Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ‘cân não’ giáo viên
Giáo viên tưởng thở phào nhẹ nhõm, mừng như ‘bắt được vàng’ khi 2 chứng chỉ tin học và ngoại ngữ được xóa bỏ thì nay lại phải bỏ tiền túi ra học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp…
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang ‘làm khó’ giáo viên. (Ảnh: YN)
Ngày 2/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một chùm các Thông tư 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Điểm mới được nhiều nhà giáo quan tâm là việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Theo đó, hai chứng chỉ tin học và ngoại ngữ đã bao năm “hành” giáo viên nay chính thức được xóa bỏ.
Tuy nhiên, xóa bỏ hai loại chứng chỉ này lại “đẻ” ra loại chứng chỉ khác. Nếu như với tin học và ngoại ngữ, mỗi giáo viên chỉ cần hai tờ chứng chỉ là đủ thì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên phải có nhiều hơn thế. Thậm chí, có thầy cô giáo phải “cõng” tới ba cái chứng chỉ chức danh.
Đồng thời, giáo viên hoang mang, lo lắng trước thông tin từ ngày 20/3, chùm thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập có hiệu lực. Theo đó, giáo viên ở hạng nào, ứng với chứng chỉ chức danh hạng đó. Trong khi đó, Sở, Phòng liên tục gửi công văn về trường thông báo chiêu sinh lớp học càng khiến người thầy hoang mang hơn.
Bài toán đi học lấy chứng chỉ hay không đi được nhiều thầy cô mang ra “cân não”. Đi học sẽ mất hai triệu rưỡi, mất hơn nửa tháng lương của giáo viên có thâm niên công tác 5 năm. Không đi học ngộ nhỡ bị xuống hạng hoặc không được thăng hạng thì sao?
Thế là, ai cũng “tặc lưỡi” thà mất vài triệu còn hơn một tháng mất vài trăm. Đi học mà lòng ai cũng thấy xót xa, thấy lãng phí.
Đặc biệt, nhìn vào 10 nội dung cần bồi dưỡng thì cả 10 chuyên đề không có nội dung nào mới hay nói cách khác, những nội dung của từng chuyên đề đã quá cũ, quá quen thuộc với giáo viên.
Đó là những nội dung mà giáo viên đã học trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên hằng năm, nội dung sinh hoạt trong tổ chuyên môn hằng tháng, nội dung giáo viên đã được học tại trường sư phạm hay những kiến thức học trong thực tế tại nơi giảng dạy.
Phải khẳng định ngay rằng, giáo viên không cần cái giấy chứng nhận chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vẫn dạy học và giáo dục học sinh tốt. Thực tế đã cho thấy bao năm qua, giáo viên không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng ngành giáo dục vẫn gặt hái rất nhiều thành công cả trong nước và trên đấu trường quốc tế.
Nay, thông tư quy định phải có chứng chỉ nghề nghiệp dẫn đến nhiều thầy cô đi dạy hơn 20 năm, có người gần về hưu bỗng chốc phải “vét hầu bao” để đi học vài ba bữa cố lấy cái giấy hợp pháp kẹp hồ sơ. Hỏi có phi lý hay không?
Điều mong muốn của nhiều giáo viên lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy bãi bỏ quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như bãi bỏ hai loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Giáo viên cần có thời gian, sức lực chăm lo cho việc dạy và giáo dục học sinh, cùng với đó là việc tìm hiểu và học các modun về chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Thực tế, việc ngày đêm lo lắng về học phí học chứng chỉ, dành thời gian để học lấy hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác chỉ để làm đẹp hồ sơ càng làm cho đời sống nhà giáo vốn khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, vô hình trung làm cho lòng nhiệt huyết với nghề cũng bị mai một.
Học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp gồm những nội dung gì?
Video đang HOT
Chuyên đề 1: Lý luận về Nhà nước và hành chính Nhà nước.
Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo.
Chuyên đề 3: Quản lý giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường.
Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học, xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường.
Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên.
Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường.
Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên.
Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.
Ma trận chiêu sinh chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên chạy đâu cho thoát
"Chứng chỉ thay thế" sẽ là chứng chỉ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp"...
Giáo viên bị vây giữa cả rừng thông báo
Học 4 năm đại học mà vẫn phải cần một tờ giấy chứng nhận gọi là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nực cười hơn, nhiều giáo viên đi dạy đã vài chục năm nhưng vẫn đang lo nơm nớp nếu không có được cái chứng nhận ấy sẽ bị tụt hạng, xuống lương.
Các trường học liên tục nhận được thông báo mở lớp chiêu sinh học chứng chỉ Chức danh nghề nghiệp từ cấp trên gửi về (Ảnh tác giả)
Lo lắng, hoang mang càng mất phương hướng khi sở, phòng, hiệu trưởng liên tục gửi các thông báo về tầm quan trọng của cái chứng chỉ ấy và thời gian chiêu sinh lớp học. Bên cạnh đó, có những trường hiệu trưởng còn đe: "Ai không đi học sẽ xuống hạng, giảm lương".
Tin nhắn của một lãnh đạo trường học cho giáo viên (Ảnh tác giả).
Thế là, nhiều thầy cô giáo đã tặc lưỡi rủ nhau nộp tiền đăng ký đi học mang theo bao nỗi ấm ức khôn nguôi.
