Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2: Đề xuất huy động hơn 2,1 triệu tỷ đồng
Căn cứ báo cáo đề xuất thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình.
Dự kiến tổng nguồn vốn huy động giai đoạn tới khoảng hơn 2,1 triệu tỷ đồng.
Vẫn còn 45 huyện “trắng” xã đạt chuẩn
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6/2019, cả nước đã có 5.177 xã (chiếm 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã (4,2%) so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình vườn mẫu của người dân thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Huyện Thạch Hà vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ảnh: B.H.T
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) của một số vùng vẫn còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, và vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền.
Cụ thể là đến nay vẫn còn 45 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố còn “trắng” xã đạt chuẩn NTM; 18 tỉnh, thành phố chưa có đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Có 9 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn rất thấp (dưới 30%).
Đáng chú ý, do ảnh hưởng của “đại dịch” Covid-19, Chương trình xây dựng NTM của một số nơi cũng bị ảnh hưởng, bộc lộ hạn chế.
Dịch Covid-19 cũng tác động trực tiếp đến các hoạt động phát triển kinh tế của người dân, nhiều loại nông sản bị giảm giá sâu, tiêu thụ khó khăn, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tình trạng thất nghiệp, không có việc làm của người lao động nông thôn, đặc biệt là người nghèo… đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành, mức độ bền vững của một số tiêu chí, nhất là thu nhập của người dân nông thôn.
Đường liên thôn ở xã Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã được đầu tư bê tông hoá, nhân dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Minh Huệ
Video đang HOT
Đến tháng 6/2020, cả nước có 62/63 tỉnh đã phê duyệt, triển khai đề án/kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ có 2.400 sản phẩm đạt sao OCOP.
Tuy nhiên, khi chương trình này triển khai trên diện rộng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới; nhiều địa phương chưa chú ý đến hiệu quả của chương trình, nhất là trong việc khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn; việc triển khai, tuân thủ chu trình OCOP của một số địa phương còn lúng túng, chưa chặt chẽ, còn thụ động, trông chờ vào tư vấn, nguồn vốn hỗ trợ…
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2020
Trên cơ sở kết quả của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 và chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030…, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến tổng nguồn vốn huy động cho chương trình giai đoạn 2 là 2.144.902 tỷ đồng (hơn 2,1 triệu tỷ đồng).
Nhờ trồng gừng, người dân ở vùng cao Lục Khu (tên gọi 12 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Ảnh: Minh Ngọc.
Dự kiến mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025, với cấp xã có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Cấp huyện phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, trong đó có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Cấp tỉnh phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trước mắt từ nay đến hết năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo các cấp triển khai hiệu quả các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình năm 2020; rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu còn lại của chương trình giai đoạn 1, trong đó tập trung chỉ đạo 21 tỉnh khẩn trương đôn đốc 45 huyện rà soát, kịp thời có giải pháp hỗ trợ, thực hiện để phấn đấu 100% số huyện có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng xây dựng nông thôn mới của các xã, huyện mới được hình thành sau khi sáp nhập; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Tổ chức Lễ trao giải cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2019, Cuộc thi báo chí viết về nông nghiệp, nông thôn dành cho các nhà báo ASEAN; phát động Cuộc thi ảnh về nông thôn mới, Cuộc thi công trình nông thôn đẹp…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Làm nông thôn mới mà "nợ" tiêu chí, đó là bệnh thành tích
Nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng nông thôn mới diễn ra sáng nay (11/6), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu câu hỏi: Cần làm gì để nông thôn mới thực chất, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn? Đời sống người dân nông thôn phát triển thì bộ mặt cả nước mới phát triển được.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính đến tháng 6/2020, cả nước đã có 5.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 58,2%. Con số này đã tăng 371 xã (tương đương 4,2%) so với cuối năm 2019.
Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí NTM/xã.
Đường giao thông nông thôn ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) được đầu tư xây dựng sạch đẹp, rộng rãi. Ảnh: Tư liệu
Đặc biệt đã có 127/664 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 19,1%). Bên cạnh 2 tỉnh Nam Định, Đồng Nai đã được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hiện nay còn có tỉnh Thái Bình đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.
Về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo cho biết, đến nay Bộ NNPTNT đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các địa phương lấy ý kiến cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, sau đó tiếp tục tổ chức lấy ý kiến bộ ngành.
Bộ NNPTNT kiến nghị giữ nguyên Bộ tiêu chí quốc gia gồm 19 tiêu chí và 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM. Trên tinh thần không sửa tiêu chí, nhưng sẽ điều chỉnh, bổ sung nội hàm một số chỉ tiêu phù hợp với các chính sách, quy định pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, trên tinh thần nâng cao chất lượng các tiêu chí .
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới diễn ra sáng nay. Ảnh: Nhật Bắc
"Trong giai đoạn mới, chương trình NTM được thực hiện trên cơ sở kế thừa giai đoạn trước, nên phải tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, nguồn lực hoá tối đa, tăng cường phân cấp, giao quyền cho địa phương tự tổ chức thực hiện. Đồng thời, phải lượng hoá tiêu chí thực hiện để thuận lợi trong chỉ đạo thực hiện, đánh giá, chứ không chỉ có nói đạt là xong", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Về mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 40% số xã NTM nâng cao, 10% số xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu năm 2025 không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí. Đối với cấp tỉnh, phấn đấu có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
"Sở dĩ không đề ra mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn NTM, vì theo rà soát, vẫn còn 20% số xã cực kì khó khăn. Trong giai đoạn tới, nguồn lực xây dựng NTM sẽ được đầu tư mạnh hơn cho khu vực này, chủ yếu là các xã biên giới, xã dân tộc miền núi, bãi ngang ven biển... Đáng chú ý là hiện nay vẫn còn 40 huyện "trắng" xã NTM, tức là chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn", ông Nam thông tin.
Theo ông Nam, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã khiến chương trình NTM gặp một số khó khăn trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các chỉ tiêu phát triển sản xuất... Nhưng cũng đáng ghi nhận ở một điểm, là đã có 109 xã thoát khỏi diện 135 và phấn đấu xây dựng NTM, đạt được kết quả cao. Những xã này rất cần được biểu dương để có động lực tiếp tục phấn đấu.
Dự kiến tổng nguồn vốn huy động để triển khai chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 2.144.902 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, nhưng phải tránh chạy theo thành tích vì sẽ làm méo mó hình ảnh NTM. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đánh giá cao công tác chuẩn bị cuộc họp của Bộ NNPTNT. Các bộ ngành tham gia có trách nhiệm, có mặt đầy đủ các thành viên trong Ban chỉ đạo. Phó Thủ tướng đề nghị cuộc họp bàn bạc, xem xét tiêu chí nào không còn phù hợp, hoặc phù hợp với vùng này nhưng không phù hợp với vùng kia để bổ sung, điều chỉnh.
"Sau năm 2020, xây dựng NTM phải dựa trên nguyên tắc kế thừa kết quả, kinh nghiệm của giai đoạn trước. Đúc rút ra những bài học trong quá trình thực hiện để tránh chạy theo phong trào. Thực tế giai đoạn vừa qua cho thấy, chương trình nông thôn mới thực sự là luồng gió đổi mới tích cực cho sự phát triển kinh tế nông thôn, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân khu vực này", Phó Thủ tướng nói.
Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng, quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục.
"Vừa rồi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn là do chúng ta đã chuyển dịch rất nhiều lao động ra khỏi khu vực nông thôn. Hỗ trợ của lĩnh vực công nghiệp quay lại vùng nông thôn là rất lớn, tuy nhiên vai trò hỗ trợ của đô thị cho nông thôn chưa rõ, hầu hết tập trung ở thành phố lớn như Hà Nội. Phân hoá giàu - nghèo ở nông thôn vẫn còn cao, điều này vừa tích cực vừa tiêu cực. Mặt tích cực là tạo động lực mới, nhưng mặt tiêu cực là chưa lan toả được khi mục tiêu của chúng ta là mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp", Phó Thủ tướng phân tích.
Vì thế, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, xây dựng NTM không chỉ là khánh thành xong con đường, làm xong công trình thôn xã mà chính là nâng cao chất lượng sống, tăng thu nhập cho người nông dân. Nhiều nơi vẫn chưa chú ý phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch ở nông thôn. Kiểm soát an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường một số nơi còn lơ là.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: M.H
"Đáng chú ý là việc xét đạt chuẩn tiêu chí NTM một số nơi còn dễ dãi, thậm chí có nơi còn "nợ" tiêu chí. Đấy chính là bệnh thành tích. Đạt chuẩn NTM thì các tiêu chí phải đảm bảo chứ sao lại nợ?", Phó Thủ tướng nói.
Năm 2020, việc triển khai xây dựng NTM gặp khó khăn vì xảy ra đại dịch Covid-19. Do đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM của năm 2020 là rất quan trọng, có ảnh hưởng tới chiến lược của 10 năm 2010-2020 cũng như 5 năm tới.
"Do đó, trong chương trình công tác năm 2020, yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phải tập trung hoàn thành 11 nhiệm vụ đã đặt ra, trong đó cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hoàn thành nhanh các chỉ tiêu. Xây dựng NTM cần thực chất, nhưng vẫn phải đề ra mục tiêu để phấn đấu làm bằng được. Nỗ lực hoàn thành mục tiêu, nhưng phải tránh chạy theo thành tích vì sẽ làm méo mó hình ảnh NTM", Phó Thủ tướng lưu ý.
Đất quế vươn mình Trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Trà Bồng, Tây Trà đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trà Bồng lần thứ XXIII, huyện Tây Trà lần thứ III đạt nhiều kết quả khả quan... Ngày 1.4.2020 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng đối với huyện Trà Bồng...