Chuyện chồng làm “bà đỡ” cho vợ ở gia đình 14 con giữa Thủ đô
Bà Nguyệt lấy chồng từ năm 19 tuổi, “sòn sòn” hai năm một đứa, đến khi 47 tuổi không đẻ được nữa thì dừng lại. Hiện tại ông bà có 14 người con và 15 đứa cháu.
Căn nhà khang trang của đôi vợ chồng đông con ở thôn 1 xã Thạch Đà ( huyện Mê Linh, Hà Nội)
“Nếu còn đẻ được nữa, tôi vẫn đẻ”
Đến thôn 1 xã Thạch Đà (huyện Mê Linh, Hà Nội) hỏi thăm gia đình đông con nhất huyện ai cũng biết, đó là gia đình ông Phan Văn Hiển (SN 1948) và bà Tạ Thị Nguyệt (61 tuổi). Ông bà có 14 người con, 6 trai và 8 gái.
Do điều kiện kinh tế khó khăn nên 4 người con đầu của ông Hiển không được đến trường mà phải lăn lộn, bươn chải giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Đến nay, ông bà vẫn còn 6 người con chưa lập gia đình.
Trong căn nhà khang trang, ông Hiển, bà Nguyệt quây quần bên các cháu, ông Hiển cho biết, nhà ông lúc nào cũng đông vui như Tết, đến bữa ăn cơm ít nhất là 2 mâm, cuối tuần đông đủ con cháu thì 4 mâm.
Vợ chồng ông Hiển lấy nhau từ năm 1974, đến năm 2003 vợ chồng ông sinh được 15 người con nhưng một người con không may đã qua đời
Trong nhà treo rất nhiều ảnh gia đình
Ông Hiển kể, hai vợ chồng lấy nhau năm 1974, một năm sau ngày cưới, cô con gái đầu ra đời. Từ đó đến năm 2003, cứ hai năm, vợ chồng ông lại sinh thêm một người con. Từ ngày về làm vợ ông Hiển, bà Nguyệt dành phần lớn thời gian cho việc sinh đẻ, chăm con, còn ông Hiển lo làm ăn nuôi cả gia đình.
“Tôi tâm niệm, người là vàng, của là ngãi. Người mới là tài sản cố định còn vàng nay ở nhà mình, mai ở nhà khác nên sinh nhiều con”, ông Hiển nói.
Video đang HOT
Ngồi tươi cười bên ông Hiển, bà Nguyệt nói: “Số tôi sinh nhiều con, cứ chửa là đẻ chứ không dùng biện pháp tránh thai nào hết. Đến năm tôi 47 tuổi thì không đẻ được nữa nên thôi chứ nếu còn đẻ được nữa tôi vẫn đẻ”.
Theo bà Nguyệt, tất cả 14 người con bà đều đẻ thường. Bốn người con đầu bà đẻ ở bệnh viện, những người con tiếp theo bà đẻ ở nhà.
Hiện tại, ông bà đã có 8 người con lập gia đình và có 15 người cháu
Chồng đỡ đẻ cho vợ
Lo sợ bị phạt vì sinh nhiều con, ông Hiển bất đắc dĩ trở thành người đỡ đẻ cho vợ mình. Bốn người con đầu bà Nguyệt đẻ ở bệnh viện nhưng từ người con thứ 6, bà Nguyệt đẻ ở nhà vì nếu đẻ ở bệnh viện bị phát hiện sẽ bị phạt.
Kể về lần đầu đỡ đẻ cho vợ, ông Hiển cho biết: “Lần đầu đỡ đẻ cho vợ tôi rất lo sợ, hồi hộp nhưng tất cả đều suôn sẻ. Những lần đưa vợ vào bệnh viện đẻ, tôi quan sát và cũng học hỏi được ở các bác sĩ chút kỹ năng”.
