Chứng khoán thời Covid-19: “Dĩ bất biến, Ứng vạn biến”
Theo ông Nguyễn Hồng Điêp, chứng khoán sẽ có rất nhiều điều bất ngờ, thậm chí có những phiên sụt giảm mạnh, nhưng chúng ta luôn giữ vững nguyên tắc, chuẩn bị trước các phương án phòng vệ, giữ vị thế đầu tư thì cơ hội năm 2020 là rất to lớn.
Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những tác hại vô cùng to lớn trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ ảnh hưởng về sự an toàn, sức khỏe con người, mà dịch bệnh còn là tác nhân gây ra suy thoái kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng nào, thị trường chứng khoán luôn là nơi bị ảnh hưởng nhanh và mạnh nhất. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp – Chuyên gia chứng khoán.
Quý 1 đầy rẫy khó khăn
Tất cả chúng ta đang là chứng nhân cho thời khắc lịch sử. Kể cả thế chiến thứ 2 cũng không thể so về sự ảnh hưởng toàn cầu như dịch lệ lần này. COVID-19 đã làm tê liệt nhiều nền kinh tế hàng đầu từ châu Âu, Mỹ, cho đến Trung Quốc và châu Á. Việt Nam dù đang ngăn chặn dịch rất tốt, nhưng cũng không tránh được ảnh hưởng.
Xét về những chỉ số kinh tế xã hội quí 1/2020, chúng ta không khỏi lo âu. GDP đạt 3.82%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm. Cơ cấu nền kinh tế của chúng ta lấy trọng tâm là Dịch vụ, khi dịch lệ xảy đến, sự ảnh hưởng là ngay lập tức. Bên cạnh đó, các mảng nông nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, đều giảm sút nghiêm trọng. Rất nhiều Doanh nghiệp, từ Nhà nước đến tư nhân, đều đang đối mặt với những khó khăn. Hoạt động của hệ thống tài chính có mức tăng trưởng rất thấp. CPI có dấu hiệu tăng, tiền đồng đang chịu sức ép giảm giá lớn.
Chỉ số VN-Index mở cửa đầu năm ở mức 960 điểm, có lúc đã tăng lên 990 điểm, nhưng vào những ngày cuối tháng 3 đã giảm về mức 660, tương đương giảm khoảng 32%. Rất nhiều cổ phiếu có mức giảm 40%-50%, thậm chí lên đến 70%. Vốn hóa thị trường “bốc hơi” hàng tỷ dollar, tài sản Nhà đầu tư bị giảm sút rất nặng nề.
Dịch lệ gây ra khủng hoảng toàn cầu, sự thật này chúng ta phải đối mặt. Những cuộc khủng hoảng tài chính 1997, 2008, không thể so được với lần này về qui mô, mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự ứng phó của nhân loại trước COVID-19 thật đáng khâm phục. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực tài chính, một loạt các NHTW đều có nhiều biện pháp giải cứu nền kinh tế. Chính phủ chúng ta cũng rất nhanh nhạy trong việc ra một loạt chính sách Tài khóa, Tiền tệ, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cũng như SX-KD.
Chiến đấu để hồi phục
Cho đến ngày hôm nay 5/4/2020, đại dịch trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thế nhưng dịch lệ nào rồi cũng sẽ qua đi và khi dịch lệ biến mất, chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc chiến khác. Những hệ lụy từ dịch là không thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ gây ra tình trạng ngưng trệ sản xuất kéo dài. Nhiếu nước trong đó có Việt nam, đã dốc hết sức lực ra “chống dịch”, nguồn lực để phục hồi nền kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng. Sẽ có những doanh nghiệp không thể gượng lại được sau dịch.
Nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào FDI và dịch vụ. Tư duy của nhiều nước sẽ thay đổi, hướng nội và bảo hộ nhiều hơn. Rõ ràng, nhiều loại hình dịch vụ như Du lịch, Ăn uống, đều sẽ gặp khó trong cả năm 2020. Nếu đầu tư nước ngoài giảm sút, sẽ gây ra những tác hại về việc làm, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn kỳ vọng “trong nguy có cơ”. Rút kinh nghiệm sau dịch, có thể sẽ có làn sóng chuyển dịch các nhà máy, công xưởng ra khỏi Trung quốc. Nếu nắm bắt tốt thời cơ, Việt nam sẽ điểm đến, sự lựa chọn của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Cuộc chiến sau dịch, phục hồi nền kinh tế cần phải được Chính phủ hỗ trợ quyết liệt. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, đều coi đây là trọng trách, đều ứng xử với tinh thần cao nhất, trong công cuộc phục hưng đất nước.
