Chứng khoán thế giới: Tuần giao dịch đầy biến động
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các đồn đoán về khả năng Fed cắt giảm lãi suất là những yếu tố chính chi phối các biến động trên thị trường chứng khoán thế giới tuần qua.
Các thị trường chứng khoán thế giới trải qua một tuần đầy biến động. Ảnh minh họa: TTXVN
Những lo ngại xung quanh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng này là những yếu tố chính chi phối diễn biến của các thị trường chứng khoán thế giới trong tuần giao dịch đầy biến động vừa qua.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, các thị trường chứng khoán Âu-Mỹ tăng điểm sau khi Trung Quốc công bố các số liệu kinh tế mới và các doanh nghiệp sắp bước vào mùa công bố lợi nhuận quý II/2019.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 15/7 công bố số liệu cho hay kinh tế nước này tăng trưởng 6,2% trong quý II/2019, mức thấp nhất trong 27 năm qua, do các tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 6,3% trong tháng 6/2019 từ mức thấp nhất 17 năm qua của tháng 5/2019. Bên cạnh đó, các công ty thuộc nhóm S&P 500 được dự báo sẽ công bố lợi nhuận quý II giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo FactSet.
Bước sang phiên 16/7, thị trường chứng khoán thế giới tăng giảm trái chiều, khi tâm lý của các nhà đâu tư bị chi phối bởi những số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cùng những diễn biến địa chính trị tại châu Âu.
Giới quan sát chỉ ra rằng các nhà đầu tư trên Phố Wall phần nào tỏ ra thận trọng trong phiên này vì những số liệu kinh tế khá trái chiều của Mỹ.
Doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 6/2019 cao vượt ước tính của giới chuyên gia, cho thấy người tiêu dùng tại đây vẫn khá tự tin về triển vọng nền kinh tế. Nhưng ngành chế tạo giảm quý thứ hai liên tiếp, đồng nghĩa với việc ngành này rơi vào “tình trạng suy thoái” về mặt kỹ thuật.
Ngoài ra, một số nhà phân tích chỉ ra những bình luận từ Tổng thống Donald Trump cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khoảng cách khá xa mới đạt được một thỏa thuận thương mại – điều cũng khiến nhà đầu tư cảm thấy bất ổn.
Video đang HOT
Trong khi đó, một số người khác cho rằng sau khi các chỉ số chính đã đạt đỉnh, thị trường sẽ chứng kiến giai đoạn điều chỉnh và tình hình biến động có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Ngược lại, chứng khoán London tăng điểm tương đối mạnh do đồng bảng trong phiên này đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017 so với đồng USD là 1 bảng đổi 1,2397 USD.
Diễn biến này là do những lo ngại của giới đầu tư về một Brexit “cứng” ngày càng gia tăng sau khi cả hai ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng Anh thay thế bà Theresa May là ông Boris Johnson và ông Jeremy Hunt đều nói rằng họ sẵn sàng theo đuổi một Brexit không thỏa thuận nếu cần thiết.
Cả hai ứng viên cũng bác bỏ việc chấp nhận một điều khoản “rào chắn” gây tranh cãi liên quan vấn đề biên giới với Ireland.
Các thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đồng loạt giảm điểm trong ngày 17/7. Trong đó, Phố Wall đã rời khỏi các mức kỷ lục ghi nhận hồi tuần trước với cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, vận tải và năng lượng giảm mạnh khi “mùa” công bố báo cáo lợi nhuận bắt đầu diễn ra.
Sau khi thị trường chứng khoán tăng lên các mức cao kỷ lục trong tuần trước, các nhà phân tích thận trọng cho rằng đà tăng điểm này khó có thể tiếp diễn một phần do dự báo “mùa” báo cáo lợi nhuận năm nay sẽ kém sôi động với các kết quả kinh doanh không quá khả quan của giới doanh nghiệp.
Ngoài ra, cùng với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa được giải quyết, số liệu yếu kém về thị trường nhà đất của Mỹ cũng tác động tới niềm tin của các nhà đầu tư.
Theo nhà phân tích Fawad Razaqzada của Forex.com, các nhà đầu tư đặc biệt quan ngại về tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và cho rằng Mỹ cần nới lỏng chính cách tiền tệ ngay lập tức.
Bước sang phiên giao dịch 18/7, chứng khoán Mỹ lại đảo chiều đi lên, chấm dứt hai phiên giảm trước đó, giữa bối cảnh thị trường hướng sự chú ý vào bình luận của các quan chức Fed.
Sắc xanh đã trở lại sàn chứng khoán khi Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York, John Williams, phát biểu rằng các ngân hàng trung ương cần nhanh chóng hành động để giải quyết tình trạng yếu kém về kinh tế.
Bình luận này đã làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất cuối tháng này. Theo chiến lược gia Art Hogan thuộc National Securities, phát biểu của ông Williams đã tạo một “cú hích” cho thị trường chứng khoán.