Dụng cụ đỡ đẻ chỉ là một cái kéo, một ít bông băng, thuốc kháng sinh. Bà Nguyệt sinh xong, với sự giúp đỡ của người thân trong nhà làm y tá, ông Hiển dùng kéo cắt dây rốn, bôi thuốc kháng sinh rồi dùng dây chỉ buộc lại. Năm 2003, ông vẫn là “bà đỡ” cho đứa con út của mình tại nhà.
Người con trai lớn của ông bà 37 tuổi mới lấy vợ vì lo cho các em. Giờ ông bà ở nhà chăm cháu cho các con đi làm, cứ cuối tuần cả gia đình lại tụ tập đông đủ
Con sinh xong, ông Hiển không giám lên xã làm khai sinh cho con vì sợ bị phạt. Đến khi cô con gái sinh năm 1988 thi đại học (năm 2006) nhưng không có tên trong hộ khẩu, ông lại lục đục lên xã xin xác nhận. Chính quyền xã sau đó cấp 8 giấy khai sinh cho 8 người con sau của ông.
Nhớ lại thời kì khó khăn, bà Nguyệt tâm sự: “Thời đó nhà nào cũng thiếu ăn, nhà mình lại đông con nên có khó khăn hơn những nhà ít con nhưng cũng không vất vả lắm vì các cháu bảo nhau làm giúp bố mẹ việc nhà, những cháu lớn theo bố làm thợ xây kiếm tiền nuôi các em”.
Ông Hiển chia sẻ thêm: “Nhà đông con nhưng gia đình vẫn nền nếp, chưa bao giờ có điều tiếng gì để hàng xóm dị nghị. Vợ chồng lúc nào cũng hạnh phúc, bảo ban nhau vượt qua khó khăn, chưa bao giờ trục trặc”.
Sống với nhau hơn 40 năm nhưng ông Hiển và bà Nguyệt lúc nào cũng hạnh phúc để con cháu nhìn vào học tập.
Theo Danviet
Cảng biển Cửa Việt (Quảng Trị) cạn 1,2 mét, tàu thuyền "đứng bánh"
Cảng biển Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) nhiều nơi chỉ cạn từ 1,2 - 1,5 mét đã khiến tàu thuyền ra khơi gặp vô vàn khó khăn, "bóp nghẹt" nền kinh tế của tỉnh.
Luồng cạn 1,2 mét
Ngày 31.10, ông Đỗ Hùng Đức - Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Trị cho biết, tình trạng mắc cạn tại cảng Cửa Việt đang khiến nhiều tàu thuyền khó khăn lưu thông, neo đậu.
Theo đó, ông Đức cho hay, tại Cửa Việt hiện nay có hai luồng cảng, một luồng chính là luồng hàng hải theo chuẩn tắc thiết kế của Cục hàng hải (Bộ GTVT) và một luồng tự nhiên hình thành vào khoảng năm 2013.
Tàu hàng bị mắc cạn tại cửa biển Cửa Việt. Ảnh: Ngọc Vũ
Chuẩn quy tắc thiết kế luồng hàng hải Cửa Việt rộng 60 mét, sâu 5,6 mét nhưng hiện nay luồng cảng này có nhiều đoạn cạn 1,2 - 1,5 mét. Với độ sâu này thì tàu cá, tàu hàng và tàu công vụ của lực lượng biên phòng, cảnh sát biển... đóng trên địa bàn Quảng Trị không thể lưu thông trong nhiều năm qua.
Trung tá Nguyễn Đức Tuyên - Hải đội trưởng Hải đội 202, Bộ tư lệnh vùng cảng sát biển 2 cho biết, tàu cảnh sát biển của đơn vị có mớm nước 3,15 mét nên không thể di chuyển ở luồng chính được vì sẽ bị mắc cạn. Trước khi ra vào cảng, chiến sĩ hải đội phải dùng tàu nhỏ cùng thiết bị đo độ sâu ở luồng tự nhiên, lập nên một bản hành trình mới dám xuất phát. Luồng cảng Cửa Việt quá cạn gây khó cho việc cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Cầu cảng số 3 tại Cửa Việt do công ty TNHH MTV Hợp Thịnh xây dựng có thể đón tàu 5.000 - 8.000 tấn khi cảng Cửa Việt được nạo vét đúng chuẩn tắc. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Đỗ Hùng Đức cho hay, tại cảng này từ đầu năm triển khai dự án nạo vét luồng do công ty cổ phần đầu tư BKG thực hiện nhưng đã dừng từ hồi 30.9 khi còn khoảng 100 mét chiều dài theo luồng cảng chưa hoàn thành.
Để giải quyết tình trạng trước mắt, Cục Hàng hải đã chấp thuận kiến nghị của tỉnh Quảng Trị cho cắm phao chỉ giới để tàu thuyền di chuyển theo luồng tự nhiên. Tuy vậy, tại luồng tự nhiên có một số điểm cạn cục bộ dẫn đến nguy cơ tàu bị mắc cạn, gãy chân vịt... nên cần được quan tâm nạo vét.
Quảng Trị mong được trao quyền quản lý
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, cảng Cửa Việt bị bồi lấp, quá cạn là vì Bộ GTVT quản lý nhưng chưa quan tâm đầu tư nạo vét, duy tu đúng mức. Về lâu dài, Quảng Trị tha thiết mong Bộ GTVT trao quyền quản lý luồng hàng hải Cửa Việt cho tỉnh để địa phương chủ động nạo vét, duy tu tốt hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi được trao quyền thì tỉnh sẽ thực hiện xã hội hóa bằng cách giao việc nạo vét, duy tu luồng cảng Cửa Việt cho doanh nghiệp có cầu cảng tại đó để gắn liền quyền lợi và trách nhiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ GTVT trao quyền cho tỉnh quản lý luồng hàng hải Cửa Việt cho tỉnh để địa phương chủ động nạo vét, duy tu tốt hơn. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Đồng thông tin, Quảng Trị vừa thành công khi thực hiện xã hội hóa xây dựng bến cảng biển số 3 do công ty TNHH MTV Hợp Thịnh xây dựng. Theo thiết kế, bến cảng này có thể đón tàu từ 5.000 - 8.000 tấn vào chở hàng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo công ty TNHH MTV Hợp Thịnh, vì cảng Cửa Việt quá cạn, tàu hàng phải đi theo luồng tự nhiên không đủ độ sâu cần thiết nên lượng hàng hóa chuyên chở không đạt công suất.
Theo vị lãnh đạo công ty Hợp Thịnh, sau khi cảng Cửa Việt được nạo vét xong, nếu được cho phép thì công ty sẵn sàng bỏ tiền túi thực hiện việc duy tu, nạo vét thường xuyên, bảo đảm thông luồng hàng hải để tàu hàng cập cảng an toàn.
Lãnh đạo, nhân dân Quảng Trị đã bày tỏ nguyện vọng, doanh nghiệp trên địa bàn đã lên tiếng quan tâm, đồng hành với mong muốn bảo đảm luồng hàng hải phục vụ sự phát triển kinh tế của quê hương. Vậy, Bộ GTVT còn chần chừ gì nữa mà không trao quyền quản lý luồng hàng hải Cửa Việt cho Quảng Trị.
Ngày 10.8.2017, Bộ GTVT đã có văn bản số 8954/BGTVT - KCHT chấp thuận kế hoạch nào vét duy tu luồng hàng hải Cửa Việt đạt chuẩn tắc (H = 5,6 mét; B = 60 mét) trong năm 2018; dự kiến kinh phí khoảng 30 tỷ đồng.
Theo Danviet
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại phiên đối thoại với ABAC Dưới đây là toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại phiên Đối thoại toàn thể giữa các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Thưa quý vị, Cuộc Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC với các thành viên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp...