Chứng khoán Myanmar và tham vọng vượt mặt Việt Nam
Khi sức nóng của cuộc bầu cử lịch sử tại Myanmar vẫn chưa vơi, thế giới một lần nữa hướng về thủ đô Yangon để chờ một sự kiện lớn khác: sự ra đời của sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên.
Tòa nhà Myawaddy Bank chờ đợi thời khắc ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán Yangon – Ảnh: Frontier Myanmar
Sở Giao dịch chứng khoán Yangon, dự án được lên kế hoạch bởi chính quyền quân đội từ hơn 3 năm trước, sẽ gióng tiếng chuông mở màn phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 9.12, một động thái loan báo bước tiến mới của Myanmar trong quá trình hội nhập vào làn sóng giao thương sôi nổi trong khu vực.
Nói như Thứ trưởng Bộ Tài chính Myanmar Maung Maung Thein, thành lập thị trường chứng khoán là tiến trình minh bạch hóa nền kinh tế non yếu nhất, nhưng cũng tiềm năng nhất, trong khu vực ASEAN.
“Minh bạch là yêu cầu tiên quyết, xuyên suốt toàn bộ các tiêu chí xét duyệt cho các doanh nghiệp được lên sàn”, ông Maung Thein khẳng định với tờ Myanmar Times hồi giữa tháng 8, khi Bộ Tài chính Myanmar công bố 17 “tiêu chuẩn đầu vào” cho các doanh nghiệp muốn IPO.
Còn trong cuộc gặp gỡ báo giới gần đây nhất, Thứ trưởng Maung Thein không ngần ngại đưa Việt Nam trở thành ví dụ, tấm gương, và cả… mục tiêu để vượt qua. “Người Việt Nam cho xây dựng một khách sạn ngay cạnh Sedona Hotel (ngụ ý nhắc đến tòa nhà của Hoàng Anh Gia Lai giữa Yangon – NV) bằng tiền kiếm được từ sàn chứng khoán. Nhờ những thắng lợi trên sàn giao dịch, doanh nghiệp Việt chào bán cổ phiếu và đầu tư vào dự án tầm vóc này. Chúng ta cũng có thể làm tương tự, nếu thị trường chứng khoán của chúng ta khởi phát và thành công”, ông Maung Thein, người cầm chịch tiến trình khai sinh sàn giao dịch từ trong trứng nước, động viên giới đầu tư và các doanh nghiệp vốn vẫn còn do dự trước khởi đầu mới mẻ này.
“Việt Nam phải mất đến 15 năm để đạt được bước phát triển như hiện nay, trong khi chúng ta có được điều kiện xuất phát tốt hơn nhiều. Dựa theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán của chúng ta có thể bắt kịp Việt Nam chỉ trong vòng 3 năm nữa”.
Cơ hội đường dài cho nhà đầu tư ngoại
Video đang HOT
Được Ngân hàng Kinh tế Myanmar thành lập cùng sự hỗ trợ của hai đại gia Nhật Bản, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo và ngân hàng đầu tư lớn nhất nhì đất nước mặt trời mọc – Daiwa Securities Group, sàn giao dịch Yangon có nguồn vốn đầu tư ban đầu xấp xỉ 31 tỉ kyat (gần 24 triệu USD), với số lượng các công ty niêm yết trong phiên khai mạc không quá mười đầu ngón tay. So với tổng vốn đầu tư gấp hơn một nghìn lần, khoảng 28,3 tỉ USD, Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM vẫn là một cái bóng không dễ vượt qua với số lượng 250 công ty niêm yết từ 5 năm trước.
Chủ tịch thị trường chứng khoán Thái Lan Kesara Manchusree nhận định, thị trường chứng khoán Myanmar chỉ có thể so sánh với Campuchia – nơi có 2 công ty niêm yết, và Lào, thị trường có 4 công ty tham gia. “Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, và hiện tại, họ chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp”, bà Manchusree phát biểu trong một diễn đàn kinh tế tại Thái Lan giữa tháng 11. Lời khuyên của người đứng đầu thị trường chứng khoán Thái Lan dành cho Myanmar là đừng lo lắng, nhưng cũng không nên quá kỳ vọng, nhất là trong giai đoạn đầu tiên.
Trong khi giới tài chính trông ngóng, và thậm chí đồn đoán về khả năng trì hoãn (như đã đôi ba lần trước đó) của sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên ở Myanmar, thì thị trường bất động sản Yangon có dấu hiệu chững lại, bởi một lượng không nhỏ các nhà đầu tư, trong đó có cả các nhà đầu tư nước ngoài, đang “dằn túi” chờ lướt sóng. Giới thạo tin tại Yangon cho hay, đã có khoảng 60 công ty xin cấp phép hoạt động trên sàn, đa phần trong lĩnh vực môi giới chứng khoán.
