Chứng khoán, tiền tệ châu Á ‘bật dậy’, hàng nghìn tỉ USD thu về
Thị trường chứng khoán và tiền tệ châu Á “bật dậy” đã giúp toàn cầu thu về hàng nghìn tỉ USD.
Ảnh minh họa
Vào ngày 9.10, đồng Ringgit của Malaysia và đồng Rupiah của Indonesia đã gia tăng trở lại. Nhân tố này đã khiến thị trường chứng khoán và tiền tệ châu Á đồng loạt tăng trước bối cảnh đồng USD lao dốc.
Cụ thể, đồng Ringgit của Malaysia và đồng Rupiah của Indonesia lần lượt tăng 2,64% và 3,68% so với đồng bạc xanh trong phiên 9.10. Như vậy, trong tuần này đồng Rupiah đã tăng đến 9% so với đồng USD. Tương tự, các đồng nội tệ của Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Philippines cũng lên giá so với đồng bạc xanh.
Kết quả là, khoảng 2,46 nghìn tỉ USD đã được thêm vào giá trị chứng khoán toàn cầu trong 4 ngày đầu tiên của tuần này. Theo đó, chứng khoán, tiền tệ châu Á ‘bật dậy’, hàng nghìn tỉ USD được thu về.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đã tăng thông qua những trao đổi trong khu vực.
Sự bật dậy của thị trường châu Á đã khiến các nhà phân tích phải thốt lên rằng, đây là một sự thay đổi hoàn toàn bền vững.
Video đang HOT
Giá dầu ở các công ty năng lượng đã tăng mạnh, lên hơn 10%, mức cao nhất trong nhiều tháng do nhu cầu được cải thiện đáng kể và các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Trung Đông đã thổi bùng lên những lo ngại về nguồn cung.
Đây được xem là lần phục hồi mạnh nhất ở thị trường châu Á kể từ sau những tháng quý III đầy đau thương đã “thổi bay” hàng nghìn tỉ USD khỏi thị trường toàn cầu.
“Sự phát triển trong thị trường tài chính và chứng khoán gần đây có thể tác động đáng kể đến đồng USD, sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và các mặt hàng trong thị trường”, theo nguồn tin từ Bloomberg cho biết.
Có thể nói, thị trường châu Á vẫn có thể đứng dậy vững vàng trước bối cảnh kinh tế Trung Quốc vẫn còn suy thoái hay các nền kinh tế phát triển và đang phát triển khác đang trên đà lao dốc.
Tuyết Nhung (Một Thế Giới/Theo Investvine)
Hạ lãi suất tiền gửi USD: Ai sẽ chuyển găm giữ USD sang VND?
NHNN hạ lãi suất tiền gửi USD về mức thấp nhất 0% khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có là mũi tên trúng được nhiều đích và đủ mạnh để có thể chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, loại bỏ kỳ vọng "sóng" tỷ giá cuối năm, tăng sức hấp dẫn cho VND?
Gửi tiết kiệm USD sẽ không có lãi?
Cụ thể, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm, theo đánh giá của các chuyên gia, chắc chắn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD, góp phần giữ ổn định tỷ giá. Trước đó, mức lãi suất tiền gửi USD tối đa của tổ chức là 0,25%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa của cá nhân là 0,75%/năm.
Theo NHNN, quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015. Việc đưa ra quyết định này cũng trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Đồng tình với lý giải của NHNN, chuyên gia kinh tế TS.Cấn Văn Lực cũng cho rằng việc giảm lãi suất huy động USD lần này chủ yếu nhằm hướng tới hai mục đích: Thực hiện lộ trình chống đô la hóa, giảm sức hấp dẫn của USD. Thứ hai, giảm một phần áp lực tỷ giá nếu có.
Một số lãnh đạo ngân hàng nhận định, việc hạ lãi suất đồng USD của NHNN ngoài mục tiêu chống đô la hóa, giảm áp lực lên tỷ giá còn nhằm đối phó với bài toán lãi suất bởi vài tháng gần đây, lãi suất huy động tiền đồng có xu hướng tăng.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB nói, áp lực tăng lãi suất huy động đã xuất hiện. Vì vậy, hạ lãi suất tiền gửi USD, làm tăng sức hấp dẫn của tiền đồng là một trong những cách để tăng huy động vốn bằng tiền đồng.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc ngân hàng Vietinbank khẳng định: "Sau những cơ chế điều hành của NHNN, cân đối USD trong hệ thống ngân hàng nói chung đang ở trạng thái rất tốt.Thanh khoản bằng ngoại tệ cao, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ cũng được kiểm soát, do đó hoàn toàn có thể tin tưởng tỷ giá sẽ xoay quanh mức điều hành".
Kiểm soát USD khó hơn vàng
Nhận định về khả năng NHNN sẽ áp dụng những chính sách quản lý nhằm xóa bỏ tình trạng USD hóa như đã từng làm với vàng, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu - thành viên HĐQT ngân hàng ABBank cho rằng: Đối với cả USD và vàng, NHNN đều có những công cụ để kiểm soát như nhau. Tuy nhiên, với vàng thì do xu thế trên toàn thế giới là giá đang đi xuống nên việc kiểm soát mặt hàng này trong mấy năm gần đây có phần đơn giản hơn. Trong khi USD là đồng tiền đang có xu hướng đi lên, chính vì vậy việc kiểm soát và loại bỏ bớt ảnh hưởng của nó trong nền kinh tế sẽ khó để đạt được như với vàng.
Việc hạ lãi suất tiền gửi USD xuống kịch sàn như mục đích được NHNN nêu ra không hẳn chỉ mang lại những "cái được". Không ít ý kiến chuyên gia tỏ ra lo ngại vì những mục tiêu không dễ đạt được trong bài toán hạ lãi suất này.
Trước hết phải nhìn nhận thực tế doanh nghiệp không có nhiều dư tiền gửi ngoại tệ. Nhiều người dân gửi USD không phải mục đích chủ yếu là nhận lãi mà để ngân hàng đảm bảo an toàn và tránh việc mất giá vì họ cho rằng lãi suất gửi tiền đồng xấp xỉ 6%/năm, nhưng sự mất giá của tiền đồng bao giờ cũng lớn hơn USD rất nhiều lần. Khi tiền đồng mất giá vài phần trăm so với USD, thì lãi suất cũng không quá hấp dẫn so với khoản tiền gửi USD.
Trả lời cho câu hỏi của Dân Việt rằng, ai sẽ chuyển đổi từ nắm giữ USD sang VND, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Cho đến thời điểm này thị trường chưa có biến động gì bất thường, không xảy ra tình trạng rút tiền ồ ạt để chuyển đổi từ USD sang VND. Tuy việc hạ lãi suất tiền gửi USD này có làm "nhụt chí" những người đầu cơ, kiếm lời từ chênh lệch tỷ giá.
"Có hai loại khách hàng nắm giữ USD, một loại gửi tiền để đợi giá USD tăng để bán kiếm lời. Có thể loại khách hàng này sẽ có chút ít bị tác động khiến họ từ bỏ kênh đầu tư này để chuyển sang kênh đầu tư khác có khả năng sinh lời hơn. Loại khách hàng thứ hai giữ tiền, gửi USD để thanh toán chi phí, coi đó như là tài khoản vãng lai. Đối với những khách hàng này chắc chắn việc hạ lãi suất sẽ không ảnh hưởng gì đến họ", ông Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN cần có phương án dự phòng cho những khả năng xấu như tỷ giá vẫn ở mức căng thẳng và lãi suất VND vẫn "cố thủ" ở mức cao nếu như biện pháp hạ lãi suất tiền gửi USD vừa qua là chưa đủ đáp ứng mục tiêu của chính sách tiền tệ những tháng cuối năm.
Chị Lan Hương, một chuyên viên Công ty Bảo hiểm (Đống Đa - Hà Nội ) cho biết: Chị đang có sổ tiết kiệm 10.000 USD gửi tại một ngân hàng lớn nhưng hoàn toàn không có ý định rút ra để chuyển đổi sang tiền VND để hưởng lãi suất cao hơn vì theo chị, thông thường những tháng cuối năm tỷ giá luôn có xu hướng tăng khiến VND mất giá nhiều hơn.
Theo danviet
Fed giáng đòn mạnh vào thị trường chứng khoán Mỹ Sự bất ổn quay trở lại với TTCK Mỹ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen đưa ra quyết định chưa nâng lãi suất trong tháng 9 này, cùng với lời cảnh báo về triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Diễn biến của chỉ số S&P 500 trước và sau...