Hiện nay, doanh nghiệp Mỹ đang bước vào mùa báo cáo lợi nhuận quý II. Ông Hogan nhận định vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá chung về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Song những báo cáo đầu tiên đã cho thấy tình trạng dễ tổn thương của lĩnh vực chế tạo.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, chứng khoán Mỹ lại chìm trong sắc đỏ sau tin tức về vụ tấn công tàu chở dầu ở Trung Đông và Fed nhiều khả năng sẽ không cắt giảm lãi suất mạnh như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
Cho đến đầu giờ chiều ngày 19/7, Phố Wall vẫn nằm trong vùng tăng điểm. Nhưng các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đã quay đầu đi xuống sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết đã bắt giữ một tàu chở dầu của Anh vì vi phạm luật hàng hải quốc tế trong khi đi qua Eo biển Hormuz, một động thái đã nhanh chóng nhận chỉ trích từ phía Mỹ và Anh.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/7 đã chỉ trích Fed trên trang Twitter cá nhân và yêu cầu ngân hàng trung ương Mỹ hạ lãi suất ngay lập tức.
Cùng ngày, tờ Wall Street Journal cho biết Fed đang hướng đến việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, thay vì một mức giảm mạnh hơn như nhiều người kỳ vọng. Giới phân tích cho rằng thông tin này đã góp phần đẩy chứng khoán Mỹ đi xuống.
Trên thị trường Phố Wall, chỉ số S&P 500 giảm 0,6% xuống còn 2.976,61 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones để mất 0,3% xuống còn 27.154,20 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 0,7% và khép phiên ở mức 8.146,49 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đã có những diễn biến trái chiều.
Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) và chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) lần lượt ghi nhận các mức tăng 0,3% và 0,2% lên 12.260,07 điểm và 7.508,70 điểm.
Trong khi đó, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) không mấy biến động và khép phiên ở mức 5.552,34 điểm, còn chỉ số tổng hợp Euro Stoxx giảm nhẹ 0,1% xuống còn 3.480,18 điểm.
Khánh Ly (Tổng hợp)
Theo bnews.vn
Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất
Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm trong phiên chiều 19/7 khi có những chỉ dấu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể "mạnh tay" cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng này.
Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất . Ảnh: Reuters
Phát biểu tại một sự kiện học thuật ngày 18/7, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams bày tỏ quan điểm rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động nhanh chóng để hỗ trợ nền kinh tế khi không có nhiều biện pháp kích thích trong tay. Nhận định của ông Williams khiến một số nhà kinh tế và nhà quan sát dự báo rằng Fed có thể hạ lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách cuối tháng này, thay vì 25 điểm cơ bản như đồn đoán trước đây.
Đóng cửa phiên 19/7 tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Tokyo đã tăng tới 420,75 điểm, tương đương 2%, khép phiên ở mức 21.466,99 điểm. Sự phục hồi này diễn ra sau khi Nikkei 225 đã để mất 2,9% trong vòng ba phiên gần nhất. Trong phiên 18/7, chỉ số này đã ghi nhận mức giảm theo ngày cao nhất trong vòng 4 tháng qua là 422,94 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng hồ hởi đi lên trước khả năng Fed sẽ hạ lãi suất. Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul phiên này tăng 27,81 điểm (1,35%) lên mức 2.094,36 điểm. Không nằm ngoài xu hướng tăng điểm, chỉ số S&P/ASX 200 tại thị trường Sydney, Australia phiên này cũng tăng 51,2 điểm (0,77%) lên 6.700,3 điểm, với tất cả các nhóm cổ phiếu đều ghi nhận khởi sắc.
Kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất cũng giúp chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh trong phiên này. Chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong tiến thêm 303,74 điểm (1,07%) lên 28.765,4 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng tăng 23,02 điểm (0,79%) lên 2.924,2 điểm khi khép phiên này.
Còn tại Việt Nam, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm ngân hàng giao dịch rất sôi động đã trở thành động lực chính cho đà tăng của thị trường chứng khoán ngày hôm nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, chỉ số VN - Indextăng 6,29 điểm lên 982,34 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 170,2 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 4.002 tỷ đồng. Toàn sàn có 156 mã tăng giá, 64 mã đứng giá và 143 mã giảm giá.
HNX - Index tăng 0,33 điểm lên mức 107,07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 28 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 456,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 72 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 85 mã giảm giá./.
H.Thủy (Tổng hợp)
Theo bnews.vn/
Chứng khoán châu Á ngập trong sắc đỏ phiên 9/7 Gần như tất cả các thị trường chứng khoán châu Á phiên chiều 9/7 đều nối dài đà giảm điểm trong phiên trước. Các nhà đầu tư đang tái đánh giá các lựa chọn chính sách về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau các tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm Mỹ. Chứng khoán châu Á...