Chuyển chiến lược chống COVID-19: Cứu F0 nặng & tiêm vắc xin nhanh
Tốc độ lây và số ca nhiễm COVID-19 tăng cao trong những ngày gần đây, đặc biệt là tại TP.HCM, cho thấy bên cạnh giải pháp dốc toàn lực để truy vết các ca bệnh, phải ưu tiên tiêm vắc xin và tập trung điều trị để hạn chế các trường hợp tử vong.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại quận Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN
Tối 20-7, Bộ Y tế công bố thêm 4.789 ca bệnh mới được ghi nhận trong cả nước, nhiều nhất là TP.HCM (3.322 ca), Bình Dương (578 ca), Đồng Nai (162 ca), Tiền Giang (133 ca), Đồng Tháp (66 ca)… Riêng tại TP.HCM, tổng số ca mắc đã gần 40.000 ca và đã có 274 bệnh nhân tử vong.
Nhiều giải pháp cứu F0
Trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay đã tiếp nhận được nhiều ý kiến, đề xuất rất quan trọng của các chuyên gia đầu ngành về điều trị, dự phòng; qua đó góp phần điều chỉnh, bổ sung vào tổng thể các giải pháp phòng chống dịch hiện tại nhằm mục tiêu kéo giảm các ca F0, tăng năng lực điều trị F0 nặng, giảm tử vong.
Làm việc với UBND quận Tân Bình ngày 20-7, một lần nữa ông Phong nhắc lại câu chuyện phải tập trung điều trị, hạn chế mức tối đa những trường hợp F0 chuyển nặng.
“Có những trường hợp đang ở khu cách ly tạm thời của quận, khi bệnh trở nặng không được chuyển viện. Không chỉ bức xúc, việc này còn tạo bất an cho người thân của họ” – ông Phong nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi giao ban chống dịch trực tuyến với 63 tỉnh thành, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết khác với các đợt dịch trước, một F0 truy vết chuỗi F1, F2, F3 hàng chục người, nhưng đợt dịch này số F1 cách ly tập trung và cách ly tại nhà chỉ gấp đôi F0, tức là vẫn còn F1 chưa cách ly, chưa nói F2, F3. Trong tình huống này, ông Sơn nhấn mạnh đến hai yêu cầu: không để bệnh nhân chuyển nặng và triển khai tiêm vắc xin nhanh.
Với điều trị, ông Sơn cho biết các cơ sở y tế của TP.HCM hiện lo được trong 30.000 ca mắc, trên 30.000 ca cần sự hỗ trợ từ trung ương và ngành y tế. Nhưng TP.HCM hiện đã xấp xỉ 40.000 ca, tức là đã vượt khả năng “lo được” của TP.HCM.
TP.HCM đang thiếu nhiều thiết bị y tế do lượng bệnh nhân tăng quá nhanh, không cơ sở vật chất và sự chuẩn bị nào đáp ứng kịp; thứ hai là thiếu trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế và điều phối để lực lượng hỗ trợ hàng ngàn người từ các tỉnh thành và bệnh viện tuyến trung ương làm việc hiệu quả.
Ông Sơn cho biết mục tiêu của khối điều trị là cố gắng không để bệnh nhân chuyển nặng, chuyển nặng cố gắng không để chuyển lên hồi sức, nếu phải lên hồi sức, cố gắng không để bệnh nhân tử vong.
Để giải quyết bài toán này, ngành y tế TP.HCM đang cùng lúc có nhiều giải pháp. Tính đến nay toàn TP.HCM có ít nhất 25 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19, ước tính khoảng 50.000 giường (trong đó có 12 bệnh viện dã chiến với 34.500 giường).
Việc đưa vào hoạt động Bệnh viện hồi sức 1.000 giường tại Thủ Đức được đánh giá là nơi “chốt chặn” cuối cùng, chuyên điều trị F0 nặng, nguy kịch của toàn khu vực phía Nam. Song song đó, hiện nay tất cả các bệnh viện đều bắt buộc phải chuyển đổi xây dựng theo mô hình “bệnh viện tách đôi”, tức vừa điều trị bệnh nhân thông thường, vừa sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 bất cứ lúc nào.
Video đang HOT
Y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) – Ảnh: AN MỸ
Tập trung vắc xin để ngăn dịch
Ngoài điều trị cho các F0 nặng, chiến lược tiêm vắc xin được cho là một giải pháp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả nhất tới thời điểm này. Đặc biệt khi người tiêm vắc xin được mở rộng ra những trường hợp “nhạy cảm” với COVID-19 như người trên 65 tuổi, có bệnh nền…
Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP kế hoạch tổ chức tiêm chủng đợt 5 với hơn 1,1 triệu liều vắc xin. Vắc xin tiêm đợt này đa dạng với 3 loại, gồm AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Người được tiêm vắc xin trong đợt 5 bao gồm cả người tiêm mũi 1 và tiêm nhắc mũi 2 nếu đủ điều kiện.
Chiến dịch tiêm đợt 5 diễn ra trong 2-3 tuần và có thể kéo dài tùy tình hình thực tế. Về kế hoạch, các địa phương tổ chức tiêm tại mỗi phường, xã, thị trấn ít nhất 2 điểm tiêm tương đương với hai bàn tiêm. Như vậy, tối thiểu sẽ có 624 điểm tiêm của 312 phường xã, thị trấn trên toàn thành phố. Trong hai tuần đầu, mỗi điểm thực hiện tiêm cho tối đa 120 người/10 giờ làm việc/ngày. Còn những tuần tiếp theo tùy theo thực tế số lượng đã tiêm để bố trí, sắp xếp phù hợp.
Về đợt tiêm chủng mới của TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận xét: “Đợt trước triển khai có những chệch choạc, đợt tới thành phố đã có những thay đổi”.
Theo ông Sơn, có ý kiến cho rằng do thành phố đang nặng gánh điều trị, không đủ nhân lực cho tiêm chủng nhưng như kinh nghiệm tại Bắc Ninh và Bắc Giang, khi dịch đang diễn biến phức tạp Bộ Y tế sẽ điều phối các đội tiêm chủng đã được tập huấn chuyên môn đến tiêm chủng theo chiến dịch. Nhờ cách làm này, dịch đang rất nóng nhưng Bắc Ninh và Bắc Giang cũng tiêm chủng được hàng trăm ngàn mũi vắc xin trong thời gian ngắn.
Theo ông Sơn, với tình hình dịch tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, nên triển khai lại cách làm này để đẩy nhanh tiến độ tiêm. Hiện vắc xin đã về nhiều và đang có hàng triệu liều chờ được sử dụng. Trong tuần này, có thêm 3 triệu liều Moderna do Mỹ tài trợ thông qua Chương trình COVAX sẽ đến Việt Nam, cùng với lô Pfizer thứ 3 mà Việt Nam mua.
Tình nguyện viên hướng dẫn người dân khai báo trước khi tiêm vắc xin AstraZeneca tại TP.HCM – Ảnh: T.T.D.
“Đánh chặn” từ xa
TS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm giám đốc Bệnh viện hồi sức 1.000 giường – cho biết chỉ sau gần 1 tuần đi vào hoạt động, Bệnh viện hồi sức đang tiếp nhận điều trị 300 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 70 bệnh nhân nguy kịch, 3 trường hợp can thiệp ECMO. Dự báo trong những ngày tới sẽ tiếp nhận các ca nặng trên địa bàn TP.HCM và khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
Song song việc điều trị tại bệnh viện, theo ông Thức, đơn vị đã điều động 4 bác sĩ chuyên hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy đến các bệnh viện thuộc tầng 2 (điều trị F0 không có triệu chứng trong mô hình tháp 4 tầng) để hỗ trợ các đồng nghiệp “đánh chặn từ xa” hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển nặng chuyển lên tuyến cao, vốn đang quá tải.
Bệnh viện cũng đang thiết lập đường dây nóng và hệ thống hội chẩn trực tuyến đến tất cả các bệnh viện quận và bệnh viện thuộc tầng 2 (nêu trên). Khi bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng sẽ hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện hồi sức COVID-19.
Theo bác sĩ Thức, đây là chiến lược “đánh chặn từ xa” để hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch “đổ” về Bệnh viện hồi sức 1.000 giường.
“Nếu cần thiết thì chuyển bệnh nhân lên sớm, chứ để bệnh nhân thở máy hay ECMO mới chuyển là thất bại. Đây là cách thụ động và phải đánh chặn trước, không để nước cuối bệnh nhân nguy kịch mới nhận bệnh là muộn rồi” – ông Thức nói.
Khi chuyển bệnh nhân kịp thời sẽ giúp các bác sĩ đánh giá, can thiệp sớm bằng các phương pháp như thở oxy dòng cao, lọc máu… Từ đó hạn chế bệnh nhân từ độ 3 chuyển sang độ 4. Nếu chặn được sớm thì từ độ 3 chuyển sang độ 2 và 1. Tuy vậy, để làm được điều này các bác sĩ phải nỗ lực rất nhiều.
Phân nhóm ai cần nhập viện, ai cần cách ly
Trước bối cảnh số ca F0 tăng cao, GS Nguyễn Văn Tuấn – giám đốc Phòng nghiên cứu dịch tễ học di truyền thuộc Viện nghiên cứu y khoa Garvan (Úc) – gợi ý TP.HCM một phương án đơn giản (trước mắt) là phân nhóm người bị nhiễm, đánh giá nguy cơ diễn biến và quyết định ai cần nhập viện, ai cần cách ly tại nhà.
Theo ông, đầu tiên khi phát hiện một người bị nhiễm (qua PCR) cần phân nhóm nhẹ, trung bình hay nặng. Cụ thể “nhẹ” là sốt, ho, hoặc không triệu chứng; “trung bình” là sốt, ho, viêm phổi, không khó thở; còn “nặng” là khó thở hoặc/và tỉ số SpO2
Ngoài ra, cần đánh giá nguy cơ trong nhóm trung bình bằng thang điểm dựa vào tuổi>65, có bệnh nền (tiểu đường, huyết áp, COPD, bệnh thận…), thân nhiệt>38.5, tỉ số neutrophil trên lymphocyte>3.7, platelet>155, total bilirubin>11, albumin>38, creatinine>85, và nếu cần creatinine kinase>104. Nếu tổng số điểm là 15 trở lên nên nhập viện; còn thấp hơn có thể cách ly theo dõi tại nhà.
H.LỘC – X.MAI
7 kiến nghị của Bộ Y tế với TP.HCM
- Bổ sung nhân lực hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, theo dõi các ca bệnh nhân F0 tại khu cách ly tạm thời trong khi chờ đợi chuyển đến bệnh viện điều trị, đặc biệt là tại các điểm nóng.
- Chỉ đạo việc tiếp nhận và bố trí ổn định cho các cán bộ, sinh viên của trường đại học, cao đẳng tham gia hỗ trợ và xây dựng kế hoạch cụ thể cho hoạt động của đoàn này để tránh lãng phí nguồn lực.
- Cần giãn bớt các lao động nhập cư ở các khu vực có nhiều nhà trọ để đảm bảo việc giãn cách, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại các khu vực này.
- Tiếp tục tăng cường xét nghiệm cho khu vực có nguy cơ cao và khu vực có nguy cơ.
- Chỉ đạo các bệnh viện nhanh chóng tiếp nhận các bệnh nhân F0 chuyển biến nặng ở tuyến dưới chuyển lên để được điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng và tăng nguy cơ tử vong.
- Cung cấp thêm máy thở HFNC và trang thiết bị bảo hộ, rà soát hệ thống cung cấp oxy và bình oxy cho các bệnh viện để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
- Kiên quyết đề nghị dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp chưa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Kế hoạch tiêm vaccine đợt 5 của TP HCM như thế nào?
Thành phố sẽ tiêm khoảng 930.000 liều vaccine trong đợt 5 cho các nhóm ưu tiên, người trên 65 tuổi, người dân ở khu phong toả sau khi được gỡ cách ly.
Tại cuộc họp với 21 quận, huyện và TP Thủ Đức về kế hoạch tiêm vaccine đợt 5 của TP HCM ngày 17/7, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức yêu cầu lần tiêm này không để xảy ra tụ tập đông người. Việc tiêm vaccine phải đạt hiệu quả nhưng không tạo áp lực về tiến độ, gây mất an toàn cho người dân.
"Dự kiến số lượng vaccine tiêm xấp xỉ giống đợt 4 nhưng thời gian dài gấp 3 lần so với lần trước", ông Đức nói và cho biết kế hoạch tiêm kéo dài hơn nhằm đảm bảo nguồn lực, không ảnh hưởng công tác chống dịch khác.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức. Ảnh: Trung Sơn.
