Chứng khoán chiều 4/12: EIB tạo thanh khoản lớn, trụ đỡ VN-Index tăng mạnh
Thị trường đã thoát ra được trạng thái giao dịch yếu nửa cuối phiên sáng và khởi động một đợt tăng rất mạnh nhờ các trụ. Thanh khoản chiều nay thật ra khá yếu và EIB khiến yếu tố này bị nhiễu.
Đầu tiên là về thanh khoản, EIB buổi sáng chìm nghỉm như mọi ngày với mức giao dịch chỉ hơn 2 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Chiều nay đột nhiên cổ phiếu này khớp lệnh tới hơn 538 tỷ đồng. Bình thường EIB không có đủ cung cầu để tạo thanh khoản lớn như vậy. Đây có thể là giao dịch thỏa thuận được thực hiện qua phương thức khớp lệnh.
Giao dịch của EIB quá đột biến nên đẩy tổng giá trị khớp lệnh hai sàn buổi chiều lên tận 2.191 tỷ đồng. Con số “thực” nếu không có đột biến chỉ vào khoảng 1.653 tỷ đồng, tức là giảm 17% so với phiên sáng. Rổ VN30 chiều nay cũng chỉ giao dịch hơn 843 tỷ đồng, giảm 9% so với phiên sáng.
Tuy thanh khoản không nhiều nhưng thị trường lại có một đợt tăng chóng mặt. VN-Index vài phút đầu phiên chiều đã sụt giảm xuống dưới tham chiếu. Ngay lập tức một số trụ tăng vùn vụt đã kéo ngược chỉ số lên. VN-Index từ đáy thấp nhất buổi chiều ở 950,89 điểm đã bay thẳng lên 960,44 điểm trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Nhiều mã có công trong đợt kéo chỉ số này, nhưng ấn tượng nhất là VHM. Cổ phiếu này từ mức 79.100 đồng vài phút đầu phiên chiều đã tăng vọt lên 83.000 đồng khoảng 2 phút trước khi VN-Index đạt đỉnh. Mức tăng 4,93% trong thời gian ngắn như vậy là khá sốc. VHM là cổ phiếu lớn thứ 2 sau VIC trong chỉ số này. Về cuối phiên VHM có chững lại nhưng chốt vẫn tăng 5,53% so với tham chiếu.
VNM cũng có vai trò rất lớn cùng với VHM. Ở đợt tăng đột biến đầu phiên chiều, VNM tăng chưa tới 1% cùng thời điểm với VIC nhưng thế cũng là rất mạnh. VNM góp sức nhiều hơn ở đợt đóng cửa, giá được đẩy tăng cao hơn nữa và chốt trên tham chiếu 2,17%.
Video đang HOT
Nhóm TCB, MSN, VRE cũng là những cổ phiếu diễn biến cùng chiều với hai trụ nói trên và tăng rất tốt. TCB đóng cửa tăng 2,21%, MSN tăng 2,31%, VRE tăng 4,31%.
Số còn lại diễn biến giá bình bình chiều nay. Cổ ngân hàng chủ đạo là giảm với CTG dẫn đầu, giảm 1,04%, HDB giảm 0,94%, TPB giảm 1,7%, MBB giảm 0,68%, VCB giảm 0,69%, BID giảm 0,45%. VPB tăng 1,59% cũng rất tốt nhưng sức kéo đối với VN-Index là hạn chế. VPB chủ yếu đẩy VN30-Index.
VN-Index đóng cửa tăng 0,76% là một kết quả khá bất ngờ, vì tình trạng giao dịch yếu phiên sáng có nguy cơ dẫn đến kết cục giảm nhiều hơn. VN30-Index chốt tăng 0,62%. HSX phân hóa tích cực với 139 mã tăng/150 mã giảm, riêng VN30 là 14 mã tăng/10 mã giảm.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có thêm một phiên mua ròng nữa nhưng hơi nhỏ. Tổng giá trị mua ròng trên hai sàn khoảng 32,2 tỷ đồng. Cụ thể, HSX được mua 626,6 tỷ đồng, bán ra 593,2 tỷ đồng. HNX mua 7 tỷ, bán 8,2 tỷ đồng.
