Chứng khoán Mỹ lên mức kỷ lục bất chấp lo ngại kinh tế gia tăng
Trong phiên giao dịch khép lại tuần vừa qua, cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều leo lên mức cao nhất mọi thời đại khi giới đầu tư lạc quan về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ra quyết định giảm lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này.
Theo giới phân tích, việc chứng khoán Mỹ bất chấp các mối lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ là do giới đầu tư không còn sự lựa chọn đầu tư nào tốt hơn chứng khoán vào thời điểm này.
Lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mốc trên 3.000 điểm. Ảnh: New York Times
Kết thúc phiên giao dịch hôm 12-7, chỉ số S&P 500 (đo lường biến động giá cổ phiếu của 500 công ty đại chúng có vốn hóa lớn nhất Mỹ) tăng 0,46% lên mức 3.013,77 điểm và đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số này vượt ngưỡng 3.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0,9% và 0,59%, lên mức 27.332,02 điểm và 8.214,14 điểm, đỉnh mới của hai chỉ số này.
Thị trường chứng khoán Mỹ hồ hởi tăng điểm sau khi tại cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ hôm 10-7, Chủ tịch Fed, Jerome H. Powell, bày tỏ lo ngại về các rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ bao gồm cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động và sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu. Các phát biểu của ông Powell phát đi tín hiệu cho thấy Fed có khả năng cao sẽ ra quyết định giảm lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed.
Triển vọng kinh tế Mỹ suy yếu có thể buộc Fed phải can thiệp củng cố nền kinh tế bằng nhiều đợt cắt giảm lãi suất, giúp giảm chi phí vay tiêu dùng và đầu tư. Động thái này sẽ giúp cải thiện lợi nhuận của các công ty đại chúng, từ đó, tác động tích cực đến giá cổ phiếu của họ.
Thị trường chứng khoán Mỹ từng tăng điểm mạnh khi Fed cắt giảm lãi suất vào các năm 2012 và 2015, giúp chỉ số S&P 500 tăng gần 45%. Giới đầu tư xem chu kỳ tăng điểm trong giai đoạn đó là nhờ hiệu ứng TINA (không có sự lựa chọn nào khác, viết tắt của cụm từ tiếng Anh: There Is No Alternative). Hiệu ứng thị trường TINA dường như đang xuất hiện trở lại khi không có kênh đầu tư lớn nào khác, từ trái phiếu cho đến bất động sản, hấp dẫn hơn kênh đầu tư cổ phiếu vào thời điểm này.
Mức lãi suất thấp của các loại tiền tệ khiến lợi tức từ các khoản đầu tư trái phiếu của các chính phủ trên thế giới kém hấp dẫn là nguyên nhân chính khiến giới đầu tư chuyển sang tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Video đang HOT
Dù đối mặt với các rủi ro, nền kinh tế Mỹ vẫn đang vận hành tốt hơn nhiều so với nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Hơn nữa, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ ít bị yếu tố đầu cơ chi phối nên mức định giá vẫn còn hấp dẫn.
Các nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái sớm nhất trong năm tới chỉ dịu bớt, chứ chưa bị loại bỏ hoàn toàn khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa biết khép lại lúc nào, nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ và các căng thẳng địa chính trị có thể leo thang.
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế và việc làm ở Mỹ vẫn tích cực, cho thấy rằng suy thoái không phải là nguy cơ cận kề. Giới đầu tư tin rằng Fed sẽ quyết liệt cắt giảm lãi suất để duy trì chu kỳ tăng trưởng kéo dài kỷ lục của Mỹ.
Một thông tin tốt nữa là giới đầu tư không lạc quan quá mức. Trong tuần này, tỷ lệ phần trăm các nhà đầu tư cá nhân kỳ vọng thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong sáu tháng tới vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình của kỳ vọng này trong 9 tuần liên tiếp trước đó, theo cuộc khảo sát của Hiệp hội Các nhà đầu tư cá nhân Mỹ.
“Giới đầu tư chứng khoán vẫn duy trì mức độ nghi ngờ lành mạnh. Họ nhận thức rõ các dấu hiệu kinh tế tăng trưởng chậm lại đang xuất hiện. Nhưng trong một thị trường TINA, họ biết gửi gắm tiền vào đâu?”, JC O’Hara, nhà nghiên cứu thị trường ở công ty MKM Partners, nói.
Tâm lý nhà đầu tư được xem là một chỉ số ngược: khi lạc quan dâng cao, điều này có thể cho thấy giới đầu tư phớt lờ các rủi ro và sẵn sàng rót tiền vào các cổ phiếu với niềm tin giá của chúng chỉ có thể tăng. Ngược lại, nếu nhà đầu tư quá bi quan, đó là dấu hiệu cho thấy thị trường đã chạm đáy.