Video đang HOT
Nếu đặt giả định dịch kéo dài khoảng giữa tháng 5/2020, chúng ta còn 7 tháng để chiến đấu cho mục tiêu kinh tế xã hội năm 2020. Mọi dự báo bây giờ còn quá sớm, nhưng nếu Việt Nam giữ được mức tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, thì đó cũng là thành công tuyệt vời. Cùng lúc đó, việc kiểm soát cung ứng hàng hóa thiết yếu, kiềm chế lạm phát dưới 5-6%, không để tiền đồng mất giá quá lớn, trong khoảng 4%, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 8%, thì tin rằng chúng ta sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến cam go này.
Khủng hoảng cũng là cơ hội cho thị trường chứng khoán
Việc chỉ số VN-Index đang ở quanh mức 700 điểm cũng là hết sức bình thường, thể hiện đúng bức tranh của nền kinh tế chung. Cho dù điểm số giảm, nhưng yếu tố thanh khoản vẫn khá tốt. Trong tháng 3/2020 là tháng giảm sâu nhất, GTGD bình quân đạt 5.600 tỷ mỗi phiên, một con số rất ấn tượng. Dù khối ngoại liên tiếp bán ròng, nhưng thị trường luôn có lực đủ “cân” lại. Việc bán ròng của khối ngoại có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể họ hành động theo nguyên tắc và thuật toán đã được xây dựng trước. Một điều đáng mừng là dù bán ròng, nhưng nhu cầu ngoại tệ không tăng. Có nghĩa là có thể tiền vẫn đang được giữ trong thị trường, chờ thời cơ giải ngân trở lại.
COVID-19 là thứ chúng ta chưa bao giờ biết đến. Cách hành xử lần này cũng phải rất đặc biệt. Chỉ cần Nhà đầu tư luôn ghi nhớ nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” thì sẽ chiến thắng được thị trường. Sẽ có rất nhiều điều bất ngờ, thậm chí có những phiên sụt giảm mạnh, nhưng chúng ta luôn giữ vững nguyên tắc, chuẩn bị trước các phương án phòng vệ, giữ vị thế đầu tư thì cơ hội năm 2020 là rất to lớn.
Tôi xin đưa ra 2 kịch bản cho TTCK trong quí 2/2020 và cả năm 2020, như sau:
Kịch bản 1: Dịch sẽ được khống chế vào khoảng giữa tháng 5/2020. TTCK sẽ hồi phục trước, là chỉ báo sớm. VN-index có cú hồi 150 điểm, lên vùng 800. Sau đó là quãng thời gian bộc lộ khó khăn của doanh nghiệp. Chứng khoán sẽ có điều chỉnh, giao dịch chủ yếu quanh mức 720-750. Kết thúc năm 2020, VN-Index đạt trên 700 điểm.
Kịch bản 2: dịch được khống chế muộn hơn, xã hội mất nhiều nguồn lực và thời gian. Vn-index sau những đợt sóng hồi ngắn, sẽ tiếp tục dò đáy mới và có thể sẽ về đến 520 điểm. Kết thúc năm 2020, VN-Index đạt khoảng 600 điểm.
TTCK được ví như “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Một khi kinh tế khó khăn, TTCK cũng sẽ gặp nạn. Sau dịch lệ lần này, chứng khoán sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi. Thay đổi từ phương thức đầu tư, mô hình dịch vụ cho đến “lớp” nhà đầu tư. Việc coi “Chứng khoán là dịch vụ thiết yếu” là một điểm son của lãnh đạo UBCK và Chính phủ. Sự tiến bộ đến ngay trong mùa dịch, củng cố niềm tin cho giới đầu tư.
