Chứng khoán sáng 14/11: Tiền vẫn không chịu vào
Chỉ trong chừng 30 phút cuối, VN-Index nhanh chóng mất sạch mức tăng có được đầu phiên…
Chỉ trong chừng 30 phút cuối, VN-Index nhanh chóng mất sạch mức tăng có được đầu phiên. Lực cầu quá kém đã không thể duy trì đà tăng giá ở nhiều cổ phiếu, đặc biệt ở nhóm blue-chips.
Tâm điểm sáng nay là cổ phiếu dầu khí vì đêm qua giá dầu sụt giảm kinh hoàng. Giảm trên dưới 8% mà sáng nay giá dầu vẫn không ngóc lên nổi. Cổ phiếu dầu khí lập tức bị bán rất mạnh.
Ban đầu các mã dầu khí cũng không đến nỗi xấu, như GAS có lúc chỉ giảm 0,43%, PLX có lúc tăng 0,88%. Tuy vậy sức ép đã tăng dần theo thời gian và đến cuối phiên sáng, GAS lao dốc giảm 3,09%, PLX giảm 2,12%, PVD giảm 3,14%, PVS giảm 3,74%…
GAS trở thành trụ yếu nhất trong VN-Index với vốn hóa bốc hơi gần 5.400 tỷ đồng, tương đương thổi bay 0,2% khỏi chỉ số này. GAS đã thủng đáy ngắn hạn cuối tháng 10 từ ngày hôm qua trong khi PLX thì đang sát đáy tháng 7, tức là quay về điểm xuất phát.
Ngoài dầu khí, nhóm ngân hàng cũng đang điêu đứng. Hai mã dẫn dắt nhóm này giảm mạnh là VCB giảm 1,12%, CTG giảm 1,36%, thêm HDB giảm 4,67%. Các mã còn lại giảm chưa nhiều: MBB giảm 0,24%, BID giảm 0,32%, TCB giảm 0,58%, VPB giảm 0,74%. STB lại tăng 0,42%.
Tuy nhiên không nên nhìn mức giảm nhẹ mà mừng, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm hạ độ cao chóng mặt nhất. Chẳng hạn BID ban đầu còn tăng 1,61%, TCB tăng 0,79%, STB tăng 1,67%, VCB tăng 1,31%, CTG tăng 1,59%…
Video đang HOT
HPG cũng là cổ phiếu được chú ý với thông tin quỹ ngoại bán ra khối lượng lớn. Sáng nay giao dịch của khối ngoại vẫn khá hiền với bên bán chỉ hơn 1 triệu cổ, mua 655.230 cổ và tổng giao dịch 3,27 triệu đơn vị tương đương 119,3 tỷ đồng, thanh khoản lớn nhất thị trường. Tuy nhiên HPG đang giảm giá tới 2,17% và là phiên giảm thứ 7 liên tiếp với mức giảm chung xấp xỉ 10%.
Phía tăng, VN-Index vẫn đang dựa vào 3 trụ chính là VIC tăng 1,39%, VNM tăng 1,29% và SAB tăng 1,3%. Trong 3 mã này thì trừ SAB được neo giá ổn, VIC và VNM cũng đang tụt nhẹ khỏi đỉnh cao và thanh khoản thấp đáng thất vọng.
Cho đến cuối phiên sáng, sự suy yếu rất nhanh của nhiều blue-chips đã khiến các chỉ số mất hết động lực. VN-Index đã rơi xuống dưới tham chiếu, giảm 0,19%. VN30-Index vẫn còn tăng nhẹ 0,07% với 14 mã tăng/14 mã giảm, chủ yếu nhờ yếu tố kỹ thuật là GAS và VCB khá nhỏ trong chỉ số này.
Độ rộng của HSX là 143 mã tăng/115 mã giảm cho thấy giao dịch ở các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không kém. Midcap tăng nhẹ 0,12%, Smallcap tăng 0,11%. Tuy vậy đa số nhóm tăng cũng chỉ là những mã đầu cơ thanh khoản rất kém, số ít như KMR, CMX, LDG, PHR giao dịch khá sôi động.
Sàn HNX cũng chịu tác động từ cổ phiếu ngân hàng và dầu khí. ACB đang giảm 0,71% và PVS giảm 3,74% là lực kéo lớn nhất. Số tăng đáng kể duy nhất là VGC tăng 1,94%. HNX-Index đang giảm 0,46% với 55 mã tăng/64 mã giảm. HNX30 giảm 0,48% với 5 mã tăng/13 mã giảm.
Cả hai sàn sáng nay đều có diễn biến giống nhau là khá tích cực ban đầu, nhưng sau đó yếu dần. Cổ phiếu lẫn chỉ số từ từ hạ độ cao và tăng tốc trượt những phút cuối phiên. Nguyên nhân chính vẫn là lực cầu quá kém, đặc biệt tại các blue-chips nên không ngăn được áp lực bán. Rổ VN30 sáng nay lại lập kỷ lục thấp mới với giá trị khớp 555,6 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp hai sàn cũng giảm 17% so với sáng hôm qua, đạt 1.455,2 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng nhẹ. HSX được giải ngân 126,3 tỷ đồng và bán 108,1 tỷ đồng. VN30 mua 88 tỷ, bán 61,7 tỷ. HNX mua 3,6 tỷ, bán 13,5 tỷ đồng. GMD, VNM, SBT là các mã được mua ròng tốt nhất, phía bán là HPG, HDB, CTG.
Lan Ngọc
Theo vneconomy.vn
Ai sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán thời gian tới?
Xu hướng bán ròng của khối ngoại cùng với việc các quỹ ngoại bị rút vốn mạnh có thể sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư, tổ chức trong nước vươn lên nắm vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
Với xu hướng bán ròng của khối ngoại, các nhà đầu tư tổ chức trong nước có thể sẽ nắm vai trò dẫn dắt trong những phiên sắp tới.
Ảnh: N.H.
Thị trường đang trở nên nhạy cảm hơn
Trong tháng 10, khối ngoại mua ròng 9.242 tỷ đồng. Trong đó, SK Group đã mua 10.121 tỷ cổ phiếu MSN trong phiên giao dịch 2/10, đây là giao dịch khớp lệnh lớn thứ hai trong năm, chỉ sau giao dịch mua VHM hồi tháng 5. Tuy nhiên, nếu loại trừ giao dịch của MSN, khối ngoại vẫn bán ròng 879 tỷ đồng. Bán ròng diễn ra trong 17 trên tổng số 23 phiên giao dịch trong tháng và tạo ra áp lực bán khá lớn trên thị trường. Trong khi thị trường chứng khoán suy giảm, hai quỹ ETF ngoại là VanEck Vectors Vietnam ETF và FTSE Vietnam ETF cũng bị rút vốn mạnh.
Định giá (chỉ số P/E) của Việt Nam đã giảm nhanh hơn P/E các thị trường trong khu vực. Trong mẫu theo dõi gồm 8 nước của Công ty chứng khoán BVSC (Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Pakistan, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc), chỉ số P/E của Việt Nam (16,13) hiện ở mức thứ 4, thấp hơn chỉ số P/E của Ấn Độ (22,35), Indonesia (18,67), Philippines (18,28). So với thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh VN-Index 1204,33 trong năm nay thì chỉ số P/E của thị trường Việt Nam đã giảm khá mạnh từ 21,74 về 16,1, tương đương giảm 34,8%. Nếu so với mức giảm 31% của chỉ số VN-Index, có thể nhận thấy P/E giảm nhanh hơn phần nào cho thấy EPS (lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu) của thị trường có mức tăng trưởng khá tốt. Nhưng theo thống kê của BVSC, trên thực tế lợi nhuận của các doanh nghiệp có tăng trưởng tốt trong quý II và quý III, nhưng mức tăng trưởng EPS đạt mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận do nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng vốn trong hai quý vừa qua. Với mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, diễn biến của P/E theo chiều hướng tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở thời điểm khá hấp dẫn cho hoạt động giải ngân.
Cùng với diễn biến tích cực của P/E, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang có những tiến triển khi tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các quan chức Mỹ soạn một dự thảo thỏa thuận thương mại. Đây là một cú hích về mặt tâm lý cho thị trường.
Bên cạnh những tin tốt kể trên, mặc dù các chỉ số vĩ mô vẫn đạt mục tiêu của Chính phủ và các DN nội địa vẫn hoạt động tốt, thị trường chứng khoán Việt Nam dường như đang nhạy cảm hơn đối với thị trường toàn cầu và các sự kiện quốc tế. Vì vậy, tháng 10 đã trở thành tháng tồi tệ thứ hai trong năm khi VN-Index giảm 10% (gần bằng mức giảm 11% trong tháng 4). Sự sụt giảm này là do ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu và các tin xấu liên quan đến chiến tranh thương mại, tình hình Iraq... Thêm vào đó, các quỹ ETF như VNM ETF, FTSE ETF và VFMETF đã liên tục bị rút ròng trong thời gian gần đây. Xu hướng này khác với tình hình cùng thời điểm năm ngoái, khi mà các ETF liên tục được bơm ròng. Điều này làm dấy lên đôi chút lo lắng về triển vọng năm tới đối với thị trường chứng khoán.
Mặc dù vậy, sau đợt giảm mạnh, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng cơ hội mua sẽ xuất hiện trong tháng 11 sau khi các tin xấu được phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu. Thị trường sau những đợt giảm quá sâu sẽ luôn có những sự hồi phục, dù khó xác định được chính xác thời điểm, nhưng nhà đầu tư cần ghi nhớ chỉ số sẽ không tăng thần tốc trở lại theo hình chữ V mà cần nhiều thời gian. Theo đó, VDCS cho rằng chỉ số sẽ đi lên trong những tuần cuối cùng của năm 2018, khi đó là thời điểm then chốt để các quỹ đầu tư cơ cấu danh mục.
Khối nội sẽ dẫn dắt thị trường?
Báo cáo quý 3 của hai mươi công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất cho thấy họ chưa dùng hết hạn mức của mình cho khối tự doanh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định một công ty chứng khoán chỉ được phép dùng tối đa 70% vốn chủ sở hữu của mình cho nghiệp vụ tự doanh. Trừ các công ty sau như VCBS, CTS và VIX thì các công ty còn lại đều giữ vị thế tự doanh của mình dưới ngưỡng quy định này, trung bình ở mức khoảng 39%. Như vậy, các công ty chứng khoán còn dư địa rất lớn cho hoạt động tự doanh của mình. Tổng vốn chủ sở hữu của hai mươi công ty này là 49.111 tỷ đồng, theo đó họ có thể đầu tư thêm 31% vốn chủ sở hữu của mình, tương đương khoản đầu tư trị giá 15.230 tỷ VND.
Trong khi đó, báo cáo cuối tháng 9 của các quỹ lại cho thấy một bức tranh nhiều màu về vị thế tiền mặt của mình. Các quỹ dồi dào tiền mặt như VFMVF1, VFF, VCBF-TBF và ENF duy trì lượng tiền tương tương 20% đến 40% tổng tài sản. Trong khi đó, VOF chỉ có 5,5% tài sản là tiền mặt còn VEIL thì còn thấp hơn nhiều theo báo cáo vào ngày 31/10, chỉ 0,7%.
VDSC nhận định, các nhà đầu tư tổ chức với sức ảnh hưởng lớn của mình đối với thị trường vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, với xu hướng bán ròng liên tiếp của khối nhà đầu tư ngoại và các quỹ ngoại hàng đầu như VOF và VEIL đang ở trong vị thế sở hữu rất ít tiền mặt thì các nhà đầu tư tổ chức trong nước có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong thời gian sắp tới. Mức độ ảnh hưởng có thể sẽ không quá lớn vì sự e dè vẫn bao trùm thị trường sau ba đợt giảm sâu của thị trường trong năm nay.
Khải Kỳ
Theo baohaiquan.vn
Đầu tư homestay: Ngày hôm nay thắng, mai có thể thua Các chuyên gia cho rằng đầu tư homestay không quá dễ và cần biết chấp nhận thắng thua, càng không thể rót tiền theo cảm tính. Khi bắt tay vào việc, nhà đầu tư cần rành mạch các chi phí. Đừng để cảm xúc dẫn dắt đầu tư Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản và có đầu tư tại Đà...