Các nhân viên giao dịch ở Sàn chứng khoán New York. Ảnh: Getty
Hiện nay, tâm lý của giới đầu tư đang trung lập, tức không quá lạc quan và cũng không quá bi quan. Điều này có nghĩa là quyết định giảm lãi suất của Fed cùng với các dữ liệu kinh tế và kết quả kinh doanh tích cực hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp có thể thúc đẩy các nhà đầu tư nghi ngờ mua vào cổ phiếu, giúp thị trường chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng.
Một số nhà phân tích cảnh báo hiệu ứng TINA lần này sẽ không mạnh giống như năm 2012 và 2015 hay vào cuối thập niên 1990 khi Fed cắt giảm lãi suất, giúp thị trường chứng khoán thăng hoa.
Dù vậy, nếu căn cứ vào dữ liệu lịch sử, giới đầu tư chứng khoán Mỹ có thể yên tâm. Khi Fed bắt đầu khởi động một chu kỳ cắt giảm lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ thường tăng điểm kéo dài qua năm sau đó.
“Nếu nhìn lại tất cả các đợt cắt giảm lãi suất của Fed kể từ năm 1954, bạn sẽ thấy chúng thường thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng lên mức cao hơn trong 12 tháng tiếp theo”, Audrey Kaplan, Giám đốc chiến lược cổ phiếu toàn cầu ở Viện Đầu tư Wells Fargo, nói.
Theo nghiên cứu của Kaplan, Fed đã tiến hành 16 đợt giảm lãi suất kể từ năm 1954 và một năm sau 13 đợt giảm lãi suất, chứng khoán Mỹ đạt mức cao hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy 12 tháng sau khi Fed khởi động cắt giảm lãi suất, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 14%.
Theo New York Times
Tăng hơn 220 điểm, Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 27.000 điểm
Phiên giao dịch ngày thứ Năm (11/7), hai trong số ba chỉ số lớn của chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng, trong đó chỉ số Dow Jones đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 27.000 điểm
Ảnh: Getty Images/Spencer Platt
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 tăng 6,84 điểm, tương đương 0,23% lên 2.993,07 điểm. Đây là mức đóng cửa cao thứ hai trong lịch sử của chỉ số này, mức kỷ lục 2.995,82 điểm được thiết lập hôm 3/7. Trong phiên ngày thứ Tư (10/7) chỉ số S&P 500 lần đầu phá vỡ mốc 3.000 điểm đạt mức 3.002,89 điểm.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục tăng và bứt phá lên mức cao kỷ lục 27.088,08 điểm, tăng 227,88 điểm, tương đương 0,85% so với chốt phiên trước đó.
Chỉ số Dow Jones tăng lên mức cao kỷ lục vào ngày 11/7, công lớn nhất thuộc về cổ phiếu của gã khổng lồ thẻ tín dụng Visa, góp 390 điểm (cổ phiếu của Visa đã tăng gần 50% từ giữa tháng 1/2018 đến nay), tiếp đến là cổ phiếu của Microsoft góp 324 điểm, cổ phiếu của McDonald's góp 256 điểm, cổ phiếu của Walt Disney DIS góp 213 điểm,...
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu của các công ty dược cũng có những đóng góp không nhỏ. Trong đó, cổ phiếu của UnitedHealth đã tăng hơn 5% (góp 63 điểm) sau khi Nhà Trắng từ bỏ đề xuất loại bỏ giảm giá thuốc. Tương tự, cổ phiếu của CVS Health và Cigna cũng tăng nhờ tin tức này, khi tăng lần lượt đạt 4,6% và 10,8%.
Cổ phiếu Delta Air Lines tăng 0,9% nhờ lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng. Cổ phiếu Amazon tăng 0,6%, đưa vốn hóa thị trường của nó trở lại trên 1 nghìn tỷ USD.
Trong khi chỉ số S&P 500 và chỉ số Dow Jones tăng, chỉ số Nasdaq lại giảm 0,08%, tương đương 6,49 điểm, xuống 8.196,04 điểm.
Khi mà thị trường trái phiếu của Mỹ với tổng trị giá hơn 13.000 tỷ USD trên toàn thế giới đang mang lại lợi nhuận âm, không có gì đáng ngạc nhiên khi dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Mỹ.
Bên cạnh đó, những phát biểu ôn hòa của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell gợi mở về khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối tháng đã tiếp thêm động lực cho thị trường chứng khoán.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 5,22% xuống còn 2,07% vào cuối tháng 5/2019. Trước đó, kết thúc năm 2018, lợi tức trái phiếu chốt ở mức 2,69%.
Theo Bizlive
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần 8-127 Mã cổ phiếu DAH của Công ty Cô phân Tâp đoan Khach san Đông A đã gây chú ý khi có nguyên tuần tăng kịch biên độ và dẫn đầu trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HOSE... Đào Vũ Theo vneconomy.vn