Trong bất kỳ kịch bản nào, sẽ có dòng bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cũng vẫn có dòng được hưởng lợi. Rõ ràng, những dòng như Bán lẻ, Nông nghiệp, Thủy sản, sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Những dòng “trung dung” hơn như Ngân hàng, BĐS, Xây dựng, sẽ phải nỗ lực rất nhiều sau dịch. Còn ngành được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là Bảo hiểm, Y tế, Công nghệ.
Khủng hoảng lần này là rất to lớn, chưa bao giờ gặp. Nhưng đi liền với nó, cơ hội cũng là “10 năm chưa gặp”. Chỉ cần giữ vững nguyên tắc, chuẩn bị tốt, vượt qua những tâm lý tầm thường, sự thành công sẽ đến.
Nguyễn Hồng Điệp
Đây là những gì nhà đầu tư cần làm để "không mất tiền" giữa "cơn khủng hoảng" mang tên Covid-19
Để tìm kiếm cơ hội kiếm tiền trong bối cảnh khủng khoảng hiện nay, điều quan trọng là phải tập trung vào các chiến lược đầu tư cốt lõi: dài hạn và đa dạng hoá.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến mức sụt giảm chưa từng thấy do ảnh hưởng lan rộng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra.
Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán, kèm theo đó là sự lao dốc của giá dầu, khởi đầu cho chuỗi ngày đen tối khiến nhiều nhà đầu tư hoảng sợ, thậm chí tìm cách tháo chạy.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới, đây không phải là lần đầu tiên cũng không phải là lần cuối cùng thị trường chứng khoán sụt giảm. Điều quan trọng các nhà đầu tư cần làm lúc này là rà soát lại chiến lược đầu tư của mình và thay đổi để đối phó với những biến động của thị trường trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng tới.
Phố Wall trong bối cảnh Coronavirus
Trong phiên giao dịch ngày 09/03, khi những thông tin về dịch Covid-19 lan rộng khiến Thủ tướng Italy phải ký sắc lệnh phong toả toàn bộ đất nước này, thị trường chứng khoán đã chứng khiến mức sụt giảm lớn nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, hầu hết các chỉ số đồng loạt đỏ lửa.
Đến ngày 11/03, khi Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) tuyên bố Covid-19 chính thức trở thành đại dịch toàn cầu, kèm theo đó là hàng loạt quốc gia nới rộng phạm vi phong toả để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh đã đánh dấu một bước chuyển mới của chỉ số Dow Jones: chính thức bước chân vào thị trường con gấu (bear market).
Mức sụt giảm này cũng báo hiệu sự kết thúc cho một thị trường bò tót tăng trưởng liên tục suốt 11 năm qua. Freddy Lim - đồng sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư của Quỹ Quản lý Tài sản quốc tế StashAway, cho rằng điều quan trọng cần xem xét lúc này là tác động của những vấn đề sức khoẻ cộng đồng tác động tới thị trường chứng khoán trước đây như đại dịch HIV/AIDS năm 1981, dịch SARS năm 2003, dịch H5N1 năm 2006 hay dịch Rubeola năm 2014...
Dựa vào những dữ liệu đã được lưu trữ kể từ năm 1980 đến nay, Lim đã phân tích tác động của các đại dịch liên quan tới sức khoẻ cộng đồng và chỉ số MSCI qua các thời kỳ trong biểu đồ dưới đây.
"Theo những gì chúng ta đang chứng kiến, dịch bệnh sẽ gây ra những tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh tới thị trường chỉ mang tính tương đối ngắn hạn, thường không kéo dài quá 2 tháng; chỉ có trường hợp đại dịch HIV/AIDS năm 1981 là ngoại lệ khi nó kéo dài ảnh hưởng tới thị trường suốt 5,1 tháng", Lim nói trên CNBC.
Trong khi đó, Steve Brice - chiến lược gia đầu tư tại Ngân hàng Standard Chartered, đưa ra quan điểm trung lập hơn khi cho rằng nhiều thị trường đã bắt đầu vào thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng khẳng định "đây có thể là cơ hội để mua vào, thay vì hoảng loạn và tháo chạy".
Làm gì để giữ tiền an toàn?
Theo chiến lược gia Steve, để tìm kiếm cơ hội kiếm tiền trong bối cảnh khủng khoảng hiện nay, điều quan trọng là phải tập trung vào các chiến lược đầu tư cốt lõi: dài hạn và đa dạng hoá.