Sự nôn nóng của các sở, phòng nhiều giáo viên mất tiền học chứng chỉ oan
Không chỉ một địa phương mà khá nhiều nơi trong cả nước, sở, phòng giáo dục rất nôn nóng, nhiệt tình trong việc thông báo chiêu sinh các lớp học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đặc biệt là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên bị vây giữa rừng thông báo (Ảnh tác giả)
Mặc dù trong các công văn không có câu chữ nào bắt buộc, có thông báo còn ghi là tự nguyện nhưng với việc giáo viên liên tục nhận được những yêu cầu chiêu sinh như thế sao không khỏi lo âu?
Ngoài những thông báo mở lớp, có những hiệu trưởng còn nói trong cuộc họp, nhắn tin về việc thăng hạng, trụ hạng, về việc không đủ chứng chỉ theo quy định sẽ ảnh hưởng đến việc hưởng lương, nâng lương...
Giáo viên thiếu thông tin về việc thăng hạng, giữ hạng, về những chủ trương của Bộ Giáo dục, cộng với luôn bị vây hãm bởi những thông báo nhiệt tình đi học chứng chỉ như vậy từ cơ quan chuyên môn, từ cấp trên của mình, hỏi sao không thấy hoang mang để ùn ùn kéo nhau đi đăng ký học.
Để rồi khi có tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101 về việc thay đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để khỏi làm khổ giáo viên, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi chỉ còn biết thở dài tiếc nuối.
Đề nghị của Bộ Giáo dục gửi Bộ Nội vụ có nội dung mà nhiều thầy cô giáo đang rất hy vọng:
"Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).
"Chứng chỉ thay thế" sẽ là chứng chỉ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp' ông Đặng Văn Bình Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời phóng viên Giáo dục Việt Nam.[1]
Nhiều giáo viên lỡ nộp tiền đi học chứng chỉ khó đòi lại
Cô giáo N. giáo viên thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Phan Thiết cho biết: "Nhận được công văn thông báo của phòng giáo dục về việc mở lớp học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tụi em khá lo nên đăng ký đi học.
Tin nhắn của một giáo viên khi trót nộp tiền học chứng chỉ xin rút lại nhưng không được (Ảnh tác giả)
Sau khi đọc một số bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và biết được Bộ Giáo dục vẫn đang đề nghị được thay chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nên tụi em không muốn đi học nữa và chờ đợi xem sao?
Thế nhưng tiền nộp vào thì dễ còn xin rút lại quá khó. Người ta nói hồ sơ đã chuyển ra Đà Nẵng hết rồi. Cho tụi em số điện thoại liên lạc nhưng gọi hoài chỉ nghe tiếng ồ í e".
Nói rồi cô N. cho biết khá nhiều giáo viên trong tình cảnh của mình. Một số giáo viên khác lại hồ hởi vì thấy may chưa đăng ký kẻo lại mất tiền oan.
Học kiểu gì mà chỉ 1 buổi là có ngay chứng chỉ?
Chúng tôi nhận được lời mời chào học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trực tuyến của cán bộ chiêu sinh ở một trường đại học tận ngoài Hải Phòng.
Người này cho biết: "Giáo viên chỉ cần gửi hồ sơ, kinh phí là được cấp mã để học".
Khi nghe chúng tôi nói không có thời gian tham dự lớp học thì người này cho biết: "Trong lịch học ghi là 4-5 buổi nhưng chỉ cần có mặt một buổi là gửi bài thu hoạch (bên em sẽ in và nộp dùm cho các thầy cô) là có ngay chứng chỉ.
Một đồng nghiệp của chúng tôi đã tham dự lớp học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho biết: "Học cái gì đâu, giáo viên đến lớp học thưa thớt, giảng viên giới thiệu nội dung sẽ học và cho địa chỉ để giáo viên học trên online.
Phần học ở lớp, giảng viên đọc chép một số nội dung, hết buổi ra về cho câu hỏi để làm bài thu hoạch. Do có google hỗ trợ nên ai cũng hoàn thành bài viết của mình dù thế cũng chẳng ai quan tâm rằng trả lời như thế là đúng hay sai. Hết khóa học, ai cũng nhận được chứng chỉ theo quy định".
Rõ ràng, một thực trạng đang diễn ra việc bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hiện không có chất lượng. Điều được là làm giàu cho một số trường đại học đang liên kết với các cơ sở giáo dục và điều mất lại lớn hơn rất nhiều.
Giáo viên không chỉ mất tiền đi học (từ 2.5 triệu đến 3.5 triệu đồng) mà điều mất lớn hơn chính là trực tiếp tiếp tay cho sự gian dối (điều mà giáo viên phải cương quyết nói không).
Trong lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang chủ trương thay thế hình thức học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo để trách việc mất tiền oan thì các địa phương cũng nên dừng việc liên tục ra thông báo chiêu sinh lớp học để tránh cho nhà giáo khỏi hoang mang, lo lắng.
Khao khát lúc này của nhiều thầy cô giáo chính là Bộ Nội vụ chấp nhận đề nghị của Bộ Giáo dục, chuyển đổi việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mất học phí thành học miễn phí bằng cách cho giáo viên tự học, tự nghiên cứu và viết bài thu hoạch như hình thức học bồi dưỡng thường xuyên hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-de-xuat-thay-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-bang-chung-chi-gi-post211251.gd
Tương lai gần sẽ có một đội ngũ giáo viên trình độ ngoại ngữ, tin học thực chất Bao năm qua, GV luôn bị hành bởi quy định về các loại chứng chỉ. Để hợp thức hóa hồ sơ, nhiều thầy cô giáo phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mang về những tờ chứng chỉ có dấu đỏ để kẹp hồ sơ cho đủ quy định. Ảnh minh họa. Không còn quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin...