Chúng ta nói gì khi nói về nước hoa
Liệu nước hoa có tuyệt diệu hơn vì có những hương liệu hiếm và đắt tiền? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ phải đương đầu với định nghĩa thế nào là một loại nước hoa tuyệt diệu mà theo tôi điều đó còn tùy thuộc nhiều vào ý kiến cá nhân.
Blog về nước hoa graindemusc.blogspot.com vừa trích dẫn một đoạn bài viết về Jean Claude Ellena đăng trên tạp chí khoa học kỹ thuật Pháp Annales des Mines tháng 11 năm ngoái. Nhà pha chế nước hoa của Hermès chỉ trích việc sử dụng các hương liệu tự nhiên quý hiếm và đắt tiền trong các loại nước hoa thông dụng và được sản xuất với số lượng lớn một cách khá gay gắt. Ông viết: “Dùng hương liệu quý hiếm để pha chế các loại nước hoa dành cho thị trường phổ thông là lợi dụng hương liệu đó với mục đích đánh bóng hình ảnh của nước hoa, chứ không phải để tạo hương thơm ‘chất’ cho nước hoa. Hơn thế, điều này thể hiện sự kém cỏi về tay nghề, không những gây khó khăn trong việc cung cấp các hương liệu tự nhiên quý hiếm, mà còn gây ảnh hưởng đến việc sản xuất nước hoa, và cuối cùng, lừa dối khách hàng mua nước hoa”. Rốt cuộc thì một trong số những chuyên gia có tiếng nói có trọng lượng trong ngành cũng đã lên tiếng về một vài điều tế nhị của ngành công nghiệp pha chế và kinh doanh nước hoa.
Liệu nước hoa có tuyệt diệu hơn vì có những hương liệu hiếm và đắt tiền? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ phải đương đầu với định nghĩa thế nào là một loại nước hoa tuyệt diệu mà theo tôi điều đó còn tùy thuộc nhiều vào ý kiến cá nhân. Tuy vậy, tôi vẫn chắc rằng bạn sẽ thích thú với loại nước hoa được miêu tả theo kiểu “có hương hoa hồng”, hơn là bằng những tên gọi hóa học rose oxide L., damascone alpha, beta hay damascenone – các hợp chất thường được dùng để thay thế hương liệu hoa hồng tự nhiên. Nhất là khi những miêu tả tưởng chừng như thật 100% đó được hậu thuẫn bởi những bài viết súc tích (và không sai chút nào) về những huyền thoại đẹp đẽ nhân loại dành cho hoa hồng, hay sự ưu việt của tinh dầu hoa hồng tự nhiên được chưng cất (rose oil) hay chiết xuất hoa hồng (rose absolute). Bạn cũng có thể tham khảo thêm về hoa hồng vùng Grasse – cái nôi của nền công nghiệp nước hoa Pháp và là hương liệu cơ bản của Chanel No5 kinh điển. Hoặc tìm hiểu video miêu tả các cô gái hái hoa vào những buổi sáng sớm tại Thổ Nhĩ Kỳ (một trong những nước cung cấp tinh dầu hoa hồng tự nhiên lớn nhất cho nền công nghiệp chế biến nước hoa thế giới, trong đó có Hermès), với quá trình chưng cất tinh dầu thơm, chiết xuất tinh dầu bán thủ công, cùng với những thông số kỹ thuật “4 tấn hoa mới được 1 cân tinh dầu”. Để cho thấy tại sao tinh dầu của loài hoa biểu tượng cho tình yêu có thể có giá lên đến 7000 euro/kg. Đây là cách ngành công nghiệp nước hoa trang bị “kiến thức” cho người tiêu dùng.
“Lý thuyết” là như vậy, nhưng bao nhiêu phần trăm nước hoa trên thế giới có miêu tả “thơm hương hoa hồng” thực sự mang trong thành phần tinh dầu hoa hồng tự nhiên ở mức làm cho khứu giác con người có thể nhận biết được sự khác biệt với hóa chất tổng hợp? Jean Claude Ellena từng nói rằng tuy thành phần của tinh dầu hoa hồng tự nhiên tinh chất có rất nhiều hợp chất khác nhau, nhưng ông chỉ cần 4-5 loại phân tử để tạo cảm giác của hương hoa hồng tự nhiên. Nhà pha chế nổi tiếng cho biết ông đã có lúc tìm ra một loại nước hoa “tuyệt đẹp” mà chỉ mất chi phí tối thiểu, trước khi đưa ra quan điểm “cảm xúc nước hoa đem lại không phụ thuộc vào giá thành của hương liệu được dùng”. Tuy công nhận rằng có những lúc không thể không dùng đến các hương liệu đắt tiền, nhưng theo ông Ellena, chi phí hương liệu không phải là yếu tố quyết định chất lượng của nước hoa. “Cảm xúc mà nước hoa đem lại” – điều ông tâm đắc nhất, “chính là kết quả của tài năng của nhà pha chế, và không chỉ là vấn đề kiến thức hay tay nghề”.
Có lẽ tôi quan niệm hơi khác với ý kiến đó. Ngoài hương thơm là kết quả của công thức hay chất liệu pha chế nước hoa, thì hình ảnh, câu chuyện mà hương thơm làm chúng ta liên tưởng tới cũng sẽ mách bảo chúng ta cách cảm nhận mùi hương. Và nhà pha chế nước hoa không chỉ dùng khứu giác, mà cả vốn kiến thức văn hóa của mình khi pha chế và kết nối mùi hương. Nhưng tôi cũng hiểu rằng tên gọi của các hương liệu quý hiếm đánh thức trí tưởng tượng và làm chúng ta có cảm giác rằng nước hoa có vẻ “chất” hơn tổng mùi hương trong công thức gộp lại. Vấn đề ở chỗ các chuyên gia marketing viết thông cáo báo chí thường không mấy khi nhắc chúng ta rằng hương liệu – như tinh dầu hoa hồng chẳng hạn, không hẳn lúc nào cũng có hương thơm giống hệt hoa tươi như chúng ta biết đến hay đảm bảo cho việc mùi nước hoa thể hiện hương hoa hồng tự nhiên. Mặt khác, một số hương liệu có những cái tên khá hấp dẫn, chẳng hạn như “gỗ màu tóc vàng” (blondwood) không có nguồn gốc tự nhiên, được miêu tả là có hương thơm không thể miêu tả được của gỗ và amber – cũng lại là tên gọi của những hóa chất thay thế cho long diên hương. Tôi đoán chắc phần đông chúng ta chỉ được biết đây là một hương liệu thơm quý hiếm và đắt tiền, còn rất ít người có cơ hội ngửi mùi của long diên hương thật. Một điều cũng ít được nhắc đến là nghệ thuật pha chế nước hoa không còn chỉ gói gọn trong việc mô phỏng hương thơm có trong tự nhiên.
Ngược lại, làm thế nào bắt hương liệu hé lộ những gương mặt đặc biệt của mình mới là điều đang được quan tâm. Như trong trường hợp hương hoa hồng có mùi mận phơi khô và táo nướng của Pomaros – một hóa chất của công ty Givaudan, được dùng trong các nước hoa dành cho nam giới Poison và DKNY Be Delicious For Men chẳng hạn. Nếu vậy liệt kê những tên hương liệu chưa chắc đã liên quan đến mùi nước hoa, hay rất ít người có dịp trải nghiệm để làm gì, nếu không phải vì một hình ảnh đẹp đẽ cho sản phẩm có chất lượng còn phải bàn cãi?
Khó có thể trách cứ các chuyên gia marketing, vì nếu cho rằng nước hoa là một sản phẩm kinh doanh, thì rõ ràng thêu dệt hình ảnh đẹp cho nước hoa cũng là yếu tố đem lại thành công. Kể cả khi họ muốn chúng ta nhầm tưởng rằng “hoa hồng” hay “hoa nhài” trong lọ chính là loại tinh dầu hoa hồng hoặc hoa nhài tự nhiên thực sự đắt tiền. Nếu phải tìm ra lỗi ở đâu, thì đó có lẽ chính là trong cách vận hành của thị trường kinh doanh nước hoa. Ngoài ra, ông Ellena còn đề cập đến việc điều độ trong sử dụng nguồn hương liệu tự nhiên, một vấn đề đang ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều thương hiệu niche hoạt động trên quy mô nhỏ và lệ thuộc nhiều vào nguồn hương liệu tự nhiên. Nếu như những hương liệu tự nhiên đắt tiền thực sự có trong thành phần của các loại nước hoa bán rộng rãi trên thị trường thì cũng bị giới hạn bởi giá thành sản phẩm và khó có thể làm chúng ta cảm nhận được sự khác biệt. Tuy vậy, điều này lại có thể làm cạn kiệt nguồn cung cấp hương liệu quý hiếm và hạn chế việc sản xuất các loại nước hoa thật sự cần đến các hương liệu đó. Tôi nghĩ rằng Jean Claude Ellena đã cư xử đẹp khi kêu gọi kinh doanh tử tế và lên tiếng bảo vệ các nhà sản xuất nước hoa niche. Nếu phải chấp nhận rằng nước hoa – sản phẩm chúng ta muốn sẽ đem lại cho mình những cảm xúc nên thơ và đẹp cũng là chuyện kinh doanh, thì tại sao lại không đòi hỏi những cư xử đẹp trong kinh doanh?
Theo Đẹp