cho nó tử tế rồi chứ. Nhà em cũng không thuê, nhờ chú thợ ảnh trên bảo tàng mẹ thôi”
- “Cái ông chuyên chụp hiện vật cho bảo tàng á?”
- “Ờ thì ông ấy chứ ông nào, chụp hiện vật chắc cũng phải biết chụp người chứ”
Cả 2 đứa phá ra cười, đám cưới gì mà như đùa ý. Chả nghiêm túc gì cả. Mà có phải cưới chạy đâu, có đến 3 tháng chuẩn bị mà chả đâu vào với đâu. Thôi thì cưới lần đầu còn nhiều sai sót, nếu có lần 2 sẽ có kinh nghiệm hơn.
Đoàn xe hoa rồng rắn khắp nơi. Bình thường 2 nhà cách nhau chưa đến 2km nhưng dễ hôm nay phải đi cả vòng quanh thành phố, 7,8km chứ chả chơi. Tới nơi, vào nhà lễ gia tiên trước đã. Thấy cả bà ngoại, bố mẹ chồng tươi cười hớn hở ra đón. Quái sao em đọc cuốn phong tục Việt nam thấy bảo khi đón dâu mẹ chồng lánh mặt, ý là trao toàn quyền cho con dâu kể từ nay. Như thế này nghĩa là em từ giờ chỉ làm bà chủ nhỏ thui đúng không nhỉ?
Thôi kệ, cúng bái cho nó xong rồi còn ra rạp cưới nữa chứ. Em mỏi quá rồi, hơn 2 h chiều rồi có ít đâu. Ra đến rạp lại một màn tươi cười chào hỏi, rót nước, mời thuốc. Rồi đến 2 họ dặn dò. Sau đó là ngồi nghe hát. Cái này là lỗi của bố chồng, mãi tới khi cách ngày cưới có 2 ngày thì mới nhớ ra là phải mời người dẫn chương trình trong đám cưới. Hỏi hết người này người kia ai cũng bảo đã hộ đám cưới khác rồi (nghe đồn cái ngày cưới của em là ngày đẹp nhất năm, cả cái thành phố bé tí này nghe đâu có hơn 50 đám), chả còn khác nào khác ông gọi vào đoàn văn công tỉnh, thuê họ ra hộ đám cưới. Và ôi thôi, đủ các sao lớn, sao bé của đoàn lên phô diễn tài năng, đem lời ca chúc mừng cho hạnh phúc của anh chị, dễ chừng đến gần 2 tiếng chứ chẳng chơi, em ngồi nghe mà mệt đến mức muốn ngủ gật, chỉ mong nhanh nhanh chóng chóng được thay đồ đi ngủ thôi. Nhưng mà có được đâu, lên đến phòng đâu có được nghỉ ngơi gì, còn màn chụp ảnh phòng cưới nữa chứ.
- “Phòng cưới đây à, sao không thấy trang trí gì?” – chú thợ ảnh hỏi.
- “Thế chú không thấy chăn ga gối đệm mới, ảnh cưới treo trên tường mà chú lại hỏi thế”
Cơ mà cũng đúng thôi, ai bảo cái đứa sinh viên chết tiệt của em nó làm thế chứ. Nó bảo nó trang trí xe hoa, phòng cưới cho cô. Nó trang trí xe hoa xong thì nó lại bảo là nó về để chiều nó còn đi đâu ý, nó quên mất cái phòng cưới của em. Thôi thì cứ có cô dâu chú rể, chụp ảnh lên người ta khắc biết là đang ở trong phòng cưới, cần gì phải trang với chả trí, sau lại mất công gỡ. Mà đến chết với cái ông thợ ảnh nửa mùa, toàn chụp hiện vật mà cũng đòi bày tư thế tạo dáng cho người khác. Người ta cứ tạo dáng xong ông ý lại lắc đầu, chưa đúng như ý tưởng của ông ấy. Mỏi quá rồi, chụp mấy cái lấy vì thôi. Cám ơn sự nhiệt tình của ông thợ ảnh nhé, em chỉ cần từng ấy ảnh thôi. Em còn phải thay đồ, gội đầu, tắm giặt và đi ngủ đây. Mệt hết chịu nổi rồi.
Lúc tỉnh dậy thì đâu đã khoảng 7h tối, đi xuống nhà, thấy ông bà và bố mẹ chồng, chồng và em đang ăn cơm.
-”Con xuống rồi à? Mau vào ăn cơm đi” – tiếng mẹ chồng
-” Vâng. Sao không ai gọi con dậy?”
-”Thấy con ngủ ngon quá, không nỡ. Chắc con mệt lắm hả. cũng không phải nấu nướng gì đâu. Cỗ bàn mẹ để lại 1 ít, còn đâu chia nốt cho mọi người mang về rồi. Hôm nay ăn tạm thế đã”
- “Cho con 1 bát. Con cũng không đói lắm”
Cả nhà quây quần ăn uống. Ăn xong em đi rửa bát rồi ngồi chuyện phiếm với mọi người. Tới 9h thì ngáp ngắn ngáp dài, em xin đi ngủ trước. Hơn 10h chồng lên, chui vào chăn ôm vợ. Cảm thấy rất mệt nhưng ngủ không nổi, quay sang chuyện phiếm với chồng. 2 đứa cứ cà kê dê ngỗng đủ chuyện từ chuyện hồi quen nhau ra sao cho tới đám cưới thế nào. Đến lúc chồng mới giật mình nhớ ra:
“Thôi chết, hôm nay quên mất mục trao nhẫn cưới rồi”. Trời đất. lại cái thằng cha dẫn chương trình nửa mùa của bố chồng đây. Cứ hát và hát, quên mất cái hành động thiêng liêng nhất của người ta. Giờ thì ai làm chứng đây? Mỗi đứa nhón lấy 1 cái, tự mình đeo cho mình vậy. Khuya quá rồi, quay qua chồng hỏi:
- Anh có định làm gì nữa không?
- Không – chồng cười tinh quái – anh mệt hết hơi rồi, chả làm gì nữa đâu. Vợ có làm gì anh thì làm.
- Em cũng chả làm gì. Ôm nhau ngủ nhé?
- ừ, ngủ ngon vợ yêu.
- Ngủ ngon chồng yêu.
Theo blogtamsu
Sốc chuyện Tết của dâu mới về nhà chồng gần bãi tha ma
Nhà chồng em chỉ làm ruộng với trồng hoa màu nên nhìn chung là nghèo, cũng giông giống nhà đẻ em. Được cái chúng em đều thoát ly làm công nhân, nên không quá vất vả, thu tạm đủ chi tiêu.
ảnh minh họa
Em mới đi làm đôi ba năm nên để dành được không nhiều, lại mới cưới xong cũng lắm khoản. Đắn đo mãi, vợ chồng em quyết định biếu bố mẹ chồng hai triệu sắm tết, tầm ấy em nghĩ là hợp lý, vì mọi năm em cũng biếu mẹ đẻ thế.
Vậy nhưng vừa chân ướt chân ráo về bố mẹ chồng đã hất hàm bảo em năm nay dâu mới đi sắm tết nhé. Em ngỡ ngàng tưởng mọi thứ đã xong xuôi, trong lòng đôi chút hụt hẫng, em đành lấy số tiền dự phòng ra để đi chợ mua đồ.
Và càng ngày bố mẹ chồng càng khiến em ngạc nhiên hơn. Họ đều chưa đến năm mươi, song đã bàn bạc rằng muốn nghỉ ngơi dưỡng già, thế nên chúng em tự lo mà đi trả món nợ ngày trước ông bà vay cho chồng em học trung cấp. Em nghe mà toát mồ hôi, tối tăm mặt mũi.
Đã thế bố mẹ chồng cứ thi nhau kể, về việc trên thành phố kiếm tiền dễ lắm, con ông nọ ông kia, biếu bố mẹ những ngần này ngần nọ, thằng ấy mới đi làm vài năm đã mua được ô tô... Em nghe mà hoang mang, tự thấy mình kém cỏi chứ chẳng cần người khác phải nói.
Tết về quê, chồng có vẻ yên tâm, thích thú khi thấy vợ vui vẻ và yêu đời. Em chỉ ậm ừ, không giải thích nhiều. Thực ra thì nhà chồng em gần bãi tha ma, em chả làm gì khuất tất đâu, nhưng từ nhỏ cứ bị dọa thành ra hay sợ ma, rồi thần hồn nát thần tính. Mỗi lúc ngồi rửa bát ngoài ấy em sợ hết vía, nhất là cái sân giếng đằng sau nhà, gần cái búi tre, buổi tối gió từ ngoài bãi thổi vào rin rít, nghe rợn như trong chuyện Nguyễn Ngọc Ngạn hay đọc đêm khuya. Vậy là em cứ phải véo von hát, hát to, hát từ bài thuộc đến hơi thuộc, cho đến cả bài chỉ nhớ được cái giai điệu bập bõm...
Đã thế lúc đi chúc tết hàng xóm, người ta đã xây tường cao quá đầu người rồi mà chồng còn vô tư dướn người lên để chỉ cho em thấy mấy cái mộ lấp ló đằng sau. Rồi em run rẩy tả với đứa bạn thân, cách khoảng trăm mét là mấy cái mộ, chồng em còn gân cổ, "Làm gì đến trăm mét, hơn chục mét là có rồi", khiến em không ăn không ngủ nổi, chỉ mong hết tết. Không những vậy nhà chồng nhà vệ sinh không có, nhà bếp thì lụp xụp, ướt dột, cơ khổ.
Thấy chồng em kể, bao năm rồi toàn thế, nên năm nay kệ hai vợ chồng cúng bái, làm mọi việc. Vì nết nhà ông bà không trọng việc cỗ bàn hương khói, hoa quả qua quýt là được rồi.
Tết em chồng đi chơi bạt mạng, bố chồng cứ bỏ đi đánh chắn suốt, còn mẹ chồng thì sang nhà bà chị gái "buôn chuyện", với nhổ tóc sâu đến khuya buồn ngủ mới về. Đêm giao thừa không ai tiếp thì ngồi thức xem ti vi, con dâu làm gì mặc kệ.
Em buồn và chán kinh khủng, liền tâm sự với các chị ở công ty. Họ động viên năm đầu ai cũng thế hết, vì em chưa quen nên chưa thích nghi được, giờ phải cố hòa nhập vào gia đình chồng, cái gì tốt thì phát huy, xấu thì tránh đi vậy. Dẫu sao, cũng may khi không phải thường xuyên ở nhà chồng.
Đoạn em nghĩ bụng, vợ chồng đâu chỉ sống với nhau một năm hai năm, còn về lâu về dài và còn ăn ở làm sao con cái nhìn vào lấy làm gương nữa, nên phải sống cho tử tế, sống cho đúng. Cứ thế, em tự nhắc mình, cô dâu mới cố lên!
Đến giờ thì mọi việc cũng ổn ổn rồi.
Theo PLO
Tại sao mẹ đẻ kiêng đưa con gái về nhà chồng? Những điều kiêng kỵ trong ngày cưới này đa phần đều ảnh hưởng từ những phong tục, tập quán trong xã hội xưa. Trong chế độ phong kiến cũ, hôn nhân cưỡng ép, thường là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Vì thế đã xảy ra một số trường hợp oái oăm: Ngày con gái vu quy đáng lẽ là ngày vui...