Ông Đoàn Nguyên Đức, “nhà đầu tư khách sạn” được nhắc đến ở đầu bài, chia sẻ với Thanh Niên rằng, hiện thị trường chứng khoán Myanmar còn mới mẻ, và các công ty nước ngoài, như HAGL Myanmar, chưa được IPO. Tuy vậy, khả năng người Myanmar thay đổi luật chơi khi đã phát triển hơn là hoàn toàn có thể xảy ra, và khi đó, ông chủ HAGL để ngỏ khả năng tập đoàn này sẽ tham gia sân chơi giàu tiềm năng ấy. “Họ có thị trường chứng khoán, đó là một tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế”, ông Đức cho biết qua điện thoại, “khi họ cho phép công ty nước ngoài lên sàn? Đương nhiên, tôi cũng có thể tham gia!”.
Quả chuông Aung Zeyatu, với tên gọi mang nghĩa “thành tựu”, đã chờ sẵn từ giữa tháng 8 tại tòa nhà Myawaddy Bank xấp xỉ 80 năm tuổi, với hy vọng được ngân lên báo hiệu hồi mới của nền kinh tế. Trong cùng thời điểm đó, KFC đã nhanh chóng khai trương cửa hàng tại Yangon, trở thành thương hiệu thức ăn nhanh phương Tây đầu tiên đặt chân lên đất nước này. Tất cả có vẻ như cùng chờ đợi thời khắc Myanmar gióng tiếng chuông khai sinh cho một giấc mơ đã được ấp ủ từ hai thập niên trước, và hiện đang ở rất gần ngưỡng cửa thành hiện thực.
Lan Viên
Theo Thanhnien
Myanmar tiến hành bầu cử, kỳ vọng ở bà Suu Kyi
Cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar diễn ra hôm nay 8.11, với kỳ vọng vào chiến thắng ở phía đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi, theo AFP.
Cử tri Myanmar đi bầu cử hôm 8.11, trong cuộc tổng tuyển cử được kỳ vọng công khai, minh bạch nhất sau 25 năm - Ảnh: AFP
Nhiều người Myanmar quấn Longyi, một loại sarong truyền thống, xếp hàng bỏ phiếu trong cuộc tuyển cử tự do, minh bạch đầu tiên của nước này sau 25 năm, phóng viên AFP mô tả sáng ngày 8.11.
Khoảng 30 triệu cử tri Myanmar đã đi bỏ phiếu sáng này 8.11. Họ sẽ chọn trong số 6.065 ứng viên cho các vị trí ở quốc hội và hội đồng khu vực, theo đài Al-Jazeera (Qatar). Cuộc tổng tuyển cử sẽ bầu 664 ghế trong quốc hội, nhưng đã có 25% dành cho quân đội.
Cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ quyết định xem liệu đảng cầm quyền do quân đội hậu thuẫn sẽ tiếp tục duy trì quyền lực, hay phe đối lập của bà Aung San Suu Kyi sẽ chiến thắng.
Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), đảng đối lập bên phía bà Aung Suu Kyi tin rằng việc bỏ phiếu công khai sẽ mở đường cho họ vào vị trí cầm quyền tại Myanmar sau nhiều thập kỷ đấu tranh chống độc tài.
Người dân Myanmar xếp hàng dài đợi bầu cử sáng 8.11 - Ảnh: AFP
Bà Aung San Suu Kyi, từng được giải Nobel Hòa bình, là thủ lĩnh của phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp. Bà từng bị bắt giam sau khi chiến thắng ở cuộc bầu cử năm 1990, và hôm nay là dịp để bà dẫn dắt NLD giành lại sự công bằng, bất chấp quân đội Myanmar sẽ có một phần tư số ghế trong quốc hội, theo AFP.
Bà Aung San Suu Kyi sẽ không được làm Tổng thống Myanmar do hiến pháp của nước này quy định - Ảnh: AFP
Người dân ở thủ đô Yangon và các trung tâm bỏ phiếu trên toàn Myanmar đã xếp hàng dài chờ cuộc bỏ phiếu này, trong đó có người phải đợi 30 phút trước lúc phòng phiếu mở cửa vào 6 giờ sáng (giờ địa phương), theo Al-Jazeera.
Đối với nhiều người lớn tuổi tại Myanmar, đây là sự kiện dân chủ, công bằng họ chờ đợi từ lâu - Ảnh: AFP
Bất chấp một số lo ngại về việc bà Suu Kyi, được kính trọng gọi là "Mẹ Suu" theo mô tả của AFP, có thể chiến thắng và cầm quyền hay không, cuộc bỏ phiếu lần này cũng là một tín hiệu vui cho nền dân chủ.
Cảnh sát bảo vệ đặc biệt tại một điểm bỏ phiếu ngày 8.11 tại Myanmar - Ảnh: AFP
Bà Suu Kyi, 70 tuổi, sẽ không thể trở thành Tổng thống Myanmar theo hiến pháp nước này, vì con của bà có quốc tịch nước ngoài. Mặc dù vậy, bà tuyên bố sẽ đứng ở vị trí "trên tổng thống" nếu NLD giành chiến thắng.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Các sàn chứng khoán cạnh tranh trong cuộc chiến IPO toàn cầu Một xu hướng đang càn quét trên thị trường chứng khoán toàn cầu hiện nay chính là IPO quốc tế, mở ra "cuộc chiến" cạnh tranh giữa sác sàn giao dịch trên toàn cầu. Tính riêng trong 2 năm qua, con số các các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành IPO tại New York Stock Exchange đã tăng hơn gấp đôi, theo số...