Lan Ngọc
Theo vneconomy.vn
Chứng khoán chiều 4/12: Phái sinh khó thở, vênh gần 15 điểm với VN30
VN-Index và VN30 đều hồi phục khá tốt sau khi nhịp rung lắc xuất hiện vào cuối phiên sáng và đầu giờ chiều. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 trở nên biến động mạnh và xuất hiện biên độ trong phiên gần 14 điểm. Cùng với đó, hợp đồng này cũng đang kém VN30 xấp xỉ 15 điểm.
VN-Index 4/12.
VHM ( 5,53%) là một đầu tàu đã giúp nhiều cho VN-Index bật tăng lại 0,76% lên 958,84 điểm trong chiều nay sau khi có nhịp bị nhúng xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên, mã này lại không phải là thành phần trong rổ VN30 để đẩy chỉ số này cũng tăng theo. Thay vào đó, các mã lớn VNM ( 2,2%), VRE ( 4,3%), MSN ( 2,3%) là những đầu tàu.
Cuối phiên, VN30 đóng cửa tại 927,46 điểm và cao hơn VN30F1812 tới 14,66 điểm. Không chỉ tạo nên khoảng cách lên mà đồng thời người giao dịch các hợp đồng phái sinh cũng trở nên bất an khi hợp đồng này đã nhiều lần đảo chiều trong phiên. Biên độ lớn nhất trong phiên hôm nay ghi nhận là 13,8 điểm đã làm cho cả phe mở vị thế mua và bán đều khó có thể yên tâm.
Với thị trường chung, nhịp rung lắc hôm nay chưa khiến cho nhà đầu tư bán mạnh. Các cổ phiếu lớn giảm giá không đáng kể như BID (-0,45%), VCB (-0,7%), GAS (-0,52%), HPG (-0,57%), PLX (-0,5%).
Trong khi đó, giá trị giao dịch toàn HOSE vẫn rất tốt khi đạt 5.029 tỷ đồng, tương đương 227,42 triệu đơn vị, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 1.368 tỷ đồng.
EIB ( 2,17%) đã giao dịch đầy đột biến tới 37,27 triệu đơn vị, tương đương 540 tỷ đồng. Ngoài ra, HOSE còn có được 5 mã khác đạt trên 100 tỷ đồng là MBB, HPG, VNM, VRE, VPB. Và tính chung lại tỷ lệ tăng/giảm là 4 mã/2 mã.
Số lượng các mã tăng/giảm trên toàn HOSE cũng có sự thay đổi tốt hơn với 137 mã tăng so với 153 mã giảm và 60 mã đứng giá tham chiếu.
Một số mã đã tự tin tăng giá hơn như GMC ( 6,1%), NAF ( 3,4%), LHG ( 4,3%), TCM ( 3,4%), ANV ( 4,32%), VHC ( 4,44%) dù đối tượng phù hợp với các cổ phiếu này là nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn có tâm lý rất nhạy cảm.
Tại HNX, VCG( 7,3%), VGC ( 4,82%) vẫn thể hiện tốt hơn ACB (-0,64%), PVS (0%) nhưng cũng cần lưu ý đến lực cầu mua vào đã xuất hiện trở lại tại 2 cổ phiếu ACB và PVS sau phiên sáng được buông ra để bên bán chốt lời.
Nhờ đó, mức giảm của HNX-Index cũng thu hẹp lại, chỉ còn để mất 0,23% xuống 107,4 điểm. Thanh khoản sàn đạt 36,6 triệu đơn vị, tương đương 525 tỷ đồng trong đó chỉ có 10 tỷ đồng đến từ thỏa thuận.
Với UPCoM, các mã lớn là POW ( 4,7%), VEF ( 5,4%), MCH ( 3,4%) đều tăng tốt nên đã đem lại sự bật lại của UPCoM-Index sau các nhịp rung. Chỉ số đóng cửa tăng 0,57% lên 53,36 điểm. Thanh khoản đạt 15,57 triệu đơn vị, tương đương 313 tỷ đồng.
MAI HƯƠNG
Theo Trí Thức trẻ
Giá trị giao dịch cổ phiếu niêm yết trên HNX giảm gần 30% Tháng 11 bắt đầu với diễn biến thị trường theo chiều hướng giảm, đặc biệt giảm mạnh vào giữa tháng, nhưng ngay sau khi giảm mạnh, thị trường đã tăng trở lại trong nửa sau của tháng, trong đó đan xen một số phiên giảm điểm. Tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng xấp xỉ 280 tỷ đồng trên HNX....