Chương trình mục tiêu quốc gia: Dàn trải và lãng phí!
Sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Phát biểu tại tổ, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) phân tích: Với 16 chương trình mục tiêu quốc gia, cần phải thu hẹp bởi có nhiều mục tiêu lãng phí. “Với những chương trình rất cần thiết như xóa đói giảm nghèo, y tế, ứng phó biến đổi khí hậu… thì cần phải tiếp tục đầu tư, nhưng giữa cái cần với cách đầu tư là 2 vấn đề khác nhau. Một số chương trình không nhất thiết phải đưa vào mà nên giao cho các địa pưhơng để quản lý hiệu quả” – đại biểu Tâm nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh): Cần phải làm rõ bao nhiêu % vào được công trình, còn bao nhiêu % vào hội họp, chi cho hành chính?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặc biệt nhấn mạnh đến việc tiết kiệm, chống lãng phí trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, cần làm rõ trong số tiền để làm chương trình mục tiêu quốc gia, thực sự có bao nhiêu % được chi vào công trình, bao nhiêu % được dùng để hội thảo, tập huấn, chi hành chính… một cách không hiệu quả.
“Chương trình nào cũng có tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tuyên truyền… rồi gần đến cuối năm tập trung bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm để giải ngân, in tài liệu không ai xem, tài liệu in mới toanh đem bán giấy vụn, in với số lượng lớn, mời 200-300 đại biểu nhưng đi có 100, tài liệu in ra rồi làm gì? Đó là lãng phí tiền của nhà nước. Tôi từng đặt vấn đề rằng có tính được việc bao nhiêu % vào công trình, bao nhiêu % chi cho hành chính hay không thì bảo là chưa tính được, nhưng nếu tính thì chắc chắn là tính được và con số đó rất lớn, rất xót ruột.” – đại biểu Tâm nói và đề nghị Quốc hội phải bàn rất kỹ về vấn đề tiết kiệm.
“Tôi đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ có báo cáo về vấn đề này, phải tiết kiệm một cách nghiêm ngặt. Kinh tế khó khăn, đời sống người dân chật vật, doanh nghiệp vật lộn để đóng từng đồng thuế, nhưng tình hình lãng phí rất lớn. Nào là festival, khởi công, khánh thành rất hoành tráng… Quốc hội cần tình toán và có quy định để yêu cầu Chính phủ thực hiện nghiêm ngặt. Tất nhiên không cực đoan từ cực này sang cực kia, nhưng cần tỉnh táo, làm quyết liệt. Hội nghị, hội thảo mà từ Bắc vào, Nam ra.. vé máy bay ở đâu, là từ dân cả. Một đồng cũng phải tiết kiệm. Năm nào cũng nói tiết kiệm, nhưng vẫn lãng phí quá” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm xót xa nói.
Đồng quan điểm với đại biểu Tâm, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, trong các chương trình mục tiêu quốc gia, việc hội họp quá nhiều nhưng không hiệu quả. “Nhiều vấn đề không phải do hội họp tập huấn mà đạt thành tích. Ví dụ như vệ sinh thực phẩm tập huấn nhiều nhưng ngày càng mất an toàn, môi trường giảm ô nhiễm thực ra là do các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ giải thể, tỷ lệ sinh đẻ giảm là vì phụ nữ họ đẻ muộn để rảnh rang đi chơi… Vì vậy, phải thu hẹp các chương trình, cái gì thật quan trọng thì làm, không nên tràn lan” – Đại biểu Đương thẳng thắn.
Trong khi một số đại biểu cho rằng, ngay cả khi cắt giảm 50% chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia thì cũng phải quản lý chặt 50% còn lại để không lãng phí thì đại biểu Đương “bất lực” nói rằng, trước mắt, chắc chắn sẽ vẫn tồn tại kiểu dàn trải, hội họp, tập huấn, do vậy ông đồng ý vẫn phải giảm 50%. “Thậm chí giảm tới 70% cũng được cho bớt họp đi, họp nhiều không giải quyết được cái gì, cử tri họ nói nhiều lắm. Phải giảm càng nhiều càng tốt, bằng chỉ tiêu cụ thể” – đại biểu Đỗ Văn Đương cương quyết nói.
Cũng nói về những bức xúc của cử tri trước việc họp hành tốn kém mà không hiệu quả, đại biểu Võ Thị Dung chia sẻ: “Lâu nay mình cứ nói đến tiết kiệm nhưng ngoài việc đề ra chỉ tiêu thì phải có hành động cụ thể từ Quốc hội, từ Chính phủ. Tình hình kinh tế nay quá khó khăn rồi, Quốc hội nên tiết kiệm trước để báo cáo cho nhân dân.
Đại biểu Trương Ngọc Ánh cũng nói rằng, trong khi đất nước còn nghèo thì việc chi cho hội nghị hội thảo như vậy là có lỗi với dân.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề tiết kiệm, tại đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng nói rằng, trong chi tiêu hành chính có phong trào tiết kiệm, nhưng chi hành chính vẫn rất lớn và lãng phí, hiệu qủa hành chính vẫn ở mức thấp.
“Trong một cơ quan, ngay cả ở Quốc hội này thôi, cũng có thể giảm được ở những chỗ cần giảm, để thấy công cuộc cải cách hành chính chưa làm được nhiều” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói và cho biết, đi giám sát, ông thấy có những công trình dàn trải đến mức “cười ra nước mắt”.
“Phải có giải pháp cho 2014. Giải pháp quan trọng nhất là thắt chặt trên mọi lĩnh vực, kể cả hành chính và đầu tư. Ngân sách chi năm 2014 vẫn tăng 2,9%. Chúng ta đã đến mức vay để đảo nợ rồi, các con số nợ công, nợ quốc gia đang ở mức hết sức báo động. Chúng ta đang rất bí trong ngân sách nên cần đánh giá hết sức nghiêm khắc. ” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói và nhấn mạnh: “Tôi cho là giải pháp quá nhiều, vấn đề là hành động. Nói phải đi đôi với làm”.
Tại đoàn Hòa Bình, Đại Nguyễn Tiến Sinh cũng cho rằng,các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn đầu tư dàn trải, cơ chế quản lý chồng chéo, mục tiêu không đạt, hoặc đạt được không rõ ràng, không thực… và đặc biệt là lãng phí trong hội họp.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): Số tiền cân đối được hơn 2% chỉ đủ tổ chức hội thảo trên phạm vi cả nước chứ không giải quyết được gì…
“Ngay từ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, khi bàn về mười mấy chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã có rất nhiều ý kiến đại biểu cho rằng chương trình quá dàn trải, quá chồng chéo, không có nguồn lực. Chẳng hạn chương trình khắc phục biến đổi khí hậu có chưa đầy 300 tỷ thì làm được gì, chỉ đủ cho các “thầy” đi hội thảo, bay từ Bắc vào Nam, Nam ra Bắc. Không có một xu nào đến được với việc trồng rừng hay cái gì khác, khó lắm! Như vậy, vẫn Xây dựng thành một chương trình. Lúc đó, ban soạn thảo có nói rằng, xây dựng chương trình chỉ là cái mồi để sau này thu hút các nguồn lực từ xã hội hóa, từ nhân dân, nguồn lực từ tổ chức phi Chính phủ, nước ngoài tài trợ. Nhưng bây giờ thì là con số 0 tròn trĩnh. Rõ ràng đưa ra cái chương trình này là không ăn thua. Số tiền cân đối được hơn 2% chỉ đủ tổ chức hội thảo trên phạm vi cả nước chứ không giải quyết được gì” – đại biểu tỉnh Hòa Bình phân tích.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh kiến nghị, cần phải rà soát loại bỏ ngay từ năm 2014 các chương trình mục tiêu quốc gia không hiệu quả, không đủ nguồn lực để thực hiện, trong đó có những chương trình có thể lồng ghép.
“Hiện nay Bộ Y tế quản lý tới 3 chương trình, chắc Bộ trưởng Tiến mỗi ngày phải họp 3 cuộc về Chương trình y tế, Chương trình HIV-AIDS, chương trình dân số kế hoạch hóa, thực ra đều là chăm sóc sức khỏe. Sao phải lắm chương trình vậy? Hay Chương trình dạy nghề, việc làm, nông thôn mới, nước sạch,… tại sao lại “đẻ” ra lắm chương trình như vậy? Rõ ràng tiền hội họp, chi phí quản lý hành chính là cơ bản. Có ý kiến băn khoăn nếu chương trình dang dở thì làm cái gì, theo tôi dở mà không ra gì thì nên cắt, không nên để lãng phí, tốn kém thêm.” – đại biểu tỉnh Hòa Bình cương quyết.
Xuân Hưng – (bài, ảnh)
Theo_VnMedia
Tình trạng "không hành động" của chính quyền khiến người dân "tự xử"
Tình trạng "tự xử" trong bộ phận dân chúng như tự bắt trộm chó, tự thuê xã hội đen đòi nợ, tự thiêu, tự bắn cán bộ... có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đây là vấn đề ủy viên thường trực UB Tư pháp Đỗ Văn Đương đặt ra trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác tư pháp năm 2013 tại UB Thường vụ QH hôm nay, 17/9.
Án chỉ "trôi" khi Thủ tướng yêu cầu báo cáo
Đánh giá chung kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm từ đầu năm đến giờ, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận, cuối năm 2012 đến đầu năm nay, QH hết sức lo lắng về việc bùng phát tội phạm, nhất là địa bàn các thành phố lớn nhưng thời điểm này đã có thể tạm yên tâm về tình hình chung.
Tuy nhiên, bà Nga vẫn nhận định tình hình không giảm độ phức tạp. Vị Phó Chủ nhiệm UB lo ngại về mức độ nghiêm trọng của vấn đề khi tình trạng bảo kê của một số cá nhân, tổ chức đã biểu hiện rõ ràng qua việc nhiều tội phạm diễn ra ngang nhiên, thậm chí ngay cạnh trụ sở cơ quan quản lý nhà nước. Xét lại vấn đề này, bà Nga cho rằng cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, khu vực hay vì "quy lỗi" cho Bộ trưởng, trưởng ngành.
Theo hướng suy luận này, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng báo cáo về tình hình tội phạm của Chính phủ chưa phản ánh đúng tình hình thực tế, những vi phạm trong y tế, giáo dục, khai thác tài nguyên khoáng sản... chưa đề cập mà lại "đổ hết tội" cho cơ quan pháp luật trong khi nhiều vấn đề phát sinh thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ông Đương đề cập tình trạng "không hành động" của chính quyền địa phương. Dẫn chứng từ vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, ông Đương khẳng định đủ căn cứ khởi tố bắt giam ngay người đứng đầu doanh nghiệp có hành động "lắt léo", vi phạm hết sức nghiêm trọng nhưng địa phương không hề có động thái gì.
"Tình trạng "tự xử" trong một bộ phận dân chúng, từ việc tự vây đánh trộm chó đến chết, tự thuê xã hội đen đi đòi nợ, đến tự thiêu, tự bắn cán bộ... là do việc làm lơ, không hành động, thiếu trách nhiệm của chính quyền dẫn đến những việc làm bột phát, phản ứng" - ông Đương phân tích.
Mổ xẻ sâu thêm vấn đề, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Luật "phê" báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ vấn đề địa chỉ trách nhiệm, trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành hay Chủ tịch UBND, giám đốc Sở, trưởng ngành đến đâu.
Ông Luật dẫn lại chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa bàn để xảy ra tình trạng tội phạm có tổ chức, hoạt động kiểu băng nhóm xã hội đen. Dù vậy, nghịch lý vẫn diễn ra, từ vụ Tiên Lãng tới vụ nhân bản xét nghiệm ở Hoài Đức, vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa... chỉ khi lãnh đạo Chính phủ lên tiếng, yêu cầu xử lý nghiêm, báo cáo trong thời hạn cụ thể thì việc mới "chạy", người dân mới yên tâm. Những vụ án hình sự nghiêm trọng khi CQĐT Bộ Công an vào cuộc thì cử tri cũng mới chắc mẩm sự việc được xử lý rốt ráo. Còn nếu cứ để địa phương xử lý, người dân sẽ vẫn lo lắng là việc lại... chìm xuồng.
Án tham nhũng "vướng" vì... tiêu cực
Nối tiếp bức xúc, đại biểu Đỗ Văn Đương chuyển sang vấn đề án tham nhũng, chức vụ, kinh tế khả năng phát hiện yếu, hạn chế. Cơ quan chức năng mới chỉ chủ yếu bắt được tham nhũng vặt. Một vụ tham nhũng lớn, việc khám phá có sức mạnh giải quyết cơ bản tình hình thì các cơ quan tư pháp chưa làm được.
Ông Đương chỉ thẳng "bệnh" ở đây là biểu hiện bao che phổ biến ở các cơ quan, địa phương.
Ngoài ra, đại biểu cũng phân tích: "Bất cập vì quy định trinh sát kinh tế không được "hành động" với cán bộ đảng viên khi người đó chưa bị khởi tố. Mà nếu không phải đảng viên thì nêu có cũng chỉ có thể tham nhũng vặt vì làm sao được đảm nhận những chức vụ cao".
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại phiên thảo luận về công tác tư pháp năm 2013 của UB Thường vụ QH.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng phê hoạt động trinh sát, kinh nghiệm điều tra của lực lượng công an chưa tốt để phát hiện tham nhũng, có "đánh hơi" được tham nhũng thì cũng chưa làm trọn vẹn được, hoặc để bị can bỏ trốn hoặc kịp thời phi tang chứng cứ.
Ông Quyền cho biết, UB Tư pháp mới đây tiến hành giám sát ở nhiều cơ quan khối tư pháp, thấy nhiều địa bàn trong 2,5 năm chỉ xử lý được một vài vụ tham nhũng. Điều đó chứng tỏ công tác nghiệp vụ điều tra tham nhũng cơ bản là yếu, ngược hẳn với kết quả đấu tranh rất tốt, hiệu quả đối với nhóm tội phạm an ninh quốc gia.
Thực trạng quá trình điều tra án tham nhũng, chức vụ, kinh tế án kéo dài, đã kéo dài nhiều năm đến nay vẫn chưa có hướng khắc phục cơ bản. Nhiều trường hợp sau khi phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần thì "tội nhân" lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp kết luận đó là dấu hiệu bỏ lọt tội phạm rõ ràng vì có đến 90% các trường hợp được miễn trách nhiệm không đúng theo tinh thần quy định của luật. Trách nhiệm về việc này, ông Quyền cho rằng, có cả phần của CQĐT, VKS và tòa án.
VKS thì kháng nghị do ngại va chạm nên dù đã đề nghị truy tố về một tội danh khác với mức hình phạt khác nhưng kho tòa xử ra một hướng khác hẳn, áp dụng hình phạt nhẹ hơn rất nhiều nhưng cơ quan công tố vẫn không kháng nghị. Ông Quyền cho rằng đó là điểm bất bình thường trong hoạt động truy tố.
Còn về phía tòa, tình trạng cho hưởng án treo đối với nhóm tội phạm này, ông Quyền cũng kết luận là có biểu hiện nương nhẹ, thực hiện không pháp luật. Theo quy định, án treo chỉ được áp dụng với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, khung hình phạt dưới 5 năm tù nhưng nhiều vụ tham nhũng rõ ràng tội phạm nghiêm trọng nhưng tòa vẫn áp dụng 2 tình tiết giảm nhẹ để xử mức phạt dưới khung và cho hưởng án treo.
Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nga lại lo ngại về việc chất lượng làm án ở địa phương không "gợn" nhiều mà vấn đề là án trọng điểm, án tham nhũng nằm ở cấp TƯ thì chất lượng lại không đảm bảo. Tỷ lệ hồ sơ bị trả đi trả lại nhiều lần cao hơn nhiều so với địa phương.
Đặt câu hỏi về sự phi lý đó khi rõ ràng ở cấp cao tập trung nhiều cán bộ điều tra, truy tố giỏi, chất lượng điều tra lại không đạt, bà Nga lý giải là có tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Điều này dư luận, đơn từ tố cáo đã có nhiều, tổ chức Minh bạch cũng xếp hoạt động tư pháp ở top 5 trong thang cảm nhận tham nhũng.
P.Thảo
Theo Dantri
Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Cần xem lại các cơ sở thẩm mỹ Sáng nay, trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế, xã hội, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị cho rằng, liên quan đến sự việc xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường, các ngành chức năng cần kiểm tra lại hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn... Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị Bí...