Chứng khoán châu Á tiếp tục mất điểm
Trong phiên chiều nay, phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đi xuống do tâm lý thị trường lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng giảm trong khi nguồn cung ứng dầu mỏ dư dôi
Chứng khoán châu Á tiếp tục mất điểm. Ảnh minh họa: Reuters
Trong phiên giao dịch chiều ngày 14/11, phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đi xuống do những quan ngại về khả năng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, trong bối cảnh nhu cầu đối với dầu mỏ yếu đi trong lúc nguồn cung dư dôi.
Lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới ảm đạm đã ảnh hưởng đến chỉ số MSCI của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) trong phiên với chỉ số này giảm 0,5%.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đều mất điểm, do lo ngại nền kinh tế nước này tăng chậm lại sau khi số liệu kinh tế tháng 10/2018 cho thấy doanh số bán lẻ chỉ tăng 8,6% – mức tăng thấp nhất kể từ tháng 5/2018.
Video đang HOT
Điều này làm dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp sẽ hạn chế đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Khép phiên 14/11, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong và Shanghai composite ở Thượng Hải giảm 0,5% và 0,85%, xuống lần lượt 25.792,87 điểm và 2.632,24 điểm.
Chỉ số S&P/ASX 200 tại Sydney (Australia) giảm 1,74%, hay 101,40 điểm, xuống 5.732,80 điểm; chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 0,15% (hay 3,18 điểm) xuống 2.068,05 điểm.
Trong khi đó, thị trường Tokyo đảo chiều phục hồi nhẹ sau khi sụt giảm hơn 2% trong phiên trước đó, nhờ các thông tin mới về đối thoại thương mại Mỹ – Trung Quốc, và nước Anh thông báo đạt được một thỏa thuận sơ bộ với Liên minh châu Âu (EU) về Brexit.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản khép phiên tăng 0,16% lên 21.846,48 điểm
Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán đều giảm điểm khi mở cửa phiên giao dịch 14/11.
Chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 0,6% xuống 7.012,77 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức) giảm gần 0,7% xuống 11.394,75 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm gần 0,8% xuống 5.062,44 điểm.
Q.Chung (Tổng hợp)
Theo bnews.vn
Chứng khoán Âu-Mỹ đồng loạt đi lên
Các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đều tăng điểm trong ngày 7/11 sau khi kết quả bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đã không gây bất ngờ cho giới đầu tư và các thị trường.
Vào lúc đóng cửa ngày giao dịch 7/11 trên thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng 2,1% lên 26.180,30 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 2,1% lên 2.813,89 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 2,6% lên 7.570,75 điểm.
Chứng khoán Âu-Mỹ đồng loạt đi lên. Ảnh minh họa: AFP
Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Vương quốc Anh) chốt phiên với mức tăng 1,1% lên 7.117,28 điểm, chỉ số DAX 30 tăng 0,8% của thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,8% lên 11.579,10 điểm khi đóng cửa. Còn chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) khép lại ngày giao dịch 7/11 với mức tăng 1,2% lên 5.137,94 điểm. Riêng chỉ số Euro Stoxx 50 chốt phiên tăng 1,2% lên 3.246,16 điểm.
Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ 2018 kết thúc với cán cân quyền lực chia đều cho cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Chiều 7/11 theo giờ Việt Nam, các kết quả bỏ phiếu tại những bang cuối cùng của nước Mỹ dần được công bố với ưu thế đa số về tay đảng Dân chủ tại Hạ viện, còn đảng Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Lịch sử trong quá khứ cho thấy bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ là một sự kiện vô cùng quan trọng, quyết định rất nhiều tới con đường còn lại trong nhiệm sở của một Tổng thống Mỹ, cũng như định hình tương lai chính trị của "xứ cờ hoa" trong hai năm tới. Với kết quả trên, trong chặng đường nửa cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền Cộng hòa chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chương trình nghị sự hiện tại, cũng như nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận từ các đối thủ chính trị để thúc đẩy việc thông qua các dự luật.
Theo chuyên gia Jamel Ahmad của FXTM, các thị trường tài chính tiếp tục đà đi lên trong bối cảnh giới đầu tư không bất ngờ trước kết quả của cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Còn ông Nader Naeimi, một lãnh đạo của AMP Capital Investors ở Sydney (Australia), cho rằng kết quả bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ là một "kết quả tốt" cho nền kinh tế thế giới.
Trong khi đó, nhà kinh tế quốc tế trưởng James Knightley của ING nhận định, sự phân tán quyền lực ở Quốc hội Mỹ có thể dẫn tới tình trạng "ách tắc" trong việc thông qua các chính sách của nước này, đồng thời kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ cũng làm giảm sức ép đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc phải tăng lãi suất mạnh hơn trong thời gian tới.
Về phần mình, nhà phân tích trưởng về thị trường Neil Wilson của Markets.co cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể bị ảnh hưởng của kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và điều này đồng nghĩa với việc áp thuế quan lẫn nhau của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn tiếp diễn, tác động tiêu cực tới người dân và các doanh nghiệp ở Mỹ.
Anh Quân (Theo AFP)
Chứng khoán châu Á "nín thở" theo dõi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ Chứng khoán châu Á biến động trái chiều ngày 7/11 khi nhà đầu tư hướng sự chú ý vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đầy gay cấn ở Mỹ. Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ chi phối các sàn châu Á. Ảnh minh họa: TTXVN Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) đã không giữ được...