Cũng theo ông Đức, kế hoạch ban đầu thành phố dự kiến bắt đầu chiến dịch tiêm đợt 5 từ ngày 18/7, nhưng có thể không kịp nên việc chọn ngày có ý nghĩa khởi động. Địa phương cần chủ động chọn thời gian triển khai cho địa bàn của mình.
Về nhóm được tiêm đợt này, ông Đức cho hay Bộ Y tế giới hạn tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời gỡ bỏ giới hạn với những người trên 65 tuổi, bởi đây là nhóm có nguy cơ nhiễm dịch, được nhiều nước đưa vào nhóm ưu tiên tiêm.
Về cách thức triển khai, ông Đức yêu cầu các quận huyện lập một tổ tiêm vaccine. Thành phố chỉ điều phối ban đầu, còn địa phương toàn quyền quyết định tiêm cho ai, ở đâu, thời gian nào. Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ có vai trò hỗ trợ hậu cần, bổ sung lực lượng cho các quận huyện làm nhiệm vụ.
Với vấn đề quận huyện băn khoăn như nhân lực, ông Đức giao Sở Y tế TP HCM cân đối phương án, có danh sách nguồn lực gửi về địa phương trước khi bắt đầu chiến dịch tiêm. Sở Y tế cũng cần chuẩn bị lực lượng dự trữ nếu phát sinh trục trặc để kịp thời điều động nhân sự.
Phó chủ tịch UBND thành phố đề nghị các quận huyện tạm thời chưa tổ chức tiêm vaccine cho người trong khu vực phong tỏa. Tuy nhiên, địa phương cần thông báo rõ để người dân không hoang mang khi nghĩ quyền lợi bị mất. Hiện, TP HCM có hơn 2.000 điểm bị phong toả.
"Ngay sau khi gỡ phong tỏa, người dân ở đây sẽ được tiêm. Họ cần được biết đợt tiêm này tương đối dài để không sốt ruột", ông nói và đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế thông cho người dân nắm.
Nhân viên FPT Software ở Khu công nghệ cao được tiêm vaccine Covid-19, ngày 19/6. Ảnh: Quỳnh Trần.
Trước đó, ông Đức cho biết đến nay thành phố được phân bổ khoảng 930.000 liều vaccine AstraZeneca, Moderna và Pfizer cho đợt tiêm này. Ngoài ra, mới đây thành phố nhận thêm một lượng rất ít vaccine Sinopharm do Trung Quốc tài trợ.
Với vaccine Sinopharm, phía tài trợ sẽ gửi danh sách công dân Trung Quốc để thành phố tổ chức tiêm. Sau khi hoàn thành tiêm cho công dân Trung Quốc, thành phố mới sử dụng vaccine này tiêm cho các nhóm khác theo sự điều phối của Sở Y tế.
Theo ông Đức, dự kiến ban đầu TP HCM tiêm 2 triệu liều vaccine nhưng hiện thành phố mới được phân bổ 930.000 liều. Số vaccine này có thể tiêm được một triệu người nếu tiết kiệm. Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các đơn vị vẫn lên kế hoạch tiêm cho khoảng 2 triệu người đăng ký vì thời gian tới có thể Trung ương sẽ phân bổ thêm vaccine cho thành phố.
"Tinh thần vaccine về đến đâu chúng ta sẽ triển khai tiêm đến đó", ông Đức nói và cho biết thành phố lập danh sách tiêm dựa trên nguyên tắc nhóm ưu tiên. Trong số này, thành phố sẽ cân nhắc ưu tiên nhóm được đánh giá nguy cơ cao, phù hợp loại vaccine đang có.
Trì hoãn liều hai - lời giải bài toán tiêm chủng Covid-19 Do nguồn cung hạn chế và đông đảo người dân sốt sắng đến lượt tiêm, ngày càng nhiều nước quyết định kéo dài thời gian giữa hai liều vaccine Covid-19. Hồi tháng một, Anh nằm trong số những nước tiên phong trì hoãn liều vaccine Covid-19 thứ hai tới 12 tuần, ưu tiên tiêm liều đầu tiên cho nhiều người nhất có thể,...