"Các nhà đầu tư cần có sự chuẩn bị tốt cho mọi biến động của thị trường, dù biến động từ Covid-19 là hoàn toàn cực đoan. Hãy bắt đầu từ những danh mục nhỏ và đảm bảo rằng bạn có một danh mục đa dạng hoá những tài sản chính như vốn chủ sở hữu, trái phiếu, vàng hoặc tiền mặt. Sau đó hãy tập trung vào những khu vực và ngành nghề cụ thể", chiến lược gia của Standard Chartered nhấn mạnh.
Trong khi đó, Lorna Tan - Giám đốc mảng Kế hoạch Tài chính của Ngân hàng DBS tại Singapore cho rằng, thời kỳ biến động vì Covid-19 này có thể là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán và thử thách mức độ chấp nhận rủi ro của họ. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, đây không phải là thời điểm đầu tư dành cho những người yếu tim và đưa ra 4 lời khuyên cốt lõi.
1. Đầu tư vào dài hạn: Đảm bảo rằng bạn có một khoản tiết kiệm từ 3 đến 6 tháng lương cho việc chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy số tiền bạn mang đi đầu tư sẽ nằm trong mục tiêu dài hạn.
2. Không nên tham lam: Hãy đầu tư một khoản cố định vào một danh mục trong thời gian dài. Điều này sẽ giúp bạn mua vào nhiều khi giá thấp và mua ít hơn khi giá cao. Đây là chiến lược "cân bằng chi phí".
3. Tận dụng lợi thế lãi suất kép: Trong đầu tư chứng khoán, thời gian quan trọng hơn thời điểm. Do vậy, hãy tận dụng lợi thế từ lãi suất kép và tuân thủ kế hoạch đầu tư dài hạn.
4. Đa dạng hoá: Hãy xem xét tất cả các quỹ chỉ số chỉ số thấp và mở rộng danh mục đầu tư của bạn. Đây cũng là chiến lược mà nhà đầu tư huyền thoại xứ Omaha - Warren Buffet luôn nhấn mạnh với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Freddy Lim cũng cho rằng cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 có thể là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư trẻ muốn gia nhập thị trường chứng khoán bởi họ có thời gian dài để đầu tư. Theo báo cáo của Freddy Lim năm 2020, các nhà đầu tư kiên trì điều chỉnh chiến lược khi thị trường sụt giảm có mức lợi suất lớn hơn những người tháo chạy và sau đó "để tiền nằm im".
"Đây không chỉ là thời kỳ căng thẳng với riêng thị trường chứng khoán, mà còn với mỗi nhà đầu tư. Hãy cố gắng đừng nghe theo cảm xúc. Đừng bán tháo bất cứ thứ gì chỉ vì hoảng loạn, trừ những trường hợp khẩn cấp mà bạn cần tới tiền mặt", Dhruv Arora- CEO của Quỹ quản lý tài sản số Syfe có trụ sở tại Singapore cho biết.
Triển vọng dài hạn
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, sự suy thoái và ảm đạm trên thị trường sẽ còn tiếp tục kéo dài; tuy nhiên, hầu hết đều khẳng định thị trường sẽ sớm hồi phục trong những tháng tiếp theo sau khi đại dịch được kiểm soát.
"Lịch sử đã chứng minh rằng, thị trường sẽ hồi phục, hết lần này tới lần khác", Tan nhấn mạnh.
Lim cho rằng các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc đều khá mạnh và cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay sẽ chỉ mang tính trì hoãn chứ không làm mất đi sự tăng trưởng dài hạn. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi từ nền kinh tế và ghi nhận số ca nhiễm Coronavirus mới giảm mạnh trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, Chính phủ các nước bao gồm cả Hoa Kỳ đã nhanh chóng tung ra các gói cứu trợ để kịp thời kích thích nền kinh tế giữa vòng xoáy dịch bệnh.
[Điểm nóng TTCK tuần 18/11 24/11] Chứng khoán Việt Nam lao dốc bất ngờ, chứng khoán thế giới giảm nh Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường Việt Nam có một tuần giao dịch thiếu tích cực khi trên bảng điển xuất hiện những phiên giảm điểm đột ngột... 1. TTCK Việt Nam xuất hiện những cú rơi kinh hoàng Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao...