Chúng ta ai cũng ăn phở, nhưng phở Hà Nội ngon và chuẩn vị phải ăn như thế nào?
Việt Nam có 63 tỉnh thành với những biến tấu đặc sắc và khác nhau về món phở, tạo nên sự đa dạng cho món phở. Nhưng phở Hà Nội ngon lạ với những nét rất riêng.
Từ chuyện vui về đôi vợ chồng đi ăn phở …
Bà Vũ Thị Tuyết Nhung (Admin FB Hà Thành hương xưa vị cũ, người Hà Nội gốc) vừa trở về từ Ngày của phở 2022 ở Nam Định, tưởng “cai” phở được ít nhất 1 tuần. Thế mà mới qua một đêm, sáng ra bà đã nhớ đến phở Hà Nội, nghĩ trong đầu xem hôm nay sẽ ăn phở Hà Nội ở hàng nào!
Phở bò Hà Nội. Ảnh minh họa.
Phở Hà Nội đường phố nào cũng có, nhưng đáng đồng tiền bát gạo thì không phải chỗ nào cũng ăn được, và bà Vũ Thị Tuyết Nhung hóm hỉnh chia sẻ về chuyện chồng bà vốn người Thái Bình, ông mê nhất Hà Nội 3 thứ là: Phở – bia – sấu.
Hồi ông còn sống, sáng ra bà hay đưa chồng tới hàng phở Hà Nội bà quen vị. Chồng bà ăn khẽ khàng, lần nào cũng sẻ sang cho vợ non nửa bát với cớ “vợ tốt bụng” hơn chồng. Chồng bà toàn ăn phở bò với dấm tỏi. Nhưng bà vốn người Hà Nội cổ, ăn uống tinh tế nên chỉ ăn phở bò với thìa nước cốt chanh thơm ngon đúng kiểu truyền thống.
Một Chủ nhật bà vừa trang điểm xong, chồng muốn đưa vợ đến quán ông ấy và mấy người bạn làm ăn trên phố cổ hay ăn và khen là rất ngon. Ông xã vui như mở cờ, đến hiệu phở cười tươi, còn hồ hởi nháy mắt với ông hàng phở, rồi lăng xăng kéo ghế cho vợ ngồi, gọi 2 tô phở đặc biệt.
Rồi ông ấy với tay lấy lọ hạt tiêu, đĩa chanh ớt mau mắn bày trước mặt vợ. Theo thói quen ông sẻ non nửa bát phở sang bát vợ trước khi cho thìa dấm tỏi vào bát mình.
Chiều chồng bà cố ăn hết bát phở, nhưng bỏ lại lưng bát nước… khiến ông ấy phải giục bà ăn nốt nước chất cho nóng để còn sang hàng cà phê vì có mấy người bạn đang đợi.
Bà phải dịu giọng để “nước mắm hâm” lên ngôi, nhưng trong bụng thì nghĩ bà chỉ ăn chín gầu, mà chồng lại gọi tái gầu – là món ông ấy thích. Chẳng nhẽ gọi ra rồi mà đòi đổi lại thì làm phiền người ta, lại mang tiếng khó tính.
Phở không ngon, nước mặn lại nhiều mì chính (mà mì chính thì họ cho thẳng vào thùng nước phở rồi, không bảo bớt lại được). Tiếc tiền nên bà cố ăn cho hết phở mà bỏ lại nước là vì thế.
Vậy phở Hà Nội thế nào mới là ngon và chuẩn vị?
Video đang HOT
Thời kỳ nhà nước cấm giết trâu, bò thì người Hà Nội thay bằng thịt gà – tạo ra món phở gà mới nữa cho Hà Nội. Ảnh Internet.
… đến phong vị chuẩn và ngon của phở Hà Nội
Nói về phở Hà Nội, ông Việt Cường ( Viet Cuong Sarraut – Hà thành hương xưa vị cũ) chia sẻ nhân Ngày của phở rằng, phở Hà Nội là có hương vị đặc biệt hấp dẫn nhất, gắn bó với mọi tầng lớp người trong xã hội. Vào đông trời lạnh ngắt, lại lất phất mưa nên càng rét ngọt – lúc này chỉ thèm bát phở tái gầu nóng hổi – món ẩm thực mang bản sắc riêng của Hà Nội.
Từ thập niên 30 – 40 – 50 phở Hà Nội cổ điển trở thành món ăn của Hà Nội. Bánh phở dẻo, dai, bột mịn trắng bong. Thịt bò luộc chín từng tảng, thái to bản, bắp có, nạm có, gầu giòn có. Trên bát phở là hành hoa húng Láng thái nhỏ, có vài nhánh hành củ chần qua nước dùng, kèm mấy sợi gừng thái chỉ.
Nước dùng ninh toàn xương bò với gừng nướng, phải đun bằng củi đủ 12 tiếng nhưng không để nước sôi ùng ục. Khi mở vung nồi nước dùng có màu vàng nhạt, khói bốc thơm nức từ đầu phố đến cuối phố.
Hà Nội xưa chỉ có phở bò chín, sau mới có phở bò tái. Thời kỳ nhà nước cấm giết trâu, bò thì người Hà Nội thay bằng thịt gà – tạo ra món phở gà mới nữa cho Hà Nội.
Hà Nội xưa chỉ có phở bò chín, sau mới có phở bò tái. Ảnh: Internet.
Xưa Hà Nội chỉ có những hàng phở gánh bán ở trên vỉa hè. Quang gánh đóng bằng gỗ một bên như cái chạn nhỏ, tầng để bát, tầng để bánh phở, tầng để dao thớt. Bên kia là khung gỗ có 4 chân chống xuống đất để thùng nước dùng. Đầu quang gánh có những cái móc sắt treo túm hành, túm ớt, những tảng thịt chín.
Bánh phở chần từng bát một, thịt chín theo ý khách – ai thích bắp thì thái bắp, thích nạm hay gầu thì mới thái, chứ không bốc thịt thái sẵn cho vào hàng chục bát như bây giờ.
Dần dà phở được bán trong nhà, phong phú hơn vì có phở chín, phở tái, tái gầu, tái nạm, tái sách, phở áp chảo giòn, áp chảo ướt, phở sốt vang, phở xào. Phở gà thì chiều khách ăn theo từng bộ phận của con gà như: phở lườn, đùi, cánh, phao câu, tràng trứng…
Phở Hà Nội dần lan ra cả nước, mỗi tỉnh thành lại cải tiến thành phở lợn, phở trâu, phở vịt, có vùng có cả phở chó… Riêng Nam Định có một gia đình họ Cồ lên Hà Nội mở hàng phở bò có chất lượng ngon chẳng thua kém gì phở Hà Nội, được đông đảo người dân chấp nhận. Từ đấy người Nam Định kéo nhau về Hà Nội mở hàng phở, chỗ nào cũng treo biển “Phở Cồ Nam Định gia truyền”.
Đất nước thời kỳ đổi mới, dân giầu, nước mạnh kinh tế tư nhân phát triển, hàng phở mọc ra nhiều như nấm gặp mưa. Phở lại trở thành món quà bình dân, già trẻ lớn bé, giầu nghèo đều có thể ăn phở thường xuyên.
Người ngoại tỉnh nhập cư vào Hà Nội quá nhiều, mà người bán cũng không phải người Hà Nội cũ, nên đều dễ chấp nhận những bát phở bình dân này, vì cả hai bên, người ăn, người bán đều không biết hương vị của bát phở cổ điển như thế nào. Miễn sao bà chủ bốc bánh phở nặng tay một chút, nước dùng cũng chả cần ninh hầm xương đúng kiểu, đúng cách, mỗi bát cứ tương thẳng một thìa mỳ chính trước khi chan nước là ổn.
Lại có người ăn phở kèm 2-3 quả trứng gà chần, bỏ lòng trắng, thêm đĩa quẩy, có khi đòi thêm hành tây, giá đỗ, đĩa rau sống… Rồi phở gà lại có cả mọc, cả giò sống và cả tim, bầu dục nữa. Vẫn biết rằng khẩu vị, sở thích chẳng ai giống ai, những bát phở ăn kiểu như thế dân sành ăn Hà Nội gọi là ăn phở “cải lương”.
Ẩm thực Hà Nội bây giờ là ẩm thực kiểu giao thoa 3 miền, kiểu tây, ta lẫn lộn chứ không phải ẩm thực của Hà Nội 36 phố phường như xưa. Nguồn gốc của phở luôn là câu chuyện dài, thu hút những cuộc tranh luận không dứt, mỗi người có một câu chuyện về phở khác nhau, dẫn chứng khác nhau.
Mặc kệ giá cả tăng, những quán phở này giữ giá chỉ 25.000 đồng/bát mà vẫn thơm ngon
Phở Hà Nội đã trở thành một nét văn hóa truyền thống, một tinh hoa văn hóa ẩm thực không thể thiếu trong đời sống của người dân.
Mặc kệ những biến động thị trường, vật giá tăng chóng mặt, những quán phở truyền thống này vẫn giữ mức giá 25.000 đồng cùng hương vị phở truyền thống thơm ngon.
Phở ngõ 431 Vĩnh Hưng - Gần trường Kinh doanh Công nghệ
Ở Hà Nội không thiếu những quán phở truyền thống nhiều năm vẫn giữ mức giá như thế. Những khu vực gần các trường đại học, nơi tập trung nhiều sinh viên hay người lao động đều có những quán ăn bình dân với mức giá cũng rất bình dân. Vì vậy, tìm được một bát phở giá 25.000 đồng ở đây không hề khó.
Bát phở thơm ngon, đầy đặn
Nằm ngay con ngõ 431 đường Vĩnh Hưng, gần trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, quán phở bò với phần biển hiệu vàng nằm nổi bật giữa con ngõ nhỏ. Ít ai biết, dù không gian khá rộng rãi, mỗi bát phở ở đây chỉ có giá 25.000 đồng. Anh Hưng Hà (chủ quán phở) cho biết: "Vì bán chủ yếu cho sinh viên nên cũng không thể lấy giá cao hơn được. Mỗi bát phở chỉ lãi 2.000 - 3.000 đồng thôi chứ cũng không thể bán giá cao".
Bán ở đây gần chục năm nay, chứng kiến bao sự thay đổi của cuộc sống, trong thời buổi vật giá tăng cao, lít xăng cũng phải cân đo đong đếm, quả thật một bát phở 25.000 làm cho những người yêu phở Hà Nội thấy ấm lòng hơn.
Dù giữ mức giá 25.000 đồng, hương vị của bát phở vẫn vẹn nguyên sự đậm đà, thơm ngon truyền thống. Đặc biệt, ngoài bánh phở mềm, phần thịt bò tái tươi ngon, nếu khách có yêu cầu anh chủ quán sẽ thêm phần nước béo trong mỗi bát phở để hương vị thêm đậm đà hơn. Nhờ hương vị thơm ngon ấy, không chỉ sinh viên mà đây cũng là quán phở yêu thích của nhiều người dân lao động. Ông Kỳ Nam (khách ăn tại quán) là bảo vệ cho một cửa hàng thời trang gần khu vực này cho biết:
"Mỗi sáng đều qua đây ăn phở vì giá cả rẻ mà hương vị vẫn ngon như những hàng phở đắt tiền khác. Ở đây có phần thịt bò và nước dùng béo cực thơm ngon mà không phải hàng quán nào cũng có được". Quán phở này thường mở bán buổi sáng, có thời điểm đông khách chỉ cần 2 - 3 tiếng sẽ hết hàng.
Phở bò cô Vân - 12A Lý Nam Đế
Ngoài những khu vực sinh viên, ngay trong lòng phố cổ vẫn rất dễ tìm được những địa chỉ phở chỉ với giá 25.000 đồng. Quán phở bò Cô Vân nằm trên đường Lý Nam Đế là một trong số những quán ăn đó. Quán ăn không có không gian trong nhà mà tận dụng một góc của con phố với khoảng 5 - 6 chiếc bàn. Dù là quán ăn lề đường, không gian quán vẫn rất sạch sẽ, gọn gàng, các phần nguyên liệu, hộp gia vị được cô chuẩn bị sạch sẽ, ngăn nắp chờ khách hàng đến thưởng thức.
Bát phở bò thơm ngon đúng điệu của người Hà Nội
Điểm đặc biệt nhất của phở Cô Vân đó là phần bánh phở đầy ắp, trắng, sợi phở dai ăn cùng miếng quẩy giòn, khi nhúng vào bát phở vẫn giữ được độ giòn thơm ngon. Nước dùng đầy đặn, phần thịt thái vừa đủ, vừa nạc vừa mỡ làm cho bát phở trở nên vừa vặn hơn. Với những thực khách gần đây, quán phở này trở thành địa chỉ ăn sáng quen thuộc cho cả gia đình. Chị Minh Ngọc (khách ăn tại quán) cho biết: "Nước dùng đậm đà, có vị ngọt từ xương, bánh phở mềm đầy đặn. Nhìn chung một bát phở với mức giá 25.000 đồng trong thời buổi hiện nay là điều quá hiếm hoi".
Quán chỉ mở bán từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, hầu hết đều phục vụ dân phố cổ. Nếu không phải là người bản địa dẫn đường, chắc chắn khách du lịch sẽ không thể tìm được những không gian quán như thế này.
Phở bò trung tâm phố cổ
Một quán phở khác nằm trên con phố Hàng Bún cũng giữ mức giá cho một bát phở bò chín là 25.000 đồng. Đây là quán của hai cô chú cao tuổi, cũng tận dụng không gian ngõ nhỏ để làm quán phở. Điều đặc biệt, quán phở ngõ này đã mở bán được hơn 30 năm nay. Chủ quán phở cho biết: "Vì không phải thuê mặt bằng, tận dụng ngõ trong xóm nên toàn bán cho người lao động, xe ôm,... với mức giá 25.000 đồng. Bán cao hơn thì không có ai đến ăn". Cũng theo cô, mỗi ngày cô bán khoảng 45 - 50kg phở.
Với mức giá 25.000 đồng, những quán phở trong ngõ nhỏ được nhiều người dân yêu thích
Dù giữ mức giá bình dân, bát phở của quán cũng rất đầy đặn, thơm ngon không kém cạnh gì những hàng phở có giá 50.000 đồng. Mỗi bát phở với phần nước dùng thơm phức, thịt bò chín mềm hòa quyện vào nhau đậm đà. Đặc biệt, cô chủ thường thêm rất nhiều phần hành lá, hành tây vào bát phở để làm dậy mùi thơm ngon của món ăn.
Phở Vân số 50 Hàn Thuyên
Cô Vân là vốn là cán bộ về hưu, chuyển sang nghề bán phở. Với cô, phở không chỉ là một cái nghề mà còn là nét truyền thống, tinh hoa ẩm thực của Thủ đô. Người Hà Nội nếu không biết ăn phở thì chưa phải là người biết trải nghiệm ẩm thực. Cô Vân chia sẻ: "Bán như thế này chỉ ăn lãi tình cảm. Mình bán giữ nguyên giá như thế thì khách lúc nào cũng muốn quay lại với cửa hàng. Dù mình không có cửa hàng sang trọng gì người ta vẫn yêu thích hương vị phở truyền thống".
Bát phở nhỏ những đủ no nê cho cả bữa sáng
Mỗi sáng, quán phở nhỏ của cô lại tất bật chuẩn bị đồ mở hàng. Khách vào ra quán liên tục, có thời điểm cô làm không thể ngớt tay. Cô cho biết, giữa bao nhiêu hàng quán ngoài kia, mọi người vẫn yêu thích bát phở truyền thống của mình là điều quý giá.
Những món ăn tuyệt hảo sưởi ấm mùa đông Hà Nội Giữa cái lạnh co ro và những cơn mưa ảm đạm đầu đông, cách nhanh nhất để kéo tâm trạng lên chính là thưởng thức những món ăn thật ngon lành, nóng hổi. Cháo sườn Cháo sườn sinh ra là để dành cho những chiều đông Hà Nội. Trong cái lạnh buốt tay, được bưng một bát cháo nóng hổi. Ăn